Take me Out to the Snowland! được coi là bộ phim kinh điển của thập niên 80, là một bộ phim thành công vang dội tại Nhật Bản khi được phát hành vào năm 1987. Không chỉ giúp mở ra một cuộc bùng nổ trượt tuyết ở Nhật, bộ phim là sự thể hiện của điện ảnh về những ngày xưa huy hoàng của Nền kinh tế Bong bóng, tựa như những gì tác phẩm của John Hughes đại diện cho người Mỹ. Với Snowland!, đó không chỉ là một liều thuốc hoài niệm của những con người giàu có đã ngoài năm mươi, mà còn đánh vào niềm khao khát và tò mò của giới trẻ Nhật Bản về cảm giác được sống trong thời điểm kinh tế vượt bậc của Nhật Bản.
So sánh với những đứa trẻ chỉ biết đến hàng thập kỷ kinh tế bất ổn và văn hóa tiêu dùng đơn điệu, những thanh niên của những năm cuối thập niên 1980 dường như đã sống trong một thời kỳ hoàng kim, thoải mái bay lượn từ các nhà hàng thời thượng đến vũ trường trong những bộ vest của Armani và Chanel với những tờ yên chất đầy sau xe tựa giấy lộn.
Juppie (Japanese Yuppie) chưa bao giờ là một thuật ngữ chuẩn trong tiếng Nhật. Những cuốn sách như The Official Yuppie Handbook bản dịch tiếng Nhật vào năm 1984 lẫn Juppie: Can You Be an Adult? của năm 1987 đều không được phổ biến rộng rãi ở Nhật. Truyền thông Nhật Bản đã nắm bắt cụm từ ‘Yuppie-esque” vào đầu những năm 1980 và coi nó như một từ thông dụng tương đương với “shinjinrui – giống người mới ”, nhằm chỉ thế hệ thanh niên hướng tới chủ nghĩa vật chất, chú trọng vào việc giải trí và tiêu dùng hơn là làm việc chăm chỉ và gắn bó xã hội trong thời kỳ hậu chiến. Các nhân vật trong Take Me Out to the Snowland! là những Juppie “shinjinrui” này, họ sử dụng thu nhập của mình để đắm chìm trong nền văn hóa mua sắm xa xỉ, tiện ích công nghệ và các nhãn hiệu nhập khẩu từ Châu Âu.
Đây là điều khiến Take Me Out to the Snowland! trở thành thước phim trailer cho lối sống Juppie. So với những trò đùa cuồng dã trong bộ phim tài liệu Hot Dog…The Movie của Mỹ, Snowland! là sự vui đùa nhẹ nhàng và sang trọng. Bộ phim mở đầu như một quảng cáo xe hơi khi chiếc Toyota Corolla II GP Turbo màu đỏ anh đào của nhân vật chính Fumio xuất hiện, trên biển số xe có đóng dấu “Shinagawa”, một ký hiệu đẳng cấp chỉ có được khi sống gần văn phòng DMV sang trọng nhất Tokyo. Trước khi ra khỏi nhà để xe của mình, Fumio bật một cassette city pop và đi đến siêu thị nhập khẩu cao cấp Meidiya để mua sắm. Từ đó, Snowland! đã thực hiện đúng vai trò của mình là trở thành phương tiện giới thiệu cho người xem một loạt các sản phẩm cao cấp: những đôi ủng đắt tiền, bộ quần áo trượt tuyết thu hút, balo gắn đèn trượt tuyết vào ban đêm tiện ích,…
Nếu American Yuppie là những Preppy trưởng thành – hội con nhà giàu với mức chi tiêu xa xỉ, những người được tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến và tư tưởng văn hóa cao cấp – thì Juppie cũng vậy. Văn hóa Preppy cũng từng được phổ biến rộng rãi tại Nhật và được xem là tiền đề cho sự xuất hiện của “shinjinrui”, thậm chí còn được phổ biến trong đại chúng ở Nhật trước cả ở Hoa Kỳ.
Một năm trước khi Cẩm nang Preppy của Lisa Birnbach lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times vào năm 1980, tạp chí Men Club của Nhật Bản đã đăng một truyện bìa có tên gọi Preppie là gì. Trong vài năm tiếp theo, nam giới và phụ nữ đến Tokyo trong sự kết hợp áo sơ mi oxford cài nút của Brooks Brothers với quần kaki và giày đế xuồng của Sperry.
Nhưng sự bùng nổ của Preppy đã đột ngột chấm dứt vào năm 1983, khi Juppie tiến xa hơn vào các xu hướng thời trang cao cấp đương đại hơn các đối tác Mỹ. Với sự ra mắt thành công tại Paris của Yohji Yamamoto và Comme des Garçons vào năm 1981, thanh niên Nhật Bản đã từ bỏ phong cách Mỹ và chuyển đến phong cách tinh tế lục địa. Khi nền kinh tế Nhật Bản phát triển vượt bậc với Hiệp định Plaza năm 1985, những Preppy trước đây có việc làm đã lấy tiền thưởng béo bở của mình và mua những bộ quần áo Ý và những bộ trang phục đen theo phong cách bất đối xứng. Từ đây, nguyên mẫu của Bubble Juppie đã xuất hiện, đó là những người đàn ông Nhật Bản cạo râu sạch sẽ với mái tóc cắt tỉa khéo léo, mặc một chiếc áo vest có vai rộng chân đi đôi giày lười Gucci.
