“Nếu bạn tò mò tại sao người Nhật có thể xông pha giữa giới kinh doanh phương Tây dễ như lưỡi kiếm Samurai cắt ngang miếng bơ, câu trả lời không nằm trong xí nghiệp hay những máy móc tự động. Nó nằm trong Ngũ luân thư”.
Tác giả: Miyamoto Musashi
Người dịch: Bùi Thế Cần
Nhà xuất bản Thế Giới, 2013
Người ta nói, để hiểu được một người Nhật bước chân ra thế giới bên ngoài để kinh doanh như thế nào, thì phải hiểu được tinh thần của một chiến binh bước vào tử địa Seigahara. Để hiểu được vì sao các quan chức chính phủ hoặc tập đoàn Nhật Bản đồng loạt từ chức để bảo vệ uy tín cho lãnh đạo, cũng giống như các samurai thuộc hạ tự mổ bụng tuẫn tiết (hara-kiri) để tránh cho mình và “tướng quân” của mình bị làm nhục, thì phải hiểu được tinh thần võ sĩ đạo. Và để hiểu được người Nhật tu dưỡng bản thân hằng ngày thế nào, các doanh nghiệp Nhật lập chiến lược kinh doanh của mình ra sao, các chính trị gia ra quyết định thế nào, thì phải đọc Ngũ Luân Thư.
Tạp chí Time đã ca ngợi quyển sách này: “Ở phố Wall, khi Musashi cất tiếng, tất cả phải lắng nghe”.
Ngoài tác phẩm binh pháp Ngũ Luân Thư, Miyamoto Musashi còn để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm điêu khắc, thư pháp và tranh thủy mặc.
Dịch giả Bùi Thế Cần nguyên là Giáo sư Pháp văn đại học Văn khoa Sài Gòn. Hiện ông dành thời gian cho niềm đam mê của mình là nghiên cứu và tập luyện song kiếm theo trường phái Niten Ichi Ryu của thánh kiếm Miyamoto Musachi. Ông cũng là võ sư Aikido hệ lục đẳng, có nhiều đóng góp cho phong trào Aikido ở TP.HCM.
Nội dung chính
Ngũ Luân Thư gồm 5 quyển: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không.
Phần chính của đạo binh pháp theo quan điểm Nhất Lưu được diễn giải trong Địa Chi Quyển. Việc nhỏ, việc lớn, điều nông cạn, điều sâu sắc như con lộ được vạch ra rõ ràng trên mặt đất mênh mông.
Nước có thể tự thay đổi để thích ứng với vật đựng nó; nước có khi chảy róc rách có khi lại thét gào, tính trong vắt của nước của môn phái Nhất Lưu được trình bày trong Thủy Chi Quyển.
Kỹ thuật, phương pháp chiến đấu trong các trận chiến mạnh mẽ và hung bạo như lửa được mô tả trong Hỏa Chi Quyển.
Phong có nghĩa là cổ phong, truyền thống, triết lý của Nhị Thiên Nhất Lưu hoàn toàn khác với các môn phái khác, được trình bày rõ trong Phong Chi Quyển.
Đạo của binh pháp là cái đạo của thiên nhiên. Đạt nguyên lý có nghĩa là không đạt nguyên lý nào sẽ được trình bày rõ trong Không Chi Quyển.
Địa Chi Quyển (Chi No Maki)
Dẫn nhập
Binh pháp là nghề của binh gia. Đạo của binh gia là sự kết hợp kỳ diệu của Bút đạo và Kiếm đạo. Võ đạo gia là phải nghiên cứu binh pháp để vượt lên mọi giới hạn của con người. Học và hành đạo binh pháp luôn nghĩ đến cái đắc dụng của nó, thấu được điểm đắc dụng, đó mới là đạo chân chính của binh pháp.
Đạo của binh pháp
Binh pháp là một nghệ thuật, một phép tu luyện bổ ích. Người ta thường nói “binh pháp sơ lậu là căn nguyên của khổ ải”. Vì, chân giá trị của binh pháp không thể khu trú trong giới hạn của kiếm thuật.
Có bốn đạo làm người trong đời: Sĩ – Nông – Công – Thương.
Đạo của nông phu, ngoài việc sử dụng nông cụ, anh ta dùng cả đời mình để quan sát sự chuyển tiếp của bốn mùa và sự biến đổi của mùa vụ.
Cách sống của thương nhân là luôn luôn mưu cầu lợi nhuận, đó là đạo của kẻ làm ăn buôn bán.
Đạo của người võ sĩ là phải biết thấu hiểu các vũ khí mà mình mang theo.
Đạo của nghệ nhân là thành thạo các công cụ và triển khai công việc theo đúng bản vẽ.
So sánh đạo của người thợ mộc và binh pháp
Người thợ mộc dùng một bản vẽ để dựng nhà, binh pháp cũng có một bản kế hoạch để chiến đấu. Muốn học binh pháp thì phải miệt mài rèn giũa như người thợ cả.
Cái đạo của người thợ cả là phải hiểu được quy luật của thiên nhiên, pháp luật, gia quy. Là một người chỉ huy có trách nhiệm, giao việc cho thợ tùy khả năng từng người, thấu hiểu tinh thần và tâm tư của họ, khích lệ họ khi cần thiết.
Người thợ cả phải biết chọn gỗ, cây gỗ thẳng tốt thì làm ở đâu, cây yếu xấu thì làm việc gì.
Những điều này tương tự như nguyên lý của binh pháp.
