Một trung tâm thương mại ở Osaka sau khi ngừng chiến dịch khuyến khích nhân viên nữ mang thẻ với ý nghĩa họ đang trong thời kì kinh nguyệt, đang khởi động lại với thẻ được thiết kế mới.
Trung tâm thương mại Daimaru Umeda muốn phá vỡ một trong những điều cấm kị ở Nhật bằng cách thảo luận công khai về vấn đề kinh nguyệt, nhưng đã vấp phải sự phản đối rằng điều này vi phạm sự riêng tư và gần giống như quấy rối tình dục.
Tại khu bán hàng Michikake mở cửa cuối tháng 11 bán các sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ, các nhân viên nữ đã tình nguyện đeo thẻ kinh nguyệt. Điều này được một số khách hàng ủng hộ, nhưng cửa hàng đã quyết định ngừng lại do vấp phải chỉ trích. Tuy nhiên, Daimaru cho biết đang dự định khởi động lại chiến dịch này với thẻ được thiết kế mới, không gây chú ý nhiều với khách hàng. “Chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực về tấm thẻ này: đặt ra câu hỏi cho xã hội của chúng ta và thiếu nói chuyện cởi mở về vấn đề giới tính. Tuy vậy chúng tôi cảm thấy việc công khai kinh nguyệt vẫn bị phản đối rất dữ dội.”
Thẻ kinh nguyệt, với hình ảnh “Cô kinh nguyệt” được hoạt họa hóa, đã được đưa ra theo đề nghị của một nhân viên nữ trong độ tuổi 20. Cô muốn dùng thẻ để “tạo ra một môi trường làm việc đầy quan tâm bằng cách cởi mở hơn với vấn đề đau bụng kinh.” Theo cửa hàng, ý tưởng này phù hợp với tiêu chí giải quyết nỗi khổ cho phụ nữ của cửa hàng.
Vào giữa tháng 10, thẻ được phát cho một số nhân viên nữ ở Daimaru Umeda và được gắn vào dưới bảng tên trên ngực khi nhân viên đang trong kì kinh nguyệt. Ý kiến của một nhân viên được trích dẫn, “Rất khó để khách hàng đứng chờ và chạy vào nhà vệ sinh, nhưng bây giờ tôi có thể đi khi đeo tấm thẻ này.”
Rất nhiều cuộc điện thoại và email để gửi về Daimaru Umeda, có cả tán đồng và phản đối, các chủ đề liên quan cũng thu hút sự quan tâm trên mạng. Một khách hàng 29 tuổi từ tỉnh Nara cho biết, “Tôi nghĩ điều này có thể thúc đẩy việc cởi mở về vấn đề kinh nguyệt.” Nhưng một khách hàng nữ khác, 28 tuổi, từ tỉnh Kobe, tại chỉ trích thẻ kinh nguyệt, “Tôi có thể hiểu ý tưởng này, nhưng tôi không nghĩ nhân viên nên đeo thẻ này.”
Hikaru Tanaka, tác giả cuốn sách “Lịch sử xã hội của sản phẩm vệ sinh phụ nữ,” tán dương chiến dịch: “Đây là một phong trào để thúc đẩy việc cởi mở đối với vấn đề kinh nguyệt trong xã hội Nhật Bản, vốn xem đó là bẩn thỉu và xấu hổ.” Cô nói thêm, “Đau bụng kinh khác nhau ở mỗi người, và tốt nhất là phụ nữ có thể nói chuyện một cách tự nhiên về vấn đề này. Tôi hy vọng chúng ta có thể nhân cơ hội này để giúp xã hội hiểu biết hơn về kinh nguyệt và tạo môi trường làm việc tốt hơn cho phụ nữ.”