Những quảng cáo xuất khẩu lao động Nhật Bản với mức lương cao đã làm nhiều người mất tiền, mất của đi cho bằng được rồi phải rớt nước mắt khi tay trắng trở về.
Tang Xili xuất khẩu lao động sang Nhật từ năm 2013 với hi vọng kiếm đủ tiền xây nhà mới cho con gái thế nhưng rốt cục cô lại phải chạy tới “nhà chờ” của hiệp hội lao động sau khi bỏ việc tại một công ty Nhật.
Công ty này hiện đang nợ cô số tiền lương lên tới khoảng 3.5 triệu Yên.
Người phụ nữ 35 tuổi từ Nghi Chinh, Trung Quốc cho biết chị đã lao động quần quật 6 ngày/tuần nhưng thời gian làm tăng ca của chị bị trả thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu. Chị không thể chuyển đổi công ty do bị ràng buộc bởi điều kiện visa.
“Tôi thực sự hối hận vì đã tới Nhật nên không khuyến khích đồng hương của mình tới đây để chịu cảnh tương tự”, Tang chia sẻ khi tạm trú tại Hashima, tỉnh Gifu để cố đòi lại số lương bị nợ đọng.
Công ty Takara Seni, một doanh nghiệp dệt may ở tỉnh Kagawa là nơi mà chị Tang từng làm việc. Giám đốc Điều hành công ty, ông Yoshihiro Masago từ chối bình luận về trường hợp của Tang nhưng khẳng định công ty đang rất cần lao động xuất khẩu.
Xuất khẩu lao động theo chương trình đào tạo của chính phủ
Tang chỉ là một trong số hơn 180.000 lao động xuất khẩu sang Nhật Bản theo chương trình đào tạo của chính phủ. Chương trình này cung cấp cho công nhân tại các nước đang phát triển những kĩ năng cần thiết để có thể quay trở lại phục vụ tại quê nhà.
Tuy nhiên, theo các tài liệu chính phủ cung cấp và các cuộc trò chuyện với cán bộ, doanh nghiệp và nhân viên, đi ngược lại mục đích tốt đẹp ban đầu của chương trình, nhiều công ty Nhật Bản đã lợi dụng lách luật để tranh thủ nguồn lao động rẻ mạt.
Chương trình bắt đầu từ năm 1993 đào tạo lao động cho 72 ngành nghề thuộc các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy hải sản, xây dựng, chế biến thực phẩm và dệt may.
Thường là các đại diện môi giới Nhật và nước sở tại làm việc cùng nhau để sắp xếp lao động. Theo bộ tư pháp, tính tới tháng 1/2015, đã có 31.320 công ty sử dụng chương trình này để tuyển lao động.
Chị Tang cho biết chị đã phải nộp hơn 30.000 NDT cho công ty môi giới ở Trung Quốc để có thể sang Nhật lao động với niềm tin sẽ kiếm được 5 triệu Yên mang về như lời hứa của công ty môi giới.
Chính vì động lực này Tang mới quyết tâm để lại cô con gái 9 tuổi để gia nhập công ty Takara Seni.
Các ngày trong tuần, công nhân ở đây phải làm việc từ 7h sáng cho tới 8:35 tối mà chỉ được nghỉ đúng 1 giờ. Lương trả theo giờ cho mỗi ngày làm việc quần quật 9 tiếng là 700 Yên trong khi lương ngoài giờ khi làm việc vào thứ bảy chỉ được có 400 Yên/giờ.
Tại khu kí túc xá, công nhân có thể kiếm thêm bằng cách nhận khoán theo sản phẩm, đơm cúc và cắt chỉ thừa. Có nhiều người miệt mài làm tới tận 2h sáng, chị Tang cho biết thêm.
Cũng theo Tang, chị cầm về được khoảng 140.000 Yên/tháng sau khi trừ các khoản tiền thuê nhà, các chi phí sinh hoạt và phí Internet. Mặc dù số tiền kiếm về gấp đôi so với hồi chị ở quê nhưng công sức chị bỏ ra cũng nhiều gấp đôi.
