Đại học Keio thử nghiệm lâm sàng điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào iPS

Đăng ngày 28/06/2021 bởi iSenpai

Theo Yomiuri Shimbun, Đại học Keio đã bắt đầu một nghiên cứu lâm sàng để điều trị bệnh nhân bị chấn thương tủy sống bằng cách sử dụng tế bào gốc đa chức năng (iPS). Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứutrên thế giới liên quan đến việc sử dụng tế bào iPS để tái tạo tủy sống bị tổn thương và hiện không có phương pháp điều trị hiệu quả nào cho những chấn thương đó ngoài việc phục hồi thể chất.

Cũng theo nguồn tin trên, hai giáo sư Masaya Nakamura và Hideyuki Okano sẽ lãnh đạo chương trình nghiên cứu kéo dài một năm và thực hiện tại bệnh viện đại học Keio và các cơ sở liên kết. Nghiên cứu này sẽ sử dụng khoảng 2 triệu tế bào được tạo ra từ tế bào iPS của những người không bị bệnh và phát triển chúng thành các tế bào thần kinh và cấy ghép vào các bệnh nhân bị chấn thương tủy sống do tai nạn giao thông, ngã hoặc chân thương do hoạt động thể thao. Mục đích của nhóm nghiên cứu là xác minh tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị sử dụng tế bào iPS.

Việc cấy ghép sẽ được thực hiện trên những bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên có chức năng vận động cơ bị tê liệt hoàn toàn ở giai đoạn bán cấp, tức trong vòng 2-4 tuần kể từ khi tủy sống bị chấn thương. Ở những bệnh nhân này, các dây thần kinh có khả năng tái tạo cao hơn so với những bệnh nhân ở giai đoạn mãn tính (những người bị chấn thương trong thời gian dài).

Hiện tại Bệnh viện Đại học Keio đã tiếp nhận một bệnh nhân vào thứ Hai tuần này và sẽ mở rộng điều trị cho ba bệnh nhân tình nguyện khác. Hiện có khoảng 5.000 trường hợp chấn thương tủy sống mới ở Nhật Bản mỗi năm và hơn 100.000 người đang ở giai đoạn mãn tính.

Điều trị bằng cách sử dụng tế bào iPS ở Nhật đã được tiến hành đối với các bệnh như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, bệnh Parkinson hay bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.

Theo Yomiuri Shinbun, Yahoo News

 

Trả lời