Nhật Bản được biết đến như là một đất nước có nền giáo dục đứng vào hàng đầu Thế giới. Thực ra, đối với Nhật Bản, một đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên thì yếu tố “con người” đã từ lâu được chú trọng và giáo dục con người được xem như một đòn bẩy thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa, phát triển kinh tế đất nước.
1. Lịch sử hình thành và phát triển giáo dục trước Minh Trị duy tân (Thế kỷ V đến 1868)
Cũng như nhiều nước trên Thế giới, lịch sử hình thành nền giáo dục ở Nhật Bản song song với quá trình tiếp nhận các hệ tư tưởng du nhập từ bên ngoài. “Hệ thống giáo dục chính thức bắt đầu từ khi giới thiệu chữ viết Trung Quốc đầu thế kỷ thứ V, cùng với văn hóa thành văn là đạo Khổng du nhập vào Nhật Bản” [Richard Bowring, Peter Kornicki, 1995, Bách khoa thư Nhật Bản (bản dịch tiếng Việt),(trang 286)]. Thời kỳ đầu, Đạo khổng chỉ được phổ biến trong tầng lớp quý tộc. Đạo Khổng đã có ảnh hưởng to lớn trong việc thiết lập quyền cai trị hợp pháp của các nhà nước đầu tiên ở Nhật Bản. Hiến pháp 17 điều khoản của Thái tử Shotoku (574-622) cũng đã sử dụng một số quy tắc và tư tưởng của đạo Khổng. Tuy nhiên, việc học tập đạo Khổng một cách có hệ thống phải đến thế kỷ thứ VIII, khi một hệ thống trường học mà đứng đầu là trường đại học Khổng giáo được xây dựng ở Nhật Bản. Nền giáo dục lúc này tập trung vào tầng lớp thống trị. Mặc dù tư tưởng quan trọng của Đạo Khổng là coi trọng năng lực con người, khuyến khích người ta đạt được địa vị cao trong xã hội qua học tập và thi cử… được giáo dục tại các trường học, nhưng trong triều đình tư tưởng cha truyền con nối vẫn còn rất mạnh mẽ, nên hệ thống giáo dục lúc bấy giờ cũng chỉ giữ vai trò cung cấp nhân lực cho hệ thống quan lại bậc thấp mà thôi. Thậm chí, những tư tưởng của đạo Khổng không hề được phổ biến tới đại bộ phận dân chúng trong suốt nhiều thế kỷ. Vào năm 1177, trường đại học Khổng giáo bị cháy và không được xây dựng lại nữa.
Thời kỳ Trung cổ của Nhật Bản với những cuộc nội chiến liên miên không tạo điều kiện cho giáo dục phát triển. Mặc dù lúc này cũng có một trường dạy đạo Khổng là trường Ashikaga, nhưng nội dung dạy học chủ yếu liên quan đến bói toán chứ không phải các tư tưởng chính thống của đạo Khổng.
Thế kỷ XVII đánh dấu sự khởi sắc của nền giáo dục Nhật Bản cùng với việc đạo Khổng được phổ biến mạnh mẽ trong dân chúng. Thời kỳ Tokugawa (1600-1868) đã tồn tại 5 loại hình trường học: trường do Mạc phủ quản lý (điển hình là shoheiko), trường Han (hangakko), trường Hương (kyogakko), trường Tư thục (shijuku) và Terakoya. Bốn loại hình trên là dành cho tầng lớp võ sĩ và quý tộc, còn terakoya dành cho tầng lớp bình dân[1].
