Trò chuyện cùng bác sĩ Phạm Nguyên Quý: “ Tôi từng được bệnh nhân mời đến đám cưới của họ ở tuổi 60”

Đăng ngày 06/11/2018 bởi iSenpai

Chàng sinh viên y khoa tài năng và mối duyên với nước Nhật vì… “tiếc bộ hồ sơ”

iSenpai: Chào bác sĩ, thật vinh hạnh cho iSenpai khi tranh thủ được một chút thời gian quý giá của bác sĩ để có thể viết về một tấm gương thành công của người Việt tại Nhật. Câu hỏi đầu tiên, tại sao bác sĩ lại lựa chọn nghề Y, một nghề vất vả trong cả quá trình học tập cho đến khi làm việc?

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Cám ơn câu hỏi của em đã làm mình nhớ nhiều chuyện cũ. Thật ra, lúc chọn ngành Y mình không nghĩ là nó vất vả như vậy *cười*. Chỉ biết rằng đó là một nghề thú vị vì sẽ được học về cơ thể người, được chăm sóc và giúp đỡ nhiều người bệnh. Ngày xưa ba mình cũng làm việc trong môi trường Đại học Y khoa, nên chuyện trở thành bác sĩ là cái gì đó hiển nhiên như không hề có lựa chọn khác. Quá trình học của mình khá dài; trước khi học 6 năm Y khoa ở Nhật mình còn “mất” 2 năm học Y ở trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, 1 năm học tiếng Nhật nữa nhưng tất cả đều có ý nghĩa với cuộc đời mình sau này. Càng tiếp xúc với bệnh nhân, mình càng thấy nhiều thách thức của nghề Y nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc khi trực tiếp giúp người và được nhiều người tin tưởng.

Chân dung người bác sĩ tài năng và tâm huyết với nghề 

iSenpai: Ngành Y là một ngành rất khó, hơn nữa không phải ở Việt Nam mà lại ở Nhật, mà ở Nhật lại là tại đại học Y Nha Tokyo một trong 5 trường đại học về y khoa hàng đầu Nhật Bản. Hẳn là sau khi đọc profile của bác sĩ ai cũng rất tò mò và ngưỡng mộ. Vậy bác sĩ có thể chia sẻ về cuộc hành trình này không?

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Sau khi thi đậu học bổng của Chính phủ Nhật Bản (MEXT) năm 2002, mình sang học tiếng Nhật tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo trước khi chuyển vào khoa Y, Đại học Y Nha Tokyo. Nói là thi vậy thôi chứ thật ra chỉ phỏng vấn đơn giản với độ 5 giáo sư và được nhận luôn, có lẽ vì mình đã qua kỳ sát hạch bằng tiếng Anh (môn Toán, Hóa, Sinh, Anh Văn) ở Việt Nam và kết quả học tiếng Nhật cũng khá tốt. Quá trình học thì không đến nỗi khó vì mấy môn cơ bản như Giải phẫu, Sinh lý, Mô phôi,… mình đã từng học qua ở trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trước đó. Có “chút vốn” ban đầu đó giúp mình khởi động tốt và từ từ quen với môi trường ở Nhật. Trong khi sinh viên Nhật thường tham gia câu lạc bộ hay đi làm thêm, mình dành trọn thời gian để học bài và tham gia công tác xã hội (Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam, VYSA) nên nói chung thành tích học không có gì đáng lo. Cuối năm 5 mình còn được trường tài trợ cho đi thực tập ở các bệnh viện ở Boston theo chương trình hợp tác với Đại học Harvard, Hoa Kỳ, nên mình nghĩ thật là may mắn khi chọn học trường này.

Ngoài ra, từ năm 3 mình xin vào “học nghề” ở một phòng nghiên cứu, nên từ khi là sinh viên đã có 3 bài báo nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành. Những thành tích trên phần nào giúp việc xin tiếp Học bổng Tiến sĩ (MEXT) dễ dàng hơn và là bệ phóng giúp có thêm cơ hội học hành chuyên nghiệp hơn về sau.

Không chỉ là một sinh viên y khoa ưu tú, bác sĩ Quý còn là một du học sinh rất tích cực trong các hoạt động xã hội

iSenpai: Cơ duyên nào đưa bác sĩ đến Nhật Bản? Anh có kỉ niệm đáng nhớ nào trong quá trình làm việc trong ngành y cũng như sau chừng ấy năm sinh sống và làm việc tại Nhật muốn chia sẻ cùng độc giả không?