Tâm đắc của sĩ tốt về đạo của binh pháp
Như một chiến binh, người thợ mộc luôn mài giũa đồ nghề của mình, để chúng là những dụng cụ chính xác và sắc bén. Sử dụng thành thạo các công cụ để chế tác các vật dụng phức tạp hay đơn giản, học được phép đo và hiểu được bản vẽ. Cái đạt của người thợ mộc là công trình trung thành với bản thiết kế, không cong vẹo, lệch lạc.
Đó là cái đạo của người thợ mộc. Hãy nghiền ngẫm về những điều này.
Danh xưng “Nhị Thiên Nhất Lưu”
Mọi võ sĩ đều mang hai thanh kiếm ở thắt lưng (kiếm và đoản kiếm), đó là đạo của võ sĩ. “Nhị Thiên Nhất Lưu” cho ta thấy lợi điểm của việc sử dụng song kiếm. Phương pháp của ta là cầm kiếm một tay, cầm trường kiếm cả hai tay là không đúng đạo. Trường kiếm phải được loang một cách khoáng đạt và đoản kiếm thì phải vung một cách sít sao.
Thấu triệt được lợi ích của binh pháp
Cái đạo của trường kiếm là binh pháp. Làm chủ được thanh trường kiếm là làm chủ được thế giới và làm chủ được bản thân mình.
Dùng trường kiếm đạt binh pháp. Nếu một võ sĩ đạt được chân lý của trường kiếm thì có thể lấy một thắng mười. Nếu hiểu Đạo thật rộng sẽ nhận ra sự tồn tại của “Đạo” trong mọi sự.
Lợi ích của vũ khí trong binh pháp
Trong binh pháp, vũ khí phải dùng đúng lúc, đúng chỗ.
Nơi chật hẹp, cận chiến thì dùng đoản kiếm. Dùng cây thương có thể chiếm thế thượng phong, đại đao mang tính phòng ngự.
Cung chiếm ưu thế khi khởi đầu trận chiến, công thành thì dùng súng hỏa mai, nhưng khi cận chiến thì hai loại này thành vô dụng.
Quá quen thuộc một loại vũ khí là một sai lầm, không thích một loại vũ khí nào đó là điều không tốt.
Không nên học đòi theo kẻ khác mà nên sử dụng những vũ khí mà mình thành thạo.
“Phách” trong binh pháp
Trong âm nhạc phải nắm bắt đúng nhịp phách.
Trong binh pháp cũng phải khổ công rèn luyện để nắm bắt được nhịp “phách”, đó là nhịp điệu của thời gian, đó là thời cơ của sự việc.
Cái đạo của thương nhân cũng có thời cơ, mọi chuyện đều bị phách nhịp khống chế!
Người chiến thắng trên chiến trường nhờ tài trí khéo léo tính toán được thời gian: biết thời cơ của kẻ thù và nắm bắt được thời cơ thích hợp của chính mình.
Lời Bạt cho Địa Chi Quyển
Trên tất cả, phải bắt đầu chú tâm vào binh pháp và tha thiết gắn bó với chính đạo. Ngày đêm rèn luyện Nhị Thiên Nhất Lưu, tinh thần tự nhiên mở ra.
Đi theo cái Đạo của binh pháp thì phải: không suy nghĩ lệch lạc, tập luyện chuyên cần, tinh thông và biết cái đạo của bách nghệ, phân định sự được – mất trên thế gian, nuôi dưỡng khả năng thấu hiểu mọi việc mà mắt trần không thể thấy được. Lưu tâm các chi tiết nhỏ và không làm điều vô ích.
Có như thế mới có thể thoải mái kiểm soát bản thân để đánh bại địch thủ.
Thủy Chi Quyển (Mizu No Maki)
Dẫn nhập
Tinh thần binh pháp của môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu là tinh thần của Thủy. Không thể cắt nghĩa Đạo một cách chi tiết, nhưng có thể lĩnh hội Đạo bằng trực giác.
Các nguyên lý binh pháp được viết ra dưới dạng các cuộc tỉ thí cá nhân, nhưng người phải suy rộng ra, phải thu nạp những nguyên lý đó vào tâm. Nếu hiểu nhầm sẽ lạc vào tà đạo.
Tâm thế trong binh pháp
Bất kể lúc lâm trận hay trong cuộc sống bình thường, tâm thế phải bình tĩnh lạnh lùng. Dù tinh thần thanh thản thì cũng đừng thư giãn thể xác, dù thả lỏng thể xác thì cũng không được để tinh thần uể oải. Đừng để đối phương nhìn ra tinh thần của mình. Với tinh thần cởi mở thoải mái, hãy suy ngẫm mọi sự từ góc độ cao hơn. “Trí” trong binh pháp khác với sự việc khác. Dù trong lúc bị tấn công dồn ép, vẫn không ngừng nghiên cứu binh pháp, thấu triệt đạo lý và luôn có một ý chí kiên định. Duy trì tư thế chiến đấu trong cuộc sống thường ngày là vô cùng cần thiết.
Nhãn pháp
Tầm mắt phải nhìn rộng và bao quát. Nhìn sự vật ở nơi xa như thể đang ở gần và nhìn sự vật gần với một khoảng cách xa. Phải nhìn cả hai phía mà không cần phải đảo mắt. Đừng để bị chi phối bởi những đường kiếm vô nghĩa của kẻ thù.