Thực ra, Terakoya (trường chùa), mới đầu do các nhà sư mở để giảng dạy cho những người tu hành, sau đó con cái của các võ sĩ trong vùng cũng đến học, và khi nhà nước mở trường dành riêng cho tầng lớp võ sĩ thì Terakoya đã trở thành trường học dành cho con cái các gia đình thường dân. Giai đoạn đầu, chỉ có khoảng vài chục trường chùa trên toàn nước Nhật, nhưng đến cuối thời Tokugawa đã tăng lên tới vài trăm ngàn trường loại này. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng Terakoya vào giai đoạn cuối của thời Tokugawa đã chứng tỏ nhu cầu giáo dục của tầng lớp bình dân tăng mạnh. Về hình thức, lúc đầu Terakoya là những lớp học được mở trong chùa, nhưng vì nhu cầu giáo dục ngày càng lớn mà địa điểm để xây dựng các trường chùa chỉ có hạn, nên về sau rất nhiều Terakoya được mở ngay trong phần nhà ở của cá nhân, thậm chí nhiều trường hợp giáo viên đã mở các lớp học không lấy tiền tại nhà mình.
Sự phân bố số lượng Terakoya không đồng đều trên toàn nước Nhật. Hàng ngàn trường tập trung ở khu vực Edo, trong khi đó tại các vùng nông thôn hẻo lánh, mỗi tỉnh chỉ có chừng vài chục trường. Đội ngũ giáo viên cũng có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Ở các vùng nông thôn xa xôi, giáo viên chủ yếu là thầy thuốc và các nhà sư, trong khi ở thành phố hay thị trấn lớn, giáo viên thường xuất phát từ tầng lớp thương nhân, một số từ tầng lớp nông dân. Những người bình dân có một chút trình độ văn hóa này sử dụng thời gian rỗi để giảng dạy tại các trường chùa, họ không đặt nặng việc dạy học làm sinh kế, thế nên học phí chủ yếu là do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp.
Về nội dung giảng dạy, Terakoya chủ yếu dạy các môn tập đọc và tập viết, với những bài văn mẫu thấm nhuần tư tưởng của đạo Khổng như: phải kính trọng người già, cần cù làm việc, các cách đối nhân xử thế theo quan niệm đạo đức Khổng giáo… Ngoài ra, môn toán cũng được đưa vào giảng dạy tại trường học thuộc các khu đô thị lớn, với tính thực dụng cao. Sau này, các môn học mang nặng ảnh hưởng của học vấn phương Tây như kỹ thuật quân sự, khoa học tự nhiên và tiếng Anh cũng được giảng dạy ở một số trường.
Thời gian này, sách giáo khoa sử dụng tại các Terakoya phần lớn là do giáo viên tự biên soạn. Nói chung, mục đích chính đều nhắm tới việc “giúp học sinh nắm được lễ nghi, đạo đức, biết đọc, viết và tính toán một cách căn bản[2]”.
Phương pháp giảng dạy tại các Terakoya mang nặng tính cá nhân, giáo viên tiến hành chỉ bảo cho từng học sinh và việc học tập, ôn luyện được thực hiện do nỗ lực của từng người. Ngoài việc học tập, học sinh còn tham gia công việc thường ngày của một nông gia hay thương gia, tùy theo đặc điểm và nhu cầu của từng địa phương. Học sinh phần lớn đều sinh sống luôn tại trường học trừ những dịp lễ hay thời vụ. Terakoya giống như một ngôi nhà chung ấm áp tình người, ở đó trẻ em cùng nhau trải qua thời niên thiếu của chúng một cách thân thiết nhưng có kỷ luật. Có thể nói, Terakoya đã góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục toàn dân ở Nhật Bản, đặt nền móng cho việc hiện đại hóa giáo dục trong giai đoạn sau.
