Không chỉ nổi tiếng trong giới học thuật, đối với các bạn du học sinh Việt Nam PGS Shimizu Massaki được coi như người thầy của rất nhiều thế hệ cho dù thầy giảng dạy môn Tiếng Việt và chưa từng học qua thầy một môn nào. Nhưng chỉ cần một lần được tiếp xúc với thầy hầu hết sẽ hoàn toàn sẽ bị thuyết phục, thậm chí ngay lập tức yêu mến người thầy giản dị và “Nói tiếng Việt chứa chan tình cảm” như lời một du học sinh đã từng được thầy giúp đỡ nhiệt tình chia sẻ.
“Trong đời tôi có hai cơ duyên quan trọng, và cơ duyên đầu tiên là với Tiếng Việt!”
Khó có thể lý giải rằng tại sao một thanh niên vừa rời khỏi ghế nhà trường tại một đất nước khi đó đã ổn định và phát triển, trước bao nhiêu lựa chọn dễ dàng lại quyết định bước ngoặt lớn của đời mình bằng cách học tiếng Việt. Thầy dí dỏm trả lời rằng thời đó vì thích học ngoại ngữ mà không đủ điểm nên chọn học tiếng Việt vì có chữ cái latinh dễ dàng trong việc học thêm Tiếng Anh sau này. Nhưng nhân duyên vốn kì lạ, cậu sinh viên 18 tuổi năm đó càng học tiếng Việt càng yêu thích đến mức sẵn sàng bỏ ra 2 vạn yên của những năm 80 chỉ để mua đôi cuốn sách Việt từ các học giả Việt Nam. Sau đó là sẵn sàng bỏ ra 30 vạn yên tham gia chuyến tàu Peace Boat để được đến Việt Nam. Năm đó là năm 1985 khi đất nước ta còn chưa diễn ra đại hội Đảng 6, vẫn chưa “Đổi Mới” và muôn vàn khó khăn. Và năm ấy chàng sinh viên năm nhất mới 18 tuổi.
Thầy Shimizu chụp ảnh cùng các bạn tại kí túc xá đại học tổng hơp Hà Nội
Lời hồi đáp từ tuổi trẻ những năm 80.
Bồi hồi chia sẻ cùng iSenpai, thầy nhắc lại ngày đầu tiên đến Việt Nam cũng là chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên trong đời đã hết sức tuyệt vời. Thấy thân thuộc với không khí, cuộc sống và con người nơi đây như một mối duyên tiền định. Chuyến đi mang lại động lực cho chàng sinh viên thêm đam mê tiếng Việt bởi trót yêu mến đất nước này. Để rồi 5 năm sau khi quay trở lại du học với cương vị nghiên cứu sinh thì đã có vốn tiếng Việt khá tốt và từ đây những nhân duyên tiếp nối khiến thầy quyết định gắn bó với ngôn ngữ này cả cuộc đời. Cũng tại Việt Nam, thầy đã gặp những thầy cô tâm huyết, những người bạn trí cốt mà cho đến tận bây giờ khi tất cả đều đã đi nhiều chặng của cuộc đời vẫn giữ liên lạc và luôn luôn nặng ân tình.
” Nhắc đến chuyện đến tận Việt Nam du học mọi người ai cũng lo lắng chứ, khi đó Việt Nam mới chỉ kết thúc chiến tranh được hơn 10 năm, có vô vàn khó khăn, thử thách”. Nhưng vì là tuổi trẻ, có lẽ vì ngày ấy suy nghĩ giản đơn, mình thích cái gì, hợp cái gì thì phấn đấu tập trung hết sức mình cho cái đó không cần lo lắng nhiều. Và sinh viên thời nào thì cũng vậy, ngoài giờ nghiên cứu thì những kỉ niệm cùng bạn bè người Việt, và các bạn du học sinh nước khác tại kí túc xá là quãng thời gian tươi đẹp thầy được cả các anh bảo vệ dạy hút thuốc Lào nếm thịt chó và đi nhậu cùng bạn bè.
Tình bạn những năm đầu thập niên 90
Tuổi trẻ của tôi hay các bạn, dù ở thời đại nào, Nhật Bản hay Việt Nam đều xứng đáng để thử.
Đưa tay nhấp một ngụm trà như chiêm nghiệm lại những chuyện đã qua, thầy chia sẻ cùng iSenpai: ” Nhiều bạn trẻ hiện nay hay gặp tình trạng khi đã lựa chọn một ngành học, hay đã ứng tuyển thành công vào một công ty mới thấy chán nản, không hợp với mình, còn tôi thì ngược lại, cho dù tôi không chọn Tiếng Việt ngay từ đầu nhưng khi có cơ hội được hiểu sâu hơn thì thấy yêu mến thích thú”. Thầy nhấn mạnh tới hai lần “Có lẽ tôi là người may mắn nhất thế giới” với cả một ngữ điệu trân trọng. Tuy vậy, qua kinh nghiệm của cả một đời đã đi vài giai đoạn quan trọng trong cuộc sống và dưới cái nhìn của một nhà nghiên cứu thầy cho rằng: ” Công việc nào cũng có ý nghĩa của nó, không có chuyện vô nghĩa. Có khi bạn bị bắt phải làm công việc nào không phù hợp với mình, không như ý mình, nhưng bạn cứ cố gắng làm thử để tìm ra ý nghĩa của nó, thì chắc chắn trong tương lai bạn có thể đạt được mục tiêu của mình”. Và điều đặc biệt là, trong khi bạn đang vất vả, kiên nhẫn làm thì sẽ có người đánh giá sự cố gắng của bạn, sẽ có bạn bè cùng chia sẻ với bạn. Những người đó mới đáng gọi là ân nhân, bạn hữu thật sự.
