Các đảng phái Nhật Bản dù thuộc cánh hữu, cánh tả hay trung dung đều hứa hẹn đưa ra thế hệ lãnh đạo mới, nhưng thật ra thế hệ trẻ này hầu như đều xuất thân từ các gia tộc chính khách lâu đời, hình thành nên một tầng lớp lãnh đạo “samurai” (võ sĩ đạo)
Các nhà quan sát cho rằng ít thấy một chính khách hàng đầu nào ở Nhật Bản không phải là con, cháu, rể hay anh chị em trong một gia đình có truyền thống làm chính trị nào đó. Trường hợp tương tự như cựu ngoại trưởng Makiko Tanaka là ái nữ của cựu Thủ tướng Tanaka không hiếm hoi ở nước này.
Ông Takashi Inoguchi, chuyên gia khoa học chính trị của trường Đại học Tokyo, nhận định rằng hiện nay các nhà lãnh đạo hàng đầu tiếp nhau thừa kế, tạo ra rào cản ngày càng khó khăn hơn cho các tầng lớp khác tham gia chính trường. Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Take Shinzo Abe, người được Thủ tướng Junichiro Koizumi chọn làm nhân vật số 2 trong đảng, có cha là cựu ngoại trưởng và ông nội là cựu tướng lĩnh trong quân đội Hoàng gia Nhật Bản. Ông Abe năm nay 49 tuổi được xem là thành phần trẻ được ông Koizumi đặc biệt cất nhắc. Các nhà phân tích đồng ý với nhau rằng LDP từ lâu là thành trì của cỗ máy chính trị già nua, phải đưa ra một chân dung trẻ trung hơn và đó cũng là một trong những lý do khiến ông Koizumi được ủng hộ.
Ông Shinzo Abe có cha là cựu ngoại trưởng và ông nội là cựu tướng lĩnh trong quân đội Hoàng gia Nhật Bản
Một cuộc khảo sát mới đây trong LDP cho thấy khoảng 30% đảng viên được bầu có mối liên hệ gia tộc với các quan chức dân cử tại nhiệm hay đã về hưu khác. Một người con trai của ông Naoto Kan, nhà lãnh đạo số 1 của Đảng Dân chủ đối lập, đã ứng cử trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 9-11 vừa qua và cùng vận động với cha. Ngay cả cha và ông nội của Thủ tướng Koizumi đều nguyên là đại biểu Quốc hội Nhật Bản. Bí thư nội các Nhật Bản Yasuo Fukuda là con của một cựu thủ tướng trong khi ngôi sao đang lên của LDP, Yuko Obuchi, cũng là con gái của một cựu thủ tướng khác. Cựu thủ lĩnh LDP Nakasone có con trai là thượng nghị sĩ và danh sách mối quan hệ như vậy còn dài.
Những ứng cử viên không có mối liên hệ với các danh gia trong lĩnh vực chính trị mỉa mai rằng trong khi Nhật Bản muốn tìm một thế hệ lãnh đạo mới và cử tri muốn đổi mới thì thế hệ lãnh đạo trẻ này lại xuất thân từ những gia đình cũ. Ông Jin Matsubara, đối thủ của ông Ishihara “con” trong cuộc bầu cử lần này, phản ứng: “Các thế hệ dân biểu thứ 2 và thứ 3 không thể tiến hành những cải cách cơ cấu chính quyền vì mối liên hệ nồng ấm của họ với các nhà chính trị quan liêu mà cha ông họ đã hình thành”.
Nhà nghiên cứu Inoguchi nhận định: “Chừng nào tầng lớp chính trị gia đưa ra được những ứng viên có tài thì mọi việc vẫn ổn. Nhiều khi tôi lo lắng cho việc có những chàng trai, cô gái trẻ dễ giành được chiếc ghế nhưng ít lo lắng về trách nhiệm của mình”. Cựu ngoại trưởng Makiko Tanaka cũng nói rằng bà lo ngại rằng giới trẻ chấp chính không chịu học hành nghiêm túc và không có được quan điểm độc lập.
Trúc Lâm (theo CSM)
(Theo Người Lao Động)