Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Oanh trên Tạp chí Hán Nôm (http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=813&Catid=542)
Chữ Hán một sản phẩm văn hóa độc đáo của Trung Hoa, sau khi ra đời đã không còn là riêng của dân tộc Trung Hoa, nó vượt qua hàng rào ngôn ngữ và biên giới, tiến sang các nước lân bang, gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của các nước này, tạo ra nhiều mối tương quan và tương đồng văn hóa đặc sắc. Nhật Bản và Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước đây, tuy chưa có mối bang giao văn hóa trực tiếp, song cũng là nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Trong xu thế hội nhập thế giới của Việt Nam hôm nay, để nhìn đầy đủ các truyền thống văn hóa của chính mình, việc tìm hiểu nền văn hóa của các nước láng giềng là điều cần quan tâm.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được phác họa đô nét về sự du nhập và việc sử dụng chữ Hán ở Nhật Bản.
Theo sách vở người Trung Quốc ghi lại thì vào khoảng giữa thế kỷ 1, một tiểu quốc đầu tiên đã được hình thành ở miền Bắc đảo Kyushu. Sách Hán thư chép “Trong biển Lạng Lãng có người Nuynô, chia làm hơn trăm nước”. Tuy nhiên người Nhật Bản biết đến Trung Quốc sớm hơn, từ thế kỷ 3 (TCN) (theo Sơn hải kinh). Nhưng mãi tới đời Hậu Hán, người Nhật Bản cổ đại mới có điều kiện tiếp xúc với chữ Hán qua chiếc ấn vàng trên khắc dòng chữ “Hán ủy nô quốc vương ấn” (漢委奴國王) do vua Hán ban tặng cho quốc vương nước Nô(1). Ở Trung Quốc vào thời Lục triều, người ta làm những chiếc ấn bằng phiến đá nhỏ, trên có khắc lời bùa chú của đạo giáo để phát cho mọi người. Từ ngày xưa người ta đã có ấn tượng về một vật “như là văn tự” nhưng mang uy quyền, và sức mạnh. Họ cho rằng nếu mang một ấn vàng hoặc một trát trên có khắc bùa chú thì bản thân như có sức mạnh kỳ lạ. Vì vậy các vương triều Trung Quốc đối với các nước chư hầu Xung quanh mình từ xa xưa đã ban tặng ấn vàng ấn bạc, tiến hành cái gọi là “ấn thụ sắc phong” để dễ bề phụ dụ dân các nước chư hầu. Đến thế kỷ thứ 3 vua Ngụy theo lệ ban ấn cho nữ vương nước Oải.
Theo Oải nhân truyện (委人傳) (Oải đọc là Noải hoặc Nụy, chỉ người Nhật Bản hoặc giống người lùn thấp), khoảng thế kỷ thứ 3, thời đó Nữ vương Himako nước Yamato (耶馬臺) lợi dụng việc bói toán đồng cốt, tiếp xúc với nhiều thổ hào, liên kết các bộ tộc, lấy quận Đới Phương của Ngụy làm đất trung gian, vì vậy giữa Oải và Ngụy đã có nhiều cuộc tiếp xúc đi lại với nhau. Tuy nhiên Trung Quốc và Nhật Bản thực sự có quan hệ có lẽ từ thời Tống. Theo sử sách ghi chép có khoảng 10 cuộc tiếp xúc giữa Tống và Oải từ năm Vĩnh Sơ thứ 2 (421) thời Tống Vũ Đế, đến năm Thăng Minh thứ 2 (478) thời Tống Thuận Đế. Từ đầu thế kỷ thứ 5, Nhật Bản đã có ý dòm ngó sang bán đảo Triều Tiên và cuộc xâm lăng Triều Tiên bắt đầu. Theo truyền thuyết vua O zin (應神)(2) đã đưa đại quân đi chinh phạt, cướp bóc và bắt rất nhiều nhân viên kỹ thuật của Triều Tiên đưa về Nhật Bản. Trong các năm đó vua Oải tự xưng mình là An Đông tướng quân Oải quốc vương (安東將軍委國王), là người cai quan tối cao các công việc binh nhung ở 6 nước bao gồm: Oải (委), Bách Tế (百濟), Tân La (新羅), Nhậm Na (任那), Tần Hán (秦韓), Mộ Hàn (慕韓). Vua Oải là Yuryaku (雄略)(3) năm 478 gửi bức thư dài cho vua Tống trình bày lý do phải đưa quân đi đánh Cao Lệ. Chúng ta có thể xem một đoạn trong bức thư này.
