Tản mạn về văn hóa người Nhật

Đăng ngày 03/12/2014 bởi iSenpai

Vừa rồi mình có tham dự một hội thảo khoa học ở Việt Nam, nhỏ thôi. Hội thảo mời nhiều nhà khoa học và sinh viên từ Nhật Bản sang tham dự, trong đó có thầy của mình, một senpai khóa trên và mình. Hội thảo diễn ra tương đối tốt đẹp và giúp người tham gia có thể trao đổi, tăng cường kiến thức trong ngành. Nhưng với mình, đây là chuyến đi giúp mình hiểu hơn về người Nhật và sự khác biệt trong văn hóa của họ với của người Việt. Mình xin chia sẻ đôi điều, hy vọng hữu ích cho các bạn.

1

Đúng giờ
Trong suốt thời gian ở cùng người Nhật, mình cảm nhận sâu sắc việc người Nhật coi trọng đúng giờ thế nào.
Thường thì ba thầy trò luôn đi cùng nhau đến chỗ hội thảo, đến chỗ ăn hay đi chơi. Nhưng nếu hẹn 8 giờ xuất phát, ông thầy sang gõ cửa phòng mà hai trò chưa chuẩn bị xong thì ông ấy sẽ đợi một hai phút, nếu một hai phút chưa xong thì ông ấy đi trước, mình và senpai phải hớt hải chạy sau. Cái này khá khác với Việt Nam, đợi cho đông đủ mới bắt đầu.

Lúc ở Nhật, mình cũng từng tham gia nhiều tiệc tùng trong phòng nghiên cứu. Có bữa mình và mọi người mua đồ cho tiệc. Mình phải đi khá xa nên mua đồ về sau cùng và muộn 10 phút so với thời gian bắt đầu tiệc. Về đến nơi thì thấy mọi người đang đánh chén. Có vẻ hơi phũ phàng khi mình phải mang vác đồ về cho mọi người ăn mà mọi người lỡ ăn trước. Nhưng đó là Nhật, nếu đã hẹn bắt đầu tiệc lúc 3 giờ thì chính xác là nó sẽ bắt đầu lúc 3 giờ.

Ở hội nghị lần này, mình cũng thấy người Nhật tỏ ra khó chịu thế nào khi taxi đưa đón họ từ khách sạn ra sân bay trễ mất 5 phút. Lý do chậm trễ là phía khách sạn không thống nhất giá cả và hình thức thanh toán với bên taxi, hai bên cãi nhau để mấy khách Nhật đợi. Sau khi dàn xếp ổn thỏa, phía taxi chở họ ra sân bay. Trên đường ra sân bay, ông tài xế dừng lại bên đường đi toilet, bắt khách đợi thêm 5 phút nữa. Một ông Nhật trong xe lúc đó phải thốt lên “Không thể tưởng tượng được”.

Sự đồng cảm
Một trong những đức tính của người Nhật mà mình đánh giá rất cao là sự đồng cảm, nói nôm na là hiểu được những gì người khác đang cảm thấy. Theo mình biết thì ngay từ bé, trẻ em Nhật đã được dạy dỗ cẩn thận về việc phải quan tâm đến người khác thế nào. Đó cũng là nền tảng của tính tập thể cao của người Nhật. Trong dịp hội thảo mình cũng thấy điều này. Mình có dẫn và mời hai người Nhật đi loanh quanh chơi, ăn đồ ăn Việt Nam. Cũng có đồ họ ăn được, có đồ họ ăn không được. Nhưng khi ăn không được thì thường họ im lặng, cho qua; còn ăn ngon thì họ khen lấy khen nể. Có thể mọi người cho rằng họ khách sáo, nhưng mình nghĩ là họ hiểu cảm giác của người đi mời người khác.

Quà cáp
Nếu bạn có ý định tặng quà gì đó cho người Nhật, mình khuyên bạn nên mua cái gì đó nhỏ nhỏ thôi, và tốt nhất là đồ ăn thức uống. Nếu bạn mua đồ lưu niệm to, người Nhật không có chỗ để trong nhà của họ. Và sẽ rất khó xử cho họ nếu đồ to đó không hợp với phong cảnh nhà, cất đi không được mà trưng ra cũng khó. Còn về đồ ăn, người Nhật thích quà tặng đồ ăn vì ngon hay dở cũng ăn một lần là xong luôn. Bản tính người Nhật cũng rất tinh tế trong ăn uống nên họ rất háo hức với các món ăn, đồ uống ngon.

