Kendo là gì?
Bộ môn Kiếm đạo (Kendo) hiện đại bắt nguồn từ một truyền thống kiếm thuật lâu đời của Nhật Bản. Từ giữa thế kỷ 12, samurai là một thế lực xã hội hùng mạnh, thống trị Nhật Bản suốt 700 năm cho đến cuộc cải cách của Thiên hoàng Minh Trị vào năm 1868. Giới samurai tuân theo một hệ thống các quy tắc ứng xử gọi là Võ sĩ đạo (Bushido), đề cao những giá trị như lòng trung thành, tự trọng, điềm tĩnh và khoan dung. Thanh kiếm là một trong những vũ khí chính trong thời kỳ này, do đó Kendo có thể được xem là một trong những môn võ xa xưa nhất Nhật Bản.
Những năm sau 1868 kéo theo những biến đổi về chính trị. Nhật Bản từ chế độ phong kiến chuyển sang chế độ quân chủ. Giới samurai bị cấm sử dụng kiếm, và dần dần lâm vào cảnh túng quẫn. Kendo suy thoái mạnh.
Vào năm 1877, một số cựu samurai nổi dậy, vũ trang chỉ với kiếm trong tay. Những thanh kiếm tỏ ra cực kỳ hữu hiệu trong những cuộc cận chiến với quân đội của Thiên hoàng, vốn trang bị bằng súng ống. Từ đó, Kendo bắt đầu thu hút trở lại sự chú ý của đại chúng, và trở thành một trong những kỹ thuật huấn luyện chính cho lực lượng cảnh sát.
Vào năm 1895, Đại Nhật Bản Võ Đức Hội (Dai Nippon Budokukai) được thành lập, thống nhất các trường phái kiếm thuật, chuẩn hóa kỹ thuật kendo, và phân định đai đẳng cũng như danh hiệu cho các kiếm sĩ tùy theo trình độ mỗi người. Kendo hưng thịnh trở lại, và trở thành một môn học được quản lý bởi chính quyền. Vào năm 1953, Liên Đoàn Kiếm Đạo Nhật Bản (All Japan Kendo Federation) ra đời.
Ngày nay, Kendo được luyện tập bởi 7 triệu người trên toàn thế giới. Kendo hiện đại là một hoạt động mang tính thử thách cao về thể chất cũng như tinh thần, nơi mọi người được đối xử bình đẳng, không phân biệt giới tính và tuổi tác. Ở một khía cạnh nào đó, Kendo cũng có thể được xem như một môn thể thao hiện đại, khi hai đối thủ được trang bị giáp giao đấu với nhau và cố gắng ghi điểm với các đòn đánh bằng kiếm tre. Tuy nhiên, tinh thần Kiếm đạo ngàn xưa vẫn được lưu giữ không đứt đoạn: đó chính là tinh thần bình đẳng và vô úy.
Kendo không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng, đem lại một thể chất và tinh thần khỏe mạnh, mà còn kiến tạo một môi trường tập luyện an toàn nhằm phát triển sự tự tin và quyết đoán nơi môn sinh.
Triết lý của Kiếm đạo:
Kiếm đạo là con đường của sự rèn luyện nhân cách thông qua việc áp dụng các nguyên tắc của kiếm.
Mục đích của Kiếm đạo:
Rèn luyện thể chất và trí tuệ,
Nuôi dưỡng một tinh thần dũng mãnh
Thông qua việc luyện tập chuyên cần và đúng đắn,
Mưu cầu sự tiến bộ trong Kiếm đạo,
Giữ vững danh dự và đức khiêm cung
Với người khác, luôn đối xử chân thành
Với bản thân, luôn nỗ lực hoàn thiện.
Hun đúc lòng yêu nước và tinh thần dân tộc,
Cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng,
Nêu cao tinh thần hòa hiếu và thịnh vượng cho toàn nhân loại
(All Japan Kendo Federation, 1975)
Tầm quan trọng của Kiếm:
Nhằm truyền bá và phát triển Kiếm đạo theo đúng truyền thống, việc vận dụng kiếm tre (shinai) phải được dựa trên các nguyên tắc của kiếm thép (katana).
Kiếm đạo là một bộ môn hướng đến sự phát triển con người thông qua sự hợp nhất của khí – kiếm – thân (ki-ken-tai itchi), với sự hỗ trợ của kiếm. Đối với người học kiếm, việc chiến thắng bản thân quan trọng hơn rất nhiều so với việc chiến thắng đối thủ.
Lễ nghi trong Kiếm đạo:
Sự tôn trọng bạn tập và thái độ nghiêm túc, ôn hòa là những lễ nghi cần thiết trong Kiếm đạo.
Kiếm đạo đề cao lễ nghi ngay cả trong các trận thi đấu, với tinh thần “giao kiếm chi ái” (koken-chiai): hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau thông qua thi đấu giao hữu. Mọi môn sinh cần hiểu rõ tinh thần này và tuân thủ nghiêm ngặt các lễ nghi trong Kiếm đạo.
Kiếm đạo và cuộc sống:
Trong khi luyện tập, sức khỏe và sự an toàn của môn sinh cần được đặt lên hàng đầu nhằm duy trì việc luyện tập Kiếm đạo lâu dài.
Kiếm đạo là một phong cách sống được truyền thụ qua nhiều thế hệ. Mục tiêu của việc truyền thụ Kiếm đạo là nhằm khuyến khích môn sinh tự khám phá và xác định phong cách sống của bản thân, đồng thời phát triển một nhãn quan phong phú về cuộc sống, từ đó vận dụng Kiếm đạo vào việc phục vụ xã hội.
(All Japan Kendo Federation, 2007)
Đăng Trình lược dịch (dangtrinh0612.wordpress.com)