Thủ pháp với trường kiếm
Hãy nắm trường kiếm chặt trong ngón cái và ngón trỏ với cảm giác thoáng rộng và thoải mái. Khi rút kiếm ra, chỉ có mục tiêu duy nhất là chém ngã đối thủ. Khi bạt, đẩy hoặc ghìm kiếm đối thủ, hơi thay đổi cảm giác của ngón cái và ngón trỏ. Tay cứng nhắc là cánh tay chết, mềm dẻo mới là cánh tay sống.
Bộ pháp
Khi di chuyển, các đầu ngón chân hơi rướn lên, gót chân trụ vững trên mặt đất. Không di chuyển bằng một chân mà di chuyển đôi chân trái – phải, phải – trái lúc chém, thu chiêu hoặc gạt kiếm.
Năm tư thế
Năm tư thế là: Thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng, tả cánh, hữu cánh. Tất cả các tư thế đều nhằm mục đích duy nhất là chém đối thủ.
Thượng đẳng, trung đẳng hay hạ đẳng là những tư thế vững chãi. Tư thế trung đẳng là trung tâm của mọi tư thế. Tư thế trái – phải là tư thế linh hoạt. Tư thế tấn công trái – phải thích hợp trong hoàn cảnh phía trên bị chặn còn hai bên thoáng rộng.
Đạo của trường kiếm
Để loang kiếm một cách đúng phép, phải làm một cách trầm tĩnh. Không thể dùng trường kiếm chém địch trong phép chép của đoản kiếm.
Khi cầm trường kiếm chém xuống, lúc hồi kiếm phải nhắc thẳng nó lên. Khi chém xéo thì hồi kiếm trở về cùng một đường như vậy, khuỷu tay dang rộng, vung kiếm mạnh mẽ, đó là cái Đạo của trường kiếm.
Năm cách tiếp cận (Năm hướng)
1. Ở tư thế trung đẳng, khi đối diện kẻ địch hãy chỉa mũi kiếm hướng vào mặt đối phương. Khi đối thủ phản đòn, hãy đẩy hay áp kiếm y về bên phải hoặc xuống dưới. Khi đối thủ chém từ trên xuống, hãy giữ kiếm để đỡ, khi đối thủ tấn công lại thì chém ngay vào cánh tay của y từ phía dưới.
2. Khi nắm trường kiếm ở phía trên đầu, từ tư thế thượng đẳng, chém địch từ trên xuống, nếu y thoát nhát chém, hãy giữ lưỡi kiếm đúng phương vị và vớt kiếm chém từ dưới lên.
3. Cầm kiếm ở tư thế hạ đẳng với dự cảm chém vào tay đối thủ từ dưới lên, lúc đó y có thể tìm cách chém bạt kiếm của ta, lúc này có thể chém ngang vào tay trên của đối thủ với một cảm giác “giao kiếm”.
4. Khi đứng ở tư thế thủ bên trái, bị đối phương tấn công, hãy đâm vào tay y bên dưới, đối thủ tìm cách đánh bạt kiếm ta xuống, ta đỡ dọc theo đường kiếm của y như thể đang chém vào tay của đối thủ và vung kiếm bạt chéo ở tầm ngang.
5. Khi kiếm ở tư thế thủ bên phải, bị đòn tấn công của đối phương, hãy đánh chéo lên từ dưới để vào tư thế thượng đẳng rồi chém thẳng từ trên xuống.
Vậy sử dụng năm phép tiếp cận cùng với cân nhắc nhịp đi, biết tinh thần và nhìn thấu trường kiếm của đối thủ, tính toán nhịp phách trong binh pháp tức đã quen thuộc với Đạo “Kiếm thuật hài hòa” của ta.
Về thế thủ không thủ thế
Khi cầm kiếm, nhất định phải ở một trong năm tư thế kể trên. Từ tư thế thượng đẳng có thể chuyển qua tư thế trung đẳng, từ tư thế hạ đẳng có thể chuyển qua tư thế trung đẳng… Tùy theo tình huống, chuyển thế thủ bên trái hoặc bên phải vào trung tâm, sẽ ở vào tư thế trung đẳng hoặc hạ đẳng.
Nguyên lý này được gọi là “thế thủ bất thủ thế”.
Đánh một nhịp phách
Khi ép sát kẻ địch, hãy chém y càng nhanh càng trực tiếp càng tốt, không cần di chuyển thân. Chém trước khi kẻ thù quyết định rút lui hoặc giãn ra hoặc tấn công được gọi là đánh một nhịp phách.
Hai nhịp lưng (Nhị yên)
Khi tấn công và địch thủ lui nhanh, cảm nhận đối thủ căng thẳng, hãy giả vờ chém một đòn gió trượt. Trong khoảnh khắc y thư thái, hãy tiến lên và chém. Đây là kỹ thuật hai nhịp lưng.
Vô niệm vô tướng
Khi kẻ địch tấn công cùng lúc ta cũng quyết định tấn công, hãy chém bằng cả thân xác và ý chí, chém kiếm từ “không” bằng hai tay và gia tốc thật nhanh. Đây là phép chém “vô niệm vô tướng”.
Phép chém lưu thủy
Khi đang tương tranh, kiếm gài kiếm, địch giãn ra và rút lui nhanh bằng cách nhảy lùi ra sau với trường kiếm của y, hãy rướn hết cơ thể và tinh thần chém y một cách chậm rãi, để kiếm đi theo thân thể của ta như làn nước đọng, chém đối thủ một cách chắc chắn.
