Vì sao nhiều người Nhật lăn ra chết khi đang làm việc?

Đăng ngày 17/10/2016 bởi iSenpai

Chết vì làm việc quá độ được coi là một vấn nạn tại Nhật, có khi đến mức 10.000 người chết/năm

Người Nhật có biệt tài chế ra các từ mới – và có một số từ mà bất cứ dân văn phòng tự trọng nào cũng nên nhớ trong từ điển của riêng mình.Đó là từ arigata-meiwaku: nghĩa là ai đó làm giúp bạn một việc gì đó mà bạn không yêu cầu – trong thực tế, khiến bạn cảm thấy cực kỳ bất tiện – nhưng vì xã giao bạn buộc phải cảm ơn họ.

Hoặc từ majime: nghĩa là một đồng nghiệp nghiêm túc, đáng tin cậy có thể hoàn thành mọi việc mà không gây ra bất cứ trắc trở nào.

Nhưng có một từ đặc biệt trong tiếng Nhật mà chẳng ai muốn liên quan đến nó: karoshi, dịch ra có nghĩa là “chết vì làm việc quá độ”.

Các phúc trình về những lao động chính trong gia đình chết vì làm việc quá độ đã trở thành chủ đề nóng trong hàng thập niên.

Nhưng liệu đó có phải chỉ là một huyền thoại ở đô thị?

Không, hoàn toàn không.

Hội chứng xã hội này lần đầu tiên được ghi nhận là năm 1987, khi Bộ Y tế Nhật Bản bắt đầu ghi nhận các ca chết đột ngột từ hàng loạt các giám đốc điều hành đang trong giai đoạn thăng tiến.

Hội chứng này lan rộng ở Nhật Bản tới mức nếu một người chết và cái chết được xem là vì làm việc quá độ, gia đình nạn nhân được chính phủ đền bù khoảng 20.000đô la Mỹ/năm và công ty đó có thể trả một lần đền bù là 1,6 triệu đô la Mỹ.

Ban đầu chính phủ ghi nhận vài trăm ca chết người mỗi năm. Nhưng vào năm 2015, số trường hợp được ghi nhận đã tăng đến 2.310 người, theo một phúc trình của Bộ Lao động Nhật Bản.

Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Nạn nhân Karoshi, con số thật sự có thể cao đến 10.000 – gần bằng số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm.

Nhưng liệu bạn có thể chết vì làm việc quá độ? Hay thực ra đó chỉ là những trường hợp không phát hiện ra các vấn đề sức khỏe?

Trong một thế giới ngày càng được liên kết thông suốt, nơi công nghệ khiến chúng ta quay trong guồng suốt 24/7, giờ làm việc ngày càng tăng lên. Liệu chết vì làm việc quá độ có thể xảy ra mà người ta không nhận thức được?

“Chết trên bàn làm việc”

Một trường hợp điển hình của cái chết karoshi có thể mô tả như sau. Kenji Hamada là nhân viên của một công ty chứng khoán có trụ sở tại Tokyo. Anh có một người vợ trẻ hết lòng tận tụy với chồng và là một nhân viên rất có đạo đức công việc. Một tuần làm việc của anh là 15 giờ/ngày và bốn tiếng đồng hồ mệt nhừ vì di chuyển trên đường.

Một ngày nọ, người ta tìm thấy anh gục trên bàn làm việc, đồng nghiệp nghĩ anh thiếp đi vì buồn ngủ. Khi anh không động đậy gì suốt nhiều giờ sau đó, họ nhận ra anh đã chết. Anh chết vì đau tim, ở tuổi 42.

Mặc dù Hamada chết năm 2009, nhưng người đầu tiên chết vì làm việc quá độ đã có từ 40 năm trước – khi một thanh niên 29 tuổi khỏe mạnh bị đột quỵ sau khi kéo dài thời gian ca làm việc trong bộ phận phát hành của tờ báo lớn nhất nước.

“Sau khi thua cuộc trong Thế chiến Thứ Hai, người Nhật làm việc với thời gian dài nhất thế giới – họ là những con nghiện công việc ở mức nặng nhất,” Cary Cooper, một chuyên gia về căng thẳng tại Đại học Lancaster, nói.

Trong thời hậu chiến, công việc khiến đàn ông có lại cảm giác sống có mục đích, làm việc không chỉ vì có tiền, mà họ có thêm động lực về mặt tâm lý.

Các công ty chào đón trật tự mới này và bắt đầu cấp quỹ cho công đoàn, các nhóm văn hóa và hệ thống nhà cửa công ty, phương tiện di chuyển, các nơi vui chơi giải trí, phòng khám chữa bệnh và trung tâm chăm sóc trẻ em. Trước đó, công việc là mối quan tâm lớn nhất của cuộc sống.

