Chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng MEXT (bậc Đại học)

Đăng ngày 02/05/2014 bởi iSenpai

Chi tiết về học bổng du học Nhật Bản MEXT

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và thi học bổng MEXT bậc đại học, trả lời bởi bạn T., học bộc MEXT ngành kỹ thuật năm 2014, hiện là sinh viên đại học Kyoto. Thông tin về cách thi tuyển và nội dung cũng như quyền lợi học bổng theo từng năm có thể tham khảo trên website của Cục đào tạo nước ngoài (năm 2016)

Có bao nhiêu bộ hồ sơ đăng ký dự tuyển?

Khoảng hơn 100 bộ nộp lên Cục đào tạo nước ngoài. Tùy từng năm mà số bộ hồ sơ được chọn có sự thay đổi, thông thường là dao động trong khoảng 30~40 bộ cả hai khối. Số người nhận được học bổng trong ba năm gần đây là 6 – 9 – 4.

Bạn có thể giải thích về giấy Placement Preference Form? Bạn có điền form này không? điền thế nào? Form này sử dụng để làm gì?

Form này hầu như không ai phải điền, nếu điền cũng sẽ được trả lại trong buổi phỏng vấn. Bạn chỉ điền nó nếu bỏ qua một năm học tiếng Nhật và bắt đầu đại học luôn ngay ở năm đầu tiên (mà mình cũng không biết trong trường hợp nào sẽ được ưu tiên như vậy, ở đây ngay cả các bạn có N1 cũng phải trải qua năm học tiếng này).

Lợi thế của hồ sơ là gì?

Vòng hồ sơ là do Cục đào tạo nước ngoài xét duyệt. Những người lọt vòng hồ sơ theo mình thấy có CPA bậc Đại học cao. Ngoài ra, trước khi nộp hồ sơ nếu có thể cứ thi bừa lấy một bằng Tiếng Anh nào đó. Đây cũng là một điểm cộng đáng kể.

Trong hồ sơ nộp online có một bài viết bằng Tiếng Việt nói về nguyện vọng, cam kết bản thân. Cũng nên viết cẩn thận một chút. Trải qua vòng sơ tuyển của cục, các vòng về sau chỉ phụ thuộc phần lớn vào kết quả làm bài của bạn.

Chuẩn bị hồ sơ cần chú ý gì?

Giấy tở được hướng dẫn chuẩn bị khá kĩ trong công văn của bộ (có file đính kèm ghi cụ thể nội dung từng bộ hồ sơ) và thông báo bằng Tiếng Anh của Bộ giáo dục Nhật Bản. Hai văn bản cần đầu tư viết nội dung (trả lời các câu hỏi) là Application Form (AF) và Letter of Recommendation (LOR). AF nếu có gì thắc mắc có thể để trống và đến hỏi trực tiếp người tiếp nhận hồ sơ (bác Shine) trong buổi giới thiệu học bổng thường niên ở Đại học KHXH & NV (năm của mình vào ngày 12/05).

LOR và AF hay các loại giấy tờ khác cũng nên được đánh máy (đây là lời bác Shine phụ trách tuyển sinh). Có một lưu ý nhỏ nữa là phần họ tên trong các giấy tờ (AF, LOR, giấy khám sức khỏe), tuy được yêu cầu viết theo thứ tự họ / tên / tên đệm nhưng hãy viết đúng theo tên khai sinh của bạn. Điều này đến khi gặp bác Shine trong buổi hội thảo mình mới biết, phải gạch đi sửa lại.

Công văn cử tuyển hơi khó xin đối với các bạn ở một số trường (ví dụ Bách khoa). Công văn này không cần thiết, có người không có công văn vẫn qua vòng hồ sơ (thông báo ghi rõ là “nếu có”)

Thư giới thiệu: Có bắt buộc phải trả lời câu hỏi theo form không? hay có thể viết tự do? Nhiều bạn hơi rối đoạn nhờ thầy cô ký & niêm phong? Cụ thể là nên làm thế nào? Bạn cho biết cụ thể trường hợp của bạn nhé.

Thư giới thiệu phải làm theo form có sẵn. Có hai nơi cần phải ký là cuối thư và ký lên mép dán của phong bì. Do các bộ hồ sơ A, B, C đều cần thư giới thiệu mà cái này không thể photo nên nếu thầy cô viết hộ bạn thì hãy nhờ họ sao và ký lên ba bản. Một lưu ý nữa là tuy trong văn bản có ghi cần thư giới thiệu của hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm nhưng nếu gặp khó khăn trong việc xin chữ ký các thầy cô này thì có thể nhờ một giáo viên bình thường nào đó (trường hợp của mình). Mình không nghĩ là bên Nhật sẽ có hình thức kiểm tra.

Nên nộp hồ sơ khi nào?

