Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Người lau nước mắt

Đăng ngày 24/12/2016 bởi iSenpai

Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

“Một tu nghiệp sinh Việt Nam vừa bị sát hại tại Nagoya. Vụ việc đang được điều tra và làm rõ.”

“Hây da, lại người Việt giết nhau nữa rồi. Phải biết đây là đâu chứ, mất mặt quá”.

“Cứ đà này chắc cũng sớm cuốn gói về nước mất thôi”.

“Sáng nay đi làm ai gặp tớ cũng hỏi vụ này, chẳng biết nói làm sao hết”.

Đó là những dòng tin lan tràn trên facebook sáng nay. Tôi ngán ngẩm lướt qua những bình luận với nội dung chẳng sáng sủa gì. Chợt, một bài đăng đập vào mắt khiến tôi dừng lại:

“Thông báo quyên góp hỗ trợ gia đình em X, nạn nhân bị sát hại ở Nagoya. Em X vốn là một tu nghiệp sinh nghèo, vì hoàn cảnh khó khăn mà phải sang Nhật mưu sinh. Em cũng rất chăm chỉ, làm ăn lương thiện, vụ việc lần này chỉ do em vô tình vào can một vụ ẩu đả mà thiệt mạng. Sau khi nghe tin dữ, cả gia đình em X đều suy sụp. Bởi em vốn là lao động chính, em mất đi rồi cả nhà không biết phải làm sao. Vậy nên rất mong sự ủng hộ từ cộng đồng người Việt gần xa về địa chỉ…”

Đó là bài đăng của sư cô Thích Tâm Trí, phụ trách ngôi chùa cho người Việt tại Tokyo. Thật kỳ lạ là sau những tin than van oán trách, đã có những hành động rất nghĩa tình của những người Việt xa nhà, trong đó có lời kêu gọi của sư cô. Điều này bất giác gợi tôi nhớ về những kỷ niệm của một năm về trước, những lúc đồng hành cùng sư cô, người mà cánh anh em Việt Nam xa nhà chúng tôi vẫn gọi bằng hai từ trìu mến hơn là “sư phụ”.

Còn nhớ đó là một ngày chủ nhật khi tôi còn học tại Tokyo. Thời tiết bấy giờ cũng se  se lạnh, tôi đang trùm mình trong chăn ấm chuẩn bị “nướng” thêm một giấc dài thì bỗng tiếng chuông điện thoại vang lên:

– Lên giúp sư phụ một tay nhé!

Vậy là với tâm trạng gật gà gật gù, tôi đón tàu lên chùa, sẵn sàng đợi lệnh của sư cô. Buổi lễ hôm nay là để cầu siêu cho một tu nghiệp sinh vừa đột tử tại một công ty xây dựng. Thấy sư cô nét mặt xanh xao, nom chừng uể oải, tôi liền đến hỏi thăm.

– Sư phụ mới từ Việt Nam qua, vừa nghe tin có người mất là chạy đến liền nên vậy đó con. Mệt lắm, lúc nãy lái xe mà còn mắt tối hù, không thấy đường sá gì hết, cũng may trời thương chẳng có chuyện gì.

Nghe nói mà tôi thấy thương sư cô quá, lúc nào cũng vậy, ở đâu có việc cần là sư cô tất tả chạy đến, chẳng quản ngại gì. Và cũng với sự tất tả ấy, buổi lễ nhanh chóng được bắt đầu. Tôi vẫn thế, với tâm trạng gật gà gật gù không mấy nhập tâm, cho đến khi bỗng đâu đó có tiếng sụt sùi và những hàng nước mắt. Đâu đó những đồng nghiệp của chàng trai đang đọc kinh cầu nguyện, họ khóc thương cho người xấu số hay khóc thương cho thân phận của chính mình. Nhìn lên di ảnh, tự nhiên trong lòng tôi dậy lên những suy nghĩ mông lung. Chàng trai ấy, có thể mới ngày hôm kia thôi, còn đang vui vẻ chè chén với bạn bè, hóm hỉnh nói vài câu bông đùa chọc ghẹo một cô nàng nào đó, nhưng nay, dù muốn hay không cũng phải yên lặng, với gương mặt nghiêm nghị đầy tẻ nhạt trước bàn thờ. Cuộc đời lúc nào cũng vậy, đắp lên nó những màu sắc xa hoa để che giấu đi rằng rồi một ngày nào đó tất cả chúng ta cũng phải khiên cưỡng lạnh lùng như thế. Vậy nên, càng cần trân trọng sâu sắc hơn những gì trong hiện tại, chỉ cần hít vào thở ra thôi cũng đủ để ta cảm nhận được hạnh phúc biết bao.

15110431_1462933170384359_5837395375098553998_o


Sau buổi lễ, sư cô và chúng tôi ngồi lại trò chuyện bên nhau. Hỏi ra mới biết chàng trai đã khuất không phải là người như tôi nghĩ. Anh tên Quang, một trong những tu nghiệp sinh cần mẫn của công ty, lúc nào cũng đặt trách nhiệm lên trên hết, lại luôn hoà đồng thân thiện, hay giúp đỡ mọi người. Nghe kể lại tối hôm đó khi tất cả mọi người đã ngủ, thấy khó chịu nên anh Quang tắt máy lạnh rồi tới sáng hôm sau, cả người anh lạnh ngắt như tờ, lay không dậy nữa.