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Thật ra mọi chuyện xảy ra có phần tình cờ, mặc dù mình đã có mơ ước tìm đường ra nước ngoài học Y khoa từ những năm cuối cấp 3. Khi có giải Ba kỳ thi Toán PTTH toàn quốc và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000, mình đã tìm học bổng và thấy cơ hội cho ngành Y không nhiều lắm: lúc đó chỉ có Cuba, Nga, Nhật và Úc. Khi dịch công chứng hồ sơ ra tiếng Anh mình được nhận 2 bộ, nộp bên Úc 1 bộ nhưng người ta báo lại là chỉ có chương trình Y tế dự phòng. Mình tiu nghỉu chưa biết làm gì thì khi đó trường thông báo có học bổng đi Nhật! Dù không rõ lắm về ngành Y của Nhật nhưng mình rất “nể” dân tộc này (qua phim Oshin) và “tiếc của đời” cái bộ hồ sơ còn lại nên mình đã đăng ký thử. Ai ngờ đâm lao phải chạy theo lao và câu chuyện kéo dài ngày hôm nay! Đôi khi nghĩ lại thấy mình thật may mắn vì những việc “làm thêm” của mình lại giúp bén thêm nhiều duyên mới.

Vị bác sĩ người Việt vinh dự được nhận giải thưởng của hiệp hội nội khoa Nhật bản

Về kỷ niệm trong ngành Y thì nhiều lắm, nhưng mình ấn tượng nhất có lẽ là những giây phút cảm nhận được nỗi đau của người bệnh, có điều kiện hỗ trợ toàn diện để giúp họ đối mặt với nó, cũng như cùng trải qua một số sự kiện quan trọng trong cuộc đời của họ để có kết cục nhân văn. Mình được bệnh nhân mời đi dự đám cưới ở tuổi 60, dự festival truyền thống hay nghe hợp xướng mà họ tham gia biểu diễn. Một vài trường hợp mình còn “được mời dự” đám tang của bệnh nhân, hoặc có người thân mang quà cảm ơn tới 2-3 năm sau khi bệnh nhân qua đời. Đó là những trải nghiệm ý nghĩa mà mình không bao giờ quên. Học được cách hành nghề nhân văn có lẽ là thành quả lớn nhất trong quá trình làm việc ở đất nước này. Nói tới đây, mình nhớ lại lần cãi nhau “nảy lửa” với một bác Nhật già về mục tiêu học ngành Y ở Nhật hồi năm 2005. Khi đó mình là sinh viên năm 3, chỉ nghĩ đơn giản là muốn học kỹ thuật cao, tân tiến nào đó để về Việt Nam phổ biến và vỗ ngực tự hào. Mãi về sau khi thực sự bước vào đối mặt với bệnh nhân trên cương vị người thầy thuốc, mình mới hiểu lời khuyên của bác ấy, rằng những kỹ thuật cao đó chỉ là “chiêu thức” bề nổi còn tính nhân văn mới là “nội công” thâm sâu để làm nên vẻ đẹp của ngành Y.

Người bác sĩ sẵn sàng hi sinh thời gian của bản thân vì bệnh nhân đồng hương

iSenpai: Chúng ta đều biết các bác sĩ sau quá trình học tập dài và vất vả trước khi bước ra bắt đầu sự nghiệp cứu người đều phải đọc lời thề Hippocrates. Trong đó có đoạn sẽ tận tâm chữa bệnh không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, giai cấp. Nhưng thông qua các hoạt động nổi bật của bác sĩ lập page chia sẻ, tư vấn sức khỏe cho người Việt tại Nhật, trả lời các chuyên mục sức khỏe của các tờ báo Việt Nam. Gần đây nhất là công việc hết sức tuyệt vời, tại bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren vào thứ 6 hàng tuần bác sĩ có chương trình khám sức khỏe bằng tiếng Việt cho người Việt tại Nhật. Bác sĩ có ưu tiên người Việt quá không? Động lực nào khiến bác sĩ thực hiện những điều tuyệt vời này?