Công ty thậm chí còn cấm công nhân sử dụng điện thoại và giữ sổ tiết kiệm của công nhân để tránh họ bỏ trốn mỗi dịp về thăm nhà.
Ông Masago cho biết càng ngày càng khó tuyển dụng được lao động Trung Quốc giá rẻ nhưng tăng lương cũng khó vì ngành dệt may nước này đang phải cạnh tranh với các sản phẩm dệt may nhập khẩu giá rẻ.
Bộ Lao động đã điều tra 3.918 công ty và phát hiện 76% trong số đó vi phạm luật lao động năm 2014 khi chỉ trả công nhân 310 Yên/giờ và bắt công nhân làm thêm tận 120 giờ/tháng so với quy định là 45.
Cùng trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã cấm 241 doanh nghiệp và công ty môi giới không được tuyển nhân công theo chương trình này trong vòng 5 năm.
Được truyền tai về sự vất vả khi sang Nhật lao động từ những người đi trước cùng với mức lương cao hơn ở Trung Quốc, số lao động tập sự sang Nhật đã giảm 14% xuống còn 96.120 tính tới tháng 6/2015.
Đây là lý do tại sao các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng sang tìm kiếm lao động giá rẻ tại Vietnam, Philippines và Indonesia.
Bỏ tiền ra để được lao động để rồi ra về trắng tay
Chị Tang và 8 công nhân Trung Quốc đã tới nơi “nhà chờ” ở Hashima nơi thường được gọi là “Thị trấn dệt may” từ tháng 1/2016. Anh Zhang Wenkun, 36 tuổi, đã tới ở đây được 3 tháng rồi.
Trước khi tới đây, Zhang làm việc tại Nobe Kogyo, một công ty tái chế rác thải xây dựng ở tỉnh Tochigi nhưng không may bị máy nghiền gỗ làm bị thương ở tay. Trong 3 tháng nghỉ việc, anh Zhang được bảo hiểm thanh toán.
Thế nhưng, khi quay trở lại làm việc, tay Zhang vẫn bị đau nên đã bị đuổi thẳng cổ. “Chương trình này là một thất bại lớn”, Zhang bức xúc lên tiếng trong lúc cho chúng tôi xem cổ tay bị tổn thương nghiêm trọng và giờ đây gần như “vô dụng”.
Zhang cũng cho biết 3 người đồng nghiệp cũ của anh cũng bỏ trốn khỏi công ty cũ, một trong số đó kể lại anh ta bị chính đồng nghiệp người Nhật ngược đại.
Anh Zhang hiện đang phải làm “chui” để kiếm tiền trở về Trung Quốc, gần như tay trắng sau khi phải trả hơn 60.000 NDT cho môi giới để sang lao động tại Nhật.
“Giấc mơ làm giàu của tôi thế là tan thành bong bóng xà phòng. Thực tế quá phũ phàng”, Zhang chia sẻ qua cuộc điện thoại từ Wafangdian, ngoại ô Dalian.
Nobe Kogyo, công ty mà Zhang từng làm từ chối phỏng vấn và bình luận về lời cáo buộc trên.
Ông Motohiro Onda, hiện đang công tác tại Cục tiêu chuẩn lao động thuộc Bộ lao động không xác nhận liệu hai công ty Takara Seni và Nobe Kogyo có bị điều tra hay không vì cục không tiết lộ thông tin về các trường hợp cụ thể.
Nền công nghiệp ở Hashima hiện đang chết dần chết mòn vì sự cạnh tranh từ nước ngoài. Để tiếp tục tồn tại, các công ty Nhật Bản cần thay đổi cách ứng xử với công nhân nước ngoài, ông Satoshi Matsui, Thị trưởng Hashima cho hay.
Theo Tri Thức Trẻ