Thí nghiệm của tiến sĩ đại học Keio về hiệu quả của khẩu trang trong phòng bệnh

Đăng ngày 14/04/2020 bởi iSenpai

Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh chóng thì chiếc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người khi ra đường. Ngay cả các nước phương Tây trước đó cho rằng không cần đeo khẩu trang, khẩu trang chỉ nên dành cho người bệnh và nhân viên y tế thì giờ cũng bắt đầu có những động thái như khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra đường. Vậy liệu khẩu trang có thực sự hiệu quả trong phòng tránh virus? Để chứng minh điều này, Tiến sĩ Tomoaki Okuda, phó giáo sư khoa Hóa học ứng dụng, Đại học Keio đã làm một thí nghiệm so sánh hiệu quả lọc các hạt trong không khí giữa 3 loại khẩu trang y tế, khăn giấy, vải và đã thu được kết quả khá thú vị.

Trong thí nghiệm, ông sử dụng máy quét tạo hạt di động (SMPS) có thiết bị hút không khí trong phòng và đo nồng độ các hạt trên từng cm^3. Ông điều chỉnh thiết bị để tìm kiếm các hạt có kích thước tương đương virus, đường kính ước tính từ 20~100 nm. Trong thí nghiệm ban đầu, Tiến sĩ Okuda cho máy hút chạy mà không bịt vòi hút, SMPS đo được khoảng 6000 hạt/cm^3 không khí có kích thước từ 10-150nm qua vòi hút. Như vậy, hãy thử tưởng tượng nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với một người nhiễm virus, trong 6000 hạt/cm3 không khí bạn hít phải sẽ có rất nhiều hạt chứa virus, nếu không được che chắn thì khả năng lây nhiễm sẽ là rất cao.

Tiếp theo, ông bịt vòi hút bằng khẩu trang y tế thường được bán tại các cửa hàng drug store, lượng hạt mà SMPS đo được thấp hơn đáng kể so với trước đó, khoảng 1800 hạt/cm3. Điều này có nghĩa khẩu trang y tế có thể ngăn được 60-70% lượng hạt có kích cỡ tương tự virus. Sau đó, Okuda tiến hành trên chiếc khẩu trang làm bằng 3 chiếc khăn giấy đã được gấp đôi, về cơ bản tương đương 6 lớp khăn giấy. Đáng ngạc nhiên là khăn giấy có hiệu quả chặn các hạt không khí hơn khẩu trang y tế. Theo kết quả SMPS đo được, chỉ có 1000 hạt có kích cỡ tương tự virus qua được khẩu trang làm từ khăn giấy, hiệu quả chặn là 80%. Cuối cùng, Okuda thí nghiệm với chiếc khăn tay gấp 3, SMPS đo được 1800 hạt/cm3, hiệu quả chặn là tương đương với khẩu trang y tế.

Như vậy, khẩu trang có hiệu quả trong phòng ngừa virus. Dù hiệu quả ghi nhận từ các thí nghiệm trên mới chỉ dừng ở 60-80% nhưng ít nhất khẩu trang cũng giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm Covid-19. Không cần sử dụng khẩu trang y tế, chỉ với một chiếc khẩu trang tự chế bằng chất liệu vải hay giấy, kết hợp rửa tay đúng cách và thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, bạn cũng đã có thể bảo vệ cho chính bản thân và những người xung quanh khỏi mầm bệnh.

Tham khảo:
https://www.youtube.com/channel/UCI1KuKpxsEvAclxgJNdKWdA
https://soranews24.com/2020/04/08/japanese-chemistry-professor-shows-why-three-kinds-of-masks-could-be-effective-against-the-virus/amp/

Trả lời