Cuộc cách mạng lặng lẽ trong văn hóa làm việc ở Nhật

Đăng ngày 19/07/2022 bởi iSenpai

Đại dịch Covid có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều mặt của xã hội Nhật. Văn hóa làm việc ở Nhật cũng được cải cách trong một dòng chảy thầm lặng của chế độ làm việc từ xa. Không những thay đổi những quy trình cũ kỹ với con dấu, máy fax và văn bản giấy bằng các biện pháp số hóa mà văn hóa làm việc từ xa còn giúp nhiều nhân viên văn phòng cân bằng được cuộc sống gia đình với công việc.

Theo AFP dẫn số liệu từ viện nghiên cứu Nomura thì trước Covid, Nhật Bản chỉ có 9% lao động làm việc từ xa so với 32% ở Mỹ và 22% ở Đức. Con số này đặc trưng cho văn hóa văn phòng ở Nhật, nơi nhiều công ty vẫn yêu cầu nhân viên trực tiếp đóng dấu lên các văn bản hành chính, sử dụng máy fax để gửi tài liệu. Ngoài ra thì việc làm thêm giờ, đi nhậu cùng đồng nghiệp hay được phái cử đi công tác xa nhà cũng là những hình ảnh phổ biến với lực lượng lao động ở Nhật. Tuy nhiên Covid đã khiến văn hóa làm việc từ xa phổ biến hơn và tạo ra một làn sóng thay đổi.

AFP đưa ra câu chuyện của ông bố hai con Kojima, một nhân viên văn phòng cô đơn. Anh có gia đình nhưng phải sống một mình trong phòng trọ gần công ty ở Tokyo, cách nhà anh ở Nagoya gần một tiếng rưỡi đếu đi Shinkansen. Trước đại dịch anh chỉ có thể ở gần gia đình hai lần mỗi tháng. Tuy nhiên sau khi được làm việc tại nhà, anh đã có thể gắn bó với gia đình và giúp đỡ các cô con gái học hành. Và anh cũng thấy mình làm việc hiệu quả hơn so với khoảng thời gian cô đơn ở Tokyo. Con gái út của anh nói rằng cô bé muốn anh vẫn có thể tiếp tục ở gần gia đình như thế.

Tuy Nhật Bản đang dần bình thường hóa sau đại dịch nhưng nhiều công ty vẫn duy trì văn hóa làm việc từ xa. Các biện pháp thay thế con dấu và máy fax, thói quen được duy trì từ những thập niên phát triển kinh tế thần kỳ 1970 và 1980, đang được chính phủ và các doanh nghiệp nỗ lực hành động. Covid cũng khiến các công ty nhận ra việc thay đổi có thể mang lại hiệu quả hơn. Nếu không có những thay đổi mang tính bắt buộc do các lệnh giãn cách trong thời kỳ đại dịch, sự bảo thủ trong văn hóa làm việc ở Nhật khó lòng tạo ra một cuộc cải cách ở tốc độ nhanh.

Nhật Bản mất nhiều năm để xây dựng các chính sách phục hồi các vùng nông thôn tuy nhiên không đạt được nhiều hiệu quả. Tuy nhiên trong ba năm qua, nhiều người đã rời bỏ các thành phố lớn để về sống ở những vùng quê nhờ vào văn hóa làm việc từ xa. 

Nikkei đã đưa ra một ví dụ tiêu biểu là Kaneko (43 tuổi), người đã từ bỏ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng đầy căng thẳng để trở về quê nhà Saitama. Anh mở một quán trọ nhỏ ở vùng núi non Tokigawa, một thị trấn nhỏ với 10 nghìn người sinh sống. Ở quê nhà, Kaneko cùng vợ trồng rau và tự cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống thường ngày. Họ không đặt ra các tiêu chuẩn ngặt nghèo về cuộc sống tự cung tự cấp mà chỉ muốn có một cuộc sống bớt căng thẳng hơn.

Vợ chồng Kaneko không phải là những người duy nhất. Có nhiều người Nhật cảm thấy kiệt sức về cuộc sống công sở kiệt sức ở thành phố cũng như những mối quan hệ xã hội căng thẳng. Họ tìm tới một lối sống thoải mái hơn và không bị gây sức ép bởi các deadline. Việc các công ty cho phép làm việc tại nhà cũng giúp nhiều người mạnh dạn hơn trong việc trở về quê sinh sống. 

Theo Japan Today, AFP, Nikkei

Trả lời