Đại học Nhật Bản phát triển giống lúa tạo ra các hạt chứa nước đường

Đăng ngày 05/11/2020 bởi iSenpai

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nagoya mới đây đã công bố về một phát kiến mới mang tính cách mạng liên quan đến lĩnh vực sản xuất đường. Cụ thể, họ đã thành công trong việc phát triển giống lúa mới không tạo ra hạt gạo mà cho ra các hạt chứa nước đường. Thông thường, cây lúa trải qua quá trình sinh trưởng và phát triển sẽ cho ra sản phẩm là hạt thóc, sau khi xát bỏ vỏ ngoài sẽ thu được hạt gạo sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có thể can thiệp vào quá trình sinh sản tạo ra hạt gạo của cây lúa, từ đó cho ra các hạt mang lại năng suất cao có chứa nước đường với hàm lượng đường saccarose chiếm 98%.

Thông qua các phương pháp lai tạo, nhóm nghiên cứu đã có thể phát triển thành công giống lúa tạo ra các hạt chứa đầy nước đường có kích cỡ bằng hạt thóc. Điều này có nghĩa rằng đường có thể được sản xuất một cách dễ dàng và phổ biến trên khắp thế giới như sản xuất hạt gạo. Ngoài việc được sử dụng để chế biến thực phẩm, đường saccarose còn là nguồn nhiên liệu sinh học khá tốt. Bên cạnh đó, nếu so sánh với đường làm từ mía hay củ cải thì giống lúa sản xuất ra đường sẽ dễ trồng, thu hoạch và vận chuyển hơn trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều người Nhật tỏ ra vô cùng hào hứng trước phát kiến mang tính cách mạng này.

“Đây là thành quả của niềm đam mê phi thường đối với việc cải tiến hạt gạo”. “Tôi rất tò mò về loại rượu sake được tạo ra từ giống lúa này.” “Các nhà nghiên cứu sẽ là ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Ig Nobel năm sau”.

Tham khảo:
https://www.google.com/amp/s/soranews24.com/2020/11/04/nagoya-university-develops-rice-plant-that-grows-pure-sugar/amp/
https://hicbc.com/news/article/?id=0004F6D8
http://blog.esuteru.com/archives/9601049.html

Trả lời