18 bí quyết để mua điện thoại với giá tốt nhất ở Nhật (P2)

Đăng ngày 15/10/2014 bởi Mr. Kro

Bạn có biết, Pocket wifi có thể giúp bạn tiết kiệm từ 2000 – 6000 yên tiền điện thoại và aInternet mỗi tháng?

(tiếp theo phần 1)

b. Chức năng Internet

Với sự vắng bóng một cách dần dần của các mẫu điện thoại truyền thống không phải smartphone (スマートフォン, スマホ), ngày nay nhu cầu sử dụng mạng Internet từ điện thoại đang trở nên ngày một lớn. Là một công dân mạng vô cùng tích cực và gương mẫu, cá nhân tôi tự nhận thấy khi có mạng Internet điện thoại, rất nhiều việc trong cuộc sống trở nên đơn giản và tiện lợi hơn hẳn, tuy nhiên tùy vào hoàn cảnh sống của bạn mà bạn nên cân nhắc kỹ xem có nên dùng Internet hay không – khi mà phí phải trả để được dùng dịch vụ này (vào thời điểm này) là rất đắt nếu so với phí thông thoại, vào khoảng 5000 – 8000 yên nếu dùng không giới hạn hoặc ít nhất thì cũng 3000 yên nếu dùng kiểu tính tiền theo lưu lượng và mức bạn dùng là tối thiểu. Dưới đây tôi sẽ chỉ nói về việc, nếu dùng Internet thì bạn có những cách nào để giảm tiền điện thoại của mình.
Đầu tiên là về gói cước Internet. Nhà mạng thường sẽ cung cấp cho các bạn 2 loại gói cước Internet, một là gói cước dùng không giới hạn (インターネット使い放題 – いんたーねっとつかいほうだい, hoặc パケットし放題 – ぱけっとしほうだい) và hai là gói cước tính tiền theo lưu lượng. (7) Hãy nghĩ đến tần suất sử dụng Internet của bạn khi chọn gói cước, và quan trọng hơn là khi chọn nhầm thì hãy ra cửa hàng điện thoại yêu cầu đổi lại càng sớm càng tốt. Dĩ nhiên nếu bạn dùng ít nhưng vẫn đăng ký gói cước không giới hạn thì cũng là một kiểu lãng phí tiền vô ích, nhưng nếu bạn đăng ký gói cước tính tiền theo dung lượng và sau đó nghe nhạc xem phim online chán chê… thì đấy mới là cách đốt tiền vô ích nhất.

(8) Nếu nhà trọ hay trường học của bạn có wifi miễn phí, hãy nghĩ đến nó khi chọn gói cước (nhớ phải thử trước xem mạng wifi đó có thực sự dùng được không), nhưng đừng tin tưởng mạng wifi đó quá, hãy suy nghĩ kỹ xem liệu bạn có phải dùng Internet khi đang ở ngoài, không phải ở nhà hay ở trường không, ví dụ như tra cứu bản đồ/giờ tàu bằng Internet, hoặc nghe nhạc youtube/check facebook khi đi tàu điện chẳng hạn.

Thứ hai, một lựa chọn cực kỳ hữu dụng cho những bạn có tablet/laptop ở nhà và không lắp mạng dây: đó là (9) Đăng ký dùng router phát wifi di động, hay còn gọi là pocket wifi (ポケットワイファイ). Pocket wifi có tác dụng bắt sóng điện thoại của nhà mạng và “chuyển hóa” nó thành sóng wifi, để cho điện thoại của bạn, và kể cả laptop, tablet của bạn cũng có thể truy cập được Internet thông qua sóng wifi đó.

