Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Hơi ấm tình người dưới chân tháp Sky Tree

Đăng ngày 24/09/2016 bởi iSenpai

 

Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.

Nếu ai đã từng có dịp đi ngang qua khu Asakusa vào những tối thứ hai của tuần đầu tiên và tuần thứ 3 trong tháng, ắt hẳn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một đoàn người, vai quải những túi đồ trĩu nặng, tay cầm đôi tập giấy đi vòng quanh khắp các góc phố, con đường. Trong đám đông ấy, những cuộc truyện trò, hỏi han bằng tiếng Nhật, tiếng Việt đan vào nhau không ngớt. Đó là những thành viên của hội Takidashi (Hội phát cơm từ thiện) đang đi phát thức ăn cho những người vô gia cư tại Tokyo. Bản thân tôi, cũng đã may mắn có dịp được tham gia cùng hội một đôi lần. Dù chỉ là một vài lần ít ỏi nhưng những ấn tượng về con người nơi ấy vẫn con ghi đậm trong tôi, cho đến tận bây giờ, dù đã rời khỏi mảnh đất Đông Kinh tráng lệ, vẫn không thể nào quên được.

Thực sự ngày ấy, tôi đến với hội cũng rất tình cờ. Năm đó, tôi mới đến Nhật chưa được bao lâu, cuộc sống xa nhà lại không có mấy bạn bè thân khiến tôi cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Lại thêm việc học áp lực và những lo ngại về kết quả vào đại học khiến tôi càng mệt mỏi nhiều hơn. Để nguôi ngoai những muộn phiền tiêu cực ấy, tôi thường đến một ngôi chùa dành cho người Việt Nam tại Nhật. Nhờ vậy, tôi được biết là những anh chị Phật tử nơi ấy có kết hợp với người Nhật đi phát cơm hàng tháng, mọi người cũng rủ tôi đi cùng. Vậy là, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, tôi liền đăng ký tham gia.

Tới nơi, tôi mới biết hội Takidashi được thành lập bởi sư thầy Yoshimizu Daisuke, trụ trì Chiếu Quang Viện, một tự viện nhỏ ở Asakusa. Thầy nom còn rất trẻ, tầm 30 tuổi, khuôn mặt thanh thoát đến lạ kì. Vừa mới gặp, thầy đã rất ân cần hỏi han và dẫn tôi ngồi vào vị trí chờ nghe phổ biến. Tôi được phân vào chung nhóm đi phát vòng quanh ga Asakusa. Đồ đạc mang theo cũng chẳng có gì nhiều: Ba túi đựng Onigiri (cơm nắm), một túi kẹo, một túi đựng thuốc trị các loại bệnh thông thường, một phích nước trà, những tập giấy thông báo về lịch đi phát cơm sắp tới và một túi đựng các loại đồ dùng cần thiết khác như găng tay, áo khoác, tất, mũ, khẩu trang…Mọi người chia nhau mỗi người cầm một thứ, người có kinh nghiệm hướng dẫn người đi sau. Riêng tôi xung phòng mang túi Onigiri nom chừng nặng nhất.

Chúng tôi đi qua các con đường dọc theo khu chợ và bắt gặp những người vô gia cư. Những con người ở đây trông khốn khổ và mệt mỏi thật nhiều. Có những người chỉ lấy được vài miếng bìa các-tông, dựng thành một “cái lồng” để che thân cho ấm. Có người không làm được, đành dùng những mảnh chăn đã sờn, co rúm lại mà chống chọi với cái rét ngoài kia. Ai nấy mặt đều xanh xao, tím tái, thậm chí có người chẳng còn thấy một sinh khí nào trên cơ thể. Tất cả những người ấy đều đã lớn tuổi rồi, dáng hao gầy như chồi khô trước gió, làm sao chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt. Thấy chúng tôi, tất cả họ đều hồ hởi ngồi dậy như cá chép gặp mưa. Tay run run đón lấy những mẩu cơm nắm bỏ vào miệng, vừa nhai ngồm ngoàm, họ vừa tâm sự về cuộc sống bất hạnh trong chuỗi ngày qua: khi thì bị cảnh sát đuổi đi, khi thì phải tranh nhau một chỗ nằm, lúc lại gặp đám học sinh cấp 3 ăn chơi đi ngang quậy phá…Ai nghe được những câu chuyện đó cũng không khỏi xót lòng, nào ngờ đâu giữa một Tokyo hoa lệ lại có những mảnh đời hẩm hiu như thế. Cùng là một kiếp người nhưng có kẻ thừa mứa hưởng thụ hoài không hết, còn ở đây có những người ngày ngày phải đánh vật với kế sinh nhai. Tôi tự hỏi với những món trang bị thô xơ thế này, họ làm sao sống sót qua mùa đông tới? Hay họ sẽ co ro chết lịm bên một ga tàu, giữa những ánh mắt vô hồn đang tất tả vì công việc ngoài kia. Thế mới thấy, những mệt mỏi, lạc lõng của tôi chẳng là gì so với đau khổ của họ. Tôi vẫn còn may mắn lắm, và khi nào vẫn còn có cơm ăn, áo mặc, tôi hiểu rằng mình phải biết trân quý cuộc đời này.

