Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.
Nhắc đến Nhật, hẳn là ai cũng nghĩ đến những con người cực kì nghiêm túc, luôn giữ gìn kỉ luật và tích trách nhiệm thì cao cực kì. Bù vào đó, sự kĩ lưỡng ấy cũng gây ra biết bao điều khó chịu, và cái lạnh lùng không chút thương tâm của người Nhật nhiều khi làm tôi cũng vất vả bao lần. Đi vô quán làm vỡ cái li, người phục vụ sẽ xin lỗi bạn tới tấp và mỉm cười cực kỳ thân thiện: “Đây là hoá đơn tiền đền, xin quý khách vui lòng thanh toán”. Viết bài báo cáo, dù chỉ một chi tiết nhỏ cũng phải sửa lại chục lần. Tất cả đều không có ngoại lệ. Điều này làm tôi nhớ tới Việt Nam biết bao. Tôi nhớ bà hàng nước vẫn đi ngang qua nhà tôi dạo trước, có lần tôi làm bể cái ly, bà vẫn xoa đầu nhắc nhở rồi chẳng nói gì. Hay cô hàng bún trước cổng trường, nhiều khi thấy bọn học sinh chúng tôi than mệt, cô sẵn sàng cho một tô đầy hự thêm đủ mọi món vào để ăn được no hơn. Những thứ ấy, với Nhật chắc chỉ còn trong… truyện cổ tích.
Nhưng rồi một chuyện xảy ra đã làm suy nghĩ của tôi khác hoàn toàn. Đó là vào kì hè vừa rồi, khi tôi đón mẹ sang Nhật chơi. Với du học sinh thì việc đón mẹ qua chơi chẳng dễ dàng gì, nên tôi quyết định sẽ cho mẹ được hưởng mọi thứ tiện nghi của Nhật. Tôi đặt vé Shinkansen cho mẹ đi Tokyo và Kyushyu, điều mà trước đây tôi chẳng bao giờ dám nghĩ. Thông thường, để đi đến những nơi ấy tôi chỉ dùng xe buýt đêm mà thôi. Và cũng vì là lần đầu tiên nên tôi thật sự lúng túng cực kì, lò dò mãi mới ra được nơi bán vé, rồi đến làm thủ tục. Mua xong hai vé đi Tokyo, toan mua tiếp vé đi Kyushyu thì xem lại ví tiền chỉ còn có mấy đồng. Tôi tự nhiên thấy lạ: “Quái, sao đắt như vậy được. Bạn bè mình cũng vẫn thường dùng Shinkansen mà”. Tới lúc này, tôi mới nhớ ra, với du học sinh thì nên dùng “Gakuwari” – tức giấy giảm giá thì sẽ bớt được chi phí phần nào. Lúc này, tôi mới cuống lên, hỏi lại người bán vé.
– Chị ơi, hai vé em mua đi Tokyo khi nãy liệu có giấy Gakuwari thì còn được giảm nữa không.
Chị bán vé nhìn tôi ái ngại:
– Được thì được đó, nhưng phải đóng thêm phí phụ thu em à…
Lúc bấy giờ, tôi chỉ biết đứng trơ như phỗng. Nếu có cái bánh bao chiều nào còn ế chắc cũng không thê thảm như gương mặt của tôi. Đành lủi thủi về rút tiền, toan ngày hôm sau sẽ lên xin giấy Gakuwari của trường rồi lên mua vé tiếp.
Trên đường về, mặc dù bức bối nhưng tôi vẫn phải ráng cười, không để cho mẹ hay. Lại cố gắng tự nhủ rằng, chắc giấy Gakuwari muốn cấp cũng phải lâu lắm, mà ngày đi Tokyo đã gần kề rồi, cỡ nào cũng không được thôi. Nào ngờ đâu hôm sau, khi đến trường, tôi được hướng dẫn ra thao tác trên máy để lấy giấy gakuwari. Ôi sao mà trường tôi hiện đại thế không biết, chỉ cần cho thẻ sinh viên vào, nhấn nhấn vài cái là có ngay gakuwari, không phải một tấm mà ba, bốn tấm liền. Nghĩ tới chuyện mua hớ tấm vé Shinkansen, tôi lại trách mình ghê gớm. Nếu tôi không ẩu tả, chịu nghiên cứu kỹ hơn thì đâu đến mức này. Trách mình xong lại quay qua trách Nhật, không hiểu sao người ta lại cứ phải kỹ càng như vậy. Những lúc này tôi lại nhớ tới bà bán nước và cô hàng bún ngày xưa. Người Việt buôn bán với nhau, còn có thể hỏi han trao đổi đủ điều, người Nhật ngoài nụ cười tươi rói được rèn luyện sẵn tôi chẳng cảm nhận được chút gì là thân thiện. Liệu những quy tắc cứng ngắc ấy có hợp với cái tính ẩu tả hậu đậu của tôi không?
Dù là nghĩ vậy nhưng hôm sau tôi vẫn quay lại quầy vé, để xem giảm được bao nhiêu thì giảm. Lần này tôi gặp một người bán vé khác, nom đứng tuổi hơn. Trình bày đầu đuôi xong, tôi lại được nghe câu quen thuộc:
– Đúng là giảm giá thì có giảm, nhưng phải có thêm phụ thu.
Không còn cách nào, tôi đành thở dài gật đầu:
– Vâng, làm ơn.
Tôi ngao ngán nhìn cô nhân viên gõ gõ bấm bấm bàn phím, trong lòng vẫn nguyền rủa sự cứng ngắc lạnh lùng của Nhật. Cho đến khi tiếng gõ phím dừng tôi mới ngẩng đầu lên:
– Và phần phụ thu cho em là…không có!
– Hả – Tôi quay qua nhìn cô nhân viên, mặt không giấu nổi vẻ bất ngờ.
Cô nhìn tôi, nheo mắt và đưa tay lên ra dấu “Suỵt”. Tôi hiểu chuyện, liền cúi gập người cảm ơn cô rối rít.
– Lần sau cố gắng cẩn thận hơn nhé em. Ngoài ra em còn muốn mua vé gì nữa không?
– Dạ em còn muốn đặt vé đi Kyushyu. – Tôi cười.
– À vé Kyushyu hả, nếu vậy đặt khứ hồi sẽ rẻ hơn đó, để xem nào..
Cứ thế, cô hướng dẫn tôi thật tận tình. Không khí trở nên thân mật hẳn. Lần đầu tiên khi làm thủ tục tại Nhật, tôi cảm thấy ấm lòng như thế. Cảm giác như được gặp bà hàng nước hay cô bán bún trước cổng trường năm xưa. Hoá ra ở Nhật vẫn còn nhiều người thân thiện lắm. Và gã hậu đậu như tôi coi như được một bài học nhớ đời.
Vậy đó, dù ở Việt Nam hay ở Nhật, vẫn còn rất nhiều người tốt, sẵn sàng cảm thông cho ta dù chỉ mới gặp lần đầu. Điều quan trọng là phải luôn giữ niềm tin, sống thật chân thành và không ngừng chia sẻ. Rồi một ngày nào đó lỡ may bất cẩn, biết đâu bạn sẽ gặp được những sự hỗ trợ như cô nhân viên bán vé đã giúp tôi ngày ấy. Đời thì đâu có thiếu những chữ “Biết đâu”!
Minh Nhân (Tôi kể bạn nghe về nước Nhật – iSenpai)