Điều gì đằng sau vụ tấn công tại Kawasaki?

Đăng ngày 16/06/2019 bởi lam huong

Điều gì đằng sau vụ tấn công ở Kawasaki?

Một tuần đã trôi qua từ khi vụ tấn công đám đông xảy ra ở Kawasaki, phụ cận Tokyo. Kẻ tấn công là Ryuichi Iwasaki, 51 tuổi, được biết là một kẻ thất nghiệp và sống thu mình trong nhiều năm. Hắn ta được truyền thông Nhật Bản miêu tả như một trường hợp kinh điển của hikikomori (sống xa lánh với xã hội). Và việc hắn ta tự kết liễu đời mình ngay sau khi tấn công đã khiến một chuyên gia đưa ra ý kiến rằng ông xem hành động này như là một dạng “lôi kéo tự sát”.

Các nguồn tin điều tra cho biết trích xuất từ các camera an ninh cho thấy một người đàn ông giống nghi phạm đã xuất hiện ở nhà ga và các địa điểm khác gần hiện trường 4 ngày trước khi vụ việc xảy ra. Cảnh sát nghi ngờ rằng hắn ta đã đi kiểm tra trước khu vực xung quanh. Nghi phạm được cho là đã mua 2 con dao dài 30cm dùng để tấn công, và hắn ta còn mang thêm hai con dao nữa trong ba lô.

Ảnh: Ryuichi Iwasaki trong album ảnh tốt nghiệp của trường cấp 2.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện về tâm lý của kẻ tấn công với giáo sư Takayuki Harada của Đại học Tsukuba, một chuyên gia tâm lý học tội phạm.

Lên kế hoạch trước

Giáo sư cho rằng kẻ tình nghi đã có kế hoạch cụ thể và việc mua dao cho thấy mong muốn giết người mạnh mẽ, thậm chí là một nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, giáo sư Harada cho rằng cuộc tấn công có thể là “lôi kéo tự sát”. Mục tiêu chính của nghi phạm là tự giết mình, chứ không chỉ là giết người khác. Nghi phạm muốn cả thế giới chú ý đến mình với nỗ lực lôi kéo sự chú ý.

Nghi phạm sống cùng dì và chú, cả hai đều ở độ tuổi hơn 80, ở Kawasaki, cách hiện trường khoảng 4km. Họ đã từng xin tư vấn về trạng thái tâm lý của nghi phạm với các nhân viên phúc lợi của Kawasaki từ năm 2017. Các quan chức của Kawasaki nói rằng nghi phạm đã thất nghiệp và sống tách biệt trong nhiều năm, gia đình không thể giao tiếp với hắn ta. Dì và chú của hắn ta ngày càng già đi và lo lắng về tương lai của Iwasaki, vì vậy họ đã nghĩ cách để hắn ta có thể tự lo liệu cho mình. Các nhân viên phúc lợi đã đề nghị họ viết một bức thư để nói chuyện với hắn ta, và hai người đã để thư trước cửa phòng hắn. Iwasaki đã trả lời rằng hắn ta có thể tự chăm sóc cho bản thân, nấu nướng và giặt giũ được, vì vậy hắn ta không muốn bị xem là một kẻ hikikomori.

Anh Morito Ishizaki, một nhà báo chuyên về hikikomori, đã nói về tác động của vụ án: “Đầu tiên, tôi lo ngại xã hội sẽ xem tất cả những hikikomori là nhóm người có nguy cơ cao gây ra tấn công hàng loạt. Các bạn nên tách biệt giữa nghi phạm và những người hikikomori. Đánh đồng họ với nhau sẽ gây nên sự phân biệt đối xử với hikikomori và làm tình hình tồi tệ hơn đối với họ.” Ishizaki là tổng biên tập tạp chí “Hikipos” chuyên viết về những trải nghiệm và cuộc sống của hikikomori. Anh cũng từng là một hikikomori.

Một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái cho thấy ước tính có khoảng 613 nghìn người trong khoảng 40 đến 64 tuổi là hikikomori. Đây là lần đầu tiên độ tuổi này được khảo sát và con số này đã vượt qua số người trong khoảng 15 đến 39 tuổi, được cho là phổ biến của hikikomori.

Xây dựng mối quan hệ tốt hơn

Anh Ishizaki cho biết trong khi người trẻ thường lo lắng về bạn bè và những mối quan hệ thì đối với những người trung niên hoặc lớn tuổi hơn, sống sót mới là vấn đề cấp bách nhất.

“Người ta nói rằng nghi phạm và họ hàng của hắn ta đã không gặp nhau trong nhiều năm. Tôi có thể tưởng tượng được rằng một người bị thất nghiệp thời gian dài ở độ tuổi 50 sẽ cảm thấy rất vô vọng về tương lai. Họ sẽ nghĩ đến việc tự sát thay vì sống xa lánh với xã hội trong suốt quãng đời còn lại.”

Anh Ishizaki cho rằng việc cải thiện mối quan hệ với những người sống tách biệt với xã hội là điều rất quan trọng. “Đừng gọi họ là hikikomori khi mối quan hệ giữa hai bên chưa có sự tin cậy lẫn nhau. Điều này làm họ tổn thương sâu sắc. Chúng tôi muốn mọi người tạo một bầu không khí thân thiện từng bước để người khác cảm thấy thoải mái để giao tiếp. Xây dụng mối quan hệ tin cậy là cách tốt nhất để hỗ trợ những người hikikomori và đó cũng là cách để tránh những vụ việc như vụ tấn công ở Kawasaki xảy ra.”

Nguồn: NHK

Link: https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/backstories/570/?fbclid=IwAR0ytezqY7nLqrAUXsXFCU-U47Yl4BbRW3aCA0XAFCKcPvgNZcfroZ2LSgo

 

 

 

 

 

Trả lời