– Tội anh ấy lắm sư cô ơi. Một mình nơi đất khách, bỏ lại người vợ trẻ và ba đứa con ở quê nhà. Một đứa hai tuổi, một đứa năm tuổi, một đứa tám tuổi. Tất cả đều còn quá nhỏ. Nghe tin, vợ anh sốc lắm, chị bật khóc luôn. Giờ cả gia đình cũng không biết làm sao để đưa được anh về. Một mình trơ trọi nơi đất khách, cả những người hôm nay dự lễ cũng chỉ toàn đồng nghiệp của anh. – Một người trong nhóm thở dài.

– Sư phụ biết mà. – Sư cô gật gù, tỏ ra đồng cảm – Đời tu nghiệp sinh vất vả thăng trầm, chạy vạy bao nhiêu mới sang được Nhật, đi được ba năm thì hết hai năm kiếm tiền trả nợ rồi. Còn năm thứ ba kiếm tiền làm vốn thì lại mất đột ngột thế này, nghĩ không buồn sao được. Trước giờ cũng có nhiều hoàn cảnh thế này lắm. Có lần một em tu nghiệp sinh đột quỵ ngay khi ra công xưởng, cả gia đình lo mãi cũng không thể đưa được xác về. Lại một trường hợp khác, có em kia đang đi mua quà giáng sinh cho bạn gái thì bỗng nhiễm lạnh, gục chết luôn trước cửa tiệm người ta…

Nghe thế ai cũng lặng lẽ cúi đầu. Buồn cho những thân phận, cũng là buồn cho cuộc đời mình sao quá nỗi bấp bênh.

– Nhưng các con đừng lo, cuộc sống bao giờ cũng có sự công bằng riêng của nó. Những trải nghiệm nơi xứ người thế này, nếu các con vượt qua được, sẽ là hành trang tuyệt vời khi về nước. Chắc chắn những kinh nghiệm làm việc ở Nhật, cách chống chọi với những khắc nghiệt nơi đây sẽ giúp các con cứng cáp lên. Nhật nói vậy chứ cũng nhiều người sinh ra trong chăn êm nệm ấm, chưa chắc đã được như các con đâu. Vậy nên phải vững niềm tin lên nhé. Nhớ là có gì thì còn cộng đồng người Việt mình ở đây, có gì cần thì chia sẻ nghe các con.

Lời nói của sư cô khiến ai nấy đều ấm lòng. Hôm đó, cô còn tặng cho mỗi người một chữ thư pháp, làm kỷ niệm và để ấm lòng hơn.

Một lần khác, khi tôi có dịp trở lại Tokyo, toan ghé chùa hàn huyên với sư cô sau bao tháng ngày không gặp. Nào ngờ thời gian chẳng có là bao, sư cô lại phải tất tả lo công việc.

– Con có nghe vụ tu nghiệp sinh Việt Nam đi tắm biển chết đuối vừa rồi không? Hôm trước sư phụ mới ghé thăm và cầu nguyện. Đến nơi em đó ở mới thấy tội biết chừng nào. Mang tiếng ở Nhật mà chỉ ở trong một cái chòi chật hẹp, thuộc vùng nông thôn xa tít mù xa. Đồ đạc cũng chẳng có gì ngoài những quần áo cũ. Lục tìm sổ tiết kiệm của các em toan nếu còn đồng nào thì gửi nốt về nhà, vậy mà kiếm hoài không thấy. Tất cả còn lại chỉ là vài sen lẻ cất trong túi áo mà thôi. Chứng tỏ mấy em này cũng cực lắm, làm được bao nhiêu là tranh thủ gửi hết về nhà, sợ để lâu lại tiêu pha hết, rồi ở lại nhịn chịu một mình. Hiện sư phụ đang tiến hành quyên góp hỗ trợ cho gia đình các em ấy.

Nghe vậy, tự nhiên tôi cũng thấy nhói lòng. Chẳng đặng đừng tôi rút ra trong bóp một ít tiền gửi lại:

– Sư phụ cho con ủng hộ nhé. Con cũng chẳng có là bao, nhưng mong rằng sẽ giúp được phần nào cho gia đình các anh vơi gánh nặng.

– Ấy không được, con còn đi học mà.

– Không sao đâu, con cũng chỉ may mắn hơn người ta được nhận học bổng mà sang đây. Con như con nhận của đời thì trả cho đời vậy. Giúp được các anh là con vui rồi.

Cuối cùng, sư cô cũng nhận. Quyên góp được một phần, tôi cũng thấy vui vui. Nhưng tôi biết những gì tôi làm còn quá nhỏ bé so với công sức mà sư cô đang cố gắng.

Cứ như thế, những lần lướt qua facebook, thấy những bài đăng của sư cô, kêu gọi hỗ trợ cộng đồng, không chỉ với người Việt mà cả người Nhật, là tôi lại thấy ấm lòng. Cuộc sống của tu nghiệp sinh với bao nhiêu khó nhọc, những lo toan, bế tắc, những lạc lầm không biết đến ngày mai, và cũng có nhiều người đã ngã quỵ trên con đường đầy chông gai ấy. Nhưng vẫn còn đó là những sẻ chia tình nghĩa nơi xứ ngừơi, cùng dìu dắt nhau qua sóng gió, cũng là điều mà tôi tự hào nhất về cộng đồng người Việt. Dẫu còn lắm phong ba, nhưng chừng nào còn tấm lòng như sư cô, người lau nước mắt cho những phận đời bất hạnh, thì chắc chắn rằng, niềm tin cho một tương lai tốt đẹp chẳng phải là thứ gì xa xỉ.

Minh Nhân (Tôi kể bạn nghe về nước Nhật – iSenpai)

2 thoughts on “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Người lau nước mắt

    • Chùa nằm ở quận Minato bạn nhé. Bạn có thể vào facebook “Nishin Kutsu” để tìm hiểu thêm.

Trả lời