Ưu điểm của pocket wifi: Chỉ với một chiếc Pocket wifi bạn có thể cho cả điện thoại, laptop, tablet của bạn dùng wifi cùng lúc. Nếu dùng mạng dây, bạn sẽ phải mua modem, mua router wifi để phủ sóng cho tablet, mua dây để nối vào laptop, và cũng chỉ dùng đc mạng dây khi đang ở nhà – nếu muốn dùng Internet ở ngoài bạn lại phải trả tiền Internet di động nữa. Nhưng với Pocket wifi, tất cả những phiền hà đó biến mất – bạn chỉ cần trả tiền Pocket wifi và Internet có mặt ở bất cứ nơi nào bạn đi – nhưng đồng thời bạn cũng tiết kiệm được rất nhiều khoản tiền, trong đó đáng kể nhất là 3000 – 5000 yên 1 tháng cho tiền mạng dây. Mặt khác giá tiền của Internet của Pocket wifi lại còn rẻ hơn khoảng 1000 – 3000 yên so với Internet 4G LTE nhất là khi bạn đăng ký điện thoại mới và Pocket wifi cùng lúc, thế nên cho dù có mạng dây hay không thì dùng Pocket wifi vẫn giúp cắt bớt hóa đơn tiền điện thoại của bạn một cách đáng kể.

Nhưng để đổi lấy ưu điểm đó bạn cũng phải chấp nhận một vài nhược điểm.

Nhược điểm của Pocket wifi:

Bạn sẽ có thêm một thiết bị phải nhét vào túi quần/túi xách và phải sạc điện. Có thể bạn sẽ cảm thấy phiền hà nếu một hôm quên cục Pocket wifi ở nhà, hay quên không sạc điện cho nó.

Tùy nhà mạng mà pocket wifi có thể có hạn chế sử dụng quá 7GB cho mạng 4G LTE (nên nhớ nếu không dùng pocket wifi mà dùng Internet 4G LTE trực tiếp từ điện thoại bạn cũng bị hạn chế như vậy), sau khi hết dung lượng này mạng 4G LTE sẽ trở nên cực kỳ chậm (chậm đến mức không lướt được facebook bình thường nữa), nhưng bạn cũng có thể chuyển sang mạng Wimax chậm hơn, sóng yếu hơn nhưng không hạn chế dung lượng.

Internet của Pocket wifi sẽ chậm hơn so với mạng dây. Mạng wifi của 4G LTE thì tôi không chắc – vì phần lớn thời gian tôi chỉ dùng Wimax không hạn chế là đủ, nhưng khi dùng mạng Wimax (không hạn chế) trên laptop, với điều kiện sóng Wimax mạnh, thì tốc độ download trung bình của tôi là khoảng 700 Kbps, tối đa là khoảng 2200 Kbps, chậm hơn khá nhiều so với mạng dây.

Sẽ có những nơi không có sóng Wimax, ví dụ như trong hầm hay miền núi vùng sâu vùng xa. Nhưng nếu dùng theo cách giống như tôi – (10) bật Wimax 24/24, chỉ chuyển sang 4G LTE khi sóng yếu quá hoặc khi cần gọi Skype cho rõ tiếng – thì có thể bạn sẽ không gặp vấn đề gì.

Tuy nhiên sau khi xem xét hết những yếu tố này, đến nay tôi vẫn thấy việc sử dụng Pocket wifi là quyết định sáng suốt, khi mà nhu cầu dùng Internet của tôi vẫn được đáp ứng đầy đủ, nhưng số tiền phải trả lại bớt đi khá nhiều. Nếu muốn sử dụng Internet trên điện thoại, hãy nhớ đến Pocket wifi như một giải pháp hết sức hiệu quả để giảm bớt số tiền điện thoại hàng tháng của bạn.

Một câu chuyện ngoài lề: một người bạn của tôi sang Nhật du học 1 năm, hoàn toàn không đăng ký điện thoại và chỉ dùng iPhone mang từ nhà sang và 1 cục Pocket wifi. Đến nay đã được nửa năm và bạn này vẫn sống vui khỏe có ích, tuy rằng tôi cũng chưa kịp hỏi xem bạn ấy có cảm thấy bất tiện hay không khi mà chỉ có thể gọi được cho những người có Facebook hoặc LINE vào lúc họ đang có mạng.