Cả Yuppie và Juppie đều cúi đầu trước Chủ nghĩa tiêu dùng, nhưng Yuppie Mỹ xuất hiện từ một sự thay đổi thực tế trong cấu trúc kinh tế xã hội. Ở Mỹ thời Reagan, thanh niên có học thức có thể kiếm nhiều tiền hơn cha mẹ họ – và không chỉ trong các lĩnh vực vững chắc như kinh doanh cổ phiếu và luật doanh nghiệp, mà còn cả những công việc sáng tạo như thiết kế đồ họa và quảng cáo. Điều nổi lên không nhờ vào sự chỉ đạo của phương tiện truyền thông, mà là một “thế giới ngọt ngào” của Yuppie với những bộ quần áo độc đáo, các hoạt động giải trí và đạo đức. Volvo, bút Cross hay bóng quần không phải là mốt chạy theo Đại lộ Madison, mà là những hành vi tồn tại của một lối sống thực tế. The Official Yuppie Handbook có lẽ đã truyền bá phong cách Yuppie ra khỏi các đô thị trung tâm, nhưng nó đã được hệ thống hóa và phát triển cái sẵn có, chứ không phải phát minh một nền văn hóa mới.
Ở Nhật Bản, nếu so sánh, Juppie trong thời kỳ Bong bóng có thể xem là những đứa trẻ giả làm người lớn. Họ thực hiện những phong cách sống của mình bằng cách đi theo những hướng dẫn của các tạp chí tiêu dùng. Mỗi số của Popeye hoặc Hot Dog Press đều dạy Juppie mua sắm ở đâu, ăn mặc như thế nào và nhà hàng Ý nào nên tổ chức buổi hẹn hò đầu tiên. Yuppie là một sự chuyển hướng ra khỏi văn hóa đại chúng, còn Juppie là văn hóa đại chúng. Một sự tương phản lớn nhất giữa Yuppie và Juppie có thể tìm thấy qua những đoạn phim, trong khi Yuppie đọc The New Yorker trong một căn hộ với hệ thống nội thất theo chủ nghĩa hiện đại và ăn bữa sáng ngon lành được chế biến từ hàng tá thiết bị cao cấp; thì Juppie chú trọng việc chi tất cả tiền của họ cho các dấu hiệu trạng thái có thể nhìn thấy bên ngoài như quần áo, xe hơi và tiệc tùng.
Cấu trúc kinh tế xã hội của Mỹ – nơi thế hệ Yuppie được hình thành và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay – là lý do tại sao văn hóa Yuppie không biến mất. Họ trở thành hỗn hợp của những nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ, những người ủng hộ Thị trưởng Pete và những nhà sáng tạo khao khát cuộc sống lành mạnh và trung thực. Trong khi đó, mức lương tại các công ty Nhật Bản chỉ cung cấp đủ tiền để nhân viên mới sống trong ký túc xá của công ty. Vì vậy, văn hóa Juppie chỉ có thể xuất hiện trong thời kỳ bong bóng khi đó, ngay sau khi nền kinh tế này sụp đổ vào năm 1991, văn hóa Juppie cũng biến mất.
Thêm vào đó là những làn sóng phản ứng trái chiều khi những kẻ học đòi ở các tỉnh đọc cùng một tạp chí Juppie và bắt đầu khiến cảm giác hòa nhã, sang trọng vốn có dần trở nên yếu đi. Thế hệ trẻ đến từ các vùng ngoại ô sang trọng nhất của Tokyo dần bỏ qua phong cách Juppie trong tạp chí và chuyển sang phong cách giản dị và thoải mái của Mỹ được gọi là Amekaji. Trong khi đó, những người thuộc tầng lớp sáng tạo bắt đầu tách ra và mở ra một nền văn hóa indie sắc sảo hơn vào giữa những năm 1990.
Tuy nhiên, Nhật Bản chưa từng trải qua bất kỳ cuộc nổi dậy đạo đức nhằm chống lại chủ nghĩa tiêu dùng nào, như ở các nước khác với kẻ tâm thần Patrick Bateman Yuppie hay những hình vẽ graffiti “Yuppie go home” tại Williamsburg từ rất sớm. Tội phạm Juppie duy nhất ở Nhật bị bắt chỉ vì đam mê thẩm mỹ lỗi thời. Nhưng với sự hồi sinh của dòng nhạc city-pop hào nhoáng và lòng cảm khái cho nền kinh tế Bong bóng đã qua và nỗi lo kinh tế ngày nay càng khiến các ngôi sao Juppie được yêu thích hơn. Ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài, chứ không phải các thanh niên Nhật Bản, trở thành những người mua sắm điên cuồng ở các quận Harajuku và Omotesando sôi động một thời của Tokyo, họ tận hưởng niềm vui đơn thuần việc mua sắm theo cái cách mà những Juppie đã từng thực hiện. Chủ nghĩa mua sắm tiêu dùng luôn là một sự xa xỉ độc quyền kéo theo một số hệ lụy xấu, nhưng xét ra, chủ nghĩa này vẫn lành tính hơn một số chủ nghĩa độc hại khác.
Tham khảo: Inside Hook