Phép chém liên tục
Khi ta tấn công và địch thủ cũng tấn công, hai kiếm cùng vung lên, hãy nhắm vào đầu, tay và chân địch thủ trong một đường kiếm, đó gọi là phép chém liên tục.
Phép chém thạch hỏa
Khi hai trường kiếm giao nhau, hãy chém hết sức mà không cần nâng kiếm, chém thật nhanh bằng tay, thân hình và bằng chân.
Phép chém hồng điệp
Khi địch thủ thế, có ý xuất chiêu, hãy dùng chiêu thạch hỏa hoặc vô niệm vô tướng, dồn sức đánh mạnh vào trường kiếm của y, chắc chắn y sẽ để rơi kiếm.
Phép dùng thân thay kiếm
Thông thường ta di chuyển thân và kiếm cùng lúc. Tuy nhiên, tùy theo phương thức tấn công của địch thủ, ta có thể lao vào người y rồi vung kiếm chém, có thể chém kiếm của y trước, nhưng chém vào thân thể của y trước thì hay hơn. Đây gọi là “nhân kiếm hợp nhất”.
Chém và xả
Khi chém, tinh thần phải kiên nghị. Nếu thoạt tiên xả vào tay hoặc chân địch thủ thì sau đó phải chém một cách mạnh mẽ quyết liệt. Tinh thần của “xả” là “chạm vào”.
Thân pháp “thu hầu”
Không để hai tay bung ra trước khi kẻ địch chém. Không dang tay tức ở cách xa đối thủ; tinh thần lúc đó là toàn thân nhanh chóng nhập nội áp sát đối thủ.
Khi đã vào bên trong tầm tay thì toàn thân trở nên dễ dàng di chuyển để nhập nội.
Thân pháp keo sơn
Khi nhập nội, phải gắn chặt với đối thủ bằng cả đầu mình và đôi chân. Ta dễ dàng di chuyển đầu và chân còn thân thì chậm chạp, bám đối thủ chặt như hình với bóng, không để một kẽ hở nào giữa thân thể ta và kẻ địch.
Tranh cao
Tìm cách ở thế cao hơn đối thủ mà không cúi người. Khi tiếp cận đối thủ hãy duỗi chân, rướn hông và rướn cổ để tranh cao với đối thủ sau đó đâm kiếm quyết liệt.
Niêm kiếm
Trường kiếm của mình gắn chặt với kiếm của đối thủ, không để chúng rời nhau, gọi là niêm kiếm. Niêm khác với gài kiếm là niêm kiếm thì vững còn gài kiếm thì yếu.
Đánh bằng thân
Đưa thân hình nhập nội áp sát đối thủ, dùng chính thân thể để tấn công đối thủ, hơi nghiêng mặt qua một bên và dùng vai trái hích vào ngực đối thủ. Hích mạnh hết sức giữa hai hơi thở được kiểm soát, đẩy văng kẻ thù ra xa, thậm chí đánh bật đối thủ xa hơn mười trượng hay có thể đẩy y vào chỗ chết.
Ba cách phòng ngự
Có 3 phương thuật để đỡ một đòn chém:
– Đẩy trường kiếm của đối thủ về phía bên phải của ta, như thế là đang đâm vào mặt y lúc y vừa mới xuất chiêu.
– Đẩy trường kiếm của địch thủ về hướng mắt phải của y với cảm giác như muốn cắt cổ y.
– Dùng đoản kiếm, không lưu tâm đỡ trường kiếm của đối thủ, né mình và nhanh chóng nhập nội. Nắm tay trái đâm vào mặt y.
Kỹ thuật giao đấu đâm thẳng vào mặt
Khi đối mặt với kẻ địch, chủ đích của ta là đâm mũi kiếm vào mặt đối thủ, lúc đó mặt và thân người của y trở nên dễ dàng khống chế!
Đâm vào tim
Vì một lý do nào đó hay có chướng ngại vật, khó chém, phải xỉa vào ngực của địch thủ mà không để mũi kiếm của ta chao đảo. Đối thủ nhìn thấy sống vuông của kiếm và tưởng chủ đích của ta là gạt đường kiếm của y.
Quát thét
Khi đang tìm cách phản đòn, ta lập tức phản công lại, cố gắng ghìm y xuống, rồi chớp thời cơ, vừa chém vừa quát thét. Quát thét phải đúng cách nhằm kết hợp đồng bộ với nhát chém, đâm địch thủ.
Tạt đỡ
Khi giao chiến, ta đỡ đòn của đối phương theo nhịp “chát – chát”, vừa tạt kiếm đối phương vừa chém vào y. Cái chủ ý của tạt, đỡ không nhằm để đỡ hoặc tạt kiếm mà nhằm tạt, gạt kiếm của đối phương lúc y tấn công, rồi chủ động chém y thật lẹ.
Phép chống lại đám đông
Khi đơn độc chiến đấu chống lại nhiều người, hãy rút cả trường kiếm và đoản kiếm và tạo ra thế thủ dang rộng hai bên. Xoay vòng thật rộng từ trái qua phải rồi lùi xuống. Quan sát kẻ nào sẽ tấn công đầu tiên và kẻ nào tiếp theo đó, hai kiếm thay phiên nhau chém trái – phải. Nhanh chóng thay đổi thế thủ trái – phải không chần chờ, dồn chúng về phía chúng đang lao tới, tìm cách đẩy nhanh về một phía, khi chúng chồng chất với nhau thì hãy chém mạnh đừng để chúng di chuyển.
