Các nhà khoa học Nhật Bản chế tạo thành công thủy tinh cứng như thép

Đăng ngày 07/11/2015 bởi iSenpai

Các nhà khoa học làm việc tại Viện Khoa học Công nghiệp (IIS) thuộc Đại học Tokyo ( Nhật Bản) tuyên bố họ vừa tạo ra một loại thủy tinh mới với sức bền gần như thép. Không những được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống như kiến trúc, sản xuất kính ô tô, điện ảnh,…,phát minh mới còn có thể sử dụng cho các sản phẩm nhỏ và gần gũi hơn, chẳng hạn như màn hình smartphone, vốn mong manh dễ vỡ nếu vô tình làm rơi.

Khi bạn bắt đầu nghĩ về các lĩnh vực mà loại kính mới sẽ được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, bước đột phá này càng trở nên thú vị hơn: hãy thử tưởng tượng cửa kính của những chiếc xe sẽ không vỡ khi va chạm, sự ra đời của các tòa nhà ‘siêu cứng’, hoặc thậm chí một ly rượu vang cũng có thể để lại khe nứt trên sàn nhà nếu bạn thả nó xuống, thay vì vỡ vụn thành từng miếng.

Tuy nhiên, tạo ra kính siêu bền trong phòng thí nghiệm là một chuyện, trong khi việc thương mại hóa nó lại là vấn đề khác. “Chúng tôi sẽ tìm ra cách để sản xuất hàng loạt vật liệu mới trong thời gian sớm nhất”, trợ lý giáo sư Atsunobu Masuno đến từ IIS cho biết. “Chúng tôi đang tìm kiếm phương pháp để thương mại kỹ thuật sản xuất này trong vòng 5 năm tới”.

3539220_kinh-sieu-ben_tinhte

Trong tương lai, bạn có thể làm rớt điện thoại của mình mà không lo màn hình bị vỡ.

Để có thể cho ra đời loại kính bền bĩ như thế, nhóm nhà khoa học đã dùng một loại nguyên liệu khá quen thuộc đối với chúng ta để trộn vào hỗn hợp làm kính – nhôm oxit, hợp chất có độ cứng chỉ xếp sau kim cương trong thang Mohs. Bằng cách pha trộn nhôm oxit với Silic đioxit, thủy tinh được tạo thành cứng cáp hơn rất nhiều. Điều đáng nói thật sự ở đây là cách các nhà nghiên cứu tổng hợp các nguyên tố hóa học với nhau trong không khí, thông qua một quá trình được gọi là “kỹ thuật bay lên khí động học”.

Được biết, những nỗ lực ‘chèn’ oxit nhôm vào trong kính trước đó cho kết quả thất bại. Nguyên nhân là do hỗn hợp sẽ bị kết tùa ngay khi chạm vào bất kỳ vật chứa nào. Bằng cách loại bỏ thùng chứa và trộn nguyên liệu làm kính ngay trong không khí, với một kỹ thuật đặc biệt, vấn đề này được khắc phục. Kết quả là tạo ra loại kính mới trong suốt, chiếm 50% nhôm oxit trong thành phần và có thể sánh ngang với sắt, thép về độ cứng cũng như độ đàn hồi.

Một trong những ưu điểm cần phải kể của loại kính mới là mặc dù cứng rắn hơn, song, độ mỏng của nó so với các loại kính thông thường không hề thay đổi. Rõ ràng, đây sẽ là một tín hiệu đáng mừng cho màn hình của các thiết bị điện tử trong tương lai.

Nguồn: tinhte.vn
Theo: Sciencealert, Nature

Trả lời