Tokyo lại sắp trôi hết một ngày náo nhiệt. Trên tàu, cuộc sống mỗi người diễn ra theo những cách riêng, không ai giống ai.
Không phải đợi lâu, thoáng chốc, con tàu đã dừng lại mời chúng tôi bước vào trong khoang đông nghịt. Và cũng rất nhanh, nó lao đi với tốc độ của một cái chớp mắt. Tokyo lại sắp trôi hết một ngày náo nhiệt. Trên tàu, cuộc sống mỗi người diễn ra theo những cách riêng, không ai giống ai. Người tranh thủ đọc sách; người lướt web; người ngồi lặng như đang suy nghĩ điều gì…Anh bạn đồng nghiệp bảo rằng, người Tokyo sống chủ yếu ở dưới mặt đất với hệ thống tàu điện ngầm giăng mắc khắp thành phố, thuận tiện vô cùng cho vận tải công cộng. Tôi còn thấy cuộc sống hối hả nơi mặt đất, trên không trung. Giao thông giăng mắc bốn tầng nhưng không hề hỗn loạn. Náo nhiệt nhưng trật tự. Đường phố sạch bong và không hề nghe thấy tiếng còi xe cướp đường.
Có lẽ nước Nhật là một trong số ít các quốc gia châu Á kỷ luật đến nghiêm ngặt. Đơn cử như việc đi xe trên đường, người Nhật không ai bảo ai đều không uống bất cứ giọt rượu bia nào. Ở Nhật, uống rượu bia và nghe điện thoại trong lúc lái xe là hai hành vi vi phạm nặng nhất. Tuy nhiên, theo giải thích của anh bạn, không phải vì sợ bị phạt nặng mà họ thấy đó là một hành vi thấp kém, không thể chấp nhận giống như bóp còi xe inh ỏi vậy. Đường sá thuận tiện, có những con đường từ những năm 60 đến giờ vẫn…chạy tốt. Trên xe ô tô, người ta sử dụng hệ thống định vị chỉ đường điện tử-một công cụ cực kỳ hữu ích cho hành trình lưu thông trên những con đường chằng chịt của một thủ đô hiện đại.
Người Tokyo thích đi bộ, đi bộ cho khỏe; đi bộ vì hệ thống giao thông công cộng tiện ích; đi bộ để khoe dáng vóc đang ngày một cao hơn của người Nhật; đi bộ để thoát khỏi cái kiểu “lên xe xuống ngựa” tù túng…
Tokyo hiện đại trong bản sắc và sự hợp lý. Không có chi tiết thừa, không lộng lẫy, hoành tráng, khoe mẽ như những anh giàu xổi. Tất cả đều phục vụ cho tiện ích và thuyết minh cho một nền văn hóa rất riêng, ít chịu chi phối của bên ngoài. Tôi mường tượng ra thuở xưa trong những căn nhà của người Nhật. Từ lâu rồi hình như vẫn như vậy, thầm kín, nghiêm cẩn, nề nếp. Nhưng cũng có một nước Nhật khác đang vươn dài theo những sải chân đi bộ hối hả, vừa đi vừa ăn fast food, nhẫn nại đợi chuyến tàu điện, vừa đọc nốt những dòng sách yêu thích. Nước Nhật như một cô gái vừa bước ra khỏi câu hát cổ, đã mạnh mẽ trong điệu dance tươi trẻ. Nhưng hai mảng tưởng chừng đối lập đó lại hòa điệu trong một bản tổng phổ hài hòa, hay nói theo cách nói của giới nhạc sỹ thì đó là dòng nhạc dân gian đương đại nhuần nhuyễn. Chỉ biết là hay nhưng không chỉ rõ được đâu là nét xưa, đâu là hiện đại.
Nước Nhật cổ xưa bay trên Ngàn cánh hạc của Kawabata vẫn luôn mới mẻ. Và nước Nhật hiện đại đậu Bến Na Uy của Marakami vẫn không đánh mất trầm tích văn hóa. Ở một khách sạn chúng tôi tá túc trong những ngày Tokyo nóng bức có chiếc phòng ăn xinh gọn như trong một gia đình. Những vật dụng trong gian phòng đồ ăn, bát, đũa cho tới các món ăn vẫn phảng phất những nét cổ xưa…Mỗi khi có khách vào ăn sáng, cô gái trong trang phục truyền thống khẽ cúi đầu chào đón kèm theo một nụ cười lịch thiệp dịu nhẹ. Một ngày mới đang chờ đón. Văn minh một cách thâm trầm hơn rất nhiều cái gọi là tiện nghi xủng xoảng.
Bất cứ nơi nào từ chỗ trang nghiêm lịch lãm cho đến nơi công cộng bình dân, tôi đều bắt gặp hình ảnh cúi gập đầu chào hỏi nhau, cảm ơn nhau, xin lỗi nhau…của người Nhật. Trẻ cúi đầu trước người già; nhân viên cúi đầu trước lãnh đạo đã đành, ở đây tôi còn thấy cả những cái cúi đầu lịch thiệp của người già dành cho giới trẻ. Mọi thứ cứ nhẹ như không, nhường nhịn, cảm thông, chu đáo…; cúi đầu, hạ thấp người mà vẫn rất đĩnh đạc. Khác hẳn với xứ mình, cứ nghênh ngang, nhao nhao cả lượt với nhau; không ai chịu ai, không ai nghe ai, những dòng xe chen chúc, cướp đường…
Cả thế giới mỗi lần nhắc tới thảm họa sóng thần vẫn không hết ngỡ ngàng trước tinh thần Nhật Bản. Thực ra với một quốc gia kinh tế vững vàng như nước Nhật thì những thiệt hại về kinh tế qua những vụ sóng thần không thấm vào đâu. Nhưng những nỗi đau tinh thần thì không thể hàn gắn được. Thế nhưng một dân tộc vẫn đứng vững, hồi phục mà không hề hỗn loạn. Họ ứng phó, sống chung với tai ương với một bản lĩnh văn hóa…
Nói vậy chứ nước Nhật cũng có những nỗi niềm của riêng mình. Mấy ngày lang bang ngoài phố, chợt nhận ra Tokyo vắng bóng lũ trẻ, trong khi đó, ở các công sở, tiệm ăn, shop, công viên.., người già làm công rất nhiều. Hỏi ra mới vỡ lẽ dân số Nhật thuộc diện già. Nhiều năm nay, xuất hiện xu hướng phụ nữ thích sống độc thân. Bắt gặp trên đường những phụ nữ đẩy xe nôi nhưng không phải đứa trẻ mà là mấy chú chó con. Có cầu ắt sẽ có cung, vì thế ở Tokyo có nhiều cửa hiệu bán các thứ dành cho chó-đây là một ngành công nghiệp tạo nguồn thu không nhỏ…
…Ông bạn thường trú nói như đinh đóng cột rằng, nếu bị rơi ví ở chốn đông người Tokyo, nếu trong đó có địa chỉ, bạn sẽ nhận lại tài sản sau đó không lâu. Tốc ký một vài chi tiết vụn vặt như vậy để cảm nhận về một thành phố đáng sống.
Tôi cúi đầu chào Tokyo nơi cửa ngõ-sân bay Narita. Tokyo cũng nghiêng mình chào tôi trong bóng dáng người nhân viên già cần mẫn và lịch thiệp. Tôi hiểu mình đang chạm vào một phần giá trị của xứ sở Mặt Trời./.
Trần Nhật Minh/VOV