Lợi thế của quyền cước
Chỉ có thể lĩnh hội được binh pháp thông qua việc rèn luyện. Khẩu quyết: “Qua trường kiếm thể hiện chân đạo binh pháp”.
Nhất phát
Chiến thắng với tinh thần “Nhất phát”. Nếu bỏ công theo đuổi con đường này thì binh pháp sẽ xuất phát từ tâm và có khả năng chiến thắng.
Nguyên lý “thân thụ”
Thân thụ là cách thức mà chân đạo của Nhị Thiên Nhất Lưu được truyền thụ và kế thừa.
Khẩu quyết: “Thân thụ ngôn giáo” (giảng giải bằng lời và lấy mình làm gương).
Lời bạt cho Thủy Chi Quyển
Để học được cách chiến thắng bằng trường kiếm trong binh pháp, phải nắm bắt được năm tư thế, năm phép tiếp cận, cảm nhận sâu sắc cái đạo của trường kiếm trong tâm thể mình. Phải hiểu được tinh thần và thời cơ, nắm giữ trường kiếm một cách tự nhiên. Thân pháp và bộ pháp phải hài hòa với ý chí.
Hôm nay phải chiến thắng bản thân mình của ngày hôm qua. Ngày mai sẽ chiến thắng các đối thủ.
Hỏa Chi Quyển (Hi No Maki)
Dẫn nhập
Trong các cuộc chiến đấu, người ta thường đầu tư công sức để rèn luyện những tiểu xảo. Trong binh pháp, không hứng thú với các tiểu xảo, mà quan trọng là khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Học được cái đạo của kiếm pháp, đoán định được thiên chức và sức mạnh của những cuộc tấn công và hiểu được cái Đạo của lưỡi kiếm và sống kiếm. Đêm ngày cần cù nghiền ngẫm, luyện tập, giải phóng bản thân và nhận ra khả năng phi thường của mình để có được quyền lực thâm diệu.
Tùy theo địa thế
Ta phải quan sát hiện trường, nên đứng với thế thủ và quay lưng về phía mặt trời. Nếu hoàn cảnh không cho phép thì làm cho mặt trời ở phía bên mặt ta. Phải đảm bảo mặt sau của ta không nguy hiểm và bên trái đủ khoảng trống để chiến đấu. Thủ thế ở nơi cao hơn một chút. Nếu trong nhà thì có thể đứng cạnh khám thờ.
Khi chiến đấu, dồn đuổi kẻ địch về phía tay trái của ta, dồn địch vào chỗ cụt hay góc chết, dồn y vào hành lang, dãy cột và không để y rảnh trí để thấy tình huống của y.
Ba chiến thuật để đoạt trước thời cơ quyết định
Chủ động tấn công, tận dụng mọi khả năng để đoạt thời cơ, và đoạt thời cơ trong khi đối kháng. Muốn thế là phải nắm bắt đúng thời điểm, hiểu rõ ý đồ của địch thủ và tinh thông binh pháp.
Đệ nhất pháp – Ken no sen (Huyền chi tiên)
Khi quyết định tấn công, hãy bình tĩnh nhanh chóng phóng tới, hoặc tiến lên với vẻ mạnh bạo hơn, tinh thần dũng mãnh hơn lúc bình thường, liên tục dồn ép đối thủ làm cho y chao đảo.
Đệ nhị pháp – Tai no sen (Đãi chi tiên)
Khi kẻ địch tấn công, ta vẫn vững như bàn thạch nhưng làm ra vẻ yếu đuối, tránh một bên rồi đột nhiên lao vào tấn công quyết liệt. Hoặc khi kẻ địch tấn công, ta tấn công mạnh mẽ hơn nữa, lợi dụng sự sai nhịp của địch thủ để tấn công và chiến thắng.
Đệ tam pháp – Tai tai no sen (Thể thể chi tiên)
Khi địch thủ bình tĩnh tấn công, hãy uyển chuyển hòa nhập vào động tác của y khi y đến gần. Rồi gia tăng tốc độ tấn công và chém y một cách quyết liệt.
Đè chiếc gối xuống
Trong giao đấu, để cho địch thủ dẫn dụ là hạ sách. Điều quan trọng là chú ý kiểm soát các hành động tấn công, nhảy, chém trước khi y thực hiện. Loại được các kỹ thuật của địch thủ, ngăn chặn manh tâm xuất thủ của địch, phải đè nhát đâm của y và vung ra khỏi tay y khi y tìm cách quật ta. Đó là ý nghĩa của “đè chiếc gối xuống”.
Vượt cạn
Khi đã phân định được khả năng của đối thủ và tự biết ưu điểm của chính mình, hãy vượt cạn ở điểm thuận lợi như một thủy thủ tài ba vượt hải lộ. Vượt cạn có nghĩa là tấn công vào chỗ lợi thế, là nhược điểm của đối thủ để chiếm được thế thượng phong.
Hiểu rõ thế địch
Với tư duy sâu sắc, khả năng quan sát nhạy bén, nhận ra địch thuộc môn phái nào, thấy được tài nghệ cũng như ưu điểm và nhược điểm của y, hãy tấn công một cách bất ngờ, ở chỗ y không phòng bị vào thời điểm thích hợp.
Đạp kiếm
Nhân sơ hở khi địch tạm ngưng nghỉ, hãy lập tức ra tay phản công, quan trọng là phải nhanh. Phải nhận thức rõ cách thức, đường lối tiến công của địch mới có thể “đạp” trúng chỗ hiểm của y. “Đạp” không có nghĩa đơn thuần là đạp bằng chân mà bằng toàn thân, bằng ý chí. Đạp và chém bằng trường kiếm.
