Bên cạnh nhu cầu cấp thiết của Thái Lan, các dự án đường sắt phản ánh sự tranh giành ảnh hưởng của Nhật Bản, Trung Quốc.
Những dự án xuyên quốc gia
Các dự án đường sắt tốc độ vừa do Trung Quốc lên kế hoạch sẽ chạy theo hướng Bắc – Nam, dự kiến dài 873 km, kết nối tỉnh Nong Khai ở Đông Bắc Thái Lan, dọc sông Mekong, từ Vientiane của Lào với Keang Khoi ở miền Trung Thái Lan, với một nhánh riêng tới Bangkok và các nhánh khác tới Pattaya và cảng nước sâu Rayong. Hệ thống này nằm trong hệ thống đường sắt kết nối từ miền Nam Trung Quốc với Thái Lan qua Bắc Lào dài khoảng 3 nghìn km. Tuyến này dự kiến sẽ khởi công năm 2016, hoàn thành vào năm 2020, có chiều dài 734 km trên đất Thái Lan với chi phí 12 tỷ USD.
Thái Lan sẽ phải mua tàu hỏa, hệ thống tín hiệu và thiết bị liên quan từ Trung Quốc và Nhật theo các gói thầu riêng. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đều quan tâm đến việc phát triển các tuyến đường xe lửa bổ sung, bao gồm cả tuyến đường sắt cao tốc chuyên chở hành khách.Dự án do Nhật Bản đề xuất lại là đường sắt cao tốc, chạy theo hướng Đông – Tây, kết nối Bangkok tới các thành phố biên giới gần với Siem Reap của Campuchia và Dawei của Myanmar. Dawei được quy hoạch thành khu công nghiệp chính và cảng nước sâu chính do Chính phủ ba nước Nhật Bản – Thái Lan – Myanmar ủng hộ. Tuyến này vẫn đang được nghiên cứu nhưng đoạn nối Thái Lan và Myanmar sẽ được xây dựng trước để hỗ trợ cho các dự án của đặc khu kinh tế Dawei. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có dự án đường sắt mở rộng, kết nối sân bay Suvarnabhumi và Don Muang tại Bangkok với sân bay U-tapao ở Rayong. Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Prajin Juntong cho biết, hệ thống đường sắt do Nhật Bản đầu tư sẽ vận chuyển hành khách giữa Bangkok và Pattaya – khu du lịch đem về mỗi năm hàng tỷ USD, cũng như tỉnh Rayong lân cận. “Hiện hình thức vốn đầu tư cho việc xây dựng hệ thống đường sắt do Nhật Bản thực hiện vẫn chưa được quyết định. Dự án này có thể theo hình thức PPP hoặc do một công ty tư nhân cấp vốn. Vấn đề này sẽ được quyết định trong năm nay”, ông Juntong nói.
Không lợi nhuận cũng làm
Công nghệ đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc là thế mạnh của Nhật. Hồi cuối tháng 3 vừa qua, khi Hội nghị Liên hợp quốc về giảm nhẹ thiên tai lần thứ ba diễn ra tại Sendai, Nhật Bản đã thu xếp lãnh đạo các nước, có cả Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha đáp tàu cao tốc Shinkansen đến Sendai. Đây là lần thứ hai trong hai tháng qua ông Prayuth đi tàu cao tốc Shinkansen. Và trong thời gian này, hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đường sắt. Hai bên sẽ cùng xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1,435 m tại Thái Lan, trong đó bao gồm hai tuyến đường sắt Đông-Tây và một tuyến đường sắt Nam-Bắc từ Bangkok đến Chiang Mai. Một chuyên gia kinh tế nhận định: “Nhật Bản muốn duy trì ảnh hưởng kinh tế tại Đông Nam Á; nhất là Thái Lan. Các hoạt động sản xuất của Nhật Bản tại Thái Lan nhiều tới mức có thể nói, mỗi khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Thái Lan là một khoản đầu tư vào công nghiệp Nhật Bản”.
Theo ông Suzuki Besu Seigi, Chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thì: “Ngay cả khi trúng thầu mà không thu được một đồng lợi nhuận nào, Nhật Bản cũng phải làm và nghĩ cách thu hồi vốn thông qua các dịch vụ thay mới hoặc sửa chữa các con tàu”.
Việc Trung Quốc dồn dập xuất khẩu công nghệ đường sắt ở khu vực Đông Nam Á khiến Nhật Bản lo ngại và cho rằng, dường như Trung Quốc đang lấp đầy “bàn cờ” Đông Nam Á rộng lớn này. Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành đối thủ mạnh của Nhật Bản trong lĩnh vực này với giá thành rẻ hơn và thời gian thi công ngắn hơn. Hiện Trung Quốc đang đề xuất thành lập Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á – một trong những đề xuất tham vọng nhất của nước này, sẽ hỗ trợ cho các dự án đường sắt tại Thái Lan. Ngoài các dự án đường sắt, Trung Quốc còn hợp tác với Thái Lan trong vấn đề thu mua gạo và cao su, cả hai mặt hàng đều đang thừa nguồn cung khiến giá cả bị giảm mạnh hồi năm ngoái.