Đại học Kyoto sẽ cung cấp tế bào gốc đã chỉnh sửa gene từ năm 2023

Đăng ngày 18/04/2022 bởi iSenpai

Mới đây một cơ quan nghiên cứu của đại học Kyoto đã công bố việc chuẩn bị cung cấp các các tế bào gốc đa năng cảm ứng (tế bào iPS) để sử dụng trong y tế từ tháng 3 năm sau. Các tế bào được cung cấp đã được giảm nguy cơ thải ghép thông qua công cụ chỉnh sửa gen CRISPR. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng các nghiên cứu về tế bào gốc.

Tế bào iPS là loại tế bào gốc đa tiềm năng được tạo ra từ các tế bào trưởng thành. Tế bào iPS hứa hẹn sẽ mang tới một bước tiến lớn về y học khi có thể tăng sinh vô hạn và có thể phát triển thành mọi loại tế bào trong cơ thể (như tế bào thần kinh, tim, tuyến tụy và gan), chúng đóng vai trò là nguồn tế bào duy nhất có thể được sử dụng để thay thế cho các mất mát do tai nạn hoặc bệnh tật. Nghiên cứu về tế bào iPS của giáo sư Yamanaka Shinya của đại học Kyoto đã được trao giải Nobel Y Sinh năm 2012.

Phòng nghiên cứu CiRA, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào iPS của đại học Kyoto, hiện đang lên kế hoạch tăng các loại tế bào iPS hiện tại để tăng lượng tế bào phù hợp với hầu hết người Nhật và 95% dân số thế giới. CiRA đã phát triển các tế bào iPS từ những tình nguyện viên hiến tặng có các loại miễn dịch hạn chế thải ghép để sử dụng trong y học tái tạo tại các bệnh viện ở các trường đại học và các cơ quan y tế khác.

Các tế bào này có thể đảm bảo việc cấy ghép thành công cho khoảng 40% người Nhật. Để giúp tương thích với nhiều người hơn thì CiRA đã nghiên cứu việc phát triển tế bào iPS mang các loại miễn dịch mới thông qua công cụ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 và làm phong phú hơn kho tế bào dự trữ. CiRA đặt mục tiêu tới tháng Sáu năm nay sẽ tạo được các loại tế bào đáp ứng đủ tiêu chí cấy ghép.

Theo các nghiên cứu lý thuyết nếu các loại tế bào iPS có 7 loại miễn dịch thì sẽ có thể phù hợp để cấy ghép cho hầu hết người Nhật. Nếu có 12 loại miễn dịch thì sẽ phù hợp để cấy ghép cho 95% dân số thế giới. 

Theo Kyodo News, Kahoku

 

 

Trả lời