Chùa Nisshin Kutsu-ngôi chùa tưởng niệm những người Việt trẻ đã mất tại Nhật

Đăng ngày 24/08/2019 bởi iSenpai

Ở Nhật Bản có hơn 320.000 thực tập sinh nước ngoài và người Việt Nam chiếm khoảng 50% trong số đó.

Nhiều người Việt Nam phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt dẫn tới tai nạn nghề nghiệp và cả tự tử.
Chùa Nisshin Kutsu là một ngôi chùa tưởng niệm những người Việt Nam đã chết tại Nhật Bản. Năm năm trước ngôi chùa này bắt đầu việc tưởng niệm các tu nghiệp sinh và du học sinh Việt Nam. Ở đây có hơn 140 bài vị của các Phật tử, mỗi bài vị khắc tên của một người đã mất. Hầu hết đều là những người Việt Nam mất đột ngột khi còn rất trẻ, có nhiều người mất khi chỉ mới 21, 22 tuổi và điều này vẫn thường lặp đi lặp lại. Nisshin Kutsu là một nhánh của Tịnh độ Tông, nơi rèn luyện của các thầy tu nhưng gần đây ngôi chùa nhận thêm cả những người Việt Nam muốn tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn.

Hiện tại có nhiều chương trình học tập, chương trình về kĩ năng thực tập sinh cho người nước ngoài. Nhờ vậy mà số lượng người Việt Nam đến Nhật làm việc theo các chương trình này rất đông. Việc học tập và làm việc song song cùng một lúc rất vất vả. Hơn nữa phần lớn để sang được Nhật hầu hết những người Việt Nam này phải vay nợ. Hiện nay chi phí mà họ phải trả đã giảm xuống còn khoảng 70 man. Nhưng những năm trước đó chi phí này còn có thể lên tới 120-150 man.

Có một vấn đề là người Nhật không hề nhận thức được những khó khăn và khắc nghiệt trong môi trường làm việc mà người Việt Nam phải trải qua. Để gửi tiền về quê cho gia đình cũng như trả số tiền họ phải vay nợ, hầu hết mọi người phải làm việc rất cực khổ.

Phỏng vấn hai bạn trẻ người Việt Nam là Son Phi Long và Pham Than Con đã tới Nhật Bản làm việc theo diện tu nghiệp sinh.

Phóng viên Asean Boss: Vì sao các bạn quyết định tới Nhật làm việc?

Bạn Long: Tôi có ấn tượng rất tốt về người Nhật và tôi nghĩ họ rất phóng khoáng. Vì thế tôi mong tới Nhật để học tiếng Nhật cũng như học cách làm việc tại đây. Nhưng khi đến Nhật thì nó hoàn toàn khác biệt. Thực sự rất khác. Có những nghiệp đoàn tốt và công ty tốt. Nhưng phần lớn là các nghiệp đoàn và công ty rất tệ.

Phóng viên: Bạn đã bao giờ bị đối xử tệ ở Nhật chưa?

Bạn Con: Có. Ví dụ nhiều đồng nghiệp Nhật đã ném tàn thuốc vào mặt chúng tôi sau khi họ hút xong.

Phóng viên: Thật ư? Bạn có tìm sự giúp đỡ không? Như cảnh sát chẳng hạn?

Bạn Long: Lúc đó tôi có đến đồn cảnh sát và nói với họ rằng “Tôi rất sợ những người Nhật làm chung với tôi”. Nhưng khi cảnh sát gọi cho nghiệp đoàn của tôi thì họ nói rằng họ không cố ý làm vậy. Chỉ là đùa thôi. Vì thế chúng tôi đành quay về và vấn đề hoàn toàn không được giải quyết. Lúc nào tu nghiệp sinh cũng bị xem là người xấu còn nghiệp đoàn lúc nào cũng tốt và công ty cũng thế luôn luôn đúng.

Phóng viên: Đã bao giờ bạn bị phân biệt đối xử ở Nhật chưa?

Bạn Long: Có, tôi đã từng bị. Tiền lương của tôi là 746 yên/h. Đó là mức lương tối thiểu khi làm việc tại Sendai phía Bắc Nhật Bản. Công việc mỗi ngày từ 8h30 sáng cho tới 12h đêm. Mặc dù thời gian làm việc rất dài, nhưng trên giấy tờ chỉ ghi thời gian làm việc từ 8h30 sáng đến 5h chiều. Có nhiều lúc chúng tôi phải làm 24 ngày/tháng nhưng trên giấy tờ vẫn báo rằng chúng tôi làm việc 17 ngày hoặc có khi chỉ 11 ngày. Thấp hơn hẳn một nửa. Công ty chúng tôi làm việc rất tệ. Tiền lương hàng tháng của chúng tôi chỉ khoảng 8 man. Trong đó 3 man là phí sinh hoạt, phần còn lại tôi dành dụm gửi về Việt Nam để trả dần số tiền đã vay của ngân hàng. Số tiền lãi ngân hàng mỗi tháng là 8.000 yên. Đến bây giờ tôi vẫn chưa trả hết số nợ. Giờ tôi vẫn nợ khoảng 40 man.

Cũng có nhiều người không thể về Việt Nam nếu họ chưa thể trả hết nợ. Không còn cách nào khác, nhiều người phải trốn ra ngoài làm việc trái phép hoặc tìm những công việc ở chợ đen Nhật Bản để làm chui tại đó. Họ tìm đến những trang web đen tuyển dụng trái phép hoặc qua sự giới thiệu của người nọ người kia. Đó có thể là những công việc nguy hiểm. Khi người Nhật nói chuyện với chúng tôi, họ không đối xử với chúng tôi giống như con người mà họ coi chúng tôi như động vật. Ví dụ họ sẽ chửi mắng chúng tôi bằng những lời lẽ như “Mày là đồ ngu”, “Mày là loại thiểu năng” hoặc “Mày chết đi”. Tôi đã nghe rất nhiều lời chửi tục tĩu như vậy bằng tiếng Nhật. Vì vậy thứ mà chúng tôi học thêm được là từ chửi bậy.

Phỏng vấn thầy Thích Tâm Tr, nhà sư Việt Nam tại chùa Nisshin Kutsu.

Phóng viên Asean Boss: Thầy đang cầu nguyện điều gì thế ạ?

Thầy Thích Tâm Trí: Thầy cầu nguyện cho những tu nghiệp sinh trẻ xấu số và những du học sinh trẻ Việt Nam đã mất đi đột ngột tại Nhật. Thầy cũng cầu nguyện cho cha mẹ của những người Việt trẻ đã mất, những người phải đột ngột nhận lại hài cốt, ảnh tang và bài vị của con cháu mình. Thầy cầu nguyện cho linh hồn của những bạn trẻ đó sớm có thể quay trở về Việt Nam để trở về với quê hương và cha mẹ của họ.

Nếu bạn gặp phải khó khăn khi sinh sống tại Nhật Bản, hãy đến chùa Nisshin Kutsu, thầy và mọi người ở đó sẽ giúp đỡ bạn. Gặp thầy Tâm Trí, thầy sẽ chia sẻ với các bạn bằng tiếng Việt hoặc cùng nghe giảng đạo để tìm sự bình yên trong tâm hồn. Sau đó mọi người tại đây sẽ cùng bạn tìm cách giải quyết vấn đề.

#iSenpaiNews
Nguồn: https://m.youtube.com/watch?v=YMxIx1z6Xn4

Trả lời