10 chiến binh samurai nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật

Đăng ngày 09/12/2020 bởi iSenpai

Shimazu Yoshihisa

Là một trong những lãnh chúa nổi tiếng từ thời Sengoku tại tỉnh Satsuma, Shimazu Yoshihisa được xem là một trong những vị tướng vĩ đại nhất vào thời đó, ông cũng là người có công lớn trong việc thống nhất Kyushu. Trong trận chiến thống nhất Kyushu, Shimazu Yoshihisa đã giành được những chiến thắng nhất định, cùng với đó là một phần đáng kể của hòn đảo nằm dưới quyền gia tộc Shimazu trong vài năm, tuy nhiên cuối cùng ông đã bị đánh bại bởi Toyotomi Hideyoshi. Sau thất bại, Yoshihisa được cho là đã lui về ở ẩn, trở thành một nhà sư Phật giáo và dành khoảng thời gian còn lại của cuộc đời để sáng tác thơ.

Date Masamune

Date Masamune là một samurai quen thuộc với biệt danh Độc Nhãn Long, cùng hình ảnh chiếc mũ sắt có hình trăng lưỡi liềm trên đầu. Mất đi thị lực ở mắt phải từ khi còn nhỏ do căn bệnh đậu mùa, ông đã phải nỗ lực hết mình để được công nhận là một chiến binh.  Date Masamune cũng được biết đến như người sáng lập thành phố Sendai, thuộc tỉnh Miyagi hiện nay. Masamune cũng là một người có học thức và yêu thích nghệ thuật, ông cho khai thông kênh đào, nghiên cứu để tăng sản lượng nông nghiệp, xây dựng con đường lưu thông hàng hoá đến Edo để phát triển Sendai. Đồng thời, ông cũng cho mời những thợ mộc và chuyên gia từ Kyoto đến, tạo nên những nét kiến trúc văn hoá độc đáo, vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay.

Uesugi Kenshin

Uesugi Kenshin là một trong những nhân vật quân sự quyền lực nhất Nhật Bản vào thế kỷ 16, một trong những lãnh chúa hùng mạnh vào thời kỳ Sengoku. Uesugi Kenshin là con trai thứ ba của người đứng đầu tỉnh Echigo ở đông bắc Nhật Bản. Với cái chết của cha ông vào năm 1543, quyền kiểm soát khu vực của gia đình cũng bắt đầu tan rã. Sau đó, ông không chỉ lập lại trật tự cho khu vực mà còn giành quyền kiểm soát các tỉnh lân cận, trở thành một trong những chiến binh mạnh nhất trên Đồng bằng Kantō ở trung tâm Honshu. Uesugi Kenshin nổi tiếng vì sự tinh thông binh pháp và lòng dũng cảm trong những trận chiến khốc liệt, đặc biệt là những trận đối đầu huyền thoại với Takeda Shingen.  

Tokugawa Ieyasu

Đây là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, sau trận chiến Sekigahara quan trọng vào năm 1600, Tokugawa Ieyasu trở thành người sáng lập và cũng là vị Shōgun đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa vào năm 1603. Chế độ chuyên quyền của Tokugawa đã mở ra một kỷ nguyên hòa bình thay thế ở Nhật Bản, kéo dài đến Minh Trị Duy Tân năm 1868. Tokugawa Ieyasu cũng là người góp công xây dựng Edo trở thành một thị trấn và bến cảng nhộn nhịp, có đầy đủ các nghệ nhân, thương nhân và lao động. Ông cho xây dựng lâu đài lớn nhất thế giới, một mạng lưới hào rộng trải dài, những bức tường đá cao chót vót, lan can dài bằng gỗ, những cánh cổng khổng lồ và những nhà kho chứa đầy gạo và tiền xu lớn. Xung quanh đó là những ngôi biệt thự mà các daimyo sinh sống.