2. Hiện đại hóa giáo dục thời Minh Trị (1868-1912)
Vào năm 1868, chính quyền được chuyển từ tay Shogun sang Thiên Hoàng, mở đầu cho thời kỳ Minh Trị. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản thời kỳ này cảm thấy nguy cơ bị thuộc địa hóa, nếu không nhanh chóng hiện đại hóa đất nước để theo kịp các cường quốc Phương Tây. Cải cách giáo dục đã trở thành một trong ba nội dung quan trọng của công cuộc hiện đại hóa, chính vì giáo dục được nhận định là “một bộ phận then chốt trong việc hình thành hình thái ý thức, sẽ cho phép Nhật Bản trở thành một quốc gia độc lập giàu có và hùng mạnh và giáo dục tạo điều kiện thuận lợi tiếp thu tri thức kỹ thuật hiện đại làm phương tiện thực hiện mục đích đó”[3]. Tư tưởng mới được đưa ra trong cải cách giáo dục lần này là:
“1) Từ bỏ hệ thống phong kiến và hệ thống giáo dục phân tầng của nó. Cơ hội học tập phải được mở ra cho mọi công dân.
2) Mục đích của giáo dục nhà trường là học khoa học thực tiễn bổ ích cho con người.
3) Chi phí giáo dục do người dân đóng góp”[4].
Tư tưởng mang tính cách mạng này được những người mong muốn phổ cập kiến thức phương Tây mà đứng đầu là ông Fukuzawa Yukichi đưa ra. Nó đã loại bỏ tư tưởng giáo dục phong kiến truyền thống vốn nhấn mạnh sự khác biệt về vị trí xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Giáo dục được thành lập (1871), đề ra mô hình của hệ thống giáo dục mới, học theo mô hình hệ thống giáo dục công nước Pháp. “Đất nước được chia thành 8 học khu. Mỗi một học khu được chia thành 32 khu trường trung học và mỗi một khu trường trung học lại được chia thành 210 khu trường tiểu học. Như vậy, trong 8 học khu có 256 trường trung học và 53.760 trường tiểu học trên khắp đất nước. Việc thiết lập hệ thống giáo dục toàn quốc như vậy giúp cho Chính phủ Minh Trị có cơ sở kiểm soát tập trung giáo dục”[5].
Tuy nhiên, mô hình và nội dung giáo dục theo kiểu phương Tây do chính phủ đương thời đưa ra dường như chưa cuốn hút được người dân Nhật Bản vốn đã quen với nền giáo dục Khổng giáo. Có thể thấy điều này qua tỉ lệ học sinh đến trường thấp (30%) trong thời gian đầu. Về sau, chính phủ thực hiện hệ thống giáo dục kép với một bên là trường Đại học Tokyo (thành lập năm 1877) nơi dành cho những người ưu tú học tập để sau này sẽ nắm giữ những vị trí lãnh đạo trong chính phủ, và một bên là hệ thống trường tiểu học và trung học cho toàn dân, tập trung vào dạy các kiến thức thực hành và rèn luyện đạo đức.
Thời kỳ này, hệ thống đào tạo giáo viên cũng bắt đầu được xây dựng một cách quy mô. Trường sư phạm đầu tiên được thành lập vào năm 1873, giáo viên chủ yếu là người nước ngoài được thuê đến giảng dạy nhằm phổ biến những nguyên tắc cơ bản về dạy học đối với các trường tiểu học. Toàn bộ chi phí do nhà nước trả. Năm 1875, đã có 8 trường sư phạm được thành lập, nhưng sau bị bãi bỏ chỉ còn lại hai trường là Trường sư phạm Tokyo và Trường nữ sư phạm Tokyo. Sau đó, chính phủ ban hành một đạo luật quy định mỗi tỉnh phải thành lập trường sư phạm riêng của mình. Hệ thống đào tạo giáo viên này tiếp tục được duy trì với một phong cách kỷ luật gần giống như quân đội – cơ sở để tạo nên những giáo viên mà sau này sẽ đào tạo ra “những thần dân trung thành” với Thiên Hoàng.
