Việt Nam – Nhật Bản và những khác biệt văn hoá (phần 1)

Đăng ngày 10/10/2014 bởi Dao Xuan

Dù đều mang nét văn hoá Á Châu nhưng giữa nền văn hoá Việt Nam và Nhật Bản vẫn có những điểm khác biệt nhất định. Việc hiểu và lý giải được những nét khác biệt đó sẽ phần nào giúp bạn tránh được cú sốc văn hoá cũng như dễ hoà nhập với môi trường sống mới.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là người Nhật thường xuyên sử dụng những lời “cảm ơn”, “xin lỗi”. Điều này gây không ít bất ngờ, thậm chí khó hiểu cho những ai lần đầu tiên đến Nhật. Trong khi người Việt chỉ cảm ơn khi bản thân mình nhận một ân huệ nào đó và xin lỗi khi mình gây ra một điều thực sự phiền toái cho người khác. Thậm chí, việc nói lời cảm ơn không phải xảy ra với mọi đối tượng. Người miền Nam hay nói những lời này hơn là người miền Bắc. Nói thế không có nghĩa là người miền Bắc kém lịch sự, mà theo họ, những lời nói đó mang lại cảm giác ngại ngùng, xa lạ. Những câu nói đó có thể kéo dài khoảng cách giữa họ. Đổi lại họ có cách thể hiện lòng biết ơn cũng như sự hối lỗi của mình theo một cách khác.

q1

Văn hoá Việt Nam và Nhật Bản vẫn có những điểm khác biệt nhất định. Ảnh Báo Công Thương

Còn ở Nhật thì sao? Người Nhật liên tục sử dụng những câu “cảm ơn”, ” xin lỗi” như một thói quen hàng ngày. Nhiều người Việt không hiểu tại sao người Nhật lại “thích” dùng những từ đó đến thế, bởi có những trường hợp hoàn toàn không cần thiết, có khi còn khá ngược đời. Ví dụ, đang đi trên đường, do không để ý bạn vô tình va phải một người khác. Lúc đó rất có thể bạn sẽ nhận được một câu xin lỗi từ chính người mà bạn vừa va phải. Nếu là ở Việt Nam, người phải xin lỗi chính là bạn. Đó là khác biệt rất lớn.

Để lý giải điều đó, cần đứng trên góc độ văn hoá để nhìn nhận. Nhật Bản là một dân tộc hùng mạnh, ở đó mối quan hệ giữa người với người luôn được coi trọng. Người Nhật sống không phải vì mình mà sống cho người khác, sống cho xã hội. Do vậy mà họ luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Họ không tiếc lời nói của mình miễn sao làm hài lòng đối phương. Trong khi đó người Việt ngày nay luôn trọng cái “tôi”, đề cao bản thân, không thích làm những chuyện gây tổn hại tới danh dự cá nhân. Việc nói xin lỗi, cảm ơn như một sự hạ thấp mình.

Nói vậy không có nghĩa là người Việt không bao giờ nói “cảm ơn”, “xin lỗi”. Ở đây chỉ xét về mức độ cũng như phạm vi đối tượng sử dụng mà thôi.

q2

Cảm ơn, xin lỗi là những từ ngữ phổ biến ở Nhật. Ảnh: Shinbest

Cũng với lối tư duy tránh làm mất lòng người khác trên, người Nhật hiếm khi nói “không” với người không thân thiết. Thay vào đó, họ thường nói vòng vo và mong muốn nhận được sự thấu hiểu của đối phương khi giao tiếp. Họ không bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình rõ ràng mà luôn giữ cảm xúc đó ơ một giới hạn rất mơ hồ. Do vậy không phải dễ dàng để biết được liệu đối phương đang nghĩ gì, cảm nhận như thể nào. Ví dụ, khi được rủ đi xem phim mà không thể đi, họ thường thể hiện ý muốn đi nhưng sau đó sẽ đưa ra những lí do khách quan, thậm chí không đưa ra một lý do cụ thể nào hết bằng cách nói lấp lửng . Còn ở Việt Nam, đa số người ta sẽ nói ra vấn đề của mình rằng có việc bận, hoặc thậm chí nói thẳng là không muốn đi vì một lí do nào đó. Đối với tư duy người Việt, nói thẳng ra vấn đề chính là cách minh chứng cho sự thành thật của mình đối với đối phương.

Người Nhật rất đúng giờ – đó là nhận định mà hầu hết người nước ngoài đưa ra khi tiếp xúc với người Nhật, với văn hoá Nhật. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi đối chiếu lịch trình giờ tàu chạy với điểm thời gian thực tế mà tàu đến ga, hoặc khi sắp xếp một cuộc hẹn với người Nhật và luôn thấy họ đến trước giờ hẹn ít nhất 5 phút. Thói quen đó ăn sâu vào mỗi cá nhân và dần trở thành một quy tắc ngầm, một ý thức cơ bản. Người Nhật luôn tránh làm phiền người khác. Do vậy tới trễ hẹn được coi là hành vi thiếu lịch sự, làm tổn hại tới người khác. Việc đúng giờ là điều nên làm trong mọi tình huống. Vì thế mà ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng nhân viên công ty chạy vội cho kịp giờ làm, cảnh bước chân vội vã trên khắp các đường phố.

Trong khi đó, ý thức tuân thủ nguyên tắc về thời gian ở Việt Nam dường như chưa được đề cao đúng mức. Việc trễ hẹn năm bảy phút là chuyện thường tình. Và cũng chẳng mấy ai phàn nàn về điều đó bởi nó đã ăn sâu vào nếp sống. Và sự cố gắng để thay đổi một hành vi mà cả xã hội chấp nhận dường như không mấy được lưu tâm.

Có thể có những ngoại lệ và nhiều cách lí giải cho những sự khác biệt này. Tuy nhiên dù ở góc độ nào đi nữa thì việc thừa nhận chúng và thay đổi để thích nghi với môi trường sống ở Nhật Bản là điều nên làm.

Đào Xuân chia sẻ với iSenpai

Trả lời