Mới đây một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hóa học vật liệu và Kỹ thuật thuộc Đại học Kyushu đã công bố một công trình mới trên tạp chí Chemical Communications về việc phát triển cảm biến khứu giác có khả năng nhận diện hơi thở của con người. Độ chính xác trong loạt thử nghiệm đầu tiên lên tới 97,8%.
Nhà nghiên cứu Chaiyanut Jirayupat thuộc nhóm nghiên cứu này cho biết công trình này dựa vào đặc trưng trong các thành phần hoá học trong mùi hơi thở của từng người. Ban đầu nhóm tập trung vào khí thải qua da nhưng gặp hạn chế vì da không tạo ra được thành phần hoá học đặc trưng đủ mật độ để máy móc có thể phát hiện.
Sau đó nhóm chuyển hướng sang kiểm tra mùi qua hơi thở. Trước đây từng có các nghiên cứu khác sử dụng hơi thở để xác định ung thư, tiểu đường hay Covid. Nghiên cứu của nhóm kiểm tra 28 hợp chất trong hơi thở con người để nhận dạng sinh trắc học với một nhóm các cảm biến khứu giác. Mỗi cảm biến sẽ nhận dạng một nhóm hợp chất riêng biệt. Dữ liệu về cảm biển được phân tích và tạo ra lý lịch sinh trắc học riêng của từng người.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Takeshi Yanagida thì độ chính xác của loạt thử nghiệm đầu tiên lên tới 97,8% với mẫu thử gồm 20 cá nhân với khác biệt về độ tuổi, giới tính và quốc tịch. Nghiên cứu này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hiện tại các tình nguyện viên đang phải nhịn ăn 6 tiếng trước khi tiến hành kiểm tra, nhóm sẽ tiếp tục tìm hiểu xem có thể đạt hiệu quả trong thử nghiệm mà không cần xem chế độ ăn uống của người được kiểm tra hay không.
Theo Kyushu University, Newsweek