Tri quy
Hãy chớp thời cơ khi kẻ địch hụt hẫng và ngã quỵ. Nếu để cơ hội này qua đi, y có thể phục hồi và sẽ không sơ suất như trước. Khi địch ngã quỵ, truy diệt địch và tấn công khiến địch không có cơ hội hồi phục.
Biến thành kẻ địch
Hãy đặt mình vào vị trí của kẻ địch, nếu nghĩ “Đây là một kẻ tinh thâm binh pháp, một bậc thầy” thì chắc chắn sẽ thua.
Phóng tứ thủ
Phóng tứ thủ được dùng khi ta và địch không thể phân định được thắng bại. Hãy bỏ ngay tức khắc suy nghĩ đó, vì đây là sinh mạng. Hãy áp dụng kỹ thuật khác thích hợp mà địch thủ không ngờ tới để chiến thắng.
Di ảnh
Khi không thấy được thế trận của địch thủ, hãy tỏ ra là mình đã chuẩn bị chu toàn, xuất trận mạnh mẽ khiến địch phải phát lộ kế sách. Thấy được kế sách của địch thì sẽ dễ dàng chiến thắng với đối sách của mình.
Ức ảnh
Khi địch thủ tấn công với một sách lược đặc biệt, nếu chứng tỏ cho y thấy quyết tâm kiềm chế y, hùng khí của ta sẽ tràn ngập và y sẽ thay đổi sách lược. Dựa theo đó ta cũng thay đổi sách lược, giành thế chủ động và đạt chiến thắng.
Thuật cảm nhiễm
Khi địch đang ở trong trạng thái dao động và tỏ ra mất kiên nhẫn, hãy lộ vẻ thản nhiên, thư thái, không phòng bị. Khi thấy rằng tâm trạng đó đã được “cảm nhiễm” cho đối phương thì tấn công như vũ bão, càng nhanh càng tốt để chiến thắng.
Thuật nhiễu loạn
Tình huống nhiễu loạn tâm lý xảy ra khi rơi vào cảnh nguy hiểm, tình cảnh khốn đốn hoặc bất ngờ. Để tạo tình huống này, hãy đột ngột tấn công tại nơi kẻ địch ít ngờ nhất. Hoặc khởi đầu có vẻ chậm chạp rồi đột nhiên tấn công vũ bão, để địch thủ không có thời gian phục hồi lại sau lúc tinh thần dao động.
Uy hiếp
Cũng có thể làm kẻ địch khiếp sợ bằng tiếng la hét, bằng cách biến ít thành nhiều hoặc bất ngờ tấn công vào mạn sườn rồi lợi dụng tối đa tâm trạng dao động của đối phương khi bị kinh hãi.
Thâm nhập
Khi tương tranh cùng địch thủ, nếu ta nhận ra không thể tiến lên được thì phải lập tức “thâm nhập” và hợp làm một với địch thủ. Tìm cách áp dụng kỹ thuật thích hợp khi hai bên đang quyện vào nhau.
Triệt góc
Trong trận chiến quy mô lớn, thấy được lực lượng hùng hậu của địch, ta chủ động tấn công vào hai cánh của đối phương, tức là triệt góc quân địch làm cho tinh thần toàn quân đối phương bị chao đảo. Hoặc khi tương thủ, ta tìm cách đả thương vào chân, tay đối phương để y mất tinh thần và bị suy yếu.
Thuật tạo hoang mang
Trong khi chiến đấu, ta có thể sử dụng binh lực gây xáo đối thủ trên chiến địa, làm chúng tự hỏi: “Ở đây chăng?”, “Đằng kia chăng?”, “Như thế này hay như thế kia?”, “Nhanh hay chậm?” làm chúng hoang mang lúng túng.
Trong trận thư hùng, ta tung ra một hư chiêu làm cho địch thủ tưởng ta đâm, hoặc chém, hoặc tưởng nhầm ta sắp nhập nội và lúc đó địch thủ hoang mang.
Thuật thét ba tiếng
Lúc lâm trận, ta vận hết sức bình sinh và thét lên để áp đảo đối phương. Lúc giao tranh, mỗi khi xuất chiêu, lấy hơi từ huyệt đan điền rồi hét lớn. Sau đó, mừng chiến thắng bằng một tiếng thét vang dội.
Phép “Sơn đạo”
Khi nắm chặt lực lượng và trình độ của đối thủ, ta tấn công vào điểm mạnh của kẻ địch rồi nhanh chóng tách ra, và lại tấn công vào một điểm mạnh khác nằm ngoài rìa của lực lượng địch giống như một sơn đạo ngoằn ngoèo.
Trong trận đối một cũng vậy, hãy vận dụng tinh thần này để thanh toán các thế mạnh của địch thủ.
Đập tan
Trong các cuộc hỗn chiến, khi địch ít người hoặc đông quân nhưng tinh thần yếu kém, ta phải đánh thẳng vào đầu địch, đập tan địch không chút thương tiếc.
Với kẻ địch ngang tài ngang sức, nếu chiêu thức của y bị xáo trộn, điều thiết yếu là phải đập tan nó ngay tức thì.