… 對國偏遠、作藩于外、自昔祖禰躬 擐 甲 冑、跋涉 山 川 、 不 遑 寧 處 、 東 征 毛 人 五 十 五 國 。 西服眾夷六十六國、渡平海北九十五國…
Đây là bức thư viết bằng chữ Hán theo thể văn biền ngẫu, đã được Thẩm Ước (沈約)(4) gia công lại rất nhiều. Nhưng dù sao đây cũng là bức thư dài của vua Oải gửi vua Tống, đã cho ta thấy ở Nhật Bản từ thế kỷ thứ 5 chữ Hán đã được coi là công cụ chính thức trong việc bang giao với đại lục.
Sau các cuộc chinh phạt Triều Tiên của vua Oải, nhiều người Triều Tiên cũng như người Trung Quốc đã bị bắt đưa về Nhật Bản. Theo sử sách ghi chép thì ông tổ nghề tằm tang, dệt vải và rèn kiếm đều là người Hán. Đây là những “quy hóa nhân” đầu tiên thời sơ kỳ. Họ đều được coi là những người truyền bá lại kỹ thuật và văn hóa Trung Quốc. Thủ lĩnh của họ được triều đình Yamato ban cho địa vị gọi là Tomono miyatsuko (伴造)(5), lại được quy hóa nhân ủng hộ, họ đã thành lập các nghiệp đoàn, phân công nhau đảm đương các nghề thủ công và làm thư ký ghi chép. Lúc đó ngoài việc truyền bá công nghệ như nghề làm đá quý, làm gươm, làm gương…, việc ghi chép sử cũng được chú ý. “Đầu tiên đặt nhân viên chép sử ở các nước để ghi chép ca dao ngạn ngữ, biểu đạt ý chí của bốn phương”(6), tuy những điều chép ra không được coi là sự thật lịch sử để đời sau ghi chép tiếp, nhưng việc đặt các cơ quan chép sử như Tạng sử (藏史) (Kura no fuhito), Mã sử (馬史) (Umano fuhito) Thuyền sử (船史) (Funa no fuhito) đã phản ánh đúng yêu cầu bức thiết đương thời và việc ghi chép đã được thực dụng hóa ở Nhật Bản.
Những người mang kỹ thuật mới đến cũng là người thuộc phái khai minh, họ là những sứ giả mang văn minh lục địa đến cho người quần đảo. Khoảng giữa thế kỷ thứ 6, cùng với việc tăng cường học tập các kỹ thuật mới, kinh Phật và sách vở Nho giáo cũng được đưa sang từ Bách Tế. Ở triều đình Yamato lúc đó trực tiếp điều hành đất nước là các Đại Omi và Muraji là những người đứng đầu các gia tộc và các Tomono miyatsuto. Gián tiếp cai trị là các Omi có thế lực ở địa phương. Lúc đó dòng họ Soga (蘇我) là một hào tộc lớn thời Asuga (飛鳥) đã củng cố ảnh hưởng của họ bằng cách gả con gái cho các hoàng tử, sau khi trở thành ngoại thích của nhà vua, thế lực mỗi ngày một lớn mạnh.
Các thủ lĩnh Tomono miyatsuko thuộc các thế hệ Tomono miyatsuko cũ do thất bại trong cuộc ngoại giao với Triều Tiên, thế lực ngày một sa sút. Sau khi Thiên hoàng Yomei (用明)(7), mất, nhà Monotabe (物部) cũng là một tộc lớn thời bấy giờ, và là tộc có tư tưởng bài trừ Phật giáo quyết liệt, đã đấu tranh một mất một còn với nhà Suga trong việc đưa ai lên thừa kế ngôi vị, nhưng cuối cùng đã thất bại. Monotabe bị giết, Soga Umanoko (蘇我馬子) ám sát Thiên hoàng Sujun (崇峻)(8) lập cháu gái của ông ta là Nukatabe. Đây chính là Nữ hoàng Suiko (推古)(9). Sau Nữ hoàng Suiko lập Shotokutaishi(10) (聖德大子) người được coi là thông minh, con của Thiên hoàng Yomei lên nhiếp chính. Bắt đầu một nền thống trị gồm hai thủ lĩnh Suga Umanoko và Thái tử Shotoku. Họ một mặt tiếp thu văn hóa Phật giáo, thành lập chế độ hành chính quan liêu thay cho các Tomono miyatsuko, hạn chế bớt quyền lực của các hào tộc, coi trọng tư nhân, trực tiếp cai trị với khẩu hiệu “Công dân của thiên hạ”. Năm 645 với cải cách Taika (大化) quyền lực về thực chất đã thay đổi. Các Okimi đã trực tiếp cai trị thay sự cai trị gián tiếp của thổ hào trước đây. Chế độ nhà nước trung ương tập quyền từng bước được củng cố.