Hội nghị lần này, mỗi khách người Nhật được tặng một túi bánh khá to. Họ phải khuân cái túi đó về nhà trên hai chuyến máy bay và theo mình thì như thế khá phiền phức.

Trong các thức ăn, đồ uống, nếu là bạn bè thì mình khuyên bạn mua chocolate làm quà vì người Nhật hầu như ai cũng khoái chocolate, nếu là cấp trên thì nên là rượu cao cấp của địa phương.

Theo mình được biết, khi bạn đi chơi hay du lịch xa đâu đó, bạn phải mua quà cho cấp trên người Nhật của mình, đó gần như là bắt buộc.

Không gian riêng tư
Người Nhật rất coi trọng không gian riêng tư. Cái này mình cảm nhận rõ khi ở bên Nhật. Khi nói về việc Google theo dõi hành vi người dùng, rất nhiều bạn Nhật học cùng mình lên tiếng tỏ vẻ khó chịu. Lúc đứng nói chuyện, hai người Nhật cũng giữ một khoảng cách tương đối xa so với người nước khác.
Việt Nam thì khác. Ví dụ như trong một buổi tiệc tại hội nghị lần này, bàn của mình có mình, một cô người Việt công tác tại một trường đại học ở Việt Nam, còn lại là người Nhật. Cô người Việt tỏ ra rất thân thiện khi tráo đầu đũa gắp thức ăn cho mọi người trong bàn, sau đó mới gắp phần của mình. Tuy nhiên theo mình quan sát thì các vị khách Nhật tỏ ra khá khó chịu. Đầu tiên là việc cô ấy tráo đầu đũa của cô để gắp thức ăn, người Nhật coi là không vệ sinh. Thứ hai là cô ấy gắp thức ăn cho người khác mà không biết họ có thích ăn hay không. Nếu họ không thích ăn thì rõ ràng cô đặt họ vào tình thế khó xử, ăn không được mà bỏ cũng không xong. Thứ ba là cô ấy xâm phạm không gian riêng tư của vị khách Nhật khi để đầu đũa của cô chạm vào bát họ đang ăn.

Văn hóa ẩm thực
Như mình có kể ở trên, người Nhật có phong cách thưởng thức các mon ăn rất tinh tế. Với họ, ẩm thực là một phần không thể thiếu trong văn hóa. Họ ăn ít nhưng chọn những thứ chất lượng nhất để ăn. Đó là lý do họ không béo nhưng khỏe. Và nếu bạn để ý kỹ, người Nhật thường ăn không để lại thức ăn thừa trong bát. Một phần họ cho rằng làm như thế để trân trọng những gì người nông dân vất vả làm lụng tạo ra. Một phần, họ lấy suất ăn vừa đủ với khẩu vị của mình, nếu thích thì lấy nhiều chút, không thích thì lấy đủ để nhấm nháp cho qua, nên ít khi họ no quá, ngán quá mà bỏ thừa.

Sự im lặng
Nếu bạn nghĩ người Nhật ưa thích sự im lặng, bạn chỉ biết một nửa sự thật. Mình từng đi du lịch với người Nhật và họ nói chuyện liên tục. Có một nguyên tắc cơ bản là khi hai người quen biết nhau đi cùng nhau, nếu một người nói thì người khác phải đáp lại dù không quan tâm lắm. Họ có thể nói “vậy à”, “đúng thế nhỉ”… ngay cả khi đối phương chỉ lẩm bẩm một mình nhận xét gì đó. Cũng là vì họ thấu hiểu và quan tâm đến đối phương.
Tuy nhiên, nói cho cùng, sự im lặng là một nét văn hóa quan trọng của người Nhật. Người Nhật thường chào nhau bằng mắt thay vì miệng. Đêm giao thừa, đường xá Nhật vắng vẻ, không pháo hoa, không tụ tập ngoài trời,…

H.M.8

PS. bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của một nghiên cứu sinh tại Nhật Bản.

One thought on “Tản mạn về văn hóa người Nhật

Trả lời