Nhật Bản ngày 27/11 đã công bố các số liệu mới mà hầu hết là yếu, những con số quan trọng đầu tiên sau tin nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tái rơi vào suy thoái.
Số liệu mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống thường biến động, giảm 0,1% trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, giá xăng dầu giảm là nguyên nhân chính của sự sụt giảm này. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng trong tháng giảm 2,4%, gây lo ngại rằng người tiêu dùng vẫn e dè trong chi tiêu.
Giá tiêu dùng và chi tiêu của các gia đình giảm cho dù có dấu hiệu mới cho thấy thị trường việc làm Nhật Bản đang cải thiện, với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 10 giảm xuống 3,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 7/1995.
Cũng trong tháng này, các số liệu chính thức cho thấy GDP của Nhật Bản trong quý III/2015 giảm 0,2% so với quý trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý giảm thứ hai liên tiếp. Số liệu này thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản cân nhắc gói kích thích đặc biệt để ngăn chặn đà suy giảm.
Nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái ngắn vào năm ngoái sau khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do thuế tiêu dùng tăng. Do sự giảm sút của nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tăng mạnh chương trình mua trái phiếu, phần quan trọng của Abenomics.
Trong khi Abenomics đã làm giảm mạnh giá trị của đồng yen và đưa đến sự hồi phục của thị trường chứng khoán, tác động của chính sách này đến nền kinh tế đang yếu đi.
Các số liệu mới sẽ hướng sự chú ý tới BoJ, trước cuộc họp chính sách vào tháng tới của ngân hàng này, chờ xem chương trình kích thích hàng năm trị giá 80.000 yen (653 tỷ USD) có được tăng cường hay không.
Tuần trước, BoJ quyết định chưa mở rộng chương trình này dù nền kinh tế lại rơi vào suy thoái và số liệu cho thấy xuất khẩu yếu. Tuy nhiên, ngân hàng này buộc phải hạ dự báo tăng trưởng và đẩy lùi thời điểm đạt mục tiêu lạm phát khi những dự báo lạc quan trước đó đã không trở thành hiện thực.