Momofuku Ando – cha đẻ của Mì ăn liền

Đăng ngày 23/03/2015 bởi iSenpai
Momofuku Ando, người Nhật Bản còn được gọi là “Vua mỳ ăn liền” hoặc “Cha đẻ của mỳ ăn liền”. Ông đã từng có tên trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở châu Á do Tạp chí Time Asia bình chọn.

Khởi nghiệp

Momofuku Ando sinh năm 1910, tại Đài Loan (là thuộc địa của Nhật lúc đó), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Ando sống với ông bà, lớn lên làm việc trong cửa hiệu bán vải lụa của ông nội. 22 tuổi, Ando sử dụng tài sản thừa kế từ cha mẹ làm vốn mở một công ty kinh doanh sợi dệt. Hồi ấy, do ít người buôn hàng dệt kim nên công ty của ông có điều kiện ăn nên làm ra. Nhờ thế, một năm sau, Ando đã đủ vốn sang Nhật Bản mở công ty “Nhật Đông Thương hội” ở Osaka, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Đồng thời ông cũng theo học khoa kinh tế của trường đại học Ritsumeikan ở đây.

Cuối thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, các đợt ném bom rải thảm của quân đội Đồng Minh đã san bằng thành gạch vụn hầu như tất cả các đô thị và cơ sở công nghiệp ở Nhật; trong đó có nhà máy và cửa hiệu của Ando.

Nền kinh tế cả nước bị tàn phá thảm hại chưa từng thấy, hàng chục triệu người không có việc làm; lương thực và năng lượng như điện, than, dầu đều vô cùng khan hiếm. Không chịu bó tay chờ sự cứu tế của người Mỹ, Momofuku Ando chuyển sang kinh doanh hàng bách hóa và thực phẩm.

Năm 1948, ông lập công ty thực phẩm Nissin. Đầu tiên công ty này sản xuất muối ăn. Sau khi thấy mọi người cực khổ xếp hành dài ngoài phố trong băng tuyết để chờ mua một tô mì nóng, Ando băn khoăn với ý nghĩ nếu có thể làm ra một loại mỳ sợi chẳng cần đun nấu lâu, chỉ cần cho nước sôi vào ăn thì tiện lợi biết bao và thế là mì ăn liền đã ấp ủ ra đời.

Ý tưởng thành hiện thực

Để đưa ý tưởng của mình thành hiện thực, Ando đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức, trải qua hàng trăm lần thí nghiệm. Khó nhất là làm thế nào để sợi mỳ có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay.

Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ngày 25/8/1958, Ando sản xuất thành công lô mỳ ăn liền đầu tiên. Để sợi mỳ có vị ngon, ông ngâm nó vào loại xúp nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi xấy khô và mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin (nói nhái tiếng Anh chicken) Ramen. Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào đậy kín, để trong vòng 3 đến 5 phút là ăn được ngay, hết sức tiện lợi.

Để sản xuất với quy mô lớn, tháng 12 năm ấy, Ando mở rộng công ty Thực phẩm Nissin Food Products Co. giúp cho mì Ramen mau chóng tăng sản lượng.

Công nghệ chiên dầu của Ando về sau còn được áp dụng cho nhiều loại thức phẩm khác, nhờ thế mà ngày nay trên thị trường có bán đủ thứ trái cây chiên ngon miệng.

Năm 1962, công ty của Ando chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mỳ ăn liền. Nhưng đến năm 1964, Ando lại có một cử chỉ hào hiệp là chấm dứt độc quyền sản xuất mỳ ăn liền, thành lập Hội Công nghiệp Mỳ sợi Nhật Bản và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác, để họ cùng được hưởng lợi.

Mở rộng thị trường

Ông bắt đầu nghĩ rộng hơn, tới chuyện bán sản phẩm ra nước ngoài. Năm 1970, Nissin mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ. Ngày 18/9/1971, Mỳ ăn liền Nissin đựng trong bao xốp chịu nhiệt hình chiếc cốc (Cup Noodle) xuất hiện rồi từ đây mở rộng trên thế giới. Nhờ vậy, doanh thu của công ty và ngoại tệ cho nền kinh tế nước Nhật cũng thay đổi đáng kể.

Từ năm 1963, công ty Nissin niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo và Osaka khiến cho sản lượng mỳ ăn liền tăng lên nhanh chóng, thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Năm 1999, Momofuku Ando lập Nhà Bảo tàng Mỳ Ramen mang tên ông ở Ikeda thuộc quận Osaka (Momofuku Ando Instant Ramen Museum), cho mọi người đến tham quan.

Năm 2005 toàn thế giới đã tiêu thụ 85,7 tỉ gói mì ăn liền, bình quân mỗi người 12 gói, trong đó Nissin chiếm thị phần lớn nhất, với 10 tỉ gói. Công ty Nissin hiện có vốn 3 tỷ USD với 29 chi nhánh tại 11 nước.

Từ một món ăn thông dụng, mì ăn liền đã trở thành một trong các biểu tượng văn hóa của nước Nhật. Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây về những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, đa số người Nhật đã xếp mì ăn liền lên hàng đầu, trên cả karaoke, máy nghe nhạc Walkman và máy trò chơi Nintendo.

Nam Anh (tổng hợp)

Trả lời