Giải Nobel Văn học là ước mơ của các nhà văn trên thế giới. Vậy mà có hai nhà văn được giải Nobel đã tự tử. Nhà văn Mỹ Hemingway tự tử năm 1963, vào tuổi 62. Nhà văn Nhật Kawabata tự tử năm 73 tuổi.
Thế mà năm 28 tuổi, khi nhà văn Akutagawa tự tử, ông đã không tán thành. Có thể một lý do khiến ông chấm dứt cuộc đời là vì ông cảm thấy không giữ nổi sự thăng bằng giữa hai lối sống đối lập nhau: lối sống cổ truyền và lối sống hiện đại. Tính cách lưỡng phân ấy là cái nền sáng tác của ông. Ông cảm thấy là bản sắc Nhật còn đậm nét vào đầu thế kỷ XX, đã khá bạc màu từ sau cuộc thất bại của đất nước năm 1945. Nỗi nhớ nhung văn hóa thời cố đô khôn nguôi.
Nhưng hẳn đó không phải là lý do duy nhất giải thích việc tự sát của một nghệ sĩ tự nhận mình là “một du khách u buồn lang thang trên thế gian này”.
Sau khi ra đời, ông mất bố, mẹ, bà và người chị duy nhất. Ông sống với ông nội mù và già yếu, qua đời khi ông 15 tuổi. Không lạ gì các tác phẩm của ông thường được đánh dấu bởi hủy hoại và cái chết. Truyện Vũ nữ ở Idư (1962), luôn thấp thoáng cái chết, và gợi lại cả thuyết luân hồi nhà Phật: một thiếu nữ bị người yêu bỏ rơi, người yêu sau đó bị tai nạn chết; cô đi tìm hồn anh trong một bông hoa mai.
Những sáng tác của Kawataba cũng thể hiện cái Đẹp, biểu hiện của xung năng Sống, đối lập với đối trọng của Tình yêu là biểu hiện của xung năng Chết. Đó là hai cực của một công trình sáng tác mang chất thơ của trào lưu “cảm xúc mới” do ông đề ra. Nghệ sĩ luôn luôn đi tìm cái Đẹp, tôn thờ hoặc sáng tạo một cái Đẹp tuyệt đối, vượt thời gian, không gian, lễ nghĩa, vì cái Đẹp, nghệ thuật, có thể là sự thành công của cái Sống chống lại sự hủy hoại của cái Chết.
Kawabata muốn tìm gốc rễ cái Đẹp Nhật Bản ở thời Hêian (thế kỷ VII-XII) có một nền văn hóa ngọt ngào nữ tính; ông cho đó mới là bản chất thật của dân tộc Nhật, chứ không phải sắc thái nam nhi thượng võ. Dĩ nhiên, ông gắn bó với truyền thống Cố đô Kyoto, nổi tiếng về tranh lụa, sơn mài, cắm hoa, trà đạo… (Truyện kể về Ghengi). Tình yêu thiên nhiên là một đặc trưng của tâm hồn Nhật: “Tuyết, mặt trăng, hoa anh đào, những từ nói lên cái đẹp bốn mùa chuyển hóa, kết tinh tất cả truyền thống Nhật về cái đẹp núi sông, cây cỏ, hàng nghìn thể hiện phản ánh thiên nhiên và muôn nghìn tình cảm của con người”. Cái nền của sự gắn bó với thiên nhiên là tư tưởng phương Đông, Trung Quốc, Phật giáo, cái Đẹp của sự vật phù du… Trong những sự vật phù du, cái Đẹp của thân thể phụ nữ, vừa là tình dục vừa vượt qua tình dục. Tiểu thuyết Những người đẹp trong giấc điệp, được nhà văn Columbia Garcia Marquez coi là kiệt tác kể về một ông già năm lần đến một nhà chứa đặc biệt để ngắm thân thể những cô gái còn trinh đã uống thuốc ngủ cực mạnh. Chỉ để ngắm cái Đẹp thôi vì họ bất lực, đồng thời gợi lại những ảo giác tình dục xưa vượt lên tình dục, còn là sự tương phản siêu hình giữa cái Sống (cái Đẹp) và sự suy thoái hủy hoại của cái Chết.
Sáng tạo của Kawabata thấm nhuần ý thức tha hóa và mất mát, sự tìm kiếm một cái đẹp thuần túy, siêu nhiên thường gặp ở một phụ nữ hay một người tế nhị nữ tính. Các tác phẩm đều miêu tả một tâm hồn cô đơn đi tìm an ủi trong cái đẹp và cái tốt bẩm sinh của một phụ nữ trẻ. Ông được giải Nobel vì “nghệ thuật viết tuyệt vời và tình cảm lớn thể hiện được bản chất của tư duy Nhật” (Đánh giá của Ban giám khảo).
Hai trăm trang giấy, mười ba năm lao động ngệ thuật: Xứ tuyết đã mang lại cho Kawabata giải thưởng Nobel Văn học năm 1968. Xứ tuyết là một bản nhạc giao hưởng thiên về gợi cảm hơn tả cảnh, tả nội tâm là chính, miêu tả bên ngoài có khi rất tỉ mỉ nhưng là ngôn ngữ biểu tượng. Những chủ đề đan lồng vào nhau: tình yêu, ý nghĩa cuộc sống và cái chết, quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, con người và thiên nhiên, cái đẹp và cái thiện.
Câu chuyện khá đơn giản. Shimamura đi nghỉ ở xứ tuyết tại cực Bắc nước Nhật. Anh đến đó sống một tình yêu mãnh liệt và mong tìm lại sự trinh bạch của tâm hồn ở một vùng tuyết trắng im lặng và xa đời sống gia đình và xã hội tầm thường của Tokyo. Anh có của, có lòng, tôn thờ cái đẹp, nhưng chưa tìm được ra bản sắc cái “tôi” của mình, nên sống hững hờ. Kỹ nữ Kômakô, xinh đẹp, tài hoa và tự trọng, yêu anh một cách say mê, hiến cho anh những rung động của tấm thân ngà ngọc; cô không cần biết đến ngày mai, và trái với anh, cô tìm thấy trong mối tình tạm bợ ấy một cái gì tuyệt đối. Nhưng cùng một lúc, cũng ở xứ tuyết, Shimamura lại nuôi một mối tình lý tưởng: anh không bao giờ thổ lộ ra, nhưng anh luôn bị ám ảnh bởi đôi mắt sâu thẳm và tiếng nói tuyệt đẹp của Yôkô, tượng trưng cho tinh thần xả kỷ. Hai mối tình: một nặng về thể xác, một nặng về tâm hồn.
Kết luận câu chuyện bi thảm: ở một đám cháy nhà trong làng, Yôkô cứu các trẻ em và hy sinh trước mắt Shimamura và Kômakô. Sự kiện này cắt đứt mối tình của hai người. Shimamura sẽ không trở lại xứ tuyết lần thứ tư nữa; vì một trong hai mối tình bổ sung cho nhau đã chết.
Nguồn thế giới việt nam