Đầu thế kỷ XX, hệ thống giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học đã được xây dựng hoàn chỉnh ở Nhật Bản. Giáo dục bắt buộc được mở rộng từ 4 năm lên 6 năm vào năm 1907. Cùng với tốc độ phát triển của công nghiệp hóa, lỉ lệ trẻ em đến trường tiểu học cũng tăng mạnh, từ 65% ở các em nam và 31% ở các em nữ vào năm 1890 đã tăng tương ứng lên 94% và trên 97% vào năm 1910[6]. Rõ ràng là người dân đã nhận thức được sự cần thiết của tri thức trong thời đại mới và trường học trở thành một bộ phận quan trọng của cuộc sống hàng ngày. Song song với việc phổ cập giáo dục tiểu học cho toàn dân là việc đào tạo những người có tri thức cao, phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa. Hệ thống giáo dục bậc đại học và đào tạo nghề (giáo dục trung học) được mở rộng với mục tiêu chính là cung cấp nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, thay vì chỉ đào tạo tầng lớp quan chức như trước đó. Chi phí cho giáo dục ở các cơ sở đào tạo bậc cao như vậy rất được chính phủ chú trọng, đã chiếm tới 32% tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục.
Nói tới hiện đại hóa giáo dục thời Minh Trị, không thể bỏ qua ba nội dung được chú trọng trong giảng dạy thời kỳ này là dạy tiếng mẹ đẻ, khoa học kỹ thuật và rèn luyện đạo đức. Ba nội dung này đã được đặt ra trong thời Minh Trị và tiếp tục được thực hiện ở những giai đoạn lịch sử sau đó.
Thứ nhất, hệ thống hóa việc giảng dạy tiếng Nhật trong nhà trường được coi trọng vì nó có quan hệ mật thiết với việc hình thành và thống nhất ý thức của cả dân tộc, là nền tảng để phát triển tư duy khoa học và nhận thức về quyền công dân của mỗi người dân. Điều này các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã học được từ kinh nghiệm của các nước phương Tây. Năm 1902, Ủy ban nghiên cứu tiếng Nhật (kokugo chosa iinkai) được thành lập, nhiệm vụ chính là hệ thống hóa tiếng Nhật, thống nhất ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, xác lập bảng chữ cái tiếng Nhật và hệ thống phiên âm. Ủy ban này cũng có trách nhiệm phối hợp với Bộ giáo dục lựa chọn sách giáo khoa và lên kế hoạch giảng dạy tiếng Nhật trong nhà trường. Từ năm 1900, môn tập đọc và tập viết tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy một cách có hệ thống ở các trường tiểu học với số giờ học chiếm tới hơn 1/2 tổng số giờ học trên lớp. Tiếng Nhật đã nhanh chóng trở thành môn học chính và các phương pháp giảng dạy mới được tích cực tìm tòi, sách giáo khoa cũng được biên soạn, chỉnh lý lại nhiều lần. Chỉ trong vòng chưa đầy 1/4 thế kỷ, nước Nhật đã trở thành quốc gia có tỉ lệ người biết chữ cao nhất trên thế giới.
Nội dung thứ hai được coi trọng trong giáo dục thời Minh Trị là giảng dạy khoa học kỹ thuật. Mặc dù vào thời Edo đã có lác đác vài trường dạy khoa học phương Tây, gọi là rangaku (lan học), nghiên cứu y học và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Hà Lan, song phải đến thời Minh Trị, các môn khoa học mới được đưa vào giảng dạy trong nhà trường một cách chính quy, có hệ thống với chủ đích rõ ràng của các nhà lãnh đạo nhằm xây dựng một quốc gia “phú quốc cường binh”. Giảng dạy khoa học thời gian đầu chưa gắn với nhu cầu hiểu biết hàng ngày của người dân do mô phỏng hoàn toàn nội dung từ các sách giáo khoa nước ngoài. Thời gian sau, vấp phải cuộc cải cách quyết liệt của các nhà lãnh đạo theo tư tưởng Khổng Giáo, giáo dục khoa học trong trường tiểu học bị thu hẹp và thụt lùi về mọi phương diện, nhường chỗ cho việc rèn luyện đạo đức. Tuy nhiên, không tương xứng với giáo dục khoa học trong trường phổ thông, giảng dạy chuyên nghiệp về khoa học thời kỳ này lại được tích cực thực hiện ở trường đại học và các trường chuyên nghiệp với mục đích cung cấp nhân tài phục vụ cho công nghiệp hóa. Các môn khoa học và công nghệ phương Tây trực tiếp được các giáo viên nước ngoài giảng dạy, sinh viên Nhật Bản được cử ra nước ngoài học tập…, tất cả những điều này đã đặt nền móng cho sự phát triển của giáo dục khoa học kỹ thuật trong giai đoạn sau.
