Anime Nhật Bản và lý do chinh phục thế giới

Đăng ngày 18/07/2017 bởi iSenpai

(NTD) – Xuất hiện ở Nhật Bản từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời gian này, nền sản xuất hoạt hình ở đây vẫn chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ các nước phương Tây. Mãi đến thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 cùng với sự lớn mạnh của “manga” đã tạo tiền đề thúc đẩy nền sản xuất hoạt hình anime phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nó không đơn thuần là bộ môn giải trí thông thường mà còn trở thành biểu tượng văn hóa tự hào của đất nước Nhật Bản.

Nhiều nơi trên thế giới, phim hoạt hình chủ yếu hướng đến bộ phận khán giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên đối với anime lại khác, không chỉ dành cho trẻ em mà còn hướng đến nhiều đối tượng khán giả lớn tuổi hơn. Hệ thống đề tài của anime phong phú đa dạng với các chủ đề gia đình, học đường, thậm chí tình yêu, hành động… Song song với việc phát triển hệ thống đề tài vô cùng phong phú và đa dạng, kết hợp với rất nhiều những câu chuyện, sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày được khai thác một cách tinh tế có chọn lọc.

Nội dung của các bộ phim hoạt hình anime cũng rất đa dạng. Mỗi bộ phim hoạt hình anime đều có một cốt truyện với chiều sâu về mặt nội dung chứ không “đơn giản hời hợt” như phần lớn các bộ phim hoạt hình thông thường khác.

Trong khi các bộ phim hoạt hình thông thường, mặc dù được sản xuất từ những cái tên “có tiếng” trên thị trường với chi phí sản xuất phim rất lớn, nhưng đa số đều có nội dung xoay quanh những câu chuyện mang tính giải trí, châm biếm xã hội hay một vài yếu tố khác. Khán giả dễ dàng nhận thấy, hiện nay có rất nhiều bộ phim được làm lại theo kiểu “ăn theo” gây nhàm chán, thiếu hấp dẫn.

Thông thường trung bình với khoảng thời gian 10 năm, anime lại khoác lên mình bộ mặt mới, thể hiện định hướng phát triển của dòng phim. Điều này cho thấy được sự nhìn nhận có tính chiến lược của các nhà sản xuất phim dựa trên nhu cầu thị hiếu của người xem. Bên cạnh những bộ phim nói về văn hóa Nhật Bản, anime hiện tại cũng quan tâm nhiều đến các nền văn hóa khác nhau, hay sự phát triển của con người trong tương lai. Nói cách khác, từ những khuôn mẫu sẵn có của bản thân, anime liên tục phá cách để khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

Các bộ phim hoạt hình thông thường, yếu tố đồ họa được thiết kế mang tính đơn giản hóa. Còn đối với anime yếu tố đồ họa được thể hiện một cách rất chi tiết và trực quan hóa. Tất cả chi tiết của bộ phim đều được thực hiện tỉ mỉ, thể hiện sự tâm huyết của người sáng tạo. Điều đó đã tạo nên những cảnh phim vô cùng đẹp mắt, lung linh và rất thật.

yourname-0926

Người Nhật Bản rất coi trọng những giá trị văn hóa mang tính truyền thống, tính giáo dục cao. Vì thế mà những bộ phim hoạt hình anime không chỉ đơn thuần là những bộ phim giải trí thông thường, đặc biệt đối với những ai đã và đang say đắm thể loại phim này.

Một số ý kiến cho rằng: “Anime là thể loại rất khó hiểu”. Điều đó không sai, vì đặc điểm phim anime là sự kết hợp hài hòa giữa những bối cảnh siêu thực với các tình huống thực tế. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực – ảo là yếu tố thu hút sự tò mò, muốn khám phá cũng như giúp người xem phát triển trí tưởng tượng phong phú của mình theo cách riêng của từng cá nhân. Nhờ đó mà không ít khán giả nhìn thấy được bản thân mình qua chính nhân vật trong phim, thậm chí không ít người tìm được ước mơ của bản thân mình.

Trong khi đó, những bộ phim hoạt hình thông thường phần lớn là những thông điệp hay bài học được thể hiện một cách tương đối rõ nét, cụ thể. Riêng với anime người xem phải suy nghĩ, phân tích rất nhiều thì mới có thể hiểu được chiều sâu câu chuyện. Sự khác biệt này vừa tạo nên tính chất rất riêng của hoạt hình anime Nhật Bản, nhưng đồng thời đây cũng là yếu tố khiến cho thể loại phim này khá “kén” người xem.

 Phương – Trang (Người Tiêu Dùng)

Trả lời