Công nhân người Việt Nam ở Nhật đối mặt với khó khăn khi hệ thống lao động mới được áp dụng

Đăng ngày 28/03/2019 bởi iSenpai

Năm ngoái khi một thực tập sinh nữ người Việt Nam mang thai sau khi đến Nhật, cô buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn: “Bỏ thai hoặc phải về nước”. Nhưng nếu trở về nhà, cô không thể trả được khoản nợ hơn 200 triệu mà cô mượn để đưa cho công ty môi giới ở địa phương.

Shiro Sasaki, tổng thư ký của Liên minh Công nhân Zentoitsu, người đã đứng ra biện hộ cho cô cho biết những lời đe doa như vậy khá phổ biến: “Cô ấy cần phải ở lại để có tiền trả nợ”.

Hy vọng được trả lương cao hơn nhưng lại chịu gánh nặng nợ nần, những người trẻ Việt Nam – nhóm lao động nước ngoài có tỉ lệ tăng số lượng cao nhất – sẽ nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhất khi chính sách mới cho phép tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn bắt đầu được áp dụng từ tháng 4.

Fubata Ishizuka, một thành viên tại Viện phát triển kinh tế, cho rằng: “Thực tập sinh từ Trung Quốc đang giảm vì lương ở nước họ đang tăng theo sự phát triển kinh tế. Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp cao đối với thanh niên có trình độ học vấn, rất nhiều người trẻ muốn ra nước ngoài làm việc”.

Chương trình thực tập sinh kỹ thuật được biết đến như là cánh cửa sau vào Nhật Bản, một đất nước còn e ngại nhập cư, cho công nhân lao động. Các báo cáo về lạm dụng ở Nhật bao gồm lương thấp, không được trả lương, làm việc quá nhiều giờ, bạo lực và quấy rối tình dục. Ở Việt Nam, các công ty môi giới vô đạo đức thường thu phí môi giới cắt cổ từ người lao động.

Các vấn đề này vẫn sẽ tồn tại và có thể trở nên tồi tệ hơn khi áp dụng hệ thống mới theo như ý kiến của các nhà hoạt động, chuyên gia và thực tập sinh.

D:\i-senpai\201903\20190325\n-vietamese-a-20190321-870x642.jpg

Ảnh: Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại xưởng may ở Mitsuke, tỉnh Niigata.

Thủ tướng Shinzo Abe, vốn lo ngại tội phạm gia tăng có thể đe dọa đến kết cấu xã hội, đã nhấn mạnh rằng luật mới vừa được thông qua tháng 12 vừa rồi không phải là “chính sách nhập cư”.Điều này làm các nhà phê bình lo lắng.

Ông Akira Hatate, giám đốc Liên minh tự do dân sự Nhật Bản cho rằng: “Trên thực tế, Nhật Bản đã là một đất nước nhập cư. Nhưng họ nói rằng đây không phải là ‘chính sách nhập cư’ và tiền đề là người lao động sẽ không ở lại, họ chỉ thực hiện các bước tạm thời. Nhu cầu xã hội không được đáp ứng và nhu cầu lao động cũng vậy.”

Hệ thống thực tập sinh bắt đầu từ năm 1993 với mục tiêu là chuyển giao kĩ thuật cho các công nhân từ các nước đang phát triển. Nhưng các vấn đề đã tiềm ẩn từ trước, và được đưa ra tranh luận khi chuẩn bị cho luật mới.

Trong đó, có 4 công ty đã sử dụng thực tập sinh cho công việc khử nhiễm tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bức xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima 3/2011. Hai công ty, cũng bị cáo buộc không trả lương thích hợp, đã bị cấm tuyển dụng thực tập sinh trong năm năm; một số khác đã bị Bộ Tư pháp cảnh báo.

Một cuộc khảo sát của Bộ Lao động được công bố vào tháng 6 cho thấy hơn 70% người sử dụng lao động đã vi phạm các quy tắc lao động, phổ biến là làm việc nhiều giờ và vi phạm nguyên tắc bảo đảm an toàn.

Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ thuật, được thành lập năm 2017 để thanh tra, kiểm sát. Vào tháng này, tổ chức đã gửi cảnh báo cho người sử dụng lao động rằng các thực tập sinh được luật lao động Nhật Bản bảo hộ, và đặc biệt cấm đối xử bất công với các công nhân mang thai.