Vấn đề thứ ba là giảng dạy đạo đức – được nhìn nhận như một điều kiện tiên quyết để hiện đại hóa đất nước từ khía cạnh xã hội. Nói một cách khác, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đưa bộ môn giáo dục đạo đức công dân vào nội dung giảng dạy trong nhà trường với mục tiêu đào tạo ra những công dân có nhân cách hiện đại, biết ý thức về tính độc lập, coi trọng sự bình đẳng và tự do cá nhân… Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Nhật Bản khi phổ biến các đạo lý phương Tây như tự do, bình đẳng, độc lập… là Nhật Bản đã phải trải qua một giai đoạn trung gian, nhằm dung hòa đạo đức Khổng giáo phong kiến vốn đã ăn sâu trong lòng người dân suốt hàng trăm năm của thời đại Edo với các quan điểm đạo đức mới. Và như vậy, giáo dục đạo đức công dân thời Minh Trị mặc dù được thực hiện như một môn học hiện đại, song vẫn lồng ghép trong đó những tư tưởng Khổng giáo như đề cao lòng trung thành với Thiên Hoàng và phục tùng chính phủ. Thời gian sau, dưới ảnh hưởng của các phong trào dân tộc, giáo dục đạo đức công dân hiện đại bị thay đổi nội dung khá nhiều và ngày càng nhuốm màu của chủ nghĩa dân tộc.
Tóm lại, với sự cách tân trong hệ thống trường học, phương pháp và nội dung giảng dạy, chính phủ Minh Trị đã xây dựng một hệ thống trường học hiện đại đầu tiên ở Nhật Bản, đặt cơ sở cho sự phát triển của nền giáo dục đứng hàng đầu Thế giới hiện nay.
3. Tình hình giáo dục giai đoạn từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay
Hệ thống giáo dục-đào tạo ở Nhật Bản đã có rất nhiều thay đổi kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1947, Luật cơ bản về giáo dục được ban hành, đặt ra mục đích: “Giáo dục phải nhằm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách, phấn đấu nuôi dưỡng một dân tộc lành mạnh về tinh thần và thể chất, một dân tộc yêu công lý và sự thật, đánh giá cao các giá trị cá nhân, tôn trọng lao động và có ý thức sâu sắc về trách nhiệm và thấm nhuần tinh thần độc lập, để xây dựng một nhà nước và xã hội hoà bình”. Để đạt được mục tiêu này, nguyên tắc giáo dục bình đẳng được đặt lên hàng đầu. Điều này có nghĩa là, lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân Nhật Bản có quyền như nhau trong việc tiếp thu giáo dục phù hợp với khả năng của bản thân, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế hay nguồn gốc gia đình. Hệ thống giáo dục nhà trường đã được thay đổi theo mô hình của Mỹ 6-3-3-4: 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm đại học. Giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và trung học cơ sở đã tạo điều kiện cho mọi trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được học tập miễn phí, nâng tỷ lệ phổ cập giáo dục ở Nhật Bản lên đến 99,98%, một tỷ lệ cao so với các nước Âu Mỹ. Ngay cả đối với trẻ em bị khuyết tật và chậm phát triển, việc học tập cũng luôn luôn được khuyến khích và các điều kiện học được nhà nước đảm bảo như với những trẻ em bình thường khác. Quá trình dân chủ hoá giáo dục đã tạo điều kiện cho giáo dục Nhật Bản phát triển về mọi mặt.
