“Tư bản luận” là một tác phẩm về kinh tế – chính trị quan trọng nhất trong sự nghiệp của nhà triết học lớn người Đức Karl Marx, người đặt nền tảng cho chủ nghĩa xã hội. Sách được xuất bản năm 1867 nhằm phân tích cơ chế hoạt động của chủ nghĩa tư bản. Tác phẩm này có tầm ảnh hưởng quan trọng đến các học thuyết về kinh tế sau này. Theo NHK dẫn lời các nhà xuất bản lớn ở Nhật thì thời gian gần đây, người ta cho rằng, những thay đổi xã hội do dịch bệnh làm nhiều người Nhật quan tâm đến cuốn sách này hơn.
Ngoài ra, những cuốn sách khác viết về chủ đề xã hội tư bản cũng nhanh chóng trở nên phổ biến. Cuốn “Chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới” của Phó giáo sư Kohei Saito tại Đại học Osaka, được xuất bản vào tháng 9 năm ngoái, đã trở thành cuốn sách bán chạy đặc biệt với 300.000 bản đã được phát hành. Nội dung cuốn sách nói về “chủ nghĩa tư bản, thông qua việc hủy hoại môi trường để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, sẽ khó mà giải quyết được vấn đề nóng lên toàn cầu và sự chênh lệch giàu nghèo”.
Phó giáo sư Saito viết : “ Chủ nghĩa tư bản một mặt mang lại sự sung túc, nhưng tác hại của nó thì ngày càng rõ ràng. Một phong trào diễn ra trên quy mô toàn thế giới nhằm tìm kiếm một xã hội bền vững đang đến. Và trong đại dịch Covid 19, càng ngày càng có nhiều người coi vấn đề của chủ nghĩa tư bản là vấn đề của chính bản thân mình.”
Ngoài ra, những cuốn sách liên quan như “Vũ khí của chủ nghĩa tư bản” giải thích cặn kẽ “thế nào là chủ nghĩa tư bản”, cuốn “Bullshit Jobs” ( công việc phù phiếm) phân tích cách thức lao động nên có trong xã hội hiện đại, cũng liên tiếp được xuất bản và nhận được sự quan tâm nhiệt liệt từ độc giả.
Một người quản lí tại một hiệu sách lớn ở Tokyo cho biết, “Tôi rất ngạc nhiên trước phản ứng của mọi người đặc biệt là giới trẻ. Sự chênh lệch giàu nghèo và ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề cấp thiết. Trong bối cảnh đó, có lẽ, đã đến lúc người ta phải ý thức về việc, có nên tiếp tục mặc cho xã hội như hiện tại hay không? Sự nóng lên toàn cầu sẽ kéo theo những thiên tai tồi tệ xảy ra tại nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới. Minh chứng rõ ràng nhất là các vụ cháy rừng quy mô lớn, nắng nóng bất thường hay các cơn bão lớn diễn ra vào năm ngoái. Tại khu vực Bắc Cực, thuộc Siberia, Nga, vào năm 2020, người ta đã đo được mức nhiệt là 38 độ C, (cao nhất từ trước đến nay), và nguyên nhân được cho là đến từ khí nhà kính.
Cũng trong năm ngoái, Tại Úc, vụ cháy rừng cực lớn xảy ra từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020, đã khiến 33 người thiệt mạng và khoảng 3 tỷ con động vật hoang dã bị chết cháy. Liên Hợp Quốc kêu gọi sự cần thiết phải hạn chế phát thải khí nhà kính, trong đó có carbon dioxide và giữ cho nhiệt độ trung bình của thế giới tăng dưới 1,5 độ C để ngăn chặn những thiệt hại nghiêm trọng do sự nóng lên toàn cầu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông António Guterres nói, ” Trong thế kỷ này, thế giới đang trong đà tăng nhiệt khốc liệt (từ 3 đến 5 độ C). Tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi phải lấy việc sống hòa hợp với thiên nhiên làm ưu tiên hàng đầu.” Bên cạnh đó, sự chênh lệch giàu nghèo cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Oxfam, một tổ chức phi chính phủ chuyên về các hoạt động nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói toàn cầu cho biết, tính đến năm 2019, tổng số tài sản của hơn 2.100 tỉ phú (tài sản trên 1 tỷ USD), bằng với số lượng tài sản của 4,6 tỷ người tức là 60% tổng dân số thế giới. Năm 2011, các cuộc biểu tình của các bạn trẻ tại Mỹ kêu gọi xóa bỏ chênh lệch giàu nghèo đã lan rộng trên khắp nước Mỹ, và sau đó là lan ra nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới.
Theo NHK, Wikipedia