Sau khi nẩy sinh chế độ quan chế thời Bắc Ngụy, tùy và đi tới chỗ khai hoa của chế độ quân điền chế thời Đường, dưới triều đại của Nữ hoàng Suiko việc học tập chế độ quan lại của Trung Hoa không thể chờ các quy hóa nhân mang lại, cùng với những tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật làm thuyền, người Nhật Bản đã có thể trực tiếp tiếp xúc với Trung Quốc bằng đường thủy, không cần qua trung gian Triều Tiên. Theo sử sách ghi chép, từ năm Suiko thứ 10 (600) Nhật Bản đưa sứ giả sang Tùy. Năm Yomei (舒明) thứ 2 (630) lần đầu tiên cử sứ giả sang Đường. Năm Yomei thứ 12 (640) các lưu học sinh Nhật từ Trung Quốc trở về. Trong số đó có cả người Trung Quốc, họ đã góp phần tích cực trong công cuộc cải cách Taika năm 645.
Lúc này việc bang giao giữa Nhật và đại lục trở nên nhộn nhịp, các sứ giả đi lại như con thoi. Vua Nhật Bản cũng tự coi mình ngang hàng với hoàng đế Trung Quốc. Trong bứct hư gửi nhà Tùy năm 607, Thái tử Shotoku viết: 日出處天子致書日沒處天子。無羕 (Thiên tử nơi mặt trời mọc gửi Thiên tử nơi mặt trời lặn. Chúc sức khỏe). Do trực tiếp tiếp xúc với Trung Quốc nên kinh điển Phật giáo, sách vở Nho giáo tràn đầy vào Nhật Bản. Năm Hakuchi (白雉) thứ 2 (651) tại chùa Kawahara tập trung khoảng 2100 sư ni chép kinh Nhất thiết. Do sự đỡ đầu của nhà vua và một số gia tộc lớn lúc đó, Phật giáo phát triển mạnh. Người ta xây nhiều chùa chiền và cho sao chép một số kinh thịnh hành để phân phát cho các chùa, đích thân nhà vua cũng chép kinh và được đặt trong các ngôi tháp, việc chép kinh trở thành công việc quan trọng, nhờ đó việc ghi chép bằng chữ Hán ngày một mở rộng.
Sau khi Thiên hoàng Tenchi (天智) mất, Thiên hoàng Tenmu (天武)(11) em trai của Tenchi đã đi ở ẩn ở Yoshino (Nay thuộc Nara), song do cuộc nổi loạn năm Nhâm Thân (672) Thiên hoang Tenmu đã giành được chính quyền. Sau khi lên ngôi, ông chính thức cho tiến hành ngay việc biên soạn sách sử. Đầu tiên cho đọc và học lại các “Đế kỷ” và “Cựu từ”. Sau đó khoảng 10 năm, Kojiki (古事記) (712)(12) và Nihonshoki (日本書紀) (720)(13) ra đời. Qua lời tựa cuốn Kojiki thì mục đích của việc biên soạn sách sử là “Giường mối của nước nhà, là nền móng to lớn của vương hóa” cho thấy việc biên soạn sách sử được nhà nước Nhật Bản đương thời đề cao.
Nếu Kojiki là tác phẩm do các fuhitobe viết bằng chữ Hán theo cách pha trộn, phần thì theo nguyên tắc biểu ý, phần thì theo nguyên tắc biểu âm, thì Nihonshoki đã đạt được đến cực điểm của tác phẩm thuần Hán văn. Đây là tài liệu quý cung cấp cho chúng ta những hình mẫu có lẽ là cổ nhất hiện còn cho đến nay về văn xuôi viết bằng tiếng Nhật.
傳聞、天皇幸吾婦、遂有兒息。今恐禍及於身、可蹺足待。吾爾汝者、跨據百濟、勿使通於日本。吾者據於任那、亦勿通於日本…弟君之婦樟媛國家情厚、君臣義切、中逾白日、節冠青松、惡斯謀反盜殺其夫、隱埋室內 。
Không chỉ văn xuôi, thơ chữ Hán từ chỗ chỉ được các sứ giả là người Trung Quốc và Triều Tiên sáng tác ngâm vịnh trong các buổi gặp gỡ ngoại giao, hoặc được giai cấp quý tộc dùng trong các buổi thết yết của vương triều đã đi đến chỗ được yêu thích và phát triển rộng khắp. Kaifuso (懷風藻)(14) tập thơ chữ Hán cổ nhất của Nhật hiện còn, được biên soạn năm 751, không rõ người biên soạn, nhưng trong lời tựa tập thơ có ghi “Các thời đại kế tiếp nhau, không phân biệt giàu nghèo đẳng cấp” cho thấy tác phẩm không chỉ bó hẹp trong giai cấp quý tộc, là sản phẩm tinh thần riêng của giai cấp này mà đã phát triển rộng khắp tới mọi người, mọi thành viên trong xã hội. Đây là tư tưởng ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc trên thi đàn.