Về quy mô, giáo dục-đào tạo được mở rộng ở tất cả các bậc học, ngành học. So với hệ thống giáo dục hồi trước chiến tranh, hệ thống này đã có sự thay đổi lớn, đạt được tính thống nhất cao hơn.
Ở bậc mẫu giáo: Nhật Bản chú trọng tới việc giáo dục trẻ em ngay từ bậc mẫu giáo. Một nền tảng nhận thức về thế giới xung quanh đã được chuẩn bị ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ tuổi. Theo số liệu của Bộ Giáo dục về các cơ sở chăm sóc trẻ trước tuổi đến trường, năm 1997 có tổng cộng 14.690 nhà trẻ và trường mẫu giáo trên toàn nước Nhật với số trẻ em được chăm sóc tại đây là 1.789.457 em; tỉ lệ học sinh cho mỗi giáo viên là 21,5[7].
Ở bậc tiểu học và trung học cơ sở (giáo dục bắt buộc): Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã thực hiện mô hình giáo dục của Mỹ 6-3-3-4, với 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm đại học. Chương trình giáo dục bắt buộc cũng tăng từ 6 năm đến 9 năm, đưa tỷ lệ học sinh thi vào trung học phổ thông lên đến 94,2%, ngang với tỷ lệ của Mỹ. Năm 1998, tổng số học sinh tiểu học trên toàn quốc là 7.663.500 em và số học sinh trung học cơ sở là 4.380.600 em.
Ở bậc trung học phổ thông: Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc, hầu hết học sinh học lên cấp ba. Các trường phổ thông trung học được chia làm ba loại: trường giáo dục phổ thông, trường dạy nghề và các trường đào tạo kết hợp. Tổng số học sinh ở cả ba loại trường này là 4.891.917 người, trong đó học sinh trường phổ thông chiếm khoảng 73,6%, học sinh trường nghề và trường đào tạo kết hợp khoảng 26,4%. Về cơ sở dạy học, tổng cộng có 5.427 trường, trong đó trường quốc lập là 17 trường, trường công lập địa phương nhiều nhất-chiếm tới 4.128 trường và số trường dân lập là 1.282 trường.
Khu vực giáo dục kỹ thuật-nghề nghiệp: đây thực chất là một chi nhánh của giáo dục phổ thông, nhằm thoả mãn nhu cầu về lực lượng lao động có học vấn khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mạnh. Có 5 loại cơ sở đào tạo được nhà nước chấp nhận là: trường kỹ thuật, trường nông nghiệp, trường thương mại, trường hàng hải và trường bổ túc (đào tạo không tách rời nơi sản xuất). Năm 1945, Nhật Bản có 1.743 trường loại này và năm 1973 đã tăng lên gần 8.000 trường (kể cả các trường dạy nữ công và các môn học mới). Tại đây, học viên được trang bị những tri thức khoa học-ứng dụng đủ sâu và những kỹ năng nghề nghiệp đủ vững vàng để họ có ngay điều kiện đi thẳng vào sản xuất sau ngày ra trường. Tuy nhiên, khi đến làm việc tại xí nghiệp, những người công nhân chưa được bố trí ngay vào công đoạn tương xứng với địa vị lẽ ra họ phải có mà phải gia nhập vào hàng ngũ của những người học nghề tại “hiện trường” để “tái nhập cuộc từ từ”. Chính thời kỳ học nghề tại nơi sản xuất sẽ giúp cho các học sinh mới tốt nghiệp thích ứng dần dần với cái thế giới bé nhỏ trong xí nghiệp của họ. Đây là quá trình đào tạo lại, một nét độc đáo của các công ty, xí nghiệp Nhật Bản và cũng chính là điểm ưu việt trong công tác đào tạo ở nước này.
