Kể từ năm 1998 đến nay, số người tự tử hằng năm tại Nhật Bản luôn ở trên ngưỡng 30.000 người, tức mỗi ngày có khoảng gần 90 người chết. Đây được xem là quốc nạn của nước này.
Với số người tự tử tăng vọt từ hơn 24.000 năm 1997 lên gần 33.000 người trong năm 1998, Nhật Bản trở thành nước công nghiệp phát triển có số người tự tử cao nhất thế giới. Và từ đó đến nay, con số này luôn ở trên ngưỡng 30.000 người mỗi năm.
Nhật Bản coi tự tử như một quốc nạn
Giống như tại phần lớn các nước phát triển, ở Nhật Bản, tự tử là nguyên nhân gây tử vong số 1 đối với thanh niên, chiếm 1/3 số người chết ở độ tuổi từ 20 đến 49. Số người chết do tự tử cao gấp 5 lần số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ.
Đã từ lâu, giới truyền thông thế giới dường như có định kiến về vấn nạn tự tử ở Nhật Bản. Tờ The Economist (Anh) nhận định, nước Nhật vẫn mang nặng dấu ấn Samurai và không hề biết đến sự tha thứ. Còn tờ The Observer (Anh) miêu tả, Nhật Bản là quốc gia của nạn tự tử, với mốt rủ nhau cùng chết trên mạng internet (netto shinjuu).
Những nhận xét trên quả là không quá lời. Tuy nhiên, có một số khác biệt về văn hóa cần được bàn tới. Không giống như những quốc gia khác, nơi mà tự tử được coi là một chuyện ghê gớm, đáng xấu hổ thì tại Nhật, chuyện này có vẻ như thật bình thường.
Hệ thống tàu điện Nhật Bản nổi tiếng về đúng giờ. Nhưng một khi tàu về trễ thì điều người ta phỏng đoán đầu tiên không phải là thời tiết, trục trặc kỹ thuật hay có khủng bố, mà là có người nhảy tàu tự tử.
Theo thống kê của Công ty Đường sắt miền Đông Nhật Bản, mỗi ngày có 3 người nhảy xuống đường ray tự tử tại Nhật. Một trong những tuyến tàu nổi tiếng về tự tử là tuyến Chuo ở Tokyo, nổi tiếng đến mức nếu có việc gì quan trọng cần phải đến chỗ hẹn đúng giờ, mọi người nhắc nhau nên tránh tuyến tàu này.
Một trong những địa điểm tự tử nổi tiếng nữa là rừng Aokigahara ở phía Tây Tokyo. Đây là khu rừng được nhiều người biết tới vì có tầm nhìn núi Phú Sĩ tuyệt đẹp và có số vụ tự tử cao nhất trên toàn quốc.
Nguyên nhân tự tử
Nguyên nhân cơ bản của tự tử thì đâu cũng vậy, từ tuyệt vọng do thảm kịch nào đó hay cảm giác thất bại của cá nhân, đến bệnh trầm cảm, do các nhân tố thần kinh hay sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, có 2 lý do thường được giới truyền thông Nhật Bản viện dẫn là bị bắt nạt ở trường học và rủ nhau cùng tự tử qua internet.
Một trong những nhân tố nữa là kinh tế trì trệ. Trước đây cũng từng có nhiều thời kỳ khó khăn, nhưng khủng hoảng kinh tế lần này được đánh giá là mạnh nhất và toàn diện nhất trong 100 năm qua. Vỡ mộng, tan vỡ niềm tự hào là trụ cột gia đình dẫn tới thất vọng và xa lánh xã hội, cô lập với người thân và bạn bè.
Ở Nhật Bản còn có quan niệm truyền thống rằng, mọi người cần luôn phải ra vẻ tươi tỉnh và cam chịu, nên phiền muộn cần giữ lại trong lòng. Người Nhật Bản khá cứng nhắc và khi có khó khăn, thường có xu hướng tự giải quyết chứ không thích phiền hà đến ai. Trong khi đó lại thiếu các tổ chức xã hội, nơi mọi người có thể gặp gỡ để giãi bày tâm sự.
Hội Thần kinh và Tâm thần học Nhật Bản (JSPN) ước tính, khoảng 20-30% số bệnh nhân điều trị ngoại trú và 30-40% bệnh nhân nội trú có rối loạn tâm thần. Hiện nay, Nhật Bản có khoảng 13.000 bác sĩ tâm thần, nhưng JSPN vẫn cho rằng, số lượng bác sĩ này còn quá thiếu để đáp ứng nhu cầu lớn hiện nay về chăm sóc sức khỏe tâm thần trong xã hội.
Nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất, theo các nhà xã hội học, là xã hội Nhật Bản không lên án việc tự sát. Đối với người Nhật, trong những trường hợp nhất định, tự tử thường được xem là hành động cao cả và đầy trách nhiệm đối với thất bại trong cuộc sống. Thậm chí, nó còn được gắn với những yếu tố lãng mạn, trong đó người ta có mong muốn là tự vẫn để được đi theo người đã khuất.
Từ văn học, sân khấu xưa, tới phim ảnh, truyền hình ngày nay, có đủ các hình mẫu tự tử lãng mạn, một mình cũng có, cặp đôi cũng có và nó đã khiến nhiều người muốn bắt chước làm theo. Cái chết của ca sĩ Okada Yukiko là một ví dụ.
Okada từng là một ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng trong thập niên 1980. Cô nổi tiếng không chỉ nhờ tài năng thiên bẩm, mà còn bởi tính cách dịu dàng và nụ cười quyến rũ.
Việc tự tử ở Nhật Bản cũng ẩn khuất cả yếu tố tôn giáo. Phật giáo là nền tảng cơ bản trong đạo đức và triết lý sống của nhiều người Nhật, vốn coi cái chết là một phần của kiếp luân hồi, là con đường đi từ sự tồn tại dạng này sang một dạng khác.Vậy mà ở tuổi 18, vào năm 1986, cô tự kết liễu cuộc đời bằng cách gieo mình xuống từ mái nhà Sun Music, ở quận Yotsuya, Tokyo. Sau cái chết của cô, hàng loạt các vụ tự tử khác xảy ra như một phản ứng dây chuyền.
Trong khi đó, theo truyền thống Do Thái và Thiên Chúa giáo, tự tử là tội lỗi lớn. Người Do Thái tự tử chết không được phép chôn cất trong nghĩa địa. Trong Thiên Chúa giáo, vấn đề sống chết hoàn toàn do Chúa định đoạt, tự đưa mình đến cái chết là phạm tội chống lại Chúa.
Cũng vì xã hội Nhật Bản không lên án mạnh mẽ đối với việc tự tử nên con số thống kê trên có thể là khá chính xác. Trong khi đó, số liệu thống kê ở các nước phương Tây có thể chưa phản ánh đúng bức tranh thực tế. Chẳng hạn ở Mỹ, nếu cộng thêm các vụ tai nạn do vũ khí hay tai nạn ôtô thì con số thống kê chết do tự tử có thể sẽ cao hơn nhiều.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu cắt giảm số người chết vì tự tử hơn 20% vào năm 2016, xem đây là một ưu tiên. Chính phủ có kế hoạch nâng cao nhận thức và tăng cường giáo dục về tự tử tại các trường học và nơi làm việc. Nhưng các quan chức lo ngại, số người tự tử sẽ còn tăng do tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay, tình hình việc làm bất ổn, số vụ phá sản tăng…
Theo NHỊP CẦU ĐẦU TƯ