Tuy nhiên như chúng ta đã biết, tiếng Nhật thuộc loại ngôn ngữ đa âm tiết, chắp dính. Vì vậy tiếng Nhật khác xa cả về vốn từ, và cấu trúc từ, và cấu tạo câu so với tiếng Hán thuộc ngôn ngữ đơn âm tiết. Đây là một khó khăn lớn khi tiếp thu các cơ sở của nền học vấn Trung Hoa. Do không có chữ viết riêng, nên người Nhật phải dùng chữ Hán để ghi tiếng Nhật. Một chữ Hán thường có hai cách đọc. Lối đọc theo ondoku (音讀) và lối đọc theo Kundoku (訓讀). Ví dụ chữ 林 (Lâm) theo âm độc đọc là rin, theo Huấn độc đọc là Hayashi đều có cùng một nghĩa là rừng. Tuy nhiên để ghi địa danh hoặc nhân danh, người Nhật buộc phải dùng chữ Hán để ghi âm. Ví dụ địa danh Nara người Nhật dùng chữ Hán có âm na ná như Nại Lương (奈良) Nặc Lạc (諾樂) hoặc Bình Thành (平城).
Động lực chính của thứ chữ viết ghi âm là việc người Nhật rất yêu thơ và hay ngâm vịnh. Ngay trong hai bộ sử lớn nói trên và một số tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán đương thời như Nihonryoiki (日本靈異記) cũng có rất nhiều thơ và ca dao được đưa vào. Ngoài tập thơ chữ Hán nổi tiếng Kaifuso nói trên, còn có tập thơ “Hòa Hán lãng vịnh tập” (和漢郎詠集) do Satohara biên soạn năm 1013. Tập thơ này hình thức được viết bằng chữ Hán nhưng khi đọc lại đọc theo lối Kun (Huấn độc).
Ví dụ:
年光自向燈前盡
客思唯從枕上生(冬夜)
Toshisukiwa onozukaratomo shibinomeeni truki
Kyaku no omoiwa tada makura no ue yoriumaru.
Đương thời cách đọc kun cùng song song tồn tại với câu tiếng Nhật rất phát triển. Khi thơ chữ Hán và cách đọc Hòa văn nhập vào làm một thì trong con mắt của người đọc chỉ còn vỏ hình thức đối cú của chữ Hán. Khi đọc mắt, miệng, tai phải kết hợp cùng lúc. Có lẽ đây là sản phẩm Hán văn đã bị Nhật Bản hóa. Trong thơ Nôm lục bát của Việt Nam tuy có sử dụng nhiều từ Hán song do tiếng Việt cũng là thứ tiếng đơn âm tiết nên vẫn có thể ghép các từ Hán đi với từ thuần Việt. Nhưng trong tiếng Nhật, người ta nhìn vào thơ và đọc thơ và đọc theo cách khác không phải âm Hán như âm Hán Việt của Việt Nam. Tình hình này cũng xẩy ra trong một số tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán.
Như trên đã trình bày, truyền tải chữ Hán đến Nhật Bản là những ông đồ người Trung Quốc và Triều Tiên, sau họ trở thành fuhitobe là những nhân viên ký hộ được quy hóa sau các cuộc xâm lăng Triều Tiên của triều đình Nhật Bản. Những người này trải qua hai ba đời sống trên đất Nhật, đã rơi vào tình trạng: người thì không thể nói chính xác cách nói Hán văn, người thì không thể đọc được biểu tấu của Cao Lệ. Và trong khi thực hiện nhiệm vụ ghi chép đăng ký hộ tịch và kiểm kê hàng hóa đồ vật trên thuyền bằng tiếng Nhật họ đã dùng lẫn cả hai cách đọc on và kun, vì thế đã nẩy sinh ra một thứ văn tự Hán mang tính biến tắc (không theo quy tắc Hán văn), được gọi là fuhitobe. Chúng ta có thể xem một ví dụ điển hình sau:
… 辛已歲 某 月 三 日 記 、 佐那 三家定賜建守命孫、黑目刀自。此新川臣兒、斯多彌足尼孫、大儿臣娶、生儿、長利僧、母為記定、文也、放光寺僧
Các từ như Tân Tỵ (辛巳), đọc là Shinshi; Tăng (僧)đọc là so; Phóng Quang tự (放光寺) đọc là hokoji theo ondoku (âm độc). Còn các từ Đa đi di túc (多多彌足) được đọc là tataminosuku theo kundoku (Huấn độc), và chữ Nê (泥) là âm chữ na trong Manyogana (Vạn diệp giả danh). Ngoài ra từ Mẫu vi (母為) nếu là Hán văn sẽ nói Vi mẫu (為母) và Định tứ (定賜) đương nhiên cũng không phải cách nói Hán văn. Các kim thạch văn triều Suiko phần lớn cũng được sử dụng theo lối Nhật Bản hóa.