Hàng thập niên sau đó, giữa thập niên 1980, tình hình ngoặt qua một ngõ tối.

Những điều bất thường trong hệ thống kinh tế đã khiến giá cổ phiếu và bất động sản tăng nhanh và không ổn định. Hệ quả là kinh tế thình lình tăng trưởng quá nhanh, gọi là “bong bóng kinh tế”, đẩy những người làm công ăn lương ở Nhật đến mức giới hạn chịu đựng tối đa.

Trong đỉnh cao bong bóng kinh tế, gần bảy triệu người (khoảng 5% dân số Nhật Bản thời đó) làm việc đến 60 giờ/tuần. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Anh Quốc và Đức vẫn đang làm việc theo thời khóa biểu từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Theo một khảo sát tiến hành năm 1989, 45,8% các trưởng bộ phận và 66,1% trưởng ban trong các công ty lớn nghĩ chính họ rồi cũng sẽ chết vì làm việc quá độ.

Cuối thập niên 1980, có quá nhiều dân văn phòng chết trên bàn làm việc đến mức chính phủ phải bắt đầu để tâm đến hiện tượng. Karoshi trở thành vấn đề khẩn cấp mà công chúng quan tâm và Bộ Lao động bắt đầu đưa ra các con số thống kê.

Một trường hợp bị coi là chết vì karoshi khi nạn nhân phải làm việc hơn 100 giờ ngoài giờ trong tháng mà họ chết – hoặc 80 giờ thêm giờ trong hai tháng liên tiếp trong vòng sáu tháng trước khi chết.

Khi bong bóng kinh tế sụp đổ vào đầu thập niên 1990, văn hóa làm việc quá độ càng trở nên tồi tệ. Trong các năm sau này, vốn là khoảng thời gian được biết đến như “thập niên mất mát”, số người chết vì karoshi đạt đến mức như bệnh dịch, số người làm quản lý và chuyên gia chết vì làm việc quá độ tăng đỉnh điểm.

Số người trung niên chết với những căn bệnh không được phát hiện sớm, như bệnh tim, tiểu đường, có thể là một phần nguyên nhân. Số lượng tử vong ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh, đang trong thời đỉnh cao cuộc đời, như các bác sĩ, giáo sư đại học, kỹ sư, còn đáng báo động hơn.

Làm việc quá độ có thể chết người?

Trong hàng ngàn trường hợp chết người, người ta nhắc tới hai thủ phạm chính: đó là sự căng thẳng và thiếu ngủ.

Thế nhưng những nguyên nhân này có thể gây chết người không?

Đi làm sau một đêm thức trắng có thể khiến bạn cảm thấy khủng khiếp. Nhưng rất hiếm có bằng chứng nào cho thấy thiếu ngủ có thể giết người nhanh chóng.

Trong khi đó, có rất nhiều bằng chứng cho thấy thiếu ngủ có thể gây chết người gián tiếp – vì nguy cơ tăng khả năng bị bệnh tim, rối loạn hệ miễn dịch, tiểu đường và ung thư – không có cái chết nào của con người từng được ghi nhận là do thức quá nhiều. Sẽ không tốt cho sức khỏe trong thời gian dài, nhưng có vẻ như bạn sẽ không tự nhiên lăn ra chết sau những đêm thức trắng ở văn phòng.

Kỷ lục Guiness Thế giới về thời gian thức dài nhất thuộc về Randy Gardner, người thức liên tục 264 giờ (11 ngày) vào năm 1964. Trong ngày cuối cùng, ông tổ chức cuộc họp báo, ở đó ông nói không rõ ràng – và sau đó chìm vào giấc ngủ kéo dài 14 giờ và 40 phút. Ông vẫn còn sống và hiện đang ở San Diego.

Trái với những gì bạn trông đợi, không có bằng chứng nào cho thấy căng thẳng – hay ít nhất tự thân sự căng thẳng – có thể gây đau tim hay thậm chí bệnh tim.

Tuy nhiên, căng thẳng có thể dẫn đến những thói quen xấu (như hút thuốc, uống rượu hay chế độ ăn uống không lành mạnh), và điều này có thể dẫn tới cái chết.

Nhưng nếu bạn tính cả những căn bệnh chết người từ từ như ung thư thì sao?

Người ta thường cho rằng căng thẳng gây chết người, nhưng năm ngoái một nhóm nhà khoa học ở Đại học Oxford quyết định nghiên cứu sâu hơn.

Nghiên cứu có tên Một triệu Phụ nữ theo dõi sức khỏe của khoảng 700.000 phụ nữ trong vòng một thập niên. Trong thời gian đó, 48.314 người đã chết.

