Tại diễn đàn “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Nhật Bản 2015” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 31-7, đại diện cho 30 Tập đoàn và các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang tìm hiểu đầu tư tại TPHCM, ông Mukuta Satochi – Giám đốc điều hành cấp cao của Liên đoàn Kinh tế Keidanren cho rằng Việt Nam được coi là cửa ngõ vào ASEAN của Nhật Bản. Vào cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành thì Việt Nam càng trở nên quan trọng với tư cách là một cứ điểm kinh doanh trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Nhật Bản.
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, trong thời gian vừa qua, TPHCM đã tập trung đơn giản hóa và công khai quy trình đối với đầu tư nước ngoài; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý; thủ tục đầu tư nhanh chóng (đăng ký doanh nghiệp 3 ngày, đăng ký đầu tư 15 ngày); giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quan (97% kê khai thuế điện tử, thủ tục thuế rút ngắn còn 171 giờ trong năm 2015).
Tại diễn đàn, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cũng đã giới thiệu đến các DN Nhật Bản những dự án trọng điểm mà thành phố đang mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: đường sắt đô thị, xử lý nước thải và thương mại. Đối với dự án đường sắt đô thị, tuyến monorail số 2 và tuyến monorail số 6 là hai dự án TP mong muốn kêu gọi sự đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong lĩnh vực xử lý nước thải, TP mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia Dự án hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến là 49,54 triệu USD cho dự án nhà máy xử lý nước thải và 270,5 triệu USD cho dự án hệ thống thu gom.
Về lĩnh vực thương mại, thành phố mời gọi các nhà đầu tư tham gia Dự án khu thương mại ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành theo hình thức PPP. Thời gian lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 312 triệu USD.
Tại Diễn đàn, ITPC cũng đã tổ chức buổi kết nối đầu tư-thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản theo 5 nhóm lĩnh vực: công nghiệp (năng lượng, hóa chất, điện, điện tử, cơ khí, ô tô, nhựa, dệt may, sắt thép, khoáng sản, máy móc công nghiệp, tái chế…); nông nghiệp-công nghiệp chế biến thực phẩm; giao nhận-vận tải; xây dựng-bất động sản-môi trường; tài chính-ngân hàng-bảo hiểm-nhân sự.
Bà Võ Thị Phỉ – Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương nêu thắc mắc rằng công ty này đã xuất được gạo sang châu Âu, Mỹ, châu Phi. Công ty này có hẳn 500 ha trồng loại gạo japonica hạt tròn vốn là loại gạo thường dùng ở Nhật Bản, đạt các tiêu chuẩn ISO, HACCP, có hệ thống giám sát chất lượng và bảo đảm an toàn, thế nhưng tìm mãi mà không có cơ hội vào thị trường Nhật.
Giải đáp thắc mắc cho các DN gạo nói chung, ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán thương mại của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết Nhật có thể tự cung cấp gạo trong nội địa với các loại gạo đặc biệt mà ta không trồng được. Do đó gạo Việt xuất sang Nhật rất ít, chỉ khoảng 2 triệu USD/năm và chủ yếu là dạng đấu thầu chính phủ.
Do đó muốn xuất gạo sang Nhật thì DN Việt Nam chỉ có cách liên kết với DN Nhật Bản chứ không thể trực tiếp tham gia đấu thầu. Đặc biệt, gạo Việt gần như không xuất hiện tại thị trường bán lẻ của Nhật. Gạo Việt chỉ dùng chính vào vài mục đích ở Nhật như làm hồ dán công nghiệp, xuất đi viện trợ cho châu Phi… Thay vì xuất gạo thì DN nên tìm cách chế biến gạo thành các sản phẩm như rượu, bún, bánh gạo, phở… thì mới có cơ hội.
Ông Joshitaka Kurihara, cố vấn của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), cũng khẳng định cơ hội đưa gạo sang Nhật là rất khó vì phải cạnh tranh với rất nhiều loại gạo tại Nhật lẫn gạo nhập khẩu từ nước khác. Vì vậy gạo Việt Nam dù chất lượng nhưng giá cao thì cũng thua.
Ông gợi ý hiện Indonesia dự báo rất cần gạo nhập khẩu do họ bị mưa nhiều, giảm lượng gạo tự sản xuất. Ở Indonesia có khá nhiều siêu thị Nhật, người Nhật nên sẽ cần gạo cho đối tượng này và DN Việt Nam có thể tìm cách xuất gạo sang Indonesia.
(Theo Trí Thức Trẻ)