Thú vị: Thành ngữ Nhật Bản về dự báo thời tiết

Đăng ngày 05/07/2021 bởi iSenpai

Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn một nét đặc sắc trong văn hóa Nhật – 「観天望気」(kantenbouki), nghĩa là nhìn trời, nhìn các hiện tượng tự nhiên mà đoán thời tiết.

Nói về chủ đề này, trong ca dao tục ngữ của Nhật Bản, có rất nhiều câu tương đồng với ca dao tục ngữ Nam. Ví dụ: 「ツバメが低く飛ぶと雨」(tsubame ga hikuku tobu to ame).  Câu này dịch nguyên văn sang tiếng Việt sẽ là “Chim én bay thấp thì mưa”. Khi đọc câu này lên, mặc dù hầu hết trong chúng ta đều liên tưởng ngay đến một câu ca dao rất quen thuộc trong tiếng Việt, đó là : “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa” hay “ chuồn chuồn bay thấp mưa ngập bờ ao”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết trong Tiếng Việt cũng có một câu ca dao giống hệt bản tiếng Nhật nhưng ít phổ biến hơn : “ Én bay thấp mưa ngập bờ ao, Én bay cao mưa rào lại tạnh.”

Một ví dụ khác là「山に笠雲がかかると雨」(yama ni kasa gumo ga kakaru to ame). Kasa là một loại mũ từ thời xưa của người Nhật, trông khá giống chiếc nón của Việt Nam nhưng có phần chóp tù hơn. Kasa gumo miêu tả một cách hình ảnh đám mây giống hình chiếc mũ. Như vậy ý cả câu trên nói : ” Mây che đỉnh núi thì mưa”. Đối với ý này, Việt Nam ta có một số câu tương tự như sau: “Tam Đảo đội mũ, nước lũ sẽ về” hay “Mây kéo xuống bể thì nắng chang chang, mây kéo lên ngàn thì mưa như trút.”

Một câu thành ngữ khá nổi tiếng khác là「夕焼けの翌日は晴れ」( yuu yake no yokujitsu ha hare). Câu nàu nghĩa là “Trời chiều nhìn như đám cháy thì hôm sau ắt sẽ nắng to”, tương đồng với ý nghĩa câu “Ráng vàng thì nắng” trong tiếng Việt. Những câu ca dao báo nắng rất quen thuộc đối với người Nhật. Tuy nhiên, có vẻ do đặc điểm thời tiết Việt Nam mưa nhiều nên trong ca dao tục ngữ Việt Nam, so với những câu nói về mưa bão, số câu ca dao báo nắng ít hơn nhiều. Hoặc có thì người Việt nhìn trăng, nhìn sao để báo nắng : ”Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”, “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”.

 

Thời xưa, không có khoa học dự báo thời tiết, vì vậy những câu ca dao tục ngữ kết tinh tri thức người đời như trên là rất quan trọng và quý giá. Đặc biệt, là đối với những người làm ngư nghiệp và nông nghiệp, những nghề vốn nhạy cảm với thời tiết. Mặc dù ra đời và lưu truyền từ xa xưa nhưng những tri thức của người xưa vẫn ứng nghiệm đến ngày nay và hầu hết đều được chứng minh là có cơ sở khoa học.

Ví dụ như câu : 「強い南風が吹くと、川が氾濫する」 (tsuyoi hae ga fuku to kawa ga hanran suru) có nghĩa là “ Gió nam thổi mạnh, nước sông cuồn cuộn”. Điều này được giải thích như sau : “ Gió nam là gió thổi từ biển, mang theo hơi ấm và ẩm. Khi gặp phải vách núi, khí bốc lên cao, gặp lạnh gây mưa nhiều ở trên núi. Nước mưa chảy từ trên núi xuống theo các con suối và sông để đổ về hạ lưu, nên khi quan sát nước sông dưới vùng hạ lưu thấy đục và chảy xiết”.

Trong văn hóa Nhật Bản, Ninja là một khái niệm rất mầu nhiệm và bí ẩn. Người ta nói rằng, việc nhìn trời đoán thời tiết rất phát triển trong giới Ninja. Điều này còn được ghi lại rõ ràng trong cuốn ” Bansenshukai “, nói về các bí mật trong kĩ thuật của Ninja được viết vào thời Edo. Đến nay, người ta còn lưu lại được 16 điều của cuốn sách, trong đó có nói về việc các Ninja quan sát sự lấp lánh của các ngôi sao, để dự đoán thời tiết.

Suy luận một cách logic, việc đoán biết thời tiết rất có lợi trong chiến lược hành động của một Ninja. Khi trời mưa, họ sẽ dễ dàng lẻn vào vì âm thanh bị át đi, hoặc khi có sương mù, thì sẽ dễ dàng trốn thoát. Nhờ được kiểm chứng bởi hàng vạn người, với hàng trăm năm lịch sử, những kinh nghiệm của người xưa có thể nói là rất đáng tin cậy.

Tuy nhiên, để phát triển thành khoa học dự báo thời tiết như ngày nay, phải kể đến cột mốc rất quan trọng là sự phát hiện ra “áp suất khí quyển”. Tiếp theo là việc nhận ra mối liên quan giữa áp suất khí quyển và thời tiết. Đại phát minh thứ 3 là bản đồ phân bố áp suất khí quyển mà chúng ta hay thấy trong các bản tin dự báo thời tiết trên tivi. Nhờ nó chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các vùng có thời tiết tốt hoặc xấu. Nơi áp cao trời sẽ quang đãng, nơi áp thấp sẽ có mây mưa.

Tại các trạm quan sát khí tượng trên toàn quốc, người ta còn “quan sát bằng mắt thường” trạng thái của các đám mây để xác định và dự đoán thời tiết. Tuy nhiên, giới chuyên môn nói rằng “rất khó để dự đoán chính xác những thay đổi của thời tiết trong phạm vi hẹp, ngay cả với các công nghệ quan sát tiên tiến như vệ tinh khí tượng và radar”. Vì vậy, phải nhờ con mắt tỉ mỉ, vốn kinh nghiệm của bản thân người làm khí tượng cũng như vận dụng được những kiến thức dân gian thì mới đưa ra các bản tin dự báo thời tiết chính xác nhất.

Ngay cả việc phòng chống thiên tai cũng không phải ngoại lệ. Trong dân gian Nhật Bản có câu: 「突然の、冷たい強風、積乱雲、豪雨が迫る」 Nội dung câu trên diện đạt một cách rất trực tiếp : Trời đang yên đang lành mà nổi gió lạnh, lớn, mây đen kéo đến ùn ùn, thì ắt sẽ là một trận mưa lớn. Nếu nhận thấy các dấu hiệu này, bạn nên nhanh chóng tìm chỗ trú an toàn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm rất nhiều câu ca dao tục ngữ Nhật bản về thời tiết khác : 雨がえるが鳴くと雨 ( ếch kêu thì trời mưa) ありの行列を見たら雨 ( kiến bò thành hàng thì trời có mưa) くしが通りにくい時は雨 ( tóc khó chải thì trời mưa) 朝ぎりは日中晴れ ( sáng sớm có sương, trời nắng cả ngày).

Theo NHK, WIkipedia

Trả lời