Đương thời khi chữ Hán được giới thiệu ở Nhật Bản người ta đã dùng tự âm (字音) để ghi các danh từ chỉ sự vật bằng tiếng Nhật. Trong các bi văn và minh văn của Nhật Bản từ thế kỷ 5 đến 6 có rất nhiều ví dụ về cách ghi tên người, tên đất như dùng chữ Hán Tư quy tư ma (斯歸斯麻) để ghi âm shikishima; ý tử sa ca (意紫沙迦) ghi âm oshisaka. Từ khai trung phí trực (開中費直) trong bài minh của chiếc chuông đồng ở cung SumidaHachiman, là điển hình của cách dùng gọi là Hóa Hán đối dịch để biểu thì từ tiếng Nhật. Khai Trung (開中) là âm chữ Kana tương đương với từ Hakachi (河內) địa danh Kochi, còn đối với chức danh atahi, một chức quan cao cấp được chế định ở triều Yamato thì người ta dùng song song từ Phí (費) và Trực (直). Tiếng Nhật atahi có nghĩa tương đương với phí dụng (費用) và giá trị (價值) trong Hán ngữ.
Khi cách dùng này trở nên phổ biến thì nó hình thành một cách ghi dịch ý với một bộ phận biểu âm dựa vào âm chữ kana, còn nghĩa lại gần với nghĩa của chữ Hán. Trong các tư liệu cuối thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 7 xuất hiện rất nhiều hình thức này. Ví dụ:
Dùng chữ Himi (比彌) để đọc chữ (姬)
Dùng chữ Mikoto (彌已等) để đọc chữ (命)
Dùng chữ Shima (斯麻) để đọc chữ (島);
Dùng chữ Tori (止利) để đọc chữ (鳥).
Và như vậy, người ta đã cố định cách đọc “kun” cho các chữ này, hình thành một cách đọc dịch như chữ (姬) được đọc là Himi, chữ (命) được đọc là Mikoto, chữ (鳥) được đọc là Tori, so với cách ghi chỉ dựa vào âm chữ Kana để biểu thị tiếng Nhật bằng Tự huấn mỗi chữ một âm, cách đọc này đã rút ngắn được rất nhiều. Cách ghi này sau khi ra đời đã nhanh chóng được phổ biến rộng khắp. Trong sổ hộ tịch hiện còn từ năm Taiho (大保) thứ 2 (720) người ta đã dùng hai cách để ghi tên người như thay vì 4 chữ Hán (久麻止利) bằng 3 chữ Hán (久麻鳥) để ghi từ Kumatori, hoặc thay vì 4 chữ Hán (加良比止) bằng hai chữ Hán (辛人) để ghi từ karahito.
Cách ghi âm trong Kojiki (古事記) và Shoki (書紀) hầu như dựa theo nguyên tắc “nhất tự nhất âm” (mỗi chữ một âm). Đối với tiếng Nhật là một thứ tiếng có cấu tạo âm tiết khá đơn giản khác với tiếng Triều Tiên thì nguyên tác ghi âm trên lại là điều kiện rất tốt để sáng tạo ra một văn tự kana. Trong Manyoshu (萬葉集(14) rất nhiều từ được đọc theo kunkana. Ví dụ từ Natsukashi nếu ghi âm chữ thì người ta dùng 4 chữ Hán (奈都可之) nếu ghi theo cách huấn tự thì dùng 2 chữ Hán (夏借). Và như vậy, một loại ký hiệu vừa đơn giản hơn về cách viết gọi là Mayogana ra đời. Tuy nhiên trong Manyogana với cách dùng tự âm (âm chữ) người Nhật dùng cả 3 hình thức:
- Dùng âm thượng cổ Trung Quốcđể ghi. Ví dụ:
Ka (奇), ga (宜), ma (明), na (寧), ki (支), chi (至), o (意), to (止),…Đây là âm được dùng từ thế kỷ thứ 7 trở về trước.