Ở khu vực đào tạo bậc cao: Số lượng trường đại học, cao đẳng, dạy nghề sau bậc trung học đã tăng nhanh từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với sự gia tăng đều đặn số sinh viên. Tính đến năm 1984 có 62 trường cao đẳng kỹ thuật với 47.527 sinh viên, 536 trường đại học ngắn hạn với 381.873 sinh viên và 460 trường đại học với 1.843.153 sinh viên. Tỷ lệ học sinh phổ thông trung học đỗ vào đại học là gần 38%. Theo chỉ số này, Nhật Bản đã vượt xa Anh (22%), Pháp (25%) và chỉ đứng sau Mỹ (45,2%). Sau đại học có các khoá đào tạo hai năm cho bậc cao học và ba năm cho bậc tiến sĩ sau cao học. Các học viên sẽ nhận được học hàm thạc sĩ hoặc tiến sĩ sau khi bảo vệ luận án. Theo số liệu của Bộ Giáo dục, năm 1984 có 279 học viện trên đại học với 65.692 học viên, trong đó số người được đào tạo ở bậc thạc sĩ là 45.105 người và ở bậc tiến sĩ là 20.587 người[8]. Như vậy, có thể thấy quy mô của giáo dục Nhật Bản đã được mở rộng, tuy thiên về đào tạo đại trà mà chưa chú trọng đến nghiên cứu, song đã đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho việc phát triển kinh tế đất nước.
Về chất lượng giáo dục-đào tạo, Nhật Bản đã đạt được một kết quả đáng để các nước phải nể trọng. Hiện nay, Nhật Bản có thể tự hào là một đất nước của học vấn với 99,98% dân số ở độ tuổi 6 đến 15 được phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở, 94,2% dân số độ tuổi 15 đến 18 tốt nghiệp phổ thông trung học và xấp xỉ 50% dân số độ tuổi 18 đạt được trình độ đại học[9]. Chương trình giáo dục được chuẩn hoá cao độ từ sách học cho đến nội dung các khoá học đã đưa tới kết quả là năng lực ở trình độ quốc gia của Nhật Bản đạt chất lượng hàng đầu trên thế giới, thể hiện ở các giải thưởng cao mà học sinh Nhật Bản gặt hái được trong các kỳ thi quốc tế. Bên cạnh đó, để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của một xã hội có định hướng thông tin, giáo dục ở nhà trường Nhật Bản cũng không ngừng được cải tiến. Máy tính được đưa vào nhà trường cùng với sự phát triển những phần mềm giáo dục đã làm tăng hiệu quả dạy học, đồng thời giúp nuôi dưỡng những phẩm chất cần thiết (như khả năng sử dụng các hệ thống thông tin…) cho trẻ em bước vào một xã hội tương lai với những mạng thông tin tinh vi. Ở khu vực giáo dục bậc cao, tuy thời kỳ này hoạt động nghiên cứu học thuật chưa được chú trọng, song những cơ sở đào tạo đa dạng đã làm tròn được vai trò cung cấp nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Cơ sở vật chất dành cho giáo dục cũng được nhân lên đáng kể. Hiện nay, trên toàn nước Nhật có 15.211 trường mẫu giáo, 25.064 trường tiểu học, 11.047 trường trung học cơ sở, 5.427 trường trung học phổ thông, 62 trường cao đẳng kỹ thuật, 2.936 trường đào tạo nghề, 4.474 trường đào tạo hỗn hợp, 536 trường đại học ngắn hạn và 460 trường đại học.