Một trong những ngày cuối. Thời gian nộp hồ sơ không quan trọng, hãy chắc chắn là hồ sơ đã được hoàn thiện và không có thiếu sót nào. Nếu bạn điền hồ sơ trên máy tính thì sau khi in ra hãy chú ý đã dán ảnh vào tất cả những nơi cần dán và tích vào các ô lựa chọn (VD: nam/nữ) trong hồ sơ (trên máy tính không tích được). Nhớ kiểm tra kỹ các giấy tờ và sắp xếp theo thứ tự như bảng đính kèm trong thông báo học bổng của cục. Bốn bộ A, B, C, D để chung một túi hồ sơ nên mình nghĩ nên tìm cách kẹp lại hoặc cho vào các túi bóng kính để phân biệt riêng các bộ.

* Khi nộp hồ sơ online thì có scan và nộp luôn thư giới thiệu không?

Không. Hồ sơ online có ghi cụ thể các tài liệu phải upload. Không có thư giới thiệu.

Ôn thi thế nào?

– Đề thi các năm: http://www.mediafire.com/download/ggmx1p41k244y2k/De+thi+MEXT.zip

– Toán khá dễ, chỉ đề cập một cách sơ lược kiến thức học ở cấp ba. Nắm được từ vựng và chắc các khái niệm, cộng thêm cẩn thận một chút là có thể làm bài tốt.

– Hóa sát với chương trình cấp ba của mình, có điều chỉ tập trung vào lý thuyết. Bài tập tính toán dễ và không nhiều. Mình nghĩ bạn nào thi đại học tầm trên 7, 8 điểm là có thể yên tâm làm bài.

– Lý là môn khó nhất, kiến thức ngoài các phần luyện thi đại học còn có thêm một số nội dung nằm trong vật lý đại cương bậc đại học. Nên tham khảo và làm bài trong cuốn bài tập vật lý đại cương (của sinh viên Bách khoa) hay đọc thêm cuốn Giải toán Vật lý. Có thể tham khảo cả đề thi NUS, NTU nhưng mình nghĩ chỉ để nắm thuật ngữ, còn nội dung không được sát lắm. Về phạm vi kiến thức tham khảo Syllabus của đề EJU.

– Cả ba môn Toán Lý Hóa đều chỉ cần ghi đáp số, không cần giải thích.

– Tiếng Anh cứ luyện đề khối D đại học là OK, đặc biệt là phần đọc, từ vựng và ngữ pháp.

– Tiếng Nhật không phải là tiêu chí với sinh viên theo diện khoa học tự nhiên. Xét trên mặt bằng chung sinh viên các nước nhận học bổng cùng mình năm nay, không nhiều sinh viên theo khối KHTN học tiếng Nhật tốt, ngược lại, các bạn theo khối KHXH & NV thường có trình độ khoảng N2 trở lên (Mình có hỏi bạn T. theo khối XH về đề tiếng Nhật thì được trả lời: “Đề có 3 phần: sơ-trung-thượng cấp, trong đó thượng cấp hoàn toàn rơi vào N1, nếu các bạn làm được phần này thì mình nghĩ khả năng đậu sẽ khá là cao đấy với lại nếu đậu khi sang đây các bạn khối KHXH cũng thường phải học tiếng nhật với cường độ khá cao nên chuẩn bị trước cho mình một khối lượng kiến thức dồi dào cũng là một lợi thế.”)

Vòng phỏng vấn

– Vòng phỏng vấn theo mình không chiếm trọng số cao, vì các câu được hỏi không nhiều, thậm chí phần lớn thời gian phỏng vấn chỉ dành để nghe họ nói. Lúc mới vào sẽ được yêu cầu giới thiệu bản thân, sau đó tùy từng đối tượng mà câu hỏi có đôi chút khác biệt. Các câu hỏi cũng khá đa dạng, từ những câu quen thuộc dễ chuẩn bị như thích gì ở Nhật Bản, muốn học ở đâu, đem gì của Việt Nam đến giới thiệu cho các bạn nước Nhật đến những câu khó một chút như Có biết giáo sư người Nhật nào trong ngành của bạn (mình chịu câu này) hay biết gì về ông ABCXYZ nào đó. Điều căn bản là phải bình tĩnh và trả lời đúng sự thật, vì thường sẽ có câu hỏi kiểm tra những điều bạn trình bày. Ví dụ nếu nói thích ban nhạc nào đó của Nhật phải biết một ít thông tin về nó, nếu nói định đi học tiếng Nhật phải biết sẽ đi học ở đâu.

Thi xong làm gì?

Xả hơi thôi :D. Dù làm tốt hay không tốt cũng đừng nên quá lo lắng, vì mình thấy số lượng người được chọn không cố định, may mắn đóng vai trò quan trọng. Năm của mình đột nhiên có 28 bạn Indo (gần hết số lượng dự thi) đỗ học bổng. Kết quả chính thức kèm theo địa điểm học tiếng sẽ được thông báo vào tháng hai, nhưng đến khoảng tháng 12 là danh sách thi đỗ đã đến đại sứ quán. Gọi điện hỏi là biết kết quả. Chúc thành công.

One thought on “Chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng MEXT (bậc Đại học)

Trả lời