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Người nước ngoài ở Nhật thường gặp khó khăn khi đi bệnh viện vì nhiều nguyên nhân (như rào cản ngôn ngữ) và người Việt Nam không là ngoại lệ. Tệ hơn, mình đã nghe nhiều trường hợp vì không có kiến thức, chủ quan hoặc không được hỗ trợ quan tâm mà các bạn trẻ chuyển bệnh nặng hoặc tử vong. Nhiều trường hợp bị trầm cảm, suy sụp tinh thần nhưng không được tư vấn thích hợp cũng rất tội nghiệp. Mình không giúp được nhiều, nên đã có mong muốn “làm thêm được gì thì làm” từ trước. Thật ra, chiều thứ 6 hằng tuần mình vẫn phải trực bệnh phòng nên chỉ có thể dành thêm vài tiếng để khám bệnh ngoại trú/cấp cứu. Mình nghĩ giúp thêm người Việt thì sẽ vui hơn, có thể đóng góp điều gì đó cho cộng đồng quê hương mình điều đó làm mình hạnh phúc.

Bệnh nhân các nước khác tới thì mình vẫn khám chu đáo hết lòng; nên không thể nói mình ưu tiên bệnh nhân Việt Nam hơn. Thú thật là mình chưa bao giờ bị nói “ưu tiên người Việt” vì đồng nghiệp trong bệnh viện đều nghĩ BS. Quý khám cho người Việt là chuyện đương nhiên và sẽ tốt hơn cho người bệnh khi giao tiếp tốt với bác sĩ.

Bác sĩ Quý chụp ảnh cùng các thành viên sáng lập Y Học Cộng Đồng

Phóng viên iSenpai: Có thể nói câu chuyện của bác sĩ là một tấm gương rất lớn về những người Việt thành công ở Nhật. Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ cũng đang xây cho mình những giấc mơ tại Nhật không?                      

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Mình rất thích một công thức toán thú vị như hình đính kèm, minh họa ý “Mọi nỗ lực dù nhỏ nhưng liên tục đều sẽ mang lại thành quả lớn lao”. Ngược lại, thái độ chùn bước hay lười biếng thì về lâu về dài cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu. Trong những việc làm của mình, mọi lúc mọi nơi mình đều nghĩ có thể “làm thêm” việc gì để giúp ích cho cộng đồng? Như website/dự án Y học cộng đồng, sau 5 năm vận động với sự góp sức của nhiều bác sĩ và cộng tác viên đã có hơn 3000 bài viết và có nhiều network góp phần cung cấp kiến thức y tế đúng cho nhiều người dân.

Ngoài ra, mình cũng tâm đắc với câu “Gần đèn thì sáng”. Việc giao lưu học tập với bạn bè giỏi ngành khác cũng rất quan trọng vì nó cho ta thêm nhiều thông tin, góc nhìn và ý tưởng để cân nhắc hợp tác làm cái mới. Việc giao lưu có tính xây dựng lành mạnh như vậy cũng mọi người giải stress và cùng nhau vượt qua trở ngại trong cuộc sống.

Công thức toán được bác sĩ Quý nhắc đến để minh họa cho ý chí và ước mơ

iSenpai:  Cộng đồng người Việt tại Nhật những năm gần đây tăng lên với con số vô cùng lớn, đi kèm với đó có rất nhiều những câu chuyện thương tâm như đột quỵ, qua đời của những bạn tuổi đời còn rất trẻ. Bác sĩ có lời khuyên nào về tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đến mọi người không?

Bác sĩ Phạm Nguyên QuýTheo thống kê của Chính phủ Nhật Bản thì con số người Việt đi làm ở Nhật đã tăng 9 lần trong 5 năm, và đúng là có nhiều vấn đề về sức khỏe cần được cảnh báo như đột tử vì làm việc quá mức. Mình không có số liệu cụ thể về các nguyên nhân tử vong nên không thể nói chi tiết hơn, chỉ xin nhấn mạnh rằng hầu hết các công ty xí nghiệp ở Nhật đều có nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên và việc đi khám sức khỏe tầm soát định kỳ hay khi bị bệnh là quyền lợi không thể chối cãi. Vì thế, các bạn dù trẻ vẫn không nên chủ quan hay ngại ảnh hưởng đến người xung quanh mà chịu đựng các triệu chứng không đi gặp bác sĩ.

Dù không thay thế được bác sĩ, dự án Y học cộng đồng đã biên soạn nhiều bài giúp mọi người hiểu hơn về các triệu chứng, khả năng xảy ra và cảnh báo khi nào nên đi bệnh viện ngay: https://yhoccongdong.com/chude/tiep-can-trieu-chung/

Trên website này có nhiều bài khuyên về tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và mọi người cũng có thể tìm vào các nhóm tư vấn của Y học cộng đồng để hỏi thêm chi tiết.

