Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
Hôm ấy, như thường lệ, tôi cùng các anh chị trong Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật lên chùa để chuẩn bị cho lễ hội sắp tới. Cảm giác sau một thời gian bận rộn với học tập, mưu sinh, được quay về sum họp bên mái chùa khiến lòng tôi thanh thản và bình yên tới lạ. Chợt trong đám đông có người cất tiếng hỏi:
– Ủa hôm nay không thấy cái Linh đâu ta?
– Ừ, lạ nhỉ, hôm trước em ấy nói sẽ đến. Cái Linh lúc nào cũng tích cực tham gia mà hôm nay sao vậy nhỉ?
Đúng ngay lúc ấy, tôi nhận được điện thoại của chị Linh. Nhấc máy lên, đầu dây bên kia nghẹn ngào tiếng nấc.
– Em ơi, em nhắn lại với mọi người là chị không lên được nha. Chị phải về Việt Nam gấp, bố chị đang hấp hối…
Tôi sững người, bàn tay cầm máy lạnh toát. Chẳng biết nói sao, tôi đưa máy cho người phụ trách chính trong hội rồi giải thích rõ sự tình. Chị ấy cầm máy và nói:
– Thôi em ạ, đợi khi nào có tin báo chết hẵng về. Nói là hấp hối vậy nhưng chẳng biết thế nào đâu. Như chị cũng từng bị nè, có lần nhà báo tin mẹ mệt lắm, sắp mất rồi. Chị cuống cuồng chạy về nhưng xong một thời gian mẹ lại khỏe mạnh bình thường. Vậy nên cái gì cũng phải chắc chắn. Cố gắng sắp xếp lên với mọi người nha em.
Nghe câu trả lời mà tôi toát mồ hôi. Nhưng ngẫm lại, chị ấy nói không phải là không có lí. Nhà chị Linh vốn nghèo, gia đình đông anh em, chị là cả phải bôn ba gánh vác. Chị ấy nghe tin bố ốm nặng cũng chẳng phải lần đầu. Lúc trước, chị cũng đã về nước vào dịp Tết để thăm bố. Lần này về nữa, sát sao như vậy, thật sự là tốn kém vô cùng. Tôi chỉ hi vọng chị có thể bình tâm để chờ những tin tức sớm nhất từ quê nội.
Tới chiều, vẫn không thấy chị Linh đâu. Mọi người lại rì rầm bàn tán. Sợ rằng có chuyện, một anh trong đoàn liền gọi cho chị. Vừa hỏi được vài câu, anh trợn tròn mắt, nói lớn:
– Cái gì? Bố em mất rồi sao?
Tất cả những người trong hội nghe thế, đều ngừng công việc đang làm dở, đứng lại thẫn thờ. Ai nấy đều hướng về quây quanh chiếc điện thoại. Rồi mọi người truyền tay nhau, mỗi người một lời động viên an ủi. Tôi đứng ngoài nghe ngóng, cảm giác như chị Linh vẫn rất muốn về. Vậy nên mới có người khuyên:
– Thôi em ạ. Bố mất thì cũng mất rồi. Em về đột ngột như vậy, chỉ riêng tiền vé máy bay cũng lên đến cả chục man. Thôi thì mình lên chùa ở đây làm mâm cơm cúng bố, còn tiền ấy để dành mà gửi về cho mẹ.
– Phải đấy, phải đấy. Anh biết em rất buồn và có thể mẹ cũng như các em của em sẽ khó mà vượt qua cú sốc, nhưng phải xem lại kinh tế của mình em à. Dù sao thì đợt Tết em cũng đã về rồi.
Sau một hồi khuyên nhủ, cuối cùng chị Linh cũng nghe theo. Tối hôm ấy, chị lên chùa, cùng mọi người chuẩn bị đồ cúng và đọc kinh nguyện cầu cho hương linh thân phụ. Chị không khóc, nhưng gương mặt trầm buồn. Gương mặt như luôn chất chứa những nỗi niềm riêng, buồn tới mức có lần sư cô đã khuyên chị: “Con nên xuất gia, không thì e rằng đời con sẽ khổ”. Cũng chẳng biết đúng hay sai, nhưng trước mắt với nỗi mất mát này, tôi thấy thương chị biết bao.
Tiếng chuông mõ vang lên thê thiết cõi lòng. Ngôi chùa hôm nay cũng buồn tới lạ. Nơi đây vốn do một sư ông người Nhật trụ trì, sau không có người thừa tự, lại thêm tính ông vốn quý người Việt nên ông để lại cho Hội Phật tử chúng tôi quản lý. Từ đó sư cô là người đảm đương mọi chuyện, còn sư ông nay đã lớn tuổi, chỉ thường ẩn mình trong căn phòng riêng tại chùa. Đôi lúc tôi cũng thấy sư ông đi ra đi vào dõi theo mọi người, nhưng thường chỉ để nhắc nhở về cách bố trí hay dọn vệ sinh, như một cái bóng lặng lẽ không có gì ấn tượng.