Có thể gọi thầy với cái tên ” Người Thầy của nhiều thế hệ du học sinh Việt tại Nhật” quả không sai. Nhiều năm qua ngoài việc có nhiều đóng góp trong các công trình nghiên cứu về tiếng Việt và thúc đẩy mối quan hệ hai nước, thầy chia sẻ rằng rất thích nói chuyện với các bạn trẻ Việt Nam. Thầy kể rằng khi còn du học ở Hà Nội thầy và một người bạn thân có nói chuyện với nhau về tương lai. Thầy nói mai kia muốn tiếp tục công việc nghiên cứu về ngôn ngữ còn người bạn Việt chia sẻ mình muốn trở thành người thật giàu. Và quả thực nhiều năm trôi qua người bạn Việt năm ấy nay đã trở thành người hết sức thành đạt chủ sở hữu của hai công ty lớn. Và rồi khi thầy gặp những thế hệ trẻ mới từ nước Việt, thầy luôn thấy trong họ cả một sự cố gắng không ngừng nghỉ, các bạn trẻ Việt cho dù ở thời đại nào cũng có mục tiêu của mình và hết sức nhiệt tình trong công việc. Điều này thầy cho rằng các bạn trẻ Nhật nên học hỏi từ những người bạn Việt Nam. Tuy nhiên thầy cũng chỉ ra điểm yếu của giới trẻ hiện nay đó là ngày nay nguồn thông tin quá phong phú nhờ sự phát triển của công nghệ khiến các bạn không thể kiên định tập trung hoàn toàn cho mục tiêu của mình. Ngoài ra tinh thần tập thể, tính đoàn kết khi làm việc cũng là phần các bạn trẻ Việt cần cố gắng hơn. Tuy nhiên nếu biến tính cá nhân thành điểm mạnh cho sự sáng tạo thì đây lại là điều tuyệt vời.
Thầy Shimizu trong chương trình Shabe-Shabe do VYSA OSAKA tổ chức
Việt Nam – Nhật Bản mối quan hệ bền chặt
iSenpai gặp thầy trong một ngày cuối tháng 5 hết sức bận rộn, khi người thầy ấy đang ngồi bàn việc tổ chức cuộc thi Hùng biện Việt Nhật lần 2 với ban chấp hành VYSA Osaka lúc 10 giờ khuya trong một quán trà nhỏ gần ga. Tại sao con người dùng cả cuộc đời để say mê nghiên cứu tiếng Việt và những người trẻ “nhiệt huyết” giống như thầy đã từng nói về lại tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi cuối ngày của mình để cùng nhau xây dựng nên một chương trình hoàn toàn tình nguyện? Thầy giải thích rằng chúng ta có nhiều cách để giao lưu cùng nhau, giao lưu về kinh tế, văn hoá, nhưng tôi muốn họ còn được giao lưu thông qua ngôn ngữ. Việc một người Việt có thể hiểu được cảm xúc và tình cảm mà người Nhật chia sẻ và ngược lại người Nhật cũng vậy là một điều hết sức tuyệt vời. Việc biết một ngôn ngữ khác là điều hết sức may mắn vì đó là chiếc chìa khoá để mở ra tri thức, tinh hoa của cả một quốc gia. “Tôi muốn họ có cơ hội thể hiện mình, kết nối, và thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị lâu bền Nhật – Việt”.
Thầy Shimizu tại cuộc thi hùng biện Việt Nhật lần 1 nguồn VYSA Osaka
Chia tay thầy trước nhà ga khi chuyến tàu muộn của ngày dài sắp tới.Thầy vẫn chia sẻ nốt cùng iSenpai quan niệm về hạnh phúc, về việc thầy đã chứng kiến các bạn du học sinh Việt nỗ lực vươn lên ở nước Nhật thế nào, thầy đã đúc kết tình cảm qua bao nhiêu năm để chọn chủ đề cuộc thi hùng biện năm nay là chữ Tâm ra sao. Nhưng có lẽ thầy không cần giải thích chính iSenpai cũng cảm nhận được nếu không xuất phát từ một chữ tâm, sẽ không có một vị PGS cả đời đam mê với Tiếng Việt, từng lên bản làng xa ăn ở cùng người Tày để nghiên cứu chữ Nôm, từng giúp đỡ biết bao thế hệ du học sinh Việt, và trong việc truyền cảm hứng về một tuổi trẻ đã qua cho những người trẻ ngày nay trong bài viết này. Người thầy ấy vẫn ngày ngày tiếp thêm niềm đam mê tiếng Việt cho nhiều bạn trẻ Nhật với những phương pháp hết sức thú vị. Ngân nga đọc bài thơ trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sắp công chiếu tại Nhật trong sự hào hứng của sinh viên tại khoa tiếng Việt đại học Osaka. iSenpai có nhờ thầy dịch sang tiếng Nhật:
雨風は空の病
恋煩いは君を想う僕の病
Chắc hẳn bạn đã nhận ra bài thơ này phải không? Nếu bạn muốn có cơ hội gặp trước tiếp người thầy đáng kính này, nghe lời khuyên hay chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. iSenpai có hẹn cùng bạn tại Chương trình Hùng Biện Việt Nhật lần 2 lúc 13:00 ngày 17/9 tại Osaka University Hall, Campus Toyanaka, trường Đại học Osaka.
Huyền Trang