Các điều kiện khắc nghiệt đã khiến hơn 7.000 thực tập sinh bỏ việc trong năm 2017. Nhiều người bị dụ dỗ bởi các công ty môi giới mờ ám, hứa hẹn làm hồ sơ giả hay công việc trả lương cao. Quá nửa là đến từ Việt Nam.

Bởi vì các thực tập sinh không được phép chuyển đổi người sử dụng lao động, rời bỏ công việc thường có nghĩa là mất visa hợp pháp. Một số ít đến cơ sở của các nhóm phi lợi nhuận hoặc nhận được sự giúp đỡ từ các Hội liên hiệp, trong khi phần lớn biến mất trong thị trường lao động đen.

Ông Shigeru Yamashita, giám đốc điều hành Hiệp hội tương trợ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, “Tình hình hoàn toàn khác với những gì họ được biết từ quê nhà. Họ phải nợ món tiền mà họ không thể trả với đồng lương ở quê. Vì vậy, lựa chọn duy nhất là trốn để làm lao động đen.”

Luật mới sẽ cho phép khoảng 345 nghìn công nhân đến Nhật trong vòng 5 năm ở 14 nhóm ngành, bao gồm cả xây dựng và điều dưỡng, những ngành thiếu lao động trầm trọng. Người lao động với loại visa “kĩ năng đặc biệt” sẽ có thể ở lại 5 năm, nhưng không được mang theo gia đình. Loại visa thứ hai – hiện chỉ áp dụng cho ngành xây dựng và đóng tàu – cho phép người lao động mang theo gia đình và ở lại lâu hơn.

Nguyễn Thị Thúy Phương, 29 tuổi, để lại người chồng và đứa con đang học tiểu học ở Việt Nam để đến làm việc dưới hình thức thực tập sinh tại xưởng may ở Mitsuke, tỉnh Niigata. Ngành dệt may không được đưa vào chương trình visa mới sau khi vì tỉ lệ vi phạm lao động cao trong các chương trình thực tập sinh. Giờ đây Phương chỉ muốn được đem gia đình sang và ở lại dài hơn 3 năm. “Sống ở Nhật tiện lợi hơn và không khí thì sạch sẽ”.

Các cơ quan và cá nhân môi giới việc làm vì lợi nhuận có thể đăng ký làm liên lạc giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các “tổ chức đã đăng ký hỗ trợ” sẽ không cần giấy phép. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ cung cấp giám sát các lao động nước ngoài mới. Ủy ban nhập cư của Bộ lao động sẽ trở thành một cơ quan trung gian từ ngày 1/4.

Vào thứ 6 vừa qua, Bộ Tư pháp đã ban hành quy định mới, bao gồm cả yêu cầu rằng người lao động nước ngoài được trả lương ít nhất phải bằng lao động Nhật Bản. Nhưng ông Sasaki cho biết trọng tâm của cơ quan này sẽ là tình trạng cư trú chứ không phải điều kiện lao động. Ông Hatate thì cho hay, một số công ty sẽ phải đối mặt nguy cơ mất nhà đầu tư nếu họ hoặc nhà cung cấp của họ vi phạm quyền của người lao động.

Nhưng việc vội vàng áp dụng luật mới khiến chính quyền địa phương lo lắng rằng chưa có sự chuẩn bị để hỗ trợ và giúp người nước ngoài hòa nhập. Ông Yuji Kuroiwa, quan chức của Kanagawa, cho rằng, “Nếu không có một cái khung phù hợp để tiếp nhận họ và họ chỉ được xem là cách để bù đắp thiếu hụt lao động, thì chắc chắn sẽ xảy ra những vấn đề lớn.”

Nguồn: Japan Times (https://www.japantimes.co.jp/news/2019/03/20/national/social-issues/vietnamese-blue-collar-workers-japan-seen-facing-risks-labor-system-opens/?fbclid=IwAR3HV0M_p8uoB02JJnYSkndbvBG0H-CbLHkzGSUIMbgSGzCU8gC6lw8MuKQ#.XJgywKIzbIW)

Trả lời