Và tối hôm nay, khi lời kinh réo rắt ngân lên, sư ông cũng từ đâu lọ mọ đến quan sát mọi người. Chẳng khó khăn gì để nhận ra được nhân vật chính của buổi lễ là chị Linh, người nãy giờ dâng hương khấn nguyện. Sư ông tiến đến chị, hỏi một cách rất ân cần.
– Có chuyện gì với cháu vậy?
Một anh trong hội giỏi tiếng Nhật đáp thay:
– Dạ thưa, bố em ấy mới mất. Em tính về Việt Nam ngay nhưng giá vé lại cao, nếu về thì vô cùng tốn kém. Nên mọi người bàn nhau làm đồ cúng ở đây, còn tiền ấy sẽ gửi về cho gia đình ạ.
Nghe vậy, sư ông cũng nghẹn lời, những nếp nhăn lại càng xâu xé nhau trên vầng trán. Chị Linh như một “đệ tử ruột” rất hay lên chùa làm công quả, nên gia cảnh của chị sư ông cũng biết phần nào. Hiểu nỗi đau mất mát, càng hình dung thêm được những gì mẹ và các em chị sẽ phải trải qua trong những ngày sắp tới, ánh mắt sư ông tràn ngập sự cảm thông. Nhưng rồi ánh mắt ấy rực lên, hướng về phía chị:
– Không được, cháu ạ. Cháu phải về. Về để lo hậu sự cho bố. Về để động viên mẹ. Về để làm chỗ dựa cho các em. Trách nhiệm của cháu lớn lắm, không thể không về được. Cháu cứ đặt vé đi, tốn kém bao nhiêu, ông sẽ giúp!
Nói là làm, ông đi vào thư phòng, lấy ra một phong bì nhỏ đặt vào tay chị, với những lời dặn dò thêm. Gương mặt ông lúc này hiền từ như ông Bụt. Chị Linh không biết nói gì hơn, chỉ nghẹn ngào trong nước mắt:
– Cháu cảm ơn ông, cháu cảm ơn ông nhiều lắm…
Ngay lập tức, ông chỉ đạo cho tất cả mọi người tìm vé máy bay sớm nhất và rẻ nhất cho chị. Năm, sáu chiếc điện thoại được lấy ra, các hãng vé và giờ bay liên tục được báo lên không ngớt. Những anh chị còn lại, người lo dọn dẹp đồ cúng, vài người khác kêu gọi chung tay quyên góp cho chị chút lộ phí trở về. Đám đông vẫn xì xào, nhưng là những lời thật khác:
– Không ngờ sư ông lại quảng đại đến thế. Thật đáng khâm phục.
– Cố lên em, anh không có gì hơn, chỉ có chút lòng thành này. Về bình an em nhé.
Chị Linh không nói được gì nữa, chỉ òa khóc. Nhưng tôi biết chị đã cảm thấy ấm áp hơn nhiều. Và tôi cũng nhưng được giải tỏa được khúc mắc từ sáng tới giờ trong tâm khảm.
Tôi đã từng biết một thầy giáo sẵn sàng từ chối ca mổ 200 triệu cho thân phụ mình với lý do ông đã 90 tuổi, chẳng sống được bao lâu; hay một cô giám đốc thuê ô-sin về lo cho mẹ để thỏa thời gian đắm mình vào công việc. Những điều ấy, nếu lý luận trên quyền lợi cá nhân của mọi người thì chặt chẽ đến mức khó mà cãi được, dù những ai có chiều sâu về tâm khảm sẽ không khỏi nhói lòng. Nhưng với hành động của sư ông đây, thì chẳng cần lý luận hay biện hộ, bởi nó vượt lên trên tất cả những tư lợi tầm thường, và hơn cả lòng bác ái, đó là biểu hiện của sự vị tha. Tôi không ngờ một sư ông mỗi ngày chỉ ra vào lặng lẽ nhưng lại có một trái tim nồng nhiệt đến vậy. Sư ông đã một lần nữa làm tôi thêm yêu và kính phục con người nơi đất nước mặt trời mọc này.
Sau khi động viên và cùng mọi người chia sẻ với chị Linh, tôi có việc phải ra về. Trước khi đi, nghe trong đám đông văng vẳng một câu nói, có thể về lý luận thì không chặt nhưng nghe thật ấm lòng:
– Ừ thì về đi em. Cha mẹ đã vất vả vì mình cả đời, mình vì cha mẹ như thế này có đáng gì đâu!…
Minh Nhân (Tôi kể bạn nghe về nước Nhật – iSenpai)
(Mọi hành vi đăng tải lại bài viết phải được sự đồng ý của iSenpai)