Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.
Nếu ai đã từng đặt chân đến những thành phố vùng ngoại ô phía bắc Osaka chắc sẽ ấn tượng về những con dốc lớn, nhấp nhô khúc khuỷu. Từ một thành phố xa xôi tới đây, tôi cũng bị choáng ngợp bởi những con dốtrắc trở ấy. Sau một thời gian vất vả “cày cuốc” sách vở, tôi đã được thi đậu vào trường đại học yêu thích ở Osaka. Tôi hăm hở đến với mảnh đất này bằng một niềm vui khó tả cùng cảm giác mong muốn được chinh phục mọi con dốc nơi này.
Tuy nhiên có đi thì mới biết, những con dốc ở Osaka cheo leo và gập ghềnh hơn tôi nghĩ. Từ nhà trọ đến trường có một con dốc lớn, chỉ đi bộ cũng khiến cả người ê ẩm. Bên trong trường còn dăm ba con dốc nhỏ lại thêm khuôn viên cây xanh bao phủ lối đi khiến mỗi lần di chuyển giữa các tòa nhà, tôi lại có cảm giác như mình đang trên chặng hành trình thám hiểm cao nguyen. Khi mới chuyển về đây chỉ mới đi chừng hai ba lần nên chưa thấy trở ngại, thậm chí đôi lúc còn tung tăng vừa đi vừa ca hát vui đùa. Nhưng đi mãi, đi mãi, riết rồi cũng thấm mệt, nhất là những ngày hè nắng nóng hay những ngày đông lạnh giá, tôi chỉ ước sao sườn dốc cheo leo kia có thể nhìn thấy gương mặt bơ phờ của tôi để thông cảm hạ độ dốc xuống một chút. Sau này, tôi có mua xe đạp để đi lại cho thuận tiện hơn, nhưng dù có chỉnh xe nhẹ đến mức tối đa thì cũng có những lúc tôi phải dắt bộ khi lên dốc.
Lúc đến trường thì gian nan như vậy còn lúc về tôi vốn tưởng sẽ nhẹ nhàng hơn khi xuống dốc. Nhưng tôi đã lầm. Bởi con dốc quá cheo leo nên khi về, dù là đi xe đạp hay đi bộ, nếu không chú ý có thể mất đà trượt té như chơi. Ngoài ra, chẳng biết là thú vị hay xui xẻo khi ngay đoạn hiểm trở nhất của con dốc lại mọc ra ngay một ngã tư mà chẳng hề có đèn tín hiệu. Cũng vì thế mà những người cao hứng vừa đi đường vừa huýt sáo sẽ có nguy cơ va vào một chiếc ô tô lao ra từ góc khuất phía bên kia. Đặc biệt phải kể đến những ngày mưa, đường trơn trượt, nhiều lúc đi trên dốc mà tôi cứ ngỡ mình đang trượt pha-tanh “không phanh” tại một hồ băng nào vậy. Có lẽ chính vì như thế mà con dốc này đã ghi dấu những kỷ niệm khó quên trong tâm trí những sinh viên của trường tôi, trở thành một huyền thoại mà mọi người lấy tên của trường để đặt luôn cho nó.
Nhưng theo tôi thì việc lấy tên trường để đặt cho con dốc còn mang một ý nghĩa khác, sâu xa hơn. Chắc hẳn ai sang Nhật du học thì cũng hiểu, việc học nơi đây vốn chẳng dễ dàng gì, trường càng thuộc loại ưu thì sự cạnh tranh, thử thách lại càng gay gắt. Vốn là một đứa “nhà quê lên tỉnh”, tôi không khỏi choáng ngợp trước cách dạy và cách học của trường. Sự đúng giờ và thái độ học tập bao giờ cũng được đặt lên trên hết. Dù lí do có thế nào nhưng vi phạm hai điều ấy gần như sẽ là một điểm trừ không hề nhẹ. Lại thêm việc nghe giảng chưa kịp hiểu thì bỗng bài tập và báo cáo từ đâu ập đến, ồ ạt đến ngợp thở. Nhiều khi tôi phải thức đêm, thậm chí là bỏ ăn để xoay sở với những tài liệu mà đọc vào cứ ngỡ như đọc tiếng Hy Lạp cổ, những mong có thể qua được kì thi. Đến bây giờ, tôi mới thật sự thấy trân trọng thời gian, điều mà tôi vẫn thường lơ là bỏ qua khi chưa sang Nhật. Nhiều khi việc học hành căng quá, tôi cũng không biết mình đã học theo người Nhật mang sách lên tàu đọc tự lúc nào. Những lúc quay vòng vòng với bài vở như thế, tôi thầm thán phục mấy đứa bạn Nhật, tại sao học hành căng thẳng như vậy mà chúng còn có sức để tham gia hoạt động ngoại khóa nọ kia? Hay có lẽ vì học quá căng nên dù có mệt họ cũng phải cố tìm nguồn giải trí?