- Dùng Ngô âm. Ví dụ:
Ku (久), ru (流), tsu (都), nu (奴), e (衣), ke (氣), ni (二), mi (美). Cách ghi âm này được dùng trong Kojiki (Cổ sự ký) Manyoshu (Vạn diệp tập), Fudoki (Phong thổ ký).
- Dùng Hán âm. Ví dụ:
Ki (巳), ki (氣), ji (二), ji (耳), ji (兒), ji (尼), de (泥), ba (魔), be (謎). Cách ghi âm này được dùng trong Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ).
Manyogana mặc dù được các triều đại sau thay thế bằng Hirakana và Katakana song thời gian đầu nó đã được dùng để ghi âm kana trong Tự thư và văn chương trong sách Tuyên mệnh, và còn được dùng nhiều năm sau đó. Với sự ra đời của Manyogana, người Nhật Bản đã có thể dùng chữ Hán để sáng tác văn thơ bằng tiếng Nhật.
Từ cuối triều đại Nara, tức khoảng giữa thế kỷ thứ 8 trở về sau, người ta đã chọn những chữ Hán đơn giản để ghi Mayogana, và đó chính là bước chuẩn bị để cho chữ Katakana và Hirakana ra đời. Không rõ ai là người sáng tạo đầu tiên ra chữ Katakana và Hirakana. Theo truyền thuyết đó là công lao của Kobo Daishi, vì ông là một nhà thư đạo nổi tiếng. Tuy nhiên để cho nó phát triển trở thành ký tự không thể thiếu trong tiếng Nhật lại là cônglao của các nhà sư và giới phụ nữ yêu thích văn học.
Chữ Hirakana có lẽ được xuất hiện từ trung kỳ thời Heian (thế kỷ thứ 9). Người ta dùng chữ Hán viết thảo để tạo chữ Hiragana. Ví dụ người ta dùng chữ Hán (以) để ghi âm i, chữ Hán (波) để ghi âm ha, chữ Hán (仁) để ghi âm ni, chữ Hán (保) để ghi âm ho v.v… Có tất thảy 48 chữ Hiragana trong hệ thống chữ cái của Nhật. Lúc đầu người ta dùng nó để viết thư, làm thơ và viết nhật ký. Nó cũng được giới tác gia nữ sử dụng để viết chuyện kể Monogatari. Tuy nhiên, Hirakana không phải của riêng của phái đẹp, trong các Waca (Hòa ca) chủ yếu do nam giới sáng tác cũng sử dụng nhiều chữ Hirakana. Còn Katakana do nam giới dùng là chủ yếu. Lúc đầu các tăng lữ ở triều Heian khi nghe giảng đọc kinh Phật, để nhớ cách chú giải và âm đọc, họ đã dùng chữ Hán đơn giản rồi lược bỏ bớt bộ phức tạp, ví dụ họ dùng chữ (伊) lược bớt để ghi âm I, lược chữ (保) để ghi âm ho… và hệ thống 48 chữ Katakana đối với 48 chữ Hirakana ra đời. Sau khi ra đời, Hiragana và Katakana tỏ ra thích ứng, trong thời gian ngắn nó được phổ biến rộng rãi, cùng với chữ Hán nó đã trở thành ký tự không thể thiếu trong tiếng Nhật cho tới tận ngày nay.
Trong việc sử dụng chữ Hán, người Nhật còn biết dùng các chất liệu Hán để tạo nên những chữ Hán mới, gọi là Waseikanji (和暈漢字) (Chữ Hán do người Nhật sáng chế). Trong Shisenjikyo (新撰字鏡), 12 quyển do nhà sư Shozyo (昌住) biên soạn năm 892 thời Thiên hoàng Daigo (醍醐) (897-930)(16), phần Tiểu học thiên, ông đã thống kê được khoảng 400 chữ Hán. Tất nhiên không thể nói tất cả đều là chữ Hán do Nhật sáng chế, trong số 400 chữ đó còn có các tục tự được dùng ở thời Lục triều, thời nhà Đường và những chữ Hán của người Trung Quốc nhưng lại được dùng với ý nghĩa riêng biệt của Nhật.
Chữ Hán do người Nhật được tạo từ khi nào? Theo một số nhà nghiên cứu Nhật Bản có lẽ từ rất xa xưa vào thời kỳ đầu triều Heian. Tuy nhiên trong Nhật Bản linh dị ký, truyện 31, quyển Thượng, tác giả Keikai, soạn năm 787, hoàn thành năm 822 đã xuất hiện waseikanji, đó là chữ seto (夬), chỉ chị em gái hoặc anh em trai. Ở đây được dùng với nghĩa anh trai.