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn như vậy, song vào đầu thập niên 80, cùng với những biến động của đời sống xã hội và những đổi thay trong môi trường quốc tế, nền giáo dục Nhật Bản bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết. Nhịp độ phát triển kinh tế cao trong một thời gian dài tuy có đem đến cho Nhật Bản sức mạnh tài chính để phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, song chính nhịp độ phát triển cao và những thay đổi xã hội mà nó đem lại đã tăng cường yếu tố cạnh tranh trong thi cử, chạy theo bằng cấp… dẫn đến một sự méo mó rõ rệt của quá trình giáo dục. Bên cạnh đó, cũng là vấn đề chung ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, sự chi phối của văn hoá truyền thông, xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ, sự gia tăng các gia đình hạt nhân, giảm dần các cơ hội sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các vấn đề phân rã môi trường… đã gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ em: tình trạng quá căng thẳng về thể chất và tinh thần đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong giáo dục, thể hiện ở nạn bạo lực, bắt nạt nhau trong giới học sinh đang ngày càng gia tăng. Ở gia đình, việc dạy cho trẻ em các quy tắc đối nhân xử thế, kỷ luật tu thân, bồi dưỡng tinh thần cộng đồng… đang bị lơi lỏng, nói cách khác, sức giáo dục của gia đình bị giảm sút nghiêm trọng. Một số vấn đề khác nằm ở cơ cấu hệ thống giáo dục hiện thời, đó là sự thiếu hụt các điều kiện vật chất có thể đáp ứng được nhu cầu về việc chăm sóc và giáo dục trẻ em trước tuổi đến trường, hoặc do sự đánh giá quá cao vai trò của trường phổ thông trung học trong việc xếp hạng khả năng trí tuệ của trẻ em, nhấn mạnh quá mức vào các nguyên tắc nhà trường mà giáo dục ở bậc trung học cơ sở đang bị biến dạng, méo mó. Ngoài ra, giáo dục cho người khuyết tật cũng đang là vấn đề được chính phủ Nhật Bản quan tâm. Cuối cùng là vấn đề của giáo dục bậc cao. Hiện nay, Nhật Bản đang đứng trước tình trạng giảm nghiêm trọng số người ở độ tuổi mười tám do sự già hoá dân số và tỷ lệ trẻ em ra đời thấp qua từng năm. Ước tính đến năm 2010, một trăm phần trăm số thanh niên muốn học đại học sẽ vào được đại học do chỉ số tuyển sinh trùng khớp hoàn toàn với số lượng dự thi đầu vào. Điều này sẽ làm mất đi động cơ cố gắng học tập của sinh viên Nhật Bản, tất yếu dẫn đến sự phân cực: thiểu số ham học sẽ thi vào các trường chất lượng cao trong khi đa số lười học. Hiện tượng chạy theo số lượng, quá thiên về đào tạo đại trà, thiếu hụt nghiêm trọng các cơ sở nghiên cứu cũng đang là vấn đề nổi cộm.Ở khu vực đào tạo bậc thấp ít có sự khác biệt về cơ sở vật chất giữa các trường công và trường tư, song ở khu vực đào tạo bậc cao – đây là một hệ thống đa dạng với quy mô lớn, nhỏ khác nhau: có trường được trang bị hiện đại từ thư viện, các viện nghiên cứu chi nhánh đến các bệnh viện…, nhưng cũng có những trường đại học chỉ có một khoa. Nhìn chung, phần lớn các trường đại học tư được thành lập sau năm 1945 đều có quy mô nhỏ và khả năng tài chính hạn hẹp. Mặc dù có sự khác nhau lớn về cơ sở vật chất, song hai phần ba số lượng sinh viên Nhật Bản lại tập trung ở khu vực trường tư, nơi mà điều kiện học tập thấp kém hơn nhiều so với các trường công. Hiện nay, Bộ Giáo dục đang có sự điều chỉnh lại nhằm khắc phục sự khác biệt này.
Hiện nay, Bộ giáo dục Nhật Bản đã phát động một cuộc cải cách nhằm xóa bỏ những vấn đề bất cập, hướng tới một hệ thống giáo dục biết phát huy năng lực và cá tính của từng học sinh và xây dựng một “xã hội học tập suốt đời” – nơi mỗi người có thể tiếp thu những tri thức phù hợp với nguyện vọng, sở thích và khả năng của mình thông qua chính những thể nghiệm trong cuộc sống.
Theo NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN