‘Cơn khát’ Nobel Văn học của người Nhật

Đăng ngày 05/10/2015 bởi iSenpai

Giải Nobel Văn học năm 2015 sẽ được công bố trong vài ngày tới. Công ty cá cược Anh Ladbrokes cho biết, nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami là cây bút “nặng ký” thứ 2 cho giải thưởng năm nay, với tỷ lệ đặt cược 6/1, chỉ sau nhà văn Belarusia Svetlana Alexievich, với tỷ lệ 5/1.

Vài năm trở lại đây, Murakami luôn là cái tên được đặt cược với tỷ lệ cao cho giải Nobel Văn học. Năm 2013, ông được đặt cược với tỷ lệ 3/1 và năm ngoái cũng là ứng viên nặng ký. Tuy nhiên, giải thưởng năm 2013 lại được trao cho nhà văn Alice Munro và hồi năm ngoái là Patrick Modiano.

Khi được hỏi tại sao luôn chiếm tỷ lệ cá cược cao mà chưa một lần đoạt giải, Murakami trả lời, đó chỉ là danh sách do các nhà cái lập nên chứ không phải là chính thức, và giải Nobel không phải là một “cuộc đua ngựa”.

Nếu năm nay Murakami giành chiến thắng thì ông sẽ trở thành nhà văn Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học kể từ khi Kenzaburo Oe đoạt giải này hồi năm 1994.

“Cuộc chiến sử thi”

Ở Nhật Bản, cuộc đua giành giải Nobel Văn học được coi là một cuộc chiến sử thi, liên quan đến nhiều cây bút hàng đầu ở đất nước này. Giải Nobel có một ý nghĩa đặc biệt đối với Nhật Bản, được coi là biểu tượng của cho cuộc khôi phục đất nước sau thất bại trong Thế chiến II.

Năm 1949, nhà vật lý Nhật Bản Hideki Yukawa được trao giải Nobel và mãi đến đầu những năm 1960, người Nhật không có thêm một giải Nobel nào.

Đối với các nhà văn của đất nước hoa anh đào, đoạt giải Nobel Văn học tức là họ tiếp tục khẳng định mình ở lĩnh vực khác ngoài kinh tế, trên văn đàn thế giới. Và thời điểm đó, không có nhà văn nào mong muốn đoạt giải hơn Yukio Mishima (1925-1970).

Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami tiếp tục là ứng viên nặng ký trong cuộc đua giải Nobel Văn học năm nay

Lúc đó, Mishima đã ngoài 60 tuổi và dường như ông quyết tâm đoạt được giải thưởng danh giá này từ khi mới ngoài 30 tuổi. Mishima là nhà văn Nhật Bản còn sống đầu tiên gây được tiếng vang rộng khắp phương Tây với những bản dịch tiếng Anh các tiểu thuyết của ông nhưConfessions Of A Mask (1949) và The Sound Of Waves (1954). Ông còn nhận được sự ủng hộ lớn của người bạn, dịch giả Donald Keene, người đã vận động hành lang tích cực để trao cho Mishima nhiều giải thưởng lớn, như giải  Formentor.

Tuy nhiên, Mishima không thành công trong cuộc đua giải Nobel. Tên ông từng xuất hiện trong các danh sách thống kê các nhà văn xứng đáng đoạt giải Nobel của nhiều tờ báo phương Tây. Ông từng tới thăm Stockholm (Thụy Điển) và dành nhiều sự quan tâm tới đại sứ Thụy Điển ở Nhật Fredrik Almqvist, song mọi nỗ lực của ông đều bất thành.

Khi Nhật Bản tiếp tục đoạt giải Nobel Vật lý hồi năm 1965, được trao cho Shinichiro Tomonaga, giới truyền thông nước này lại tập trung hướng vào Mishima. Mệt mỏi với chuyện đó, Mishima đã phải trốn khỏi Nhật, tới những nơi như Thái Lan để tránh sự săn lùng của báo giới.

Nhuốm màu bi kịch

Năm 1968, cuối cùng Nhật Bản đã đoạt giải Nobel Văn học, song giải thưởng này được trao cho nhà văn Yasunari Kawabata. Lúc nhận tin này, Mishima có thể “nghiến răng kèn kẹt”, song ông vẫn viết một bài ca ngợi trên một tờ báo. Sau đó, ông tới nhà Kawabata chúc mừng, tuy nhiên Kawabata tuyên bố, ông không hề mong muốn giải thưởng này.

Thời điểm đó, không mấy người biết rằng Kawabata đã buộc Mishima viết thư cho ban giám khảo giải Nobel Văn học để tiến cử mình, đổi lại Mishima sẽ nhận được sự ủng hộ của Kawabata trong một cuộc tranh chấp pháp lý nảy sinh từ đầu những năm 1960.

Câu chuyện này trở nên phức tạp hơn khi người ta biết rằng, Mishima là người viết một phần trong cuốn tiểu thuyết Người đẹp say ngủ (House Of The Sleeping Beauties) của Kawabata. Chưa đầy 2 năm sau khi Kawabata được trao giải Nobel Văn học, Mishima đã tự vẫn và 2 năm sau đó, Kawabata cũng tự kết liễu đời mình.

Sau khi Kawabata đoạt giải Nobel Văn học, có người đã an ủi Mishima rằng ông sẽ đoạt giải. Tuy nhiên, Mishima đã tiên đoán chính xác, nhà văn Nhật Bản kế tiếp đoạt giải sẽ là “đối thủ” của ông, Kenzaburo Oe.

Song chiến thắng của Oe vào năm 1994 không rõ ràng như lời tiên đoán của Mishima. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia ở phương Tây tin rằng, nhà văn theo đạo Công giáo Shusaku Endo, nổi tiếng với tiểu thuyết kinh điển Silence, là ứng viên nặng ký hơn Oe, vốn có ít độc giả hơn. Nhiều người lại tin giải thưởng sẽ được trao cho nhà văn Kobo Abe. Tuy nhiên, Abe đã qua đời hồi năm 1993 và Endo qua đời 3 năm sau đó. Cả 2 đều chưa hề đoạt giải Nobel Văn học.

Cần sự khẳng định chính thức

Trong 114 năm lịch sử giải Nobel Văn học, mới chỉ có 2 nhà văn Nhật Bản đoạt giải. Năm nay, nếu như nhà văn Murakami trở thành chủ nhân của giải Nobel thì sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa đối với Nhật Bản.

Mặc dù tiểu thuyết của Murakami bán rất chạy ở phương Tây, và sự ủng hộ tích cực của ông dành cho các tác phẩm của một số cây bút Nhật Bản khác, như Natsume Soseki và Ryunosuke Akutagawa, đã nhận được nhiều sự ghi nhận quốc tế đối với nền văn học nước này hơn là giải Nobel, song Nhật Bản vẫn rất cần có giải thưởng này để xem đây như một sự khẳng định chính thức cho các cây bút của đất nước mình.

Murakami – nhà văn Nhật được biết đến nhiều nhất hiện nay

Murakami Haruki sinh năm 1949 tại Kyoto, là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật.

Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những tiểu thuyết ăn khách như Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, 1Q84 và Tazaki Tsukurukhông màu và những năm tháng hành hương. Tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 38 thứ tiếng trên thế giới.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Trả lời