Tổng kết sự kiện cuộc thi hùng biện Việt Nhật lần thứ Ba

Đăng ngày 13/12/2018 bởi iSenpai

Ngày Chủ nhật 9/12 vừa qua tại Hội trường Đại học Osaka đã diễn ra Cuộc thi Hùng biện Việt Nhật lần thứ 3, được đồng tổ chức bởi Hội thanh niên – sinh viên Việt Nam tại Osaka (VYSA Osaka) và Khoa Ngoại ngữ – khoa Sau Đại học Nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa trường Đại học Osaka. Sự kiện được bảo trợ bởi Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, bảo trợ truyền thông iSenpai, cùng sự đồng hành của rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tại Nhật Bản.
Cuộc thi diễn ra hằng năm với mục đích tạo ra môi trường giao lưu học hỏi kinh nghiệm, trao đổi văn hóa, khuyến khích tinh thần học tập tiếng Nhật của cộng đồng người Việt tại Nhật; khơi gợi niềm hứng khởi học tiếng Việt, văn hoá Việt Nam đang ngày càng lan rộng trong xã hội Nhật hiện đại. Đây được coi là cuộc thi Hùng biện Việt Nhật có quy mô lớn nhất trên toàn nước Nhật, được đánh giá cao cả về chất lượng tổ chức lẫn thí sinh. Cuộc thi năm nay gồm 3 phần thi chính: tiếng Nhật cho người Việt, tiếng Việt chuyên (dành cho những thí sinh người Nhật đã – đang học tiếng Việt chuyên ngành tại các trường ĐH, Senmon), và tiếng Việt không chuyên (cho những đối tượng không học tiếng Việt chuyên ngành nhưng có niềm yêu thích, tinh thần tự học tiếng Việt cao). Bên cạnh đó, còn có phần giao lưu của ca sĩ được đông đảo người Việt tại Nhật yêu quý – Bạch Vân, và nhân tố hài hước gây được tiếng vang trong giới trẻ Việt tại Nhật – Inoue Keiichi.

Tham dự chương trình trong vai trò khách mời danh dự có Tổng lãnh sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản – ông Vũ Tuấn Hải, đại diện Công ty Kanaoka Kizai – ông Kanaoka Shigeo, đại diện Hội giao lưu quốc tế PSH – vợ chồng ông bà Prokhorov, đại diện Hội Kadousansenryu – bà Endo Yuko, đại diện Công ty Taiyo – ông Otsuki Masahiko, đại diện Hội giao lưu kinh tế Việt Nhật – ông Nguyễn Quốc Hoàng, và rất nhiều khách mời danh dự khác.

Trải qua vòng loại đầy gắt gao vì chất lượng các bài thi năm nay đều rất tốt, 24 thí sinh (chia đều cho cả 3 phần) tiến tới vòng chung kết trong tâm thế hứng khởi, sẵn sàng thể hiện hết mình trước Ban giám khảo, cống hiến cho khán giả những phần thi xuất sắc, cảm động về chữ “Duyên”.
Phần thi tiếng Nhật dành cho người Việt năm nay chiếm được sự yêu mến vượt trội khi các thí sinh không những đầu tư về phần nội dung mà từ hình thức, trang phục, cách thể hiện cũng đầy mới mẻ, thu hút. Chữ “Duyên” được bộc lộ khi thì khéo léo, nhẹ nhàng; lúc lại mãnh liệt, đầy xúc động. Nhưng dẫu bằng cách nào, “Duyên” vẫn mang đến cho con người ta cơ hội gặp gỡ, vừa là thách thức, lại là cầu nối giữa người với người, qua đó giúp chúng ta trưởng thành hơn, hiểu rõ và trân trọng tình yêu thương, các mối nhân duyên trong cuộc sống nhiều hơn.
Tất cả khán giả hôm đó cho tới bây giờ ắt hẳn vẫn còn xúc động bởi phần thi nhiều nước mắt của bạn Đỗ Thị Hải Yến nói về cái “Duyên” với ông bà người Nhật – những người đã cho cô gái ấy niềm tin, sự yêu thương cũng như động lực trong cuộc sống du học xa nhà khó khăn. Cô gái nhỏ nhắn Trần Thu Trang lại mang tới cho khán giả sự trong trẻo của Bầu trời – Cửa sổ – Gió, qua đó thể hiện thông điệp cao cả: “Nếu may mắn có “Duyên” với đất trời sống tới 90 tuổi, tôi hi vọng mình có thể mang Tình yêu tới khắp mọi người, sống một cuộc đời đầy yêu thương và có ý nghĩa.”