Bác sĩ Quý và các đồng nghiệp

iSenpai: Gần đây nhất bác sĩ có bài viết phân tích về hiệu quả của phương pháp chữa ung thư vừa được giải Nobel của giáo sư người Nhật và cộng sự. Liệu chúng ta có thể lạc quan và tin vào những cơ hội mới dành cho bệnh nhân ung thư không?

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Liệu pháp miễn dịch vừa nhận giải thưởng Nobel về Y khoa và Sinh lý học năm nay nên rất nhiều người quan tâm tới từ khóa này. Tuy nhiên, cần lưu ý là có rất nhiều loại điều trị khác nhau đang “mượn danh” phương pháp miễn dịch nhưng thật ra vẫn chưa được chứng minh hiệu quả. Trong số các phương pháp đã được ứng dụng lâm sàng, các dòng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (Immune Checkpoint inhibitors) như Nivolumab, Pembrolizumab, Ipilimumab,…có nhiều số liệu về độ an toàn và hiệu quả rõ rệt vì đã qua nhiều đợt thử nghiệm lâm sàng trên nhiều tình huống khác nhau; thực sự tăng tỉ lệ đáp ứng và cải thiện tiên lượng ở một số loại ung thư như ung thư phổi, ung thư thận, melanoma,….Một bộ phận bệnh nhân còn duy trì được hiệu quả điều trị dài lâu (“long tail” effect), nên kỳ vọng vào phương pháp miễn dịch là khá cao và nhìn chung, chúng ta có thể lạc quan về các liệu pháp miễn dịch với bằng chứng cụ thể như vậy.

Tuy nhiên, cần lưu ý là thuốc không có hiệu quả ở mọi ca bệnh và mọi loại ung thư. Những thuốc có kết quả tốt ở ung thư phổi nhưng khi sang ung thư dạ dày lại không có hiệu quả như mong đợi, và các bác sĩ/nhà nghiên cứu vẫn đang tìm tòi những đặc điểm sinh học giúp sàng lọc ra những bệnh nhân có cơ hội đáp ứng thuốc cao nhất. Vì thế, cần lưu ý là mọi điều trị cần phải ĐÚNG CHỈ ĐỊNH (cho loại bệnh, giai đoạn bệnh, người bệnh,…). Hơn nữa, những thuốc này còn rất mắc tiền nên việc áp dụng đại trà, không cân nhắc lợi ích tổng thể (thiệt hại tài chính và ảnh hưởng cho cả gia đình) thì có khi lại gây hại nhiều hơn.

Bác sĩ Quý chụp ảnh cùng giáo sư Oshumi, giải Nobel y khoa 2016

iSenpai:  Bác sĩ có thể bật mí cho độc giả về những kế hoạch, dự định trong tương lai được không ạ?  

Bác sĩ Phạm Nguyên QuýNgoài việc duy trì các hoạt động hiện tại như Dự án Y học cộng đồng, chương trình hỗ trợ Phục hồi chức năng tại địa phương và chương trình giao lưu chuyển giao kỹ thuật Nội soi giúp phát hiện và điều trị sớm ung thư tiêu hóa tại Việt Nam, hiện tại mình đang cùng một số bác sĩ và lập trình viên xây dựng website và apps giúp giao tiếp y tế bằng tiếng Việt-Nhật-Anh, hi vọng có thể giúp nhiều bệnh nhân vượt qua rào cản ngôn ngữ khi đi khám bệnh. https://mediction.net/ 

Mình cũng đang có kế hoạch khảo sát để nắm bắt nhu cầu và rào cản khi khám chữa bệnh tại Nhật, qua đó dần dần thiết lập một đường dây nóng để người Việt tại Nhật (nhất là các thực tập sinh đang bị trầm cảm, rối loạn tinh thần,…) có thể liên lạc và được tư vấn can thiệp kịp thời. Ngoài ra, về mảng ung thư, dự án Y học cộng đồng đang kêu gọi các nhà đầu tư làm apps giúp bệnh nhân tự quản lý thông tin liên quan tới chẩn đoán và điều trị ung thư, đánh giá các triệu chứng để biết cách xử trí thích hợp. Rất nhiều ý tưởng đang ấp ủ, và mình cùng các cộng sự vẫn đang cố gắng từng ngày.

Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ quý báu với những câu chuyện truyền cảm hứng và những lời khuyên quý giá với sức khỏe. Chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe, thành công để có thể thực hiện được nhiệm vụ cao cả chăm sóc sức khỏe cho mọi người. 

Huyền Trang (iSenpai)

Trả lời