4. Mua như thế nào

Nếu biết cách mua điện thoại, chỉ cần bỏ ra chút công sức bạn cũng sẽ tiết kiệm được nhiều khoản tiền khác nhau.

a. Trước khi mua

Như tôi đã nói ở trên, (11) hãy đi thử một vài cửa hàng và so sánh giá trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Để tiết kiệm thời gian, (12) hãy cho nhân viên cửa hàng biết bạn có thời hạn lưu trú bao lâu, muốn dùng cả điện thoại và Internet hay chỉ dùng điện thoại không thôi, và cho họ biết bạn thích mẫu điện thoại (機種 – きしゅ) nào nhất nếu có. Sau đó bạn yêu cầu họ tìm ra gói cước sao cho tiền phải trả hàng tháng (tính từ tháng thứ hai) là nhỏ nhất. Bạn yên tâm, đây không phải là đề nghị gì to tát lắm, họ có một tờ giấy chuyên dụng và một app chuyên dụng trên tablet để làm việc này, họ sẽ nhoay nhoáy thao tác và trình cho bạn các gói cước có thể với số tiền phải trả ngay hôm đó (一括支払い金額 – いっかつしはらいきんがく) và số tiền phải trả hàng tháng (月々の使用料金 – つきづきのしようりょうきん) kể từ tháng thứ hai (2ヶ月目から – にかげつめから).
Một điều khá quan trọng nữa là (13) nếu bạn có thẻ tín dụng (クレジットカード), nhớ nói cho nhân viên cửa hàng điện thoại biết. Tùy trường hợp mà bạn có thể được phép trả góp (分割支払い – ぶんかつしはらい) thay vì phải trả luôn tiền máy(本体料金 – ほんたいりょうきん), hoặc được giảm thêm một chút tiền trả góp, nhất là trong trường hợp thời hạn lưu trú của bạn trên thẻ lưu trú còn lại không đủ 2 năm.

b. Sau tháng đầu

Chắc các bạn đang tự hỏi vì sao nãy giờ khi nói đến cước điện thoại hàng tháng tôi luôn nói “tính từ tháng thứ hai”. Hãy nhớ, một việc mà bạn không thể tránh khỏi là tiền điện thoại tháng đầu tiên của bạn sẽ cao hơn hẳn các tháng còn lại. Lý do là bởi vì các nhà mạng thường có quy định, tháng đầu tiên bạn phải đăng ký sử dụng 1 loạt các dịch vụ giá trị gia tăng của họ, và bạn chỉ được phép đăng ký ngưng sử dụng các dịch vụ đó kể từ tháng thứ hai. Cộng với khoảng 3000 yên tiền phí thủ tục hợp đồng ban đầu (新規契約手数料 – しんきけいやくてすうりょう) (mà bạn chỉ bị thu vào tháng đầu tiên của hợp đồng), số tiền này sẽ rơi vào khoảng trên dưới 10 000 yên. Vì thế nên sau khi làm hợp đồng mới, sau khi sang tháng mới bạn cần phải (14) đến cửa hàng dịch vụ của hãng điện thoại để đăng ký cắt sử dụng (外す – はずす) các dịch vụ giá trị gia tăng (オプション).
Các dịch vụ này thường bao gồm: bảo hiểm điện thoại (保険 – ほけん), dịch vụ tải về hoặc xem phim online do nhà mạng cung cấp, hay đọc tạp chí điện tử do nhà mạng cung cấp,… Các phim bạn có thể tải về là phim Nhật hoặc phim nước ngoài lồng tiếng Nhật, và (tôi biết chắc chắn sẽ có người hỏi, nên tôi sẽ nói luôn) là loại phim phù hợp với mọi lứa tuổi, các tạp chí thì cũng toàn tiếng Nhật, nên có thể bạn sẽ không muốn mất tiền hàng tháng để xem những thứ này trên màn hình điện thoại be bé của bạn. Chỉ có bảo hiểm là có thể có ích với bạn, nếu đóng bảo hiểm hàng tháng thì trong thời hạn bảo hiểm bạn có thể được sửa chữa (修理 – しゅうり) điện thoại với mức giá rẻ (nhưng có nhà mạng giới hạn 1 năm bạn chỉ được sửa rẻ 2 lần, v.v…) hoặc nếu bạn làm mất điện thoại thì sẽ được đền bù hoặc được cấp điện thoại mới (Nhưng đừng giả vờ mất điện thoại rồi tuồn về cho gia đình, bạn sẽ phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm tìm ra chứng cứ phạm tội của bạn), nên trong số các dịch vụ có thể hủy bỏ được tôi nghĩ chỉ có khoản này là bạn nên suy nghĩ có bỏ hay không, còn lại thì khả năng cao là sẽ không cần thiết đối với bạn.

