Cuối năm ngoái, “vua dầu mỏ” nước Nhật, ông Fumiaki Watari đã qua đời do bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Ông là cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành ENEOS Holdings, tập đoàn xăng dầu lớn nhất Nhật Bản hiện nay.
Thời điểm ông bắt đầu sự nghiệp của mình là vào năm 1960 khi ông gia nhập “Shin Nihon Sekiyu” (新日本石油), bắt đầu hành trình cùng ngành xăng dầu Nhật Bản nói riêng và của cả thế giới nói chung bước trên chặng đường hoàng kim của ngành công nghiệp này.
Năm 1999, công ty của ông với vị thế là công ty lớn thứ hai trong ngành xăng dầu Nhật Bản đã sát nhập với Mitsubishi Oil và được đặt tên gọi mới là “Nisseki Mitsubishi” để trở thành công ty xăng dầu lớn nhất Nhật Bản. Tháng 5 năm 2000, ông Watari được bổ nhiệm làm chủ tịch của Nisseki Mitsubishi.
Năm 2010, ông tiếp tục hợp nhất kinh doanh Nisseki Mitsubishi với Nippon Mining Holdings, công ty sở hữu Japan Energy, được người thời đó biết đến với các cây xăng thương hiệu JOMO và đổi tên công ty thành JX Holdings. Năm 2017, JX Holdings tiếp tục được sáp nhập với TonenGeneral Sekiyu, trở thành JXTG Holdings. Và kể từ tháng 6 năm 2020, JXTG Holdings có tên gọi là ENEOS Holdings như hiện tại.
Ông Fumiaki Watari được nhận xét là một người có tầm nhìn xa trông rộng và luôn đi đầu những ý tưởng táo bạo. Nói qua về tình hình kinh doanh ngành xăng dầu, người ta nói rằng ngành kinh doanh này đã đi qua thời kì hoàng kim và bước sang giai đoạn “ nguội lạnh” . Theo thống kê, nhu cầu dầu tại Nhật trong năm 2019 đã giảm xuống còn 2/3 so với thời điểm hai chục năm về trước.
Năm 1997 là thời điểm bước ngoặt với sự đánh dấu ra đời của “Nghị định thư Kyoto”. Một trong những nội dung quan trọng nhất trong nghị định này đó là, các nước phát triển có nghĩa vụ “giảm lượng khí thải carbon dioxide” để bảo vệ môi trường. Cùng với những nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu này như sự phổ biến của các loại xe “xanh” chạy bằng nhiên liệu hydro, cải thiện tối đa hiệu suất nhiên liệu của ô tô, nhu cầu dầu tại Nhật đã bắt đầu giảm kể từ năm 1999.
Cảm nhận rõ sự khủng hoảng trước thời kì được gọi là “nguội lạnh” này, ông Watari đã không ngừng thúc đẩy chiến lược tái cấu trúc tích cực. Ông nói : ” Ngành xăng dầu cần phải tìm lối ra trong việc phân bổ nguồn lực kinh doanh. Tái cơ cấu ngành vừa là chiến lược sống còn, vừa cần thiết cho những cải cách cơ cấu lớn trong tương lai”.
Tuy nhiên, thời điểm ông nói ra kế hoạch này, ông đã khiến nhiều phóng viên sửng sốt vì không biết ông đang nghiêm túc hay nói đùa. Giải pháp của ông đưa ra khi đó là “xây dựng một công ty năng lượng toàn diện bằng cách tích hợp công ty xăng dầu của mình với một công ty điện lực lớn và một công ty khí đốt lớn”.
Điều này sau đó đã được làm sáng tỏ bằng một loạt các hành động sau đó của ENEOS Holdings. Năm 2003 là năm Nhật Bản cực kì mạnh tay về vấn đề xăng dầu với ô nhiễm môi trường. Nhiều người biết đến sự kiện này hẳn còn ấn tượng với hình ảnh thống đốc Tokyo lúc bấy giờ, ông Shintaro Ishihara giơ một chai nhựa đen kịt và phát biểu: “Lượng lưu huỳnh trong dầu diesel là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Tokyo” và yêu cầu thực hiện các quy định riêng đối với xe chạy bằng nhiên liệu này.
Để giải quyết bài toàn môi trường vốn vô cùng khó khăn của ngành xăng dầu, ông Wataru khi ấy là chủ tịch của Shin Nihon Sekiyu kiêm hội trưởng “Hiệp hội Dầu mỏ Nhật Bản” đã không ngại đầu tư hàng trăm tỷ yên vào khâu kĩ thuật. Kết quả là công ty ông đã thành công tạo ra loại xăng dầu không chứa lưu huỳnh nhanh hơn rất nhiều so với dự tính.
Nhắc đến vấn đề môi trường, ông Watari còn được biết đến là người vô cùng có đam mê với năng lượng hydro. Cuốn sách do ông viết vào năm 2010 có tựa đề ” tương lai mở ra từ cuộc cách mạng năng lượng xanh”. Năng lượng “xanh” (クール・エネルギー) mà ông nhắc đến ở đây chính là hydro, thứ được ông tiên đoán “là một trong những ứng cử viên sáng giá trong thời đại không cacbon”.
Lúc đương nhiệm, ông đã đặc biệt dồn hết tâm huyết vào một kế hoạch thương mại hóa “pin nhiên liệu” tạo ra điện từ hydro, ngành vốn không phải sở trường của công ty. Tuy nhiên, dự án này không sinh lãi và người kế nhiệm chức vụ chủ tịch đã quyết định rút công ty khỏi ngành kinh doanh đó. Khi đó, ông Watari nói: “Đừng bao giờ từ bỏ hydro. Chắc chắn, trong tương lai, nó sẽ là yếu tố chủ chốt. Kỷ nguyên tiếp theo là kỉ nguyên của hydro.”
Trong những năm cuối đời, ông Watari đã tham gia vào cả việc giáo dục khi giữ chức vụ chủ tịch tại ngôi trường ông từng theo học, Seijo Gakuen. Trong một tài liệu viết tay, ông viết : “Những người đáp ứng được yêu cầu của thời đại” là “những người sẽ thay đổi xã hội và tạo ra tương lai”, “thay đổi mọi thứ với những ý tưởng mới mẻ, và không bị ràng buộc bởi các khái niệm hiện có cũng như môi trường xung quanh”. Đây có thể xem là chân lí sống suốt cuộc đời ông đồng thời là lời nhắc nhở và là niềm tin của ông vào thế hệ tương lai, những người sẽ giúp ông thực hiện tiếp ước mơ còn dang dở.