Hattori Hanzo

Hattori Hanzo là một samurai và cũng là một ninja nổi tiếng của thời kỳ Sengoku, được cho là người đã cứu mạng và có công lớn trong việc hỗ trợ Tokugawa Ieyasu trở thành người thống nhất Nhật Bản. Ông có nhiều biệt danh khác nhau nhưng nổi tiếng nhất vẫn là “Bóng ma Hanzo” hay “Hanzo ác quỷ”, nguồn gốc của những cái tên đó là bởi sự quyết đoán, lạnh lùng, những bước di chuyển xuất thần nhập hóa và đôi khi là cả những hành động có phần tàn nhẫn của ông. Vào cuối đời, ông đã xây dựng một ngôi chùa Phật giáo, trở thành một nhà sư và đổi tên thành “Sainen”. Cho đến ngày nay đền Sainen-Ji vẫn hoạt động và nằm cách Akasaka và Shinjuku không xa.

Takeda Shingen

Thường được gọi là Con hổ xứ Kai, Takeda Shingen sinh ra vào năm 1521, vào thời kỳ diễn ra hàng loạt những cuộc thanh trừng đẫm máu với mục tiêu thống nhất đất nước giữa các nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản như Nobunaga Oda, Hideyoshi Toyotomi, Tokugawa Ieyasu,… Shingen là một vị lãnh chúa luôn được các thuộc hạ kính phục và sẵn sàng hi sinh vì ông bất cứ lúc nào, ông luôn là người chăm lo và thúc đất vùng đất nơi mình cai trị phát triển (thuộc khu vực Nagano lúc bấy giờ). Lịch sử ghi lại Takeda Shingen đã trải qua 70 cuộc chiến và hầu hết đều giành thắng lợi, chỉ có 3 lần không giành được chiến thắng, nhưng sau đó đối thủ của ông cũng đã nhận hàng. Vì lý do đó, các đối thủ của ông thời bấy giờ đều kiêng nể và gọi ông là “tướng quân bất bại”. Đồng thời, ông cũng là một trong số ít chiến binh khiến Nobunaga Oda phải e ngại khi đối đầu.

Honda Tadakatsu

Honda Tadakatsu là một chiến binh samurai lỗi lạc của thời kỳ Sengoku, nổi tiếng với sự phục vụ và lòng trung thành của ông đối với Tokugawa Ieyasu.  Với tư cách là một chiến binh và một tướng lĩnh cho Ieyasu, ông đã tham gia nhiều trận chiến lớn của thời đại bao gồm trận Mikatagahara (1572),  trận Nagashino (1575) và trận Sekigahara lịch sử (1600).  Honda Tadakatsu ưa chuộng sử dụng giáo, cùng chiếc mũ giáp có hình sừng hươu là đặc điểm nổi bật nhất của vị samurai lừng danh này.

Miyamoto Musashi

Có lẽ là vị samurai nổi tiếng nhất trong nhiều năm qua, Miyamoto Musashi là một kiếm sĩ bậc thầy, nhà triết học võ thuật và là một rōnin. Musashi, như ông thường được biết đến, đã trở nên nổi tiếng bởi kiếm pháp song kiếm hoàn hảo và độc đáo, cũng như kỷ lục bất khả chiến bại trong 61 trận đấu. Ông là người sáng lập trường phái kiếm thuật Hyōhō Niten Ichi-ryū, và là tác giả của Ngũ luân thư và Dokkōdō trong những năm cuối đời.

Vị samurai vĩ đại này trưởng thành trong thời kỳ đất nước biến động, ông từng phục vụ trong lực lượng của Hideyoshi, sau trở thành một rōnin. Musashi dành vài năm sau đó để chu du khắp Nhật Bản và thách đấu với nhiều người khác nhằm trau dồi kỹ năng cũng như củng cố danh tiếng, đặc biệt là trận đấu cuối cùng với Sasaki Kojiro, cũng là trận nổi tiếng nhất của Musashi, đã giúp Musashi trở thành vị kiếm sĩ vĩ đại nhất Nhật Bản. Sau đó, ông trở thành võ sư và theo đuổi những triết lý của Thiền tông, đồng thời học tập một số bộ môn khác như thư pháp và hội họa. Tới năm 1643, Musashi dường như cảm nhận cái chết đang cận kề và bắt đầu viết tự truyện, chỉ hai năm sau Ngũ Luân Thư được hoàn thành.