Thường khi ký kết xong hợp đồng, nhân viên bán điện thoại sẽ đưa cho bạn tờ giấy ghi rõ những dịch vụ giá trị gia tăng nào mà bạn đang (bị bắt phải) đăng ký sử dụng (加入中 – かにゅうちゅう), kèm theo thời hạn mà bạn có thể đi đăng ký hủy những dịch vụ này. Nhưng nếu họ không đưa cho bạn tờ giấy có đầy đủ những thông tin như vậy, hãy hỏi và yêu cầu họ đưa, nếu bạn không muốn bị thu thêm hàng ngàn yên mỗi tháng cho những thứ mình có lẽ sẽ rất ít khi dùng.

c. Sau 6 tháng

Các nhà mạng hiện có quy định về việc, nếu khách hàng cắt hợp đồng sử dụng điện thoại (解約 – かいやく)(chẳng hạn để chuyển mạng (乗り換え – のりかえ hoặc viết tắt là MNP), …) trong vòng 6 tháng đầu tiên kể từ ngày phát sinh hợp đồng, thì bạn sẽ phải nộp phạt phí thay đổi hợp đồng sớm (短期解約違約金 – たんきかいやくいやくきん)(vào khoảng hơn 20000 yên) hoặc có thể bị đưa vào danh sách đen bị từ chối cung cấp dịch vụ, tùy theo chính sách của từng nhà mạng. Vì thế nên (15) nếu muốn mua máy mới hoặc chuyển mạng, hãy chờ ít nhất là 6 tháng kể từ khi làm hợp đồng với nhà mạng hiện tại của bạn để tránh phải trả các khoản tiền không đáng có này.

Để biết thêm chi tiết về việc chuyển nhà mạng các bạn đọc thêm tại đây.

Các nhà mạng Nhật thường có các chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn cho người đổi từ nhà mạng khác sang. Ảnh: một tấm bảng tại một cửa hàng điện thoại trong quá khứ.

Các nhà mạng Nhật thường có các chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn cho người đổi từ nhà mạng khác sang. Ảnh: một tấm bảng tại một cửa hàng điện thoại trong quá khứ.

d. Sau 2 năm

Khi bạn sắp về nước, hoặc khi bạn hết hạn 学割 (khuyến mại cho học sinh sinh viên) của mạng này muốn đổi sang mạng khác để lấy 学割 của mạng khác, hoặc đổi mạng để mua điện thoại mà chỉ mạng khác mới có, bạn sẽ phải cắt hợp đồng với nhà mạng hiện tại của bạn. Chi tiết bạn có thể xem ở bài viết này.

