Nhà sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ Toshiba của Nhật Bản đang phải đối mặt với mức phạt từ 300 – 400 tỉ Yen Nhật, tương đương 2,4 tỉ – 3,2 tỉ USD do những sai lệch trong hoạt động kê khai tài chính. Theo đó, để biến lỗ thành lãi, tập đoàn này đã khai khống tài chính lên tới 1,2 tỉ USD.
Phóng đại lợi nhuận trong 6 năm
Cụ thể, theo thông tin từ các hãng tin Reuters, Blomberg, từ năm 2008 đến nay, Toshiba đã khai khống tài chính lên tới 170 tỉ yen, tương đương 1,22 tỉ USD.
Vụ bê bối bắt đầu khi cơ quan chức năng nước này phát hiện ra những điểm bất thường trong sổ sách kế toán của tập đoàn hồi đầu năm. Toshiba đã đặt ra những mục tiêu tài chính “ngoài sức tưởng tượng” khi hoạt động của bộ phận liên quan đến năng lượng hạt nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa Fukushima năm 2011.
Không chỉ vậy, Tập đoàn Toshiba cũng phát hiện ra con số sai lệch khi thuê một tổ chức thứ ba độc lập để tiến hành điều tra việc hạch toán sổ sách kế toán. Nguyên nhân được xác định là trước đó tập đoàn này đã không thể khóa sổ kế toán trong năm 2014 cũng như hoãn việc chi trả cổ tức.
Ngoài ra, kết quả điều tra cũng cho thấy các sai lệch trong báo cáo lợi nhuận của Toshiba đã được che giấu rất “bài bản và điệu nghệ”.
Cụ thể, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Toshiba, ông Hisao Tanaka và hai người tiền nhiệm đã tìm cách trì hoãn đưa các khoản thua lỗ vào sổ sách. Trong khi đó, cấp dưới của họ thì không thể nào chống lại chỉ đạo của cấp trên. Với kết quả điều tra này, Toshiba cho biết sẽ cắt giảm lợi nhuận đã được báo cáo của hơn 6 năm.
Mặc dù bị lỗ nhưng tập đoàn này vẫn liên tục đưa ra thông báo lợi nhuận ròng đã tăng gấp 6 lần, lên 54,52 tỉ yen, tương đương khoảng 600 triệu USD nhờ doanh số bán thiết bị bán dẫn và các thiết bị cho nhà máy điện tăng mạnh.
Với bê bối “thổi phồng” lợi nhuận, Tập đoàn Toshiba có nguy cơ phải đối mặt với số tiền phạt lên đến 400 tỉ yen, tương đương 3,2 tỉ USD. Số tiền này bao gồm phí phạt 6 năm lợi nhuận bị phóng đại và các khoản thâm hụt sau hoạt động điều tra.
Đáng chú ý, cuộc điều tra này cũng đồng nghĩa với việc Toshiba không thể khóa sổ báo cáo tài chính của tập đoàn trong năm 2014. Việc chi trả cổ tức cho cổ đông vì thế cũng bị hoãn lại.
Khi thông tin về vụ bê bối này bị công bố, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã bày tỏ sự thất vọng. Vị Bộ trưởng cho rằng việc này sẽ đe dọa các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khiến họ dè chừng hơn với thị trường Nhật Bản.
CEO và một nửa số thành viên HĐQT Toshiba xin từ chức
Ông Hisao Tanaka cúi đầu xin lỗi và thừa nhận việc khai khống tài chính nêu trên là “vết đen lớn nhất trong suốt lịch sử 140 năm của tập đoàn” (Ảnh: Reuters) |
Sau khi các cáo buộc liên quan đến hoạt động gian lận tài chính được công bố, ông Hisao Tanaka – Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn này đã tuyên bố từ chức vào ngày 21.7. Thay vào đó, ông Masashi Muromachi sẽ tạm thời điều hành tập đoàn.
Ông Hisao Tanaka cũng đã cúi đầu xin lỗi và thừa nhận việc khai khống tài chính nêu trên là “vết đen lớn nhất trong suốt lịch sử 140 năm của tập đoàn”.
Cùng với ông Hisao Tanaka, Phó Chủ tịch Norio Sasaki cũng được cho sẽ từ chức vào tháng 9 tới cùng hơn một nửa số thành viên trong Hội đồng quản trị.
Phát ngôn viên của tập đoàn này cho biết, hiện tại Toshiba chưa đưa ra quyết định nào cụ thể và vẫn chờ đợi kết quả cuối cùng được công bố từ ủy ban điều tra.
Trước đó, vào tháng 4.2015, khi sổ sách kế toán của hãng công nghệ Nhật Bản này bị phát hiện nhiều điều bất thường, cổ phiếu của Toshiba cũng đã lao dốc khoảng 27% .
Như vậy, sự việc lần này của Toshiba được xem là vụ bê bối kế toán lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản sau vụ bê bối của Tập đoàn Olympus hồi năm 2011.
Trước đó, tập đoàn Olympus – chuyên sản xuất camera và vật tư y tế – cũng đã bị phát hiện nhiều thông tin sai lệch khi công bố các báo cáo tài chính tới 100 tỉ yen nhằm che giấu tình hình thua lỗ từ năm 1990 đến năm 2011, với giá trị tổng cộng 1,7 tỉ USD.
Phan Diệu (Báo điện tử Một Thế Giới )
(Theo Reuters, Blomberg)