Ngày 1/9/1939, máy bay tiêm kích hạng nặng Bf110 của Không quân Đức vượt biên giới Ba Lan, khơi mào cho Thế chiến II – cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Những phát súng đầu tiên phân chia cục diện thế giới đã vang lên, nhưng tới tận hơn 2 năm sau, đế quốc Mỹ mới chính thức tham chiến sau khi đã giữ vai trò trung lập quá lâu. Dù đã từ lâu muốn nhảy vào để chiếm thế chủ động trên chiến trường và phân chia lại cục diện thế giới, nhưng Mỹ cũng phải cần “một cái cớ”. Và Nhật Bản đã giúp Mỹ có một cái cớ theo một kịch bản không thể ngờ tới – đó là trận chiến Trân Châu Cảng: Lời “động viên” của nước Nhật, “khích lệ” Mỹ bước vào vòng xoáy chiến tranh.
Vị trí chiến lược của Trân Châu Cảng.
Trân Châu Cảng là hải cảng trên đảo O’ahu thuộc quần đảo Hawaii, là một cảng nước sâu có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng và là trung tâm chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Địa hình như một vịnh biển ăn sâu vào đất liền của đảo, tạo thành một cầu tàu thiên nhiên lý tưởng để chống lại các cuộc tấn công quân sự.
Ngoài ra, vì nằm giữa Thái Bình Dương, với khoảng cách tương ứng của một tầm bay của pháo đài bay B-17, nên nơi đây là một bàn đạp lý tưởng để Mỹ vươn cánh tay Hải quân ra chiếm lĩnh thế thượng phong, tung sức mạnh khống chế và bá chủ vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn. Vừa là cơ sở chỉ huy đầu não Hải quân, vừa là căn cứ địa hậu cần, bảo dưỡng, sửa chữa chiến hạm. Trân Châu Cảng là nơi mà Hải quân Hoa Kỳ nuôi dưỡng cho tham vọng bá chủ thế giới.
Sự lựa chọn số một:
Đối với Mỹ, Trân Châu Cảng là bước đệm để vươn cánh tay quân sự sang châu Á, nhưng ngược lại, đối với Nhật Bản, nơi đây là bàn đạp để tiến đến Hoa Kỳ. Các chỉ huy cấp cao nhất của Nhật đã kỳ vọng sẽ làm tê liệt Hạm đội Thái Bình Dương (hạm đội mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ) trong một thời gian vừa đủ để họ có thể rảnh tay chiếm vùng Tây Thái Bình Dương, uy hiếp Australia và Ấn Độ, đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, tiến tới thế cân bằng chiến lược ở vùng bờ biển Thái Bình Dương, hiện thực hóa học thuyết “Đại Đông Á”. Người Nhật cũng dự tính, trận chiến sẽ khiến cho tinh thần và vật lực của Mỹ xuống thấp, và họ có thể rảnh tay chinh phục Đông Nam Á.
Với những kỳ vọng đó, đủ để người Nhật chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận đánh vào Trân Châu Cảng, nhưng cũng đủ để Mỹ làm tất cả để bảo vệ cứ điểm trên đảo Hawaii này. Và rồi trận chiến bắt đầu:
7h 48 phút sáng chủ nhật ngày 7/12/1941 (giờ Hawaii), một buổi sáng yên bình như bao buổi sáng khác tại Trân Châu Cảng bị xé toạc bởi tiếng động cơ máy bay tiêm kích Nhật Bản. Cuộc chiến trên không với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới chính thức bắt đầu. Lính Mỹ sau một tối thứ bảy vui vẻ vẫn còn ngái ngủ vội vã tới các vị trí trực chiến. Bức điện nổi tiếng “Air raid Pearl Harbor. This is not drill” (Trân Châu Cảng bị không kích, đây không phải là diễn tập) được phát đi. Lính Mỹ tuy ban đầu phản ứng chậm nhưng cũng tỏ ra có hiệu quả, đôi bên bắt đầu có sự va chạm hỏa lực.