Đại bộ phận chữ Hán do Nhật tạo đều được xây dựng trên nguyên tắc văn tự hội ý. Cũng giống như chữ Nôm của Việt Nam, các bộ thủ và chữ Hán đều tham gia vào việc cấu tạo nên chữ Hán mới. Các thành tố tham gia tạo chữ có khi có vai trò ngang bằng, nhưng cũng có trường hợp thành tố này là chính, thành tối kia là phụ. Thành tố chính nói lên khái niệm chung, còn thành tố phụ chỉ đóng vai trò phân loại. Vị trí của thành tố chính có lúc nằm bên phải, có lúc nằm bên trái, cũng có lúc nằm bao bên ngoài chữ. Còn thành tố phụ thì ngược lại. Ví dụ:
(為) Kuruma: Xe người kéo.
(車) Yếu tố chính chỉ xe nói chung,
(幹) Phân biệt xe người kéo với các loại xe khác.
(@) Nagi: Lặng gió hoặc sóng lặng. Thành tố chính là gió, thành tố phụ chỉ sự dừng lại.
Như vậy, bằng một lối quan sát tinh tế và sự liên tưởng sâu xa các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, người Nhật đã tạo ra được nhiều chữ Hán mới, bổ sung vào kho từ vựng, làm cho nó luôn phong phú và đa dạng.
Trở lên là vài nét về sự du nhập chữ Hán và việc sử dụng chữ Hán ở xứ sở mặt trời mọc. Khác với thân phận bị áp đặt không mời mà đến như ở Triều Tiên và Việt Nam, chữ Hán tới Nhật Bản bằng con đường rải chiếu hoa. Người Nhật đã biết sàng lọc và sáng tạo trong việc sử dụng chữ Hán, làm cho chữ Hán và văn hóa Hán đã thực sự được phát huy tác dụng, tạo tiền đề cho sự phát triển như vũ bão ở thời cận và hiện đại của Nhật Bản.
Chú thích:
- Chữ Oải nô (委奴) âm Nhật đọc là wana.
- Thiên hoàng Ojin: Thiên hoàng đời thứ 15, tên là Homutawake.
- Thiên hoàng Yuryaku: Thiên hoàng đời thứ 21, ở ngôi từ nửa thế kỷ V.
- Thẩm Ước: Tác giả sách Tống thư.
- Tomono miyatsuko: Là chức đứng đầu (thủ lĩnh) các nhóm dân nô lệ, được tổ chức thành những nghiệp đoàn gọi là shinabe dưới thời triều đình Yamato.
- Trích trongThư kỷ, tên đầy đủ là Nihonshoki. Đây là cuốn sử cổ nhất của Nhật Bản, được hoàn thành vào thời đại Na ra. Cuốn sử này được viết bằng Hán văn và Hòa văn, ghi chép các Thần thoại, Truyền thuyết, Ký lục từ thời các thần (特統) đến thời Nữ hoàng Jito (690-697).
- Thiên hoàng Yomei: Thiên hoàng đời thứ 31, tên là Tachibananotoyhi. Ở ngôi từ năm 585-587.
- Thiên hoàng Sushun: Thiên hoàng đời thứ 33, tên là Hatsusebe, ở ngôi từ năm 587-592.
- Nữ hoàng Suiko: Thiên hoàng đời thứ 33, tên là Toyomikekashiki yahime, Nữ hoàng đầu tiên của Nhật Bản. Bà là con gái thứ 3 của Thiên hoàng Kimei. Sau khi lên ngôi bà đưa Thái tử Shotoku lên nhiếp chính, cùng với Thái tử chế định chế độ quan vị 12 bậc, ban bố 17 điều hiến pháp. Bà ở ngôi từ năm 592-628.
- Thái tử Shotoku: Con trai của Thiên hoàng Yomei, tên là Yumayado. Ông ra nhiếp chính với tư cách là Hoàng thái tử của nữ hoàng Suiko. Ông là người thông minh, ham học, từ thuở nhỏ ông đã thông thạo cả Hán học và Phật học. Ông là người sáng lập Phật giáo ở Nhật Bản và giúp cho Phật giáo phát triển. Dưới thời của ông rất nhiều chùa chiền được xây dựng. Ông còn là tác giả cuốnTam kinh nghĩa sớ. Sinh thời ông thích thú rất nhiều kinh điển Phật giáo. Ông cùng với Nữ hoàng Suiko chế didnhj 12 bậc quan vị và 17 điều hiến pháp. Ông ở ngôi từ năm 574 đến 622.