Phần thi tiếng Việt lại gây ấn tượng bởi cách phát âm chuẩn xác tiếng Việt của những thí sinh cả phần chuyên lẫn không chuyên. Hoà chung trong không khí hữu nghị khăng khít ngày càng đi lên giữa Việt Nam và Nhật Bản, cái “Duyên” giữa người Việt với người Nhật cũng từ đó mà ngày càng lan tỏa, thắm đượm tình hảo hữu, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế – văn hoá – chính trị của 2 quốc gia.
Bài thi hài hước nhưng cũng đầy tính nhân văn khi nói về vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam của thí sinh đạt giải nhất phần tiếng Việt chuyên Marutani Kazuma khiến Hội trường miệng cười mà lòng đầy suy tư, trăn trở về vấn đề cấp bách hiện nay ở Việt Nam – ô nhiễm nguồn nước và biện pháp xử lí. Thật cảm động khi người con của đất nước cách xa Việt Nam hơn 3000 cây số lại có hứng thú, có chung nỗi lo lắng cho những vấn đề mà xã hội Việt Nam đang phải đối mặt. Chính cái “Duyên” trong 1 lần tới với Quảng Bình, không may té ngã xuống cống rãnh hôi thối khi đi tìm nhà vệ sinh trong đêm tối đã đưa Marutani Kazuma tới với chuyên ngành tiếng Việt – học viện ngoại ngữ Kyoto, đồng thời nhân lên trong cậu niềm yêu thích, lòng mong mỏi được nghiên cứu về vấn đề môi trường ở Việt Nam.

Cuộc thi năm nay thu hút sự chú ý không chỉ từ khán giả là những người Việt, người Nhật có hứng thú với ngôn ngữ và văn hoá Nhật – Việt, mà tại Hội trường cũng có sự góp mặt của không ít các Giáo sư, Giảng viên bộ môn tiếng Nhật, tiếng Việt tại các trường Đại học, Senmon lớn trên toàn nước Nhật. Trao đổi với Ban tổ chức, 1 giáo viên hiện đang giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam tại Đại học Doshisha cho biết : “Đây là lần thứ 2 tôi tới với cuộc thi Hùng biện Việt Nhật do VYSA Osaka tổ chức, tôi đặc biệt ấn tượng với khâu tổ chức chặt chẽ, linh động từ phía VYSA Osaka. Các phần thi năm nay có chiều sâu và sáng tạo, đặc biệt tôi thích phần hát của bạn nữ thí sinh duyên dáng tới từ Tokyo. Năm sau nếu có cơ hội biết đâu tôi lại tham gia với vai trò thí sinh *cười* (Phần phỏng vấn được thực hiện 100% bằng tiếng Việt, phát âm, kiến thức và thần thái của Thầy không hề kém cạnh bất cứ Giáo sư nghiên cứu Lịch sử người Việt Nam nào).

Về phía Ban giám khảo, giáo sư Shimizu Masaaki thuộc khoa sau Đại học khoa nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ đại học Osaka mỉm cười hiền hậu chia sẻ: “Lần thứ 3 tôi tham gia cuộc thi với vai trò Ban giám khảo, như các bạn đã thấy hôm nay, rõ ràng phần nội dung, phát âm hay sự am hiểu về văn hoá-con người của các thí sinh Việt Nam nhỉnh hơn các bạn Nhật. Đây là điều khiến tôi có chút xấu hổ, nhưng cũng rất vui và tự hào, vì nhờ đó các sinh viên đang học trong khoa của tôi nói riêng và những người Nhật học tiếng Việt nói chung hiểu rõ tiếng Việt hay nhưng khó tới cỡ nào, từ đó có thêm động lực cố gắng. Cá nhân tôi luôn ngưỡng mộ tinh thần học tiếng Nhật, văn hoá Nhật của các bạn Việt Nam, và thật sự mong cho mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước sẽ ngày càng bền chặt, gắn bó.” (Phần trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt của Thầy khiêm tốn, nhẹ nhàng nhưng thật tâm huyết khiến những người xung quanh chăm chú lắng nghe với sự xúc động dâng trào).

Còn chàng trai duy nhất Huỳnh Thanh Long – quán quân bộ môn tiếng Nhật giành cho người Việt lại đầy tính hài hước: “Mình tới từ Kobe, nghĩ mình xa lắc xa lơ rồi mà tới đây thấy có bạn từ Tokyo xa xôi vượt khó tới tham gia cuộc thi, vừa ngưỡng mộ vừa thấy các bạn giỏi ghê. Tham gia cuộc thi này ngoài giải thưởng ra mình còn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là được gặp gỡ rất nhiều bạn trẻ nhiệt huyết, giỏi giang tới từ khắp nơi trên toàn nước Nhật. Đây là cơ hội không phải lúc nào cũng có được.”

Cuối cùng, anh Trần Thế Nam – chủ tịch Hội VYSA Osaka cho biết: “Cuộc thi năm nay đã tiếp nối thành công của các năm trước, mang đến một bầu không khí ấm cùng và dư âm tuyệt vời sau sự kiện. Sự kiện đã được tổ chức thành công mỹ mãn nhờ vào công sức đóng góp và ủng hộ của rất nhiều cá nhân và tổ chức; Mình muốn gửi những lời cảm ơn sâu sắc nhất và hi vọng Hội VYSA Osaka sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình như vậy để có thể tổ chức thêm nữa các sự kiện hướng tới cộng đồng và thúc đẩy mối quan hệ hai nước Việt – Nhật trong thời gian tiếp theo.”

Cuộc thi Hùng biện Việt Nhật lần thứ 3 kết thúc trong bầu không khí ấm cúng, hữu nghị của những con người tuy không chung dòng máu nhưng luôn khát khao được học hỏi, thể hiện niềm yêu thích văn hoá, ngôn ngữ Việt – Nhật.
Các giải thưởng bao gồm:
Bộ môn tiếng Nhật cho người Việt: 
– Giải Nhất: Huỳnh Thanh Long.
– Giải Nhì: Trần Thu Trang.
– Giải Ba: Đỗ Anh Thư.
Bộ môn tiếng Việt chuyên: 
– Giải Nhất: Marutani Kazuma.
– Giải Nhì: Tamamura Takashi.
– Giải Ba: Tokugu Miyabi.
Bộ môn tiếng Việt không chuyên: 
– Giải Nhất: Oyamada Sougo.
– Giải Nhì: Nakayama Mika.
– Giải Ba: Mori Keijirou.
Sau cuộc thi là bữa tiệc nhỏ ấm cúng, những lời chào hỏi thân mật, những cái ôm, cái bắt tay đầy thiện ý hứa hẹn 1 tương lai đầy tươi sáng trong quan hệ khăng khít, bền chặt của 2 đất nước. VYSA Osaka vinh hạnh, tự hào vì đã là cầu nối gắn kết những cái “Duyên” nhỏ bé nhưng cao đẹp, nghĩa tình. Cùng Chúc cho mối “Duyên” giữa 2 quốc gia Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng đi lên, tình cảm giữa người Nhật và người Việt thêm đậm sâu, sắt son!

VYSA Osaka – Phan Thanh Huyền

Trả lời