Phép sơn hải biến hóa
Không nên lặp lại một chiêu thức nhiều lần khi chiến đấu. Có thể sử dụng một đấu pháp hai lần là tối đa. Nếu kẻ địch tưởng ta là núi thì ngươi hãy tấn công như biển, nếu địch nghĩ ta là biển thì hãy xuất chiêu như núi. Biến hóa không ngừng.
Truy tận gốc
Mỗi khi thấy mình có thể chiến thắng, nhưng nếu tinh thần kẻ địch chưa bị dứt tuyệt, không chấp nhận thất bại, phải truy tận gốc, nghĩa là đâm sâu bằng trường kiếm, đâm sâu bằng thân xác và bằng linh hồn để cho kẻ địch phải chấp nhận thất bại một cách tâm phục khẩu phục.
Chuyển ý
Khi lâm vào thế bất phân thắng bại với kẻ địch, đầu óc bị lúng túng trong một tình thế không thể phân giải được. Lúc đó, phải loại bỏ nỗ lực tấn công của mình, suy nghĩ về tình huống, lấy lại nhịp di chuyển với một đầu óc mới mẻ. Hoàn cảnh bất ngờ thay đổi, hãy chuyển ý và chiến thắng với một kỹ thuật khác.
Cổ trâu đầu chuột
Phải luôn lưu tâm đến cái đại thể, lấy lớn thay nhỏ. Võ sĩ đạo cần phải suy nghĩ theo phương thức đó trong cuộc sống hằng ngày và cả trong khi hợp chiến cùng quân địch.
Chủ tướng nắm quân tình
Vận dụng sự khôn ngoan thuật này trong binh pháp, hãy nghĩ kẻ địch như quân binh của chính mình. Khi nghĩ như vậy, có thể điều động theo ý muốn và truy quét địch, ta trở thành tướng và kẻ địch là quân sĩ của ta.
Buông kiếm
Buông kiếm có nghĩa là chiến thắng mà không cần đến kiếm. Cũng có tinh thần cầm trường kiếm nhưng không để chiến thắng.
Thân nhập bàn thạch
Khi rèn luyện thành đạt đạo binh pháp, ta có thể đột nhiên biến thân mình thành một khối đá mà không có gì đụng chạm lay chuyển được. Đó là “thân nhập bàn thạch”.
Khẩu quyết: “Không gì lay chuyển được ta”.
Lời bạt cho Hỏa Chi Quyển
Lòng ta hướng về Đạo binh pháp từ thuở niên thiếu. Ta đã chuyên tâm tôi luyện đôi tay, rèn luyện thân thể và đạt tới cảnh giới tinh thần tâm kiếm hợp nhất.
Chân võ đạo trong kiếm thuật là tuyệt kỹ nhằm triệt hạ đối phương trong chiến đấu và không có gì khác ngoài chuyện đó.
Phong Chi Quyển (Kaze No Maki)
Dẫn nhập
Phải biết được cách thức của các môn phái khác. Nếu không biết phương thuật các môn phái khác thì khó lòng hiểu được tinh túy của môn phái Nhất Lưu.
Trong tất cả các môn phái khác, không có môn phái nào là chân đạo.
Một số binh gia trong thiên hạ chỉ lưu tâm đến việc huơ đao múa kiếm – đó chỉ là phương tiện để mưu sinh, hoàn toàn không phải là cái Đạo như binh pháp.
Các môn phái khác sử dụng đại trường kiếm
Một vài môn phái có khuynh hướng thích sử dụng đại trường kiếm. Họ không hiểu được giá trị nguyên lý chém địch bằng mọi cách. Họ phải lệ thuộc vào chiều dài của thanh kiếm để chiến đấu từ xa mà không cần đến cái diệu vợi của binh pháp.
Hơn nữa, khi chiến đấu ở một nơi chật hẹp hoặc chém kẻ địch lúc cận chiến thì kiếm sĩ sẽ bị yếu thế, đại trường kiếm sẽ trở thành bất tiện. Có người thể lực yếu ớt việc nâng đại trường kiếm đã tốn bao nhiêu sức lực, còn sức đâu mà chiến đấu. Đừng chê ghét đại trường kiếm một cách võ đoán, nhưng coi nó là cách duy nhất để giành chiến thắng thì thật là ngu xuẩn.
Quan niệm sức mạnh của trường kiếm trong các kiếm phái khác
Đừng nói trường kiếm này mạnh, trường kiếm kia yếu. Nếu bận tâm về sức mạnh của kiếm, sẽ cố sức chém quá mạnh thì kiếm sẽ bị lệch qua bên, sẽ chẳng chém được gì cả.
Mỗi khi đấu kiếm với địch, đừng nghĩ đến việc chém một cách mạnh mẽ hay yếu ớt. Hãy chỉ nghĩ đến việc là phải hạ địch thủ.
Tinh thần của môn phái ta là chiến thắng với sự khôn ngoan của binh pháp mà không lưu tâm đến tiểu tiết.
Các môn phái khác sử dụng đoản kiếm
Sử dụng đoản kiếm không phải là chân đạo để chiến thắng. Một số người sử dụng đoản kiếm với chủ tâm nhập nội và đâm đối phương vào lúc y không phòng bị, khuynh hướng này là không đúng. Có người nghĩ rằng với thanh kiếm ngắn, họ tả xung hữu đột một cách thong dong, nhưng họ còn phải đỡ những nhát kiếm một cách liên tục và có khả năng bị đối phương dồn vào thế bí. Điều này không mấy thích hợp với binh pháp chân chính.
Các môn phái khác sử dụng trường kiếm
Chém xả đối thủ là cái đạo của kiếm pháp. Tùy theo vị trí, trường kiếm của ta có thể bị cản trở về phía trên hoặc hai bên. Do đó, phải biết cầm kiếm cách nào để có thể dụng nó.
Các cách xoay tay, cong người, nhảy ra… để chém đối thủ là không đúng với chân đạo binh pháp.
Trong kiếm pháp của ta, hãy giữ cho tinh thần và thể xác ngay ngắn và khiến cho kẻ địch phải khom người xoay lưng. Để chiến thắng cần phải có một tinh thần tấn công khi tâm trạng của kẻ địch bị hoảng loạn.
Sử dụng thế thủ với trường kiếm trong các môn phái khác
Coi các thế thủ với trường kiếm quá quan trọng là một cách suy nghĩ lệch lạc. Thiên hạ xem thế thủ thường chỉ áp dụng khi không có địch thủ.
Thế thủ là dành cho những trường hợp trong đó ta không để mình phải di chuyển, nhằm chứng tỏ một tinh thần vững mạnh có thể chống lại một cuộc tấn công vũ bão.
Trong cuộc tỉ thí giữa hai người, ta phải luôn luôn tìm cách giành thế thượng phong và tấn công liên tục. Thủ thế là tinh thần chờ đợi tấn công, ngươi phải làm cho thế thủ của đối phương mất ổn định. Hãy tấn công ở điểm mà tinh thần y buông thả, dồn y vào thế lúng túng khiến y mất trí và khiếp đảm.
Nhãn pháp trong các môn phái khác
Một số môn phái chủ trương là mắt phải chú mục vào trường kiếm của địch. Một số trường phái khác thì chú mục đến tay, đôi chân, mắt, giữa mặt của đối thủ, như thế sẽ bị dao động và đường kiếm sẽ bị rối loạn.
Trong đạo binh pháp, việc thấy khoảng cách, tốc độ đường kiếm đối phương một cách tự nhiên. Mục tiêu nhìn của ta là nhìn vào tinh thần đối thủ, nhận biết trận địa, chuyển biến của trận chiến. Đó là con đường chắc chắn để chiến thắng.
Bộ pháp trong các môn phái khác
Có nhiều phương thuật khác nhau để sử dụng đôi chân: Với phủ bộ, đôi chân chấp chới trong chiến đấu; phi bộ thì tạo thói quen nhảy nhót làm tinh thần vọng động; khiêu bộ khiến tinh thần phiêu bồng; đạp bộ là phương thuật diên trì.
Trong đạo binh pháp, bộ pháp vấn là bất biến. Ta vẫn cử bộ như vẫn thường làm trên đường. Đừng để loạn bộ pháp. Tùy vào tiết điệu của kẻ địch mà di chuyển khi nhanh khi chậm, đồng thời với thân pháp thích hợp.
Tốc độ trong các binh pháp khác
Tốc độ nhanh vốn không ở trong chân đạo binh pháp. Dù trong bất cứ môn phái nào thì bậc thầy trong binh pháp cũng không để lộ ra mình bị thúc bách, nóng vội.
Lẽ dĩ nhiên, lỗi nhịp là điều không nên. Những tay thiện nghệ không hề bị lạc phách và luôn khoan thai, không bao giờ tỏ ra rối trí. Tốc độ nhanh trong đạo binh pháp là một khiếm khuyết.
Ảo biểu trong các lưu phái khác
Trong binh pháp cái gì là biểu, điều gì là ảo?
Dù ở môn phái nào cũng có tâm ấn và ngoại gia công phu. Ta khó thể phân định được cái “ảo” và cái “biểu” trong Đạo binh pháp.
Ta không màng khép Đạo của ta vào trong những môn quy và pháp giới. Cảm nhận được tâm địa và tài trí của môn sinh ta trực truyền cho chúng.
Phương cách ta truyền dạy binh pháp là làm với tâm thành. Hãy lo chuyên tâm mà luyện.
Lời bạt cho Phong Chi Quyển
Mỗi hệ phái đều có lối lý giải của họ về các nguyên lý. Khi quan điểm khác nhau thì kiến giải sẽ khác nhau. Do vậy, quan điểm của mình không nhất thiết phải linh nghiệm đối với mọi lưu phái.
Đối với môn phái trường kiếm Nhị Thiên Nhất Lưu, chẳng hề có nội môn và ngoại biểu. Trong các chiêu thức kiếm cũng chẳng có thâm ý sâu xa. Chỉ cần giữ tâm chính trực để thực thi võ đức binh pháp.
Không Chi Quyển (Ku No Maki)
Là võ sĩ muốn đắc đạo của binh pháp, hãy chuyên cần tập luyện. Hãy trui rèn cả “tâm” lẫn “trí” và mài giũa cả “quan” lẫn “kiến”.
Khi “tâm” không còn bị mây mờ u ám và trở nên thanh khiết, khi những đám mây hư ảo che phủ “trí” đã tan đi để “trí” lộ rõ, sẽ đạt cảnh giới “đại thanh minh”. Đó mới là “không” đích thực.
Hãy thực hành binh pháp với lòng bao dung, trung thực và quảng đại. Nhờ đó, sẽ “quan kiến” vạn sự vật một cách khoáng đạt, coi “không” là Đạo, và sẽ thấy Đạo là “không”.
“Không” là thiện, vô ác.
Trí là hữu.
Lý là hữu.
Đạo là hữu.
Tâm là “không”.