- Thiên hoàng Tenmu: Thiên hoàng đời thứ 40, tên là Amano nunaharaokino mahito. Ông là con trai thứ 3 của Thiên hoàng Yomei. Năm 671 ông xuất gia, ở ẩn tại Yoshino (Nay thuộc Na ra). Sau khi Thiên hoàng Tenchi mất, ông giành được thắng lợi trong cuộc nổi loạn năm Nhâm Thân. Năm sau ông lên ngôi, xây cung đienẹ Kyomiharano miya ở Suga, chế định lại chế độ Kabane (chế độ xưng hiệu của các hào tộc mang tính chính trị và xã hội), cải cách quan vị, chế định luật lệ, biên soạn quốc sử. Ông ở ngôi từ năm 673 đến 686.
- Kojiki: Là cuốn sử cổ nhất còn của Nhật Bản. 3 quyển. Biên soạn năm 712. Hiedano are tuyển chọn trong các sách Đế kỷ và Cựu từ theo sắc lệnh của Thiên hoàng Tenmu. Còn Oonoyasumaro tuyển chọn theo sắc lệnh của Thiên hoàng Genmei. Kojiki ghi lại lịch sử của các Thiên hoàng cho tới khi thống nhất Nhật Bản. Ngoài ra còn ghi chép Thần thoại, truyền thuyết, ca dao… Quyển Thượng ghi chép từ thời khai thiên lập địa cho đến thời Ugayabukiaezuno mikoto. Trung quyển từ thời Thiên hoàng Jinmu. Hạ quyển từ thời Thiên hoàng Ojin đến thời Thiên hoàng Nintoku.
- Nhật Bản thư kỷ: Còn gọi làNhật Bản kỷ. Sách lịch sử do các quan trong triều biên soạn, 30 quyển, hoàn thành năm 720.
- Kaifuso: Tập thơ chữ Hán cổ nhất của Nhật Bản hiện còn. 1 quyển không rõ do ai biên soạn. Theo lời Tựa, sách hoàn thành năm 751. Tập thơ gồm 120 bài của 64 thi nhân, từ thời Thiên hoàng Tenchi đến thời Nara. Tập thơ truyền lại tinh túy nhất của cổ thi Nhật Bản, chịu ảnh hưởng mạnh của phong cách thơ Lục triều Trung Quốc.
- Manyoshu: Tập thơ ca dao cổ nhất hiện còn. 20 quyển, ước khoảng 4500 bài thơ, bao gồm các thể loại, trường ca, đoản ca, ca dao.. được sáng tác trong vòng 350 năm từ thời Thiên hoàng Nitoku đến thời Thiên hoàng Junnin. Tập thơ biên soạn vào năm 745-746.
- Thiên hoàng Daigo: Thiên hoàng đời thứ 60 tên là Astugimi (敦仁), ở ngôi từ năm 897-930, cũng có thuyết nói từ năm 885-930.
SÁCH THAM KHẢO
- Sách tiếng Nhật.
- Nihonbungakushijiten(Nhật Bản văn học sử từ điển) do Mitani Eiichi và Yamamoto Kenkichi biên soạn. Nhà xuất bản Kakukawa (Giác Xuyên) ấn hành năm Showa thứ 57 (1982).
- Kanji to sono bunkaken(Chữ Hán và phạm vi văn hóa của nó). Tác giả Todo Akisu. Nhà xuất bản Koseikan (Quang Sinh quán), ấn hành năm 1988.
- Nihongo no sekai(Thế giới của tiếng Nhật). Tác giả Nakata Norio. Nhà xuất bản Chuyokoronsha (Trung ương công luận xã), ấn hành năm 1982.
- Nihonbungakushi (Nhật Bản văn học sử) do nhóm Kamito Yutaka biên soạn. Nhà xuất bản Fenikusu shoten, ấn hành năm 1991.
- Sách tiếng Việt.
- Lược sử văn hóa Nhật Bản. G.B. Sansom. Nhà xuất bản KHXH. 1990.
- Lịch sử Nhật Bản. Phan Ngọc Liên chủ biên. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1995.
- Khảo sát lớp từ Hán Nhật thông dụng. Trần Sơn, Luận án Phó tiến sĩ Khoa học ngữ văn, 1995.
- Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu sơ cảo, trong cuốnVực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu của Vương Tam Khánh, Hội nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc, Đài Bắc, 1988.
- Tiếng Nhật và việc dùng các thành tố Hán để biểu thị ý nghĩa trong hệ thống waji hội ý. Lã Minh Hằng,Tạp chí Hán Nôm, số 1 (22), 1995.