Cuộc chiến kéo dài 90 phút cho tới khi người Nhật quyết định dừng các cuộc tấn công để tránh tổn thất khi lính Mỹ bắt đầu có những sự kháng cự tốt hơn. 90 phút ác mộng khiến 2.386 người Mỹ bị thiệt mạng (trong đó có 55 người là thường dân) và 1.139 người khác bị thương. 18 tàu bị đánh chìm, kể cả 5 chiếc thiết giáp hạm. Trong số 402 máy bay Mỹ có mặt tại Hawaii, 188 chiếc bị phá hủy và 159 chiếc bị hư hỏng, 155 trong số đó đậu trên mặt đất, hầu như không có chiếc nào thực sự sẵn sàng để cất cánh nhằm bảo vệ căn cứ. Trong số 33 chiếc thủy phi cơ PBY ở Hawaii, 24 chiếc bị phá hủy và sáu chiếc khác bị hư hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa, ba chiếc khác đang phiên đi tuần tra khi cuộc tấn công xảy ra đã quay trở về an toàn. Pháo phòng không cũng đã bắn nhầm một số máy bay Mỹ, kể cả năm chiếc xuất phát từ tàu sân bay USS Enterprise trên đường quay về. Cuộc tấn công của Nhật vào các trại binh cũng đã gây thêm một số thương vong.
Về phía Nhật, 55 phi công và 9 thủy thủ tàu ngầm tử trận cùng một người bị bắt làm tù binh. Trong số 414 máy bay tham gia tấn công, 29 chiếc bị mất trong trận đánh cùng 74 chiếc khác bị hư hại do hỏa lực phòng không từ mặt đất.
Những tác động từ trận chiến:
Với thắng lợi tại Trân Châu Cảng, hải quân Nhật đã thành công trong việc loại Hạm đội Thái Bình Dương khỏi vòng chiến trong nhiều tháng, từ đó rảnh tay đánh chiếm Đông Nam Á và làm chủ vùng biển Thái Bình Dương trong giai đoạn này.
Còn đối với Mỹ, ngày 7/12/1941 bị tổng thống D.Roosevelt gọi là “ngày ô nhục”, xứ cờ hoa buộc phải tuyên chiến với Nhật Bản, cùng thời điểm đó, Đức, Ý tuyên chiến với Mỹ. Mỹ chính thức bước vào vòng xoáy chiến tranh thế giới thứ II.
Giới quân sự trung lập cho rằng Trân Châu Cảng là một bài học về sự mất cảnh giác và chủ quan khinh địch. Còn các tướng lĩnh Nhật đã thực sự cảm thấy những khó khăn khi Mỹ bước vào Thế chiến và thay đổi nhiều cục diện trên chiến trường. Đô đốc Hara Tadaichi của Hải quân Nhật đã tóm lược kết quả cuộc tấn công về phía Nhật Bản bằng một câu nói súc tích: “Chúng ta thắng một chiến thắng chiến thuật vĩ đại tại Trân Châu Cảng, và do đó đã thua cả cuộc chiến”.
Năm 1945, vào thời điểm nước Nhật đã sức tàn lực kiệt, bại trận là không tránh khỏi, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để tàn phá nước Nhật như một hành động phục thù cho Trân Châu Cảng.
Trân Châu Cảng là một những trận đánh xoay chuyển cục diện của chiến tranh thế giới lần thứ 2. Nó giúp một cường quốc quân sự là Mỹ bước vào xoay trục, dần loại bỏ quân phát xít ra khỏi chiến trường. Tuy mục đích khai chiến của Nhật Bản là hoàn toàn chính đáng và đem lại lợi ích cho họ. Nhưng tác động của chiến bại tại Trân Châu Cảng đã khiến nhân dân nước Mỹ nổi giận, buộc bản đồ chiến tranh thế giới phải có thêm tên của Hoa Kỳ. Và chính điều đó làm cho Nhật Bản dần dần thua những trận đánh chiến lược ở Đông Nam Á, ở Đông Ấn và Trung Quốc, mất dần tầm ảnh hưởng cho đến khi đầu hàng vô điều kiện ngày 2/9/1945.
Đến nay, khi chiến tranh đã lùi xa, Nhật Bản lại trở thành một trong những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, một công cụ kìm chế không cho con hổ Trung Quốc vẫy vùng. Và một điều đặc biệt, quần đảo Okinawa cực Nam Nhật Bản nay trở thành một trong những căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ sau những khốc liệt của chiến tranh. Sự có mặt của Hạm đội Hải quân Mỹ hùng mạnh tại châu Á đang góp phần duy trì cân bằng sự ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới.
Mr. Moon
(bài viết có sử dụng các tài liệu từ bách khoa toàn thư mở wikipedia, các con số thương vong, thiệt hại có thể không chính xác tuyệt đối)