Toyotomi Hideyoshi

Toyotomi Hideyoshi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất Nhật Bản, thường được biết đến như “Người thống nhất vĩ đại” thứ hai của Nhật, người đầu tiên Oda Nobunaga – cũng là lãnh chúa cũ của Hideyoshi, người thứ ba là Tokugawa Ieyasu. Ông kế thừa ngôi vị từ người lãnh chúa Oda Nobunaga quá cố, và là người đã kết thúc thời kỳ Sengoku.

Sinh ra trong một gia đình nông dân cực khổ, ông đã từng bước thể hiện tài năng trong sự nghiệp chinh chiến đầy oanh liệt. Dù vẫn chưa đạt được tước hiệu Shogun quyền lực, nhưng vị trí Nhiếp chính quan của ông vào năm 1585 còn thanh thế hơn thế. Với sự trợ giúp của lãnh chúa hùng mạnh Ieyasu, Hideyoshi chinh phục nốt quận Kanto và Ou ở phía Đông vào năm 1590 và trở thành người đứng đầu các lãnh chúa, tạo thành một quốc gia thống nhất. Sau đó, ông còn tiến quân ra nước ngoài với mục đích chinh phục cả nhà Minh lẫn Triều Tiên, tuy nhiên Hideyoshi bất ngờ qua đời vì tuổi cao vào năm 1598. Lúc đó tầm ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn, Ngũ Đại Lão quyết giữ bí mật để không ảnh hưởng tới sĩ khí, gần một tháng sau mới tuyên bố rút quân.

Oda Nobunaga

Là một trong những người có vị trí quan trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản, Oda Nobunaga cũng là một nhà lãnh đạo tài năng, ông là người đặt nền móng cho việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài trên khắp cả nước. Những nỗ lực vào việc thống nhất đất nước của ông được tiếp nối và hoàn thành bởi hai người thừa kế của ông, đầu tiên là Toyotomi Hideyoshi và sau đó là Tokugawa Ieyasu, người đã thống nhất đất nước và lập ra chế độ Mạc phủ Tokugawa thống trị Nhật Bản đến tận cuộc Minh Trị Duy tân.

Nobunaga sinh ra tại vùng đất Nagoya, vì thế nơi đây có nhiều địa danh gắn liền với ông, nhưng nổi tiếng hơn cả chính là nơi diễn ra trận chiến Okehazama. Năm 1560, Imagawa Yoshimoto cùng hơn 25.000 quân lính đã tấn công lãnh thổ của Nobunaga, thiết lập căn cứ trên dãy đồi Okehazama. Nobunaga phải rời lâu đài Kiyosu và chỉ có thể dẫn theo khoảng 2.500 binh sĩ, dù vậy ông vẫn quyết định tấn công quân xâm lược và giành chiến thắng vẻ vang.

Vì muốn thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho vùng đất này, nhiều năm sau đó Nobunaga liên tiếp giành được thêm nhiều thắng lợi khác. Tuy nhiên, vào năm 1582, ngay trước khi hoàn thành công cuộc thống nhất Nhật Bản, một trong những vị tướng của ông là Akechi Mitsuhide đột nhiên phản bội và tấn công Nobunaga tại chùa Honnoji ở Kyoto. Không hề lường trước việc thuộc hạ thân tính bấy lâu nay làm phản, Nobunaga bị dồn vào thế chân tường, ông quyết định tự tay phóng hoả chùa, thực hiện nghi thức mổ bụng tự sát giữa biển lửa.

Tham khảo:
https://medium.com/@thelistli2017/top-10-most-famous-samurai-warriors-ea44199c66cf

Trả lời