Trách nhiệm và sự nhận lỗi

Đăng ngày 06/12/2015 bởi iSenpai

Bài viết được chia sẻ từ facebook của cô Tống Kim Giao, một người Việt đã nhiều năm sinh sống và làm việc tại Nhật

***

Tôi quen với một người Nhật, ông ta đã từng đi Việt Nam trên 100 lần, hiểu con người Việt Nam và đi khắp nơi biết từng địa danh thậm chí còn trọ trẹ nói vài câu ngắn bằng từ địa phương mỗi vùng . Trong một lần nói chuyện ông ta nói : “Tui thương Việt Nam nhưng có một điều trong tính cách người Việt tui không thích, đó la hay đùn đẩy trách nhiệm “.

Các em vào làm Hãng Nhật lưu ý điều này , khi vi phạm điều gì nên nhận lỗi . Ví dụ đến trễ nên nói ngay là “tôi đên trễ xin lỗi đã bắt mọi người chờ”, đừng lẳng lặng lẻn vào chổ và nghĩ như vậy là ổn . Hoặc khi làm sai một trách nhiệm được giao , hãy đến gặp cấp trên nói lỗi sai của mình ra và xin cho cơ hội để làm lại việc đó và hứa sẽ cố gắng hoàn tất tốt hơn .
Đừng bao giờ đổ lỗi cho tại vì thì.. mà.. là …cái đó là điều nói lên bạn quá ” nhỏ bé” trong mắt người khác .
Trong công ty của tôi có nhân viên người Nhật lẫn Việt Nam. Có một lần tôi giao công việc cho 2 người đi làm , người Việt Nam lại là sếp của người Nhật . Việc không thành , mớ hàng mua về bị trộn lẫn gỗ loại A và B mặc dù đã cho cả hai đến hiện trường kiểm hàng . Khi phát hiện người Nhật đến chổ tôi ngồi , cúi đầu mắt đỏ ké nói : ” tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ , xin cứ chê trách , tôi không có gì để bào chữa ” . Người Việt Nam kia đến sau , nghe sai không nói gì cả cứ ngồi im ở bàn một hồi rât lâu , tôi cũng im lặng để xem anh ấy nói gì . Một buổi sau anh ta mới đến chổ tôi ngồi và nói : “lô hàng này tụi nó làm ẩu quá , tại vì… ông Nhật già ngu quá không biết phân biệt hàng ” tôi hỏi : ” vậy chứ lúc đó em ở đâu” . Một chút bối rối nhưng vẫn cố vớt vác: ” em ở đó nhưng đang bận nói chuyện với người ta trong văn phòng vì …”
Một ví dụ nhỏ thôi để nói lên tính cách của 2 lối ứng xử.

Hôm trước tôi đang ngồi chờ ở Bưu điện , bỗng rầm nguyên dàn kệ để giấy quảng cáo đổ sập do một bé trai khoảng 3 -4 tuổi gây nên.
Tôi định đến giúp bé lượm lên thì thật bất ngờ tôi khựng lại khi nghe bé nói : ” cám ơn Cô, nhưng boku ( con ) làm đổ thì để boku lượm . Cô dựng cái giá lên cho con thôi ”
Tôi nhìn theo hướng mắt bé thấy Mẹ của bé đang đứng sắp hàng nhìn đến . Thấy con làm đổ , cô ấy không đến xuýt xoa cũng không làm như không biết , mà chỉ nhìn bằng cái nhìn khích lệ . Thằng bé chạy đến bên Mẹ nói : “con xin lỗi , con sẽ dọn dẹp “, rồi chạy lui lượm gọn gàng từng loại và bỏ vào kệ sách. Sau đó người Mẹ khen con : ” mẹ cám ơn , con đã dọn rất tốt”.

