Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.
Vào một đêm tháng Mười cách đây vài năm, tôi bắt tàu Keihan muộn từ Kadoma về Kyoto. Do từ Kadoma chỉ có tàu địa phương nên tôi phải đổi tàu một lần ở ga Kuzuha để đón chuyến tàu nhanh cuối ngày. Tôi nhìn điện thoại, tra giờ tàu, chán nản. Ở Kuzuha, tôi sẽ tiêu tốn hơn hai mươi phút đợi tàu và sau đó còn phải cuốc bộ vài cây số mới vế được đến nhà. Tôi cũng sẽ phải chuẩn bị cho bài phát biểu ngày hôm sau với tâm trạng khó chịu vì vài chuyên không vui vừa xảy ra.
Khi xuống ga Kuzuha, trời đang mưa nhỏ. Cơn mưa lăn tăn đầu thu lành lạnh. Tôi ngán ngẩm kiếm một bức tường để dựa vào, nhẩm tính trong đầu những chuyện phiền não đã qua và sắp tới. Tôi nhìn xung quanh, những người Nhật khác nhìn cũng uể oải và mệt mỏi chờ đợi chuyến tàu cuối ngày đưa họ về nhà.
Đột nhiên lúc đó tôi để ý thấy có một tiếng nhạc phát ra từ phía bên ngoài nhà ga. Đó là tiếng guitar dạo đầu của bản “Cherry” của Spitz, bài hát tôi rất thích. Tôi lắng tai nghe. Một giọng hát trong trẻo cất lên, nghe cũng cao và êm như giọng của Kusano Masamune vậy.
“Kimi wo wasurenai
Magari kunetta michi wo yuku…”
(“Không quên được em
Anh bước đi trên con đường quanh co ấy…”) (H.M dịch)
Hay thật! Cả giọng hát lẫn tiếng guitar. Tôi lẩm bẩm hát theo rồi tò mò nhìn ra phía ngoài. Một nhạc sĩ đường phố đang tự đệm guitar và hát. Anh ta khá cao, có lẽ chừng hơn ba mươi tuổi, đứng quay lưng về chỗ chúng tôi đang đợi tàu bên trong nhà ga. Hình như anh ta chơi nhạc được lâu lắm rồi, vai áo khoác đã ướt nước mưa. Sân ga đã vắng bóng người nhưng anh ta vẫn say sưa hát.
Tôi mua một lon cà phê từ máy bán nước tự động, uống một ngụm cho nóng người rồi nghe nhạc tiếp. Người nhạc sĩ đã chuyển sang một bài khác có lẽ của Chage & Aska mà tôi không nhớ ra tên. Giọng hát của anh ta dường như ẩn chứa một niềm vui khôn xiết, một sự hứng khởi nồng nhiệt như của một đứa trẻ đang háo hức say sưa chơi một trò chơi thú vị. Những người Nhật khác bên trong nhà ga cũng chú ý đến anh ta nhưng vẻ mặt họ lạnh tanh không cảm xúc. Tôi không chắc họ có thích giọng hát ấy hay không vì những người Nhật tôi quen thường không biểu lộ gì trong những tình huống thế này. Có thể họ đang tán thưởng nhưng cũng có thể họ thấy buồn cười trước cảnh một anh nhạc sĩ gàn đứng hát dưới trời mưa trong đêm lạnh mà chẳng có ai nghe.
Riêng tôi thì cảm thấy màn trình diễn đó rất tuyệt vời. Tôi cảm thấy những sự khó chịu hay lo lắng của mình thật tầm thường trước tiếng đàn và giọng hát yêu đời đó. Những vấn đề mà tôi lo âu, xét cho cùng cũng đều có thể giải quyết được. Tôi đã từng nghe những buổi biểu diễn hoành tráng và công phu, những bản nhạc được những nhạc công điêu luyện chơi nhưng so với màn trình diễn dân dã trước mắt mình, tôi cảm thấy chúng tuy hay những thiếu đi một thứ gì đó. Một thứ mà tôi không nắm bắt được rõ ràng nhưng nó làm tôi xúc động hơn nhiều những âm thanh hàn lâm xa cách.
Màn hình nhà ga báo tàu chuẩn bị tới. Vừa hay lúc người nhạc sĩ chơi xong một bài hát. Tôi tiếc nuối bỏ lon cà phê xuống, vỗ tay một tràng thật to rồi bước vào hàng chờ. Mọi người trong ga nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi mặc kệ những ánh mắt tò mò, điềm nhiên bước lên tàu. Có lẽ có nhiều người nợ anh ta một tiếng vỗ tay, tôi chỉ làm thay phần của họ.
Từ sau hôm đó, tôi đã nghe thêm hàng nghìn bài hát nhưng những bài hát mà tôi được nghe trên sân ga vắng đêm ấy vẫn là thứ âm nhạc tuyệt diệu mà tôi không thể nào quên. Và mỗi khi nhận được một kết quả không như ý tôi lại nghĩ về giọng hát say sưa của người nhạc sĩ. Nếu như một người nghệ sĩ đường phố có thể vui vẻ hát mà không cần ai tán thưởng thì mình chẳng việc gì phải buồn khi những chuyện mình làm không được người khác công nhận, điều quan trọng là bản thân mình thấy vui khi làm điều đó mà thôi.
Tuyển Vĩnh (iSenpai – Tôi kể bạn nghe về nước Nhật)
Biên tập: H.M.