Khi phân tích dữ liệu, các nhà khoa học nhận thấy những phụ nữ tự đánh giá họ bị căng thẳng, ít hạnh phúc, không khỏe mạnh và ít kiểm soát được cuộc sống thì khả năng chết sẽ cao hơn.

Nhưng họ cũng là nhóm đối tượng mà ngay từ khi bắt đầu thực hiện cuộc nghiên cứu họ đã không khỏe bằng những người khác – họ bị căng thẳng vì họ đau yếu.

Khi các nhà nghiên cứu đưa yếu tố này vào, cùng với những hành vi rủi ro như hút thuốc, thì mối liên hệ biến mất. Căng thẳng và không hạnh phúc không phải là nguyên nhân gây chết người.

Có vẻ như ngay cả trong một ngày hay một tháng hay cả năm cực kỳ, cực kỳ căng thẳng, công việc nơi văn phòng cũng không thể khiến một người khỏe mạnh xuống mồ nhanh chóng.

Ngồi một chỗ trong văn phòng

Điều đáng lưu ý là, căng thẳng hay thiếu ngủ có thể không gây ra hiện tượng chết trên bàn làm việc, mà chính là thời gian ở trong văn phòng.

Thông qua phân tích thói quen và chỉ số sức khỏe của hơn 600.000 người, năm ngoái, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng nếu ai đó làm việc 55 giờ/tuần có nguy cơ bị đột quỵ gấp ba lần so với người làm việc dưới 40 giờ/tuần.

Người ta vẫn chưa rõ tại sao, nhưng các tác giả suy đoán có thể đơn giản là vì người ta ngồi ở bàn làm việc quá lâu.

Vấn đề là người Nhật không còn là những người làm việc nhiều giờ nhất nữa.

Vào năm 2015, trung bình một nhân viên ở Nhật làm việc với thời gian thấp hơn nhân viên ở Mỹ – trong khi những người làm việc quá giờ nhiều nhất thế giới là ở Mexico.

Đúng như ta dự đoán, các báo cáo về số lượng người chết vì làm việc quá độ bên ngoài Nhật Bản đang gia tăng.

Tại Trung Quốc, mỗi nămg có khoảng 600.000 người chết vì guolaosi (cụm từ chỉ việc chết vì làm việc quá độ theo tiếng địa phương), tương đương khoảng 1.600 người mỗi ngày.

“Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc – thế hệ kế tiếp của các nền kinh tế đang nổi đang đi theo con đường tương tự, họ theo đúng phong trào hậu chiến của Nhật với giờ làm việc dài,” Richard Wokutch từ Trường Virginia Tech, Virginia, một giáo sư ngành quản lý là tác giả của quyển sách về an toàn trong sự nghiệp ở Nhật Bản, nói.

“Chẳng phải là ở khu tài chính ở London cũng có những trường hợp như vậy sao? Chỉ là chẳng có từ nào dành riêng cho hiện tượng đó cả,” Cooper nói.

Ông nói đúng. Vào tháng 8/2013, một thực tập sinh tại Bank of America Merrill Lynch là Moritz Erhardt được phát hiện đã chết trong phòng tắm sau 72 giờ làm việc liên tục.

Người ta phát hiện ra thanh niên 21 tuổi này chết vì động kinh, có thể do thời gian làm việc quá vất vả gây ra, một cuộc điều tra sau đó cho biết.

Sau cái chết, ngân hàng này giới hạn ngày làm việc của thực tập sinh xuống chỉ còn 17 giờ.

Vậy thứ văn hóa làm việc bất chấp sức khỏe có phải là nguyên nhân gây chết? Theo Cooper, đúng thế.

Ở rất nhiều quốc gia, một phần của vấn đề không phải là vì văn hóa làm việc chăm chỉ, mà là thể hiện là mình làm việc chăm chỉ.

“Giờ đây, nó có nghĩa là xuất hiện ở nơi làm việc – là đến làm sớm và về trễ – nhưng điều đó chỉ phản tác dụng thôi,” ông nói.

Ở Nhật Bản, rất nhiều người trẻ cảm thấy khó mà dám rời văn phòng trước sếp. “Khi tôi làm việc ở đó, mọi người thường lấy ra một tờ báo vào cuối ngày làm việc. Họ không rời văn phòng, cho dù họ có thể đang đọc mục kinh doanh, nhưng không chính xác là họ đang tập trung vào công việc,” Wokutch nói.

Vì thế lần tới nếu bạn thấy mình đang ngồi trong công ty mà lại cập nhật trạng thái trên mạng xã hội hay đọc những từ tiếng Nhật ngớ ngẩn trên internet, hãy nhớ rằng: ở lại công ty trễ có thể đem lại nguy cơ dẫn đến cái chết tại nơi làm việc đấy!

Theo REDS/BBC CAPITAL

Trả lời