Chúng tôi đi tiếp qua những hẻm vắng xung quanh, vừa đi vừa trò chuyện. Nhờ vậy, tôi biết được là hội đã hoạt động 7 năm rồi, riêng cộng đồng người Việt thì tham gia khoảng 1 năm. Chẳng thế mà sư thầy biết rõ hết tất cả những người vô gia cư quanh vùng, biết họ đang làm gì để kéo lê những ngày được sống, biết những liều thuốc họ cần, những góc đường họ ngủ… và chuẩn bị chu đáo không thiếu một thứ gì. Có những đêm mưa giông giá rét, mọi người cũng không hề nghĩ ngợi, cứ y theo lịch mà mặc áo mưa đi phát, dù những ngày ấy số thành viên đi được chẳng là bao. Nghe kể đến đấy, tôi bỗng thấy ấm lòng. Hóa ra giữa một nước Nhật bận rộn, tưởng chừng vô cùng lạnh lùng và tình thương chỉ là món hàng xa xỉ, thì ngay tại đây, những hơi ấm sẻ chia vẫn đang được lan tỏa từng ngày nơi góc phố Asakusa. Điều này giúp tôi vững tin hơn vào con người của xứ sở hoa anh đào, họ không chỉ giàu nghị lực mà còn mang trong mình một nhân cách đẹp.

Ảnh: a-month-of-tokyo.blogspot.com

Ảnh: a-month-of-tokyo.blogspot.com

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi tập trung lại ở ga Asakusa, báo cáo tình hình và tổng kết lại số lượng những món đồ đã phát. Người Nhật bao giờ cũng là người Nhật, họ chu đáo và tỉ mỉ vô cùng, những số liệu được ghi chép chi tiết, cụ thể đến từng viên kẹo, từng vỉ thuốc. Xong đâu đó, các trưởng nhóm báo cáo lại xem có gặp vấn đề trở ngại hay đề xuất ý kiến gì hay không, mọi người sẽ cùng nhau giải quyết. Cuối cùng, những thức ăn còn dư được chia lại cho các thành viên trong hội mang về, kèm theo lời cảm ơn chân thành từ sư thầy Yoshimizu. Trời về khuya lạnh càng thêm lạnh, nhưng chính cái ấm áp của tình người đã xua đi tất cả. Hôm ấy tôi ra về mà lòng đầy hứng khởi, lâng lâng.

Sau đợt đó, hầu như tất cả các buổi tôi đều có mặt. Dù mỗi lần đi như vậy, tôi thường về nhà vào tầm 12h khuya, thậm chí có khi hơn nữa. Tôi cũng rủ thêm những người bạn cùng khóa đi chung, và nhờ vậy tình bạn giữa chúng tôi trở nên khăng khít, tôi không còn lạc lõng nữa. Cuộc sống luôn công bằng vậy đấy, khi bạn cho đi cũng là lúc bạn nhận được rất nhiều. Ngày phải rời Tokyo, khi nghe tin đây là lần cuối tôi đi phát, tất cả mọi người ở đấy đều quay qua tôi hỏi chuyện, vừa dặn dò, vừa cảm ơn, vừa bày tỏ sự tiếc nuối vô cùng. Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới nhận được sự quyến luyến nhiều như vậy. Một vài bác trong số đó còn góp tiền mua tặng tôi một món quà, và cầu chúc tôi lên đường may mắn. Mang theo tất cả tình thương ấy, tôi đi, đến một chân trời mới, tự nhủ lòng phải cố gắng nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, điểm thêm vào cuộc đời mình những gam màu ý nghĩa hơn nữa.

Minh Nhân (Tôi kể bạn nghe về nước Nhật – iSenpai)

Trả lời