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, con dốc vẫn ngày hai buổi theo tôi đi học. Càng về kì thi sách vở lại càng nhiều, áp lực cũng theo đó tăng lên. Nhiều lúc mệt mỏi, tôi hay dắt xe đạp lang thang trên con dốc, ngắm gót chân mình đang lúng túng bị đẩy đi bởi lực hút trọng trường mà đưa mắt miên man nghĩ về những điều vơ vẩn, xa xôi. Tôi nghĩ về quá khứ, không biết tại sao tôi lại chọn ngôi trường này, để rồi phải đối đầu với những con dốc lớn. Tôi nghĩ đến tương lai, không biết với đà cạnh tranh như thế tôi có thể vượt qua được không, hay một lúc nào đó chùn chân tôi sẽ thả mình trôi lăn theo con dốc cuộc đời. Trong những lúc như vậy, tôi thấy con dốc thật kì lạ. Nó dường như hiểu được ý tôi, nên lùa những làn gió mát men theo sườn núi, xoa dịu cái đầu đang nóng lên vì mệt như thầm vỗ về rằng: “Không sao đâu, tất cả sẽ ổn thôi anh bạn”. Chắc con dốc cũng không muốn tôi bỏ cuộc, vì nó sợ phải xa một cậu sinh viên ngày ngày đến thăm và chơi đùa với nó.
Thế rồi một hôm, tôi dậy muộn, lại ngay lúc phải nộp báo cáo cho thầy. Vội vội vàng vàng đạp xe cho kịp, tôi ngán ngẩm khi thấy con dốc hiện lên trước mắt như thách thức cái sức thư sinh trói gà không chặt của mình. Nhưng tôi cũng chẳng còn tâm trí đâu để ý đến nữa, mọi thứ trong đầu tôi bây giờ chỉ là vắt giò lên cổ chạy thật nhanh cho kịp. Tôi vượt qua con dốc nhưng chẳng vượt nổi thời gian. Khi tôi đến lớp thì chuông đã điểm tự lâu rồi. Tôi rón rén bước về phía bàn giáo viên, toan nộp bài thì nhận được ánh mắt lạnh lùng nghiêm nghị của thầy kèm theo lời từ chối. Mặt tái nhợt, tôi như kẻ vô hồn lếch thếch lê bước đến chỗ ngồi. Suốt ngày hôm đó, trong đầu tôi chỉ đặc suy nghĩ về một bầu trời xám xịt, rồi tôi sẽ ra sao với bài báo cáo không nộp được này đây? Bất giác, tai tôi như ù đi, mắt tôi như mờ lại chẳng thấy được gì xung quanh nữa. Cái cảm giác tệ hại ấy còn theo tôi cho tới tận lúc về.
Tan học, lại lang thang trên con dốc, tôi vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh của việc bị từ chối nộp bài. “Thôi thế là hết, mọi thứ coi như xong”. Đang tự nhủ như vậy thì bỗng một trụ đèn hiện ra trước mắt, tôi hốt hoảng bẻ lái để tránh đường nhưng không kịp, bị té nhào luôn xuống lòng đường. Tôi lăn dài trên con dốc một hồi lâu, chiếc xe đạp lăn theo rồi đè luôn lên người làm tôi chới với, không dậy nổi. Toàn thân ê ẩm, tôi như kẻ bại trận bị đè bẹp bởi cả gánh nặng của xe lẫn gánh nặng tinh thần. Cũng may sau đó có một bác người Nhật đi ngang đã nhấc chiếc xe ra giúp. Vừa dựng xe lên, bác vừa nhìn tôi, trìu mến: “Cháu có sao không? Lần sau đi xe phải cẩn thận hơn nhé. Dù có chuyện gì thì mạng sống cũng là quan trọng nhất, mình còn sống mình sẽ làm được tất cả. Vậy nên phải chú ý, nghe không”.
Câu nói của bác làm tôi như bừng tỉnh. “Mình còn sống mình sẽ làm được tất cả”. Phải rồi, một khó khăn kia có đáng gì đâu khi trước mắt ta vẫn là cả một chặng hành trình, là những con dốc lớn hơn đang chờ đợi. Chỉ cần vẫn còn hít vào thở ra được, thì mọi chuyện vẫn chưa phải là kết thúc. Có lẽ con dốc muốn cho tôi một bài học để tỉnh ra, nên đã khiên tôi lăn dài như thế. Trong chốc lát, nỗi mệt mỏi về học tập của tôi tan biến hẳn, tôi chào bác người Nhật và nở một nụ cười tươi, hăm hở leo lên con dốc để về nhà, lòng dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Osaka, đúng như tên gọi, là mảnh đất của những con dốc, dốc trên đường đi và cả đường đời. Sẽ không ít lần những con dốc ấy làm cho ta mệt mỏi, bế tắc, cảm thấy đi hoài mà chẳng thể vượt qua. Nhưng một khi đã chinh phục được rồi, ta sẽ có được những bài học và trải nghiệm vô cùng quý báu, là hành trang để chinh phục những chướng ngại gian nan, hiểm trở hơn nhiều. Quan trọng là phải luôn vững tin, sao cho dù là có lên dốc hay xuống dốc, ta vẫn là ta, không bị lực hút của mặt đất hay của cuộc đời kéo lại. Rồi thành công sẽ đến như một phần thưởng xứng đáng cho những ai vượt qua con dốc ấy. Và nếu bạn chưa vượt qua được, thì cũng hãy bình tâm, cố gắng thật nhiều, bởi không có gì thật sự khó, vì “Mình còn sống là mình sẽ làm được tất cả” mà.
Minh Nhân (Tôi kể bạn nghe về nước Nhật – iSenpai).