Hồi đầu tháng này, máy tính lượng tử thương mại đầu tiên trên thế giới đã được IBM chế tạo và đặt tại Kawasaki. Sự kiện này được cho là đã khởi động cho cuộc chạy đua công nghệ tối tân này giữa các cường quốc công nghệ.
Máy tính lượng tử đầu tiên này sẽ được các tập đoàn công nghệ quan trọng của Nhật sử dụng như Toyota, Hitachi hay Toshiba. Máy tính lượng tử với việc sử dụng qubit và trạng thái chồng chập lượng tử giúp tiến hành hàng loạt các tác vụ song song được cho là sẽ vượt qua những giới hạn của máy tính thông thường với các bit nhị phân. Một cuộc thử nghiệm năm 2019 trên máy tính lượng tử của Google cho thấy chiếc máy này chỉ mất 3 phút 20 giây để sử thực hiện các phép toán mà những chiếc máy tính hiện tại phải mất tới 10,000 năm.
Dù thử nghiệm này dành ho một phép toán chưa có nhiều ứng dụng trong thực tế nhưng nó cho thấy tiềm năng to lớn của máy tính lượng tử. Các công ty lớn đang bắt đầu nghiên cứu các ứng dụng của tính toán lượng tử. Bên cạnh đó là cuộc chạy đua phát triển phần cứng của Google và IBM.
Bên cạnh Nhật Bản thì IBM cũng đã khởi động dự án máy tính lượng tử ở Đức với sự tham gia của Volkswagen, Bosch, Merck, BASF, Siemens và SAP. Mục tiêu của các doanh nghiệp này là tận dụng công nghệ tính toán lượng tử để tăng lợi thế công nghệ, ví dụ như cải thiện hiệu năng ắc quy trên xe điện và nghiên cứu phát triển dược phẩm.
Một ứng dụng quan trọng của tính toán lượng tử là các mô phỏng những thí nghiệm hóa học được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá về công nghệ vật liệu và y dược cũng như cắt giảm đáng kể thời gian phát triển sản phẩm. Ngoài ra nó còn có thể hỗ trợ trí tuệ nhân tạo. Gần đây công ty khởi nghiệp Grid của Nhật đã gây chú ý khi công bố dữ liệu về nghiên cứu cho thấy máy tính lượng tử sẽ hạn chế được tình trạng overfitting (mô hình quá khớp với dữ liệu học tập) của các mô hình mạng neural.
Giới chuyên gia cho rằng những ứng dụng của máy tính lượng tử sẽ được đưa vào thực tế trong vào năm tới. Nhật Bản cũng đang khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu trên chiếc máy tính của IBM ở Kawasaki. Bên cạnh các tập đoàn lớn thì nhiều công ty khởi nghiệp cũng đã xuất hiện để tối ưu các thuật toán dành riêng cho máy tính lượng tử. . QunaSys đã công bố dự án nghiên cứu chung với Toyota Central R&D Labs để phát triển các ứng dụng cho xe hơi trong tương lai.
Kỳ vọng với máy tính lượng tử có thể đang đi trước thực tế, nhưng tiềm năng của lĩnh vực này vẫn rất lớn. Công ty tư vấn Boston Consulting Group ở Mỹ hồi tháng 7 công bố dự báo cho rằng máy tính lượng tử có thể tạo ra giá trị hàng năm tương đương 10 tỷ USD vào năm 2030 và tăng lên tới 850 tỷ USD vào năm 2040.
Theo Nikkei Asia, VnExpress