Bài viết của giáo sư Trần Văn Thọ – Đại học Waseda, Nhật Bản
Nhiều người nước ngoài có thể thấy phiền toái hoặc thấy khó hiểu về lễ nghi, về cách thể hiện trách nhiệm cá nhân, về quan niệm đạo đức của người Nhật. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ ta sẽ thấy bề sâu của tính cách độc đáo ấy là sự tuyệt hảo của các quy phạm đạo đức Đông phương như nhân, nghĩa, lễ, dũng, trí, tín.
Trong giới trẻ ngày nay, lối sống và quan niệm giá trị dần dần đa dạng hóa và đi gần với các chuẩn mực quốc tế, nhưng những bậc cha mẹ hoặc nhà giáo dục Nhật Bản vẫn mong các thế hệ đi sau giữ lại, dù chỉ một phần, những đức tính truyền thống cao đẹp đã trở thành con đường (đạo) được xây dựng từ giới võ sĩ thời phong kiến.
Đọc lịch sử Nhật, nhất là thời cận đại, tôi luôn bắt gặp những điển hình của con đường xây đắp bằng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng đó, những điển hình đã gây cho tôi thán phục, cảm động, cảm kích… Một Oda Nobunaga (1534- l582) thời chiến quốc Nhật đã biểu lộ một tinh thần thượng võ đáng phục. Trong trận chiến Okehazama (1560), Nobunaga đã tiêu diệt đội quân đông đảo, hùng mạnh của Imagawa Yoshimoto (1519- 1560), lãnh chúa tài giỏi và mạnh nhất thời đó. Quân đội của Nobunaga đã đột nhập vào bản doanh và giết được Imagawa. Từ sự khâm phục một người tài giỏi, Nobunaga chẳng những đã nghiêng mình trước thủ cấp của Imagawa mà quân đội mình vừa đem nộp, lại còn giao binh sĩ tẩm liệm cẩn thận và đưa về quê quán chôn cất.
Cảm động biết bao trước lòng nhân của Sugihara Chiune (1900- 1986). Trong Thế chiến thứ hai, hơn 6.000 người Do Thái đã thoát ra được từ cõi chết trước sự tàn bạo của Đức Quốc xã là nhờ Sugihara (làm việc ở Tổng lãnh sự quán của Nhật ở Lithuania, lúc đó thuộc Liên Xô) cấp chiếu khán đi Nhật, một việc làm vừa trái nguyên tắc của Bộ Ngoại giao Nhật, vừa chuốc lấy nguy hiểm cho bản thân và gia đình Sugihara vì lúc đó cảnh sát chìm của Đức quốc xã đã len lỏi vào mọi cơ quan ngoại giao ở những nước, những nơi mà họ đang chiếm đóng. Nhưng trước một nhóm người rất đông đang trông cậy vào mình để được cứu sống, lòng nhân của Sugihara đã trỗi dậy bất chấp luật pháp và sự nguy hiểm có thể đến với bản thân. Nghĩ cho cùng, đạo đức phải đứng trên cả luật pháp và Sugihara đã thể hiện điều đó với cả sự cao đẹp đáng ngưỡng mộ.
Trong quá trình xây dựng đất nước với khẩu hiệu phải theo kịp và vượt các nước Âu Mỹ, nhiều quy phạm đạo đức truyền thống của người Nhật, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, được thăng hoa thành lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Các điển hình này rất nhiều, không thể kể hết trong khuôn khổ của bài viết ngắn này. Ngay cả trong hoạt động doanh nghiệp, là lĩnh vực tưởng như mục tiêu chính là lợi nhuận, ta cũng thấy tinh thần dân tộc rõ nét ở những người sáng lập các công ty nổi tiếng ngày nay. Chẳng hạn, Ibuka Masaru (l908-1997), người sáng lập công ty mà sau này có tên là Sony, đã nói một câu thơ cảm động trong bài diễn văn thành lập công ty năm 1946: “Phải cố gắng đem công nghệ, kỹ thuật góp phần vào việc phục hưng tổ quốc chúng ta”. Giữa cảnh hoang tàn đổ nát sau chiến tranh tinh thần trách nhiệm đó đã động viên mọi người hăng hái trong công cuộc khôi phục đất nước.
Shirasu Jiro (1902-1985) được người đời truyền tụng về năng lực và khí khái của một nhà ngoại giao xuất sắc. Một sự kiện nổi bật được ghi lại như điểm son của một quan chức yêu nước và đầy tự trọng: trong thời gian Mỹ chiếm đóng Nhật (l945-1951), có lần Shirasu được lệnh mang quà của Thiên hoàng đến biếu Thống soái Douglas MacArthur, người giữ trách nhiệm tối cao của đội quân chiếm đóng. Thấy thái độ trịch thượng của MacArthur, coi thường quà cua Thiên hoàng, Shirasu nổi nóng phản ứng: “Chúng tôi không phải là nô lệ của các ông”. Thấy thái độ khảng khái, đầy tự trọng, không sợ quyền lực, không sợ khả năng mất chức, mất quyền lợi của Shirasu, McArthur chột dạ phải xin lỗi và từ đó có thái độ khác đối với Nhật. Những câu chuyện như trên kể mãi không hết. Ta có thể đặt câu hỏi là tại sao ở mọi tình huống của lịch sử Nhật đều có những con người biểu hiện một cách sâu sắc, mạnh mẽ những quy phạm đạo đức rất cao đẹp và những đạo đức đó do đâu mà có?
Có thể tìm câu trả lời qua cuốn sách Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản do Nitobe Inazo viết cách đây hơn một thế kỷ. Tác giả của cuốn sách, cũng là người thấm nhuần và thể hiện bằng hành động rất xuất sắc những tinh tú của võ sĩ đạo ấy. Cuốn sách viết năm 1899 xuất bản năm 1900, tức là năm Minh Trị thứ 33. Sau hơn 30 năm hiện đại hóa, Nhật đã theo kịp Tây phương về một số phương diện. Trong quá trình đó, tuy du nhập nhiều tri thức khoa học, luật lệ, phương Pháp tổ chức chính quyền và công nghệ từ phương Tây nhưng Nhật luôn thể hiện tính tự chủ, nhất là tính độc lập về văn hóa. Động cơ trực tiếp của Nitobe khi viết sách này là từ câu hỏi của một người Bỉ về giáo dục tôn giáo của Nhật, và mục đích của cuốn sách là cho người Tây phương hiểu rằng tuy Nhật không có giáo dục tôn giáo ở học đường, nhưng võ sĩ đạo của thời phong kiến đã hình thành cốt cán luân lý của người võ sĩ. Tuy nhiên qua ngòi bút của ông, ta cũng thấy được tinh thần dân tộc của một trí thức yêu nước, muốn chứng minh cho Tây phương biết rằng Nhật cũng có nền văn hóa độc đáo, có một giá trị tinh thần, một tư tưởng mà Nhật rất tự hào.
Nếu tìm nguyên nhân về văn hóa giải thích sự thành công của Nhật trong quá trình cận đại hóa và phát triển kinh tế thì có thể nói đó là tinh thần võ sĩ đạo.