Tôi ngẫm nghĩ và hiểu tại sao người Việt Nam khác rồi . Tôi có nhớ một hình ảnh khi con tôi về thăm nhà cháu rất được bên Nội cưng . Thằng bé đi vấp té vậy là cô của nó xuýt xoa đến đỡ dậy và lấy tay đánh lấy đánh để hòn đá với lý do: ” đá hư nè , đá làm em đau ( !!???sao đá bị lỗi ).
Giáo dục một con người hình thành nhân cách rất quan trọng trong giai đoạn từ 0 -12 tuổi . Đứa bé có khoẻ mạnh , thông minh, tánh tình nhân cách đều nằm trong giai đoạn rèn nắn buổi đầu này . Thấy vậy đó nhưng những ảnh hưởng trong giai đoạn này, sẽ là cái gốc để cho đứa nhỏ phát triển về sau.
Việt Nam mình bây giờ cha mẹ cứ cố gắng làm để tiền cho con đưa con đi du học , cho con cái nhà cái xe cho hơn người ta. Cuộc sống cứ mãi ganh đua hơn kém ( ai cũng muốn hơn ai thì ai là người thua? ). Việc giáo dục nhân cách đạo đức thì lại lơ là.
Không chịu nhận thiệt hại và cái sai về mình, và nếu có nhận thì chỉ qua loa theo kiểu “uh thì tớ làm sai đấy , làm gì mà ầm ĩ thế”
Trong những công ty lớn ở Nhật, khi có sai lầm Giám đốc hoặc người trưởng bộ phận xin từ chức ngay . Tại sao họ làm như thế vì họ tự nhận thấy mình sai . Nhân viên sai nhưng họ ăn lương quản lý công việc mà để nhân viên và công việc bị sai lầm là lỗi của người quản lý.

Thêm nữa là lý do tại sao người ta nói dối một phần vì người ta SỢ. Nếu bậc làm cha mẹ bao dung lắng nghe con cái giãi bày lý do tại sao đưa đến sai lầm . Một người Vợ hoặc Chồng biết lắng nghe thông cảm và chia sẻ. Hoặc cấp trên tuy nghiêm khắc nhưng vẫn cho cơ hội để người bên dưới có điều kiện sử đổi rút kinh nghiệm . Thì tôi nghĩ cũng chẳng ai muốn nói dối và đùn đẩy trách nhiệm làm gì
Trở lại câu chuyện đứa bé làm đổ kệ đựng giấy ở Bưu điện nói trên . Gặp bà Mẹ Việt Nam bạn sẽ làm gì ? Đánh đít con và nói to lên để mọi người thấy bạn là người biết giáo dục con vừa đánh vừa mắng ầm ĩ : ” hư nè ” để thằng bé oà ra khóc . Đúng không? Hay bạn chạy đến xuýt xoa giúp thằng nhỏ .
Người Mẹ ở đây chỉ động viên con sửa sai bằng ánh nhìn và gương mặt thông cảm và cuối cùng lại cám ơn thằng bé khi nó đã sửa sai xong.

Tự nhận lỗi là một điều rất khó làm nếu anh không vượt qua được cái ngưỡng SÂN SI và sự SỢ HÃI

Đừng tự vuốt ve mình bằng lối bảo vệ bản thân bằng cách đổ lỗi lầm cho hoàn cảnh cho chung quanh nữa . Việc nói dối những chuyện nhỏ sẽ tạo thành thói quen nên bạn không tự nhìn ra được cái gốc của sự sai trái nữa vì mãi lo tìm lý do biện hộ cái sai . Khi không nhìn ra cái gốc của cái sai để sửa thì sai lầm sẽ chồng chất sai lầm

Khi nhận một trách nhiệm dù nhỏ dù to lương tâm và sự tập trung nên đặt vào đó . Một công việc dù nhỏ xíu nhưng nếu bạn làm bằng hết cái tâm , hoàn thành đúng trách nhiệm, nhận sai lầm để biết nguyên do mà sửa đổi thì bạn sẽ là một người tuyệt vời bạn có biết không?.

Yokohama 5/12/2015
Tống Kim Giao

Trả lời