Cứ sau mỗi hai năm, hay tỉ mỉ hơn, trong tất cả các ngày của tháng thứ 25 và thứ 26 kể từ khi bạn ký hợp đồng (ngày ký hợp đồng là tháng thứ nhất, cứ mỗi lần đến ngày 1 thì tính là tháng tiếp theo) bạn có thể cắt hợp đồng với nhà mạng để ngừng sử dụng dịch vụ hoặc chuyển sang nhà mạng khác mà không mất phí. Nhưng ngoài những ngày đó ra, nếu muốn cắt hợp đồng bạn sẽ phải trả khoảng 10 000 yên cho nhà mạng (解約金 – かいやくきん). (Chỉ có lần đầu tiên này thì thời hạn “cắt hợp đồng không bị phạt” này mới kéo dài 2 tháng, còn từ sau đó thì thời hạn này sẽ chỉ kéo dài 1 tháng, tức là tháng thứ 49, 73, 97,…)
Vì thế (16) khi sắp về nước, hoặc muốn chuyển mạng điện thoại, bạn hãy nhớ tháng/năm mà mình đã làm hợp đồng và căn để tháng cắt hợp đồng rơi vào đúng 2 năm, 4 năm, 6 năm… sau đó, bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền này.

5. Một số điều nên lưu ý khác

(17) Thời điểm tốt nhất trong tuần để đi mua điện thoại là vào sáng thứ bảy hoặc chủ nhật hoặc ngày lễ. Lý do là bởi, các cửa hàng thường có các chương trình khuyến mãi mà chỉ riêng cửa hàng đó có (do ông cửa hàng trưởng quyết định), và các chương trình này thường xuất hiện vào cuối tuần. Ngoài ra các chương trình khuyến mãi này thường có đối tượng là các model điện thoại cũ không nhập thêm về nữa, thế nên bạn nên đi vào buổi sáng sớm khoảng 30 phút trước khi cửa hàng mở cửa (có nghĩa là tầm 8h30 hoặc 9h30 sáng), để phòng trường hợp hết hàng. Một lý do nữa là thời gian để bạn làm điện thoại là rất lâu, tính cả thời gian xem máy, nghe thuyết minh về gói cước, chọn gói cước, tùy chọn dịch vụ gia tăng, điền giấy tờ, chờ lấy máy…. sẽ hết từ 4 tiếng (nhanh nhất) cho đến 7-8 tiếng.
Ngoài ra, có thể số trường hợp như thế này hiếm gặp hơn, nhưng đôi khi (với tôi thì là 3 lần) các nhân viên tư vấn gói cước điện thoại cho bạn sẽ bắt đầu nhầm lẫn và “quên mất” những khoản phí khổng lồ cho bạn (đối với tôi thì là từ 10 000 đến 18 000 yên). Hãy nhớ, các điều khoản khuyến mại của nhà mạng, của hãng điện thoại, và của cửa hàng ra đời không cùng lúc, các nhân viên có thể nhầm lẫn bất cứ lúc nào. Những lúc như thế (18) đừng tặc lưỡi nghĩ, thôi quyết rồi thì điền nốt giấy rồi ký nốt cho xong nhanh, mà hãy suy nghĩ kỹ lại lần nữa xem gói cước mà mình chọn đã thực sự hợp lý chưa và yêu cầu nhân viên giải quyết rõ ràng nếu cần.

Trên đây là một số điều tôi biết và rút ra được sau rất nhiều lần đi làm điện thoại. Hy vọng nó sẽ có ích cho các bạn trong quá trình đi làm điện thoại của mình. Chúc các bạn mua được những chiếc điện thoại ưng ý và không phải trả tiền “oan” bất cứ một khoản nào.

3 thoughts on “18 bí quyết để mua điện thoại với giá tốt nhất ở Nhật (P2)

  1. Cho mình hỏi một chút là mình mới về cty được một thời gian và được cty lắp cho wifi nhưng là loại pocket 4g wimax++ của Au. Bây h hết 7gb là lại không vào được mạng, gọi cho gia ginhf cũng không được. Mình muốn chuyển sang gói 3g không giới hạn có được không, nêu được thì thủ tục thế nào. Còn ko thì làm sao để dùng được gói 3g ko giới hạn mà không